Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! Ví như hư không mặt trời chiếu thì sáng, mây đùn bèn tối. Tuy bản thể của hư không chẳng do mây hay mặt trời mà tăng - giảm, nhưng tướng hiển hiện hay ngăn lấp cố nhiên có nói trọn năm cũng chẳng hết.
Do vì nghĩa này, Như Lai dạy khắp các chúng sanh duyên niệm nơi Phật. Vì thế nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”. Lại nói: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Do vậy, lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ, tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh”. Hễ duyên theo Phật giới thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nếu duyên theo các giới chúng sanh thì tâm này làm chúng sanh, tâm này là chúng sanh. Hiểu rõ điều này rồi mà chẳng niệm Phật thì chưa bao giờ có chuyện ấy!
Một pháp Niệm Phật chính là lấy hồng danh vạn đức của Như Lai làm duyên, mà hồng danh vạn đức ấy lại chính là vô thượng giác đạo Như Lai đã chứng nơi quả địa! Do dùng Quả Địa Giác ấy làm Nhân Địa Tâm nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm; như tò vò chúc loài sâu, lâu ngày sẽ hóa thành [tò vò]. Thành Phật ngay trong đời này, chuyển phàm thành thánh, công năng lực dụng ấy vượt trội hết thảy những pháp môn khác trong cả một đời giáo hóa. Bởi lẽ hết thảy các pháp môn đều cậy vào tự lực đoạn Hoặc chứng Chân mới liễu thoát sanh tử; còn pháp môn Niệm Phật thì tự lực lẫn Phật lực hai thứ đều đầy đủ. Vì thế, người đã đoạn được Hoặc nghiệp bèn mau chứng Pháp Thân, người còn đầy đủ Hoặc nghiệp sẽ đới nghiệp vãng sanh.
Pháp này cực kỳ bình thường, dẫu là ngu phu ngu phụ cũng đạt được lợi ích, nhưng lại cực huyền diệu, dẫu là Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng thể vượt khỏi phạm vi pháp này. Bởi vậy, không một ai chẳng kham tu, mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh chóng, thật là một pháp môn đặc biệt trong giáo pháp cả một đời của đức Như Lai, cố nhiên chẳng thể dùng giáo lý thông thường để biện luận được. Chúng sanh đời Mạt Pháp phước mỏng huệ cạn, chướng dầy, nghiệp sâu chẳng tu pháp này, cứ muốn cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử thì khó khăn muôn phần! Trụ Trì chùa Thê Chân là hòa thượng Liên Nhân thấy được điều này nên đặc biệt lập đạo tràng niệm Phật suốt năm tại điện Tam Thánh, nhờ tôi giãi bày ý ấy ngõ hầu người thấy nghe phát tâm. Do vậy, tôi bèn viết đại lược như vậy đó.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, Quyển 3, Lời tựa cho đạo tràng niệm Phật quanh năm tại Thê Chân
Đại sư Ấn Quang