Dạy những nghĩa lý về pháp môn Tịnh Độ và cách đối trị nóng giận (trích lục)
Như Lai phải tùy thuận cơ nghi, nói ra hết thảy các pháp
Đức Như Lai ra đời vốn nhằm làm cho các chúng sanh đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử mãi cho đến khi thành Phật mới thôi! Nhưng vì chúng sanh căn tánh không đều nhau, cho nên Như Lai phải thuận theo cơ nghi, nói ra hết thảy các pháp Đại - Tiểu, Quyền - Thật, Thiên - Viên, Đốn - Tiệm. Pháp tuy đủ mọi loại bất nhất, nhưng đều nhằm để thành thục thiện căn cho chúng sanh, khiến cho họ rốt ráo thành Phật. Nhưng đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử há phải dễ dàng ư? Nếu chẳng phải thuộc hai loại người, [tức là] hạng đã gieo trồng [hạt giống] từ trước đến nay chín muồi và hàng Pháp Thân thị hiện, thì dù có tu trì cũng chẳng thể ngay trong đời này, hoặc trong một hai đời giải quyết nhanh chóng được! Kẻ căn cơ độn dù trải qua kiếp số lâu xa vẫn khó thể liễu thoát bởi lẽ chỉ cậy vào tự lực! Như Lai nghĩ thương chúng sanh tự lực liễu thoát khó khăn, nên bèn đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật thì tuy là tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cực nặng sắp đọa địa ngục A Tỳ vẫn được vãng sanh. Huống chi những ai không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện ư? Huống gì những Phật tử thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới ư?
Chỉ có các vị [Đại] Bồ Tát mới có thể gánh vác rốt ráo
Pháp môn Tịnh Độ thích hợp khắp ba căn, chính là để tiếp dẫn căn khí Thượng Thượng, và là tiếp dẫn kèm thêm hạng trung hạ. Kẻ ngu thường hay chê [pháp này] là thiển cận, Tiểu Thừa, nói chung là vì do chưa đọc kinh luận Đại Thừa, chưa gặp được bậc thông suốt có đầy đủ con mắt, dùng cái tâm điên đảo, chấp trước của chính mình để dò lường đạo thông suốt từ ban đầu cho đến chung cục của Như Lai. Như kẻ mù nhìn mặt trời, như kẻ điếc nghe sấm, cố nhiên bọn họ chẳng thấy, chẳng nghe, cho nên mới bình luận lầm lạc! Phải biết: Một pháp Tín Nguyện Niệm Phật chính là lời tuyên thuyết phát xuất tâm từ bi triệt để phổ độ chúng sanh của đức Như Lai; chỉ có các vị Bồ Tát như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v… mới có thể gánh vác rốt ráo. Bọn họ thấy ngu phu, ngu phụ đều có thể niệm Phật bèn coi [pháp này] là thiển cận, là Tiểu Thừa, có khác gì thấy ngôi sao treo nhỏ tí trên không trung bèn cho trời là nhỏ nhoi, thấy con trùng bé xíu bò trên đất bèn cho là đất cỏn con hay chăng?
Hiện tại được tiếp xúc với khí phận của Phật, lúc lâm chung lẽ nào chẳng cảm ứng đạo giao?
Nếu có thể tin tưởng được pháp này thì chính là nhiều đời nhiều kiếp đã gieo sâu thiện căn. Nếu có thể dùng lòng tín nguyện sâu xa trì danh hiệu Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối thì chính cái tâm phàm phu ấy sẽ biến thành Như Lai Tạng, như người nhiễm mùi hương thân có mùi thơm. Hiện tại được tiếp xúc với khí phận của Phật, lúc lâm chung lẽ nào chẳng cảm ứng đạo giao, được Phật tiếp dẫn hay sao? Những pháp như nhiếp tâm niệm Phật và tùy phận tu trì, tùy duyên hóa đạo, cũng như duyên do của Thiền Tông, Tịnh Tông, Phật lực, tự lực lớn - nhỏ, khó - dễ đã được trình bày tường tận trong Ấn Quang Văn Sao, xin hãy lắng lòng đọc kỹ ắt sẽ tự biết, nên ở đây không ghi lại cặn kẽ.
Quảng cáo khai trương tiệm bán đồ chay của Ninh Ba Công Đức Lâm
Thảy đều có cùng một tâm linh minh giác tri như ta, nhưng vì túc nghiệp sâu nặng...
Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật đời vị lai. Lập phương cách cứu giúp, che chở còn e chẳng kịp, lẽ nào chỉ nhằm sướng bụng miệng ta mà giết thân mạng chúng ư? Phải biết những loài vật bay trên không, lặn dưới nước đều có cùng một tâm linh minh giác tri như ta, nhưng vì túc nghiệp sâu nặng cho nên hình thể rất khác biệt, miệng chẳng nói được. Nhìn vào tình trạng tìm tòi cái ăn, trốn tránh cái chết sẽ tự hiểu chúng nó chẳng khác gì con người. Chúng ta nương vào sức túc phước, may mắn được sanh trong loài người, tâm có trí khôn, lẽ ra phải giữ vẹn tình cha trời mẹ đất, coi dân như ruột thịt, xem loài vật như chính mình, hòng khỏi phụ [cái tiếng] sánh cùng trời đất xưng là Tam Tài, phụ trợ quyền sanh trưởng dưỡng dục của trời đất, khiến cho dân lẫn loài vật đều được sống yên, cùng được [trời đất] che chở, cùng hưởng niềm vui [sống hết] tuổi trời thì mới nên!
Đến ngày nào đó phước xưa đã hết
Nếu chẳng cảm nhận đức hiếu sanh của trời đất, cứ mặc tình giữ ý niệm tham ăn, tham uống, cậy ta mạnh lấn hiếp loài yếu, ăn thịt chúng nó cho thỏa bụng mình, ắt đến ngày nào đó phước xưa đã hết, sát nghiệp hiện tiền, muốn chẳng bị đổi đầu thay mặt, lần lượt bị chúng nó giết ăn, há có được chăng? Huống chi thịt có chất độc do lúc chúng bị giết hại tâm oán hận cố kết lại. Vì thế, những khi ôn dịch lưu hành, người ăn chay rất ít bị truyền nhiễm. Hơn nữa, thịt là thứ uế trược, ăn vào khí huyết dơ, tinh thần tăm tối, phát triển nhanh nhưng chóng suy, là đầu mối dễ nẩy sanh bệnh tật nhất. Đồ chay là phẩm vật tinh khiết, ăn vào khí chất trong sạch, trí óc sáng sủa, khỏe mạnh lâu dài, lâu già, do có nhiều khả năng bồi bổ. Đây tuy là lời bàn thông thường về phép vệ sinh, chứ thật ra chính là lời luận cùng tột tánh. Do tập tục quen thói đến nỗi mê muội chất chứa, không thể phản tỉnh được!
Tàn nhẫn đối với loài vật quyết khó thể nhân từ đối với dân
Phải biết: Nhân từ đối với dân thì phải thương yêu loài vật, tàn nhẫn đối với loài vật quyết khó thể nhân từ đối với dân, do tập tánh khiến ra như thế. Vì vậy, khi vua thánh cai trị cõi đời, chim, thú, cá, rùa đều sống yên vui. [Thánh vương dùng] đạo sáng dạy dân, chất keo dính (để bẫy chim), gậy gộc, đạn, cung đều bỏ hết. Thử nghĩ xem, từ xưa đến nay, phàm những kẻ tàn nhẫn, tham tàn, dòng dõi đa phần tuyệt diệt. Người nhân từ cứu giúp con cháu ắt thạnh vượng. Kẻ làm ác, Khổng Tử phán đoán kẻ ấy vô hậu. Kẻ mặc tình ăn thịt, Như Lai dự ký ắt phải đền trả. Xin chớ nói xuông “xa lánh chuyện bếp núc”, đấy chính là lời nói quyền biến thuận theo thế tục. Hãy nên vĩnh viễn dứt những thứ hôi tanh thì mới là thật nghĩa xứng lý.
Đều là do ăn thịt mà ra
Gần đây, nỗi thảm sát kiếp quả thật là nghìn xưa chưa từng nghe thấy. Nếu suy xét kỹ càng căn nguyên thì đều là do ăn thịt mà ra. Những bậc lo cho đời ai nấy đều muốn nhổ rễ lấp nguồn, mà Công Đức Lâm được sáng lập ở vùng Thân Giang (Thượng Hải - Giang Tây) là chỗ đã dựng lá cờ đầu. Các vị hương thân như quan Đạo Doãn họ Hoàng, quan Trấn Sử họ Vương, quan Tri Sự họ Khương, ông Trương Nhượng Tam, và ông Ngô Đông Sơn v.v… các vị sa-môn như Đế Nhàn pháp sư, Khai Như, Liễu Dư v.v… cùng thương xót cho sát kiếp trong cõi đời, tính gieo trồng nhân, thọ, hạnh phúc, bèn dấn mình vào chốn bụi trần miền Thân Giang, tự đặt mình làm người xướng suất cho vùng Ninh Ba, lập ra Công Đức Lâm này, đề xướng tiệc chay khiến cho người dân trong vùng mỗi dịp quan - hôn - tang - tế đều dùng tiệc chay, đãi khách, nhóm bạn đều dùng món chay. Dùng hành động nấu nướng nhỏ nhoi thay cho người khác này để tạo thành phương tiện vãn hồi kiếp vận lớn lao. Chuyên mang chí lợi sanh, hoàn toàn chẳng phải chỉ để kiếm lời; do vậy, bèn mời những thợ khéo chế biến món ngon để đáp ứng nhu cầu quan - hôn - tang - tế tiệc tùng của người dân trong vùng, hoặc đến Công Đức Lâm này để dùng, hoặc gởi đến tận nhà cho họ thụ dụng. [Trả công] ít - nhiều, nồng hậu hay sơ sài đều tùy ý. Phàm những ai đoái tưởng tới, quyết chẳng phụ lòng. Khẩn thiết mong thiện tín chốn quan trường hay thương mãi đều phát tâm kiêng giết, bảo vệ sanh vật, cùng bỏ ăn mặn, cùng nhau ăn chay, khiến cho từ phong (gió từ) từ đây được thổi khắp, ngõ hầu sát kiếp từ đây tiêu diệt. Sẽ thấy thời thế hòa bình, được mùa, dân giàu, vật mạnh, vĩnh viễn không có thiên tai nhân họa, hưởng mãi yên vui thái bình. Đấy chính là thâm tâm của các vị như Đạo Doãn phát khởi Công Đức Lâm này, cho nên tôi sáng tối thắp hương niệm Phật khẩn cầu, mong sao các nơi bắt chước theo. Do vậy, bèn trần thuật duyên khởi.
"Đồ chay là phẩm vật tinh khiết, ăn vào khí chất trong sạch, trí óc sáng sủa, khỏe mạnh lâu dài, lâu già, do có nhiều khả năng bồi bổ"
Đoạn: "Chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật thì tuy là tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cực nặng sắp đọa địa ngục A Tỳ vẫn được vãng sanh. Huống chi những ai không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện ư? Huống gì những Phật tử thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới ư?"
Vì sao có những kẻ đã từng tạo nhiều việc ác, nay gặp nhân duyên tốt lành, biết hồi đầu tu hành hướng thiện, niệm Phật lại được thành tựu; còn nhiều người tu hành cả đời, làm được nhiều việc thiện, siêng năng tinh tấn, lại chưa chắc được thành tựu? Nguyên nhân khác biệt chính là nó nằm ở niềm tin, người này [kẻ từng tạo ác] do sợ đọa lạc khổ đau cầm chắc rồi nên một lòng một dạ tin tưởng, hành trì miên mật, giống như kẻ sắp chết chìm vớ được chiếc phao vậy. Còn người kia, do nghĩ mình tu hành cả đời chắc là không đến nỗi, lại nhiều khi cậy vào các việc thiện lành đã làm xuyên suốt một đời, đâm ra 'ít quan tâm' đến pháp chính yếu để liễu thoát sanh tử là "Tín Nguyện Niệm Phật", thành ra là niệm tin không được mạnh mẽ, chân thực bằng. Cộng với việc một đời hành đạo tiếp xúc với 'đa phương tiện', 'đa văn hóa'... sự hiểu biết quá nhiều, nhưng lại không biết 'buông xuống', chắt lọc, không biết trạch pháp, cần chỉ giữ lại một pháp khẩn yếu nhất để đặt trọn niềm tin vào mà hành trì, những cái còn lại hoàn toàn chỉ là phương tiện, tùy duyên làm, xong rồi thì cần 'quên' ngay. Rồi chưa nói đến nhiều khi còn vướng vào cái vòng danh lợi nữa. Cho nên, tu hành cần nhất ở sự chuyên nhất [một mục tiêu giải thoát, một pháp môn hành trì], xuyên suốt cả một đời hành đạo như thế, một cách chân thực, nghiêm túc.
Câu: "Hiện tại được tiếp xúc với khí phận của Phật, lúc lâm chung lẽ nào chẳng cảm ứng đạo giao, được Phật tiếp dẫn hay sao?". Khí phận của Phật ở đây ý nói là sự ngầm được bảo hộ, che chở của Phật lực [cảm được với oai đức Bổm Nguyện Phật]. Bình thời đã được như vậy thì khi lâm chung ắt cũng sẽ được như thế, thậm chí còn cảm ứng mạnh mẽ hơn nhiều, vì đó là lúc quan trọng nhất, cần sự gia hựu che chở nhiều nhất. Đây là những chỗ tinh hoa, lời Chư Tổ dạy, chúng ta cần phải học tập, tin tưởng rốt ráo [sẽ được đại lợi ích].
Câu: "Gần đây, nỗi thảm sát kiếp quả thật là nghìn xưa chưa từng nghe thấy. Nếu suy xét kỹ càng căn nguyên thì đều là do ăn thịt mà ra". Thật sự mà nói, còn sát sanh, còn ăn thịt chúng sanh, hay còn tạo các ác nghiệp như phá thai, đánh bắt thủy hải sản... là còn nạn đao binh, ôn dịch, ung thư... do còn nợ [mạng] là còn phải trả, còn tạo nhân là còn trổ quả, rồi các thiên tai như núi lửa, động đất, bão tố, lũ lụt..., do tâm sân hận lúc bị giết hại cố kết tích tụ lâu dần. Thảy đều có nguồn gốc sâu xa là do phải phục vụ cho cái miệng [thích ăn thịt] này. Dĩ nhiên còn do nhiều nghiệp lực khác chiêu cảm như tham sân si, sắc dục... Chúng ta thấy có những quốc gia có tỉ lệ ăn chay cao thì luôn được bình yên, an lành, rất ít dịch bệnh, thiên tai. Còn nhiều quốc gia tuy giàu mạnh, mức sống cao, khoa học kỹ thuật phát triển [nhưng tỉ lệ ăn chay ít], khi dịch bệnh xảy đến lại bị tàn phá nặng nề nhất, hoặc là thường phải hứng chịu những thiên tai, nhân họa, chiến tranh... thật thảm khốc. Rõ ràng, không có gì là ngẫu nhiên cả.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Đại Sư Ấn Quang