Hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ đều nương vào đại bi nguyện lực của đức Phật Di Đà thoát đây sanh kia
Phật pháp là tâm pháp. Tâm pháp ấy chúng sanh, Phật, phàm, thánh, ai nấy đều có. Chúng sanh thì toàn thể là mê trái nên dẫu có vẫn như không. Phật thì triệt ngộ, triệt chứng, đích thân được thọ dụng, lại còn dấy lòng đại từ bi, đem sở ngộ sở chứng của chính mình chỉ dạy hết thảy chúng sanh ngõ hầu họ đều triệt ngộ, triệt chứng mới thôi! Nhưng vì chúng sanh mê muội, trái nghịch đã lâu, dù nghe đủ mọi pháp môn đối trị, nhưng bởi Hoặc nghiệp sâu dầy, phước huệ cạn mỏng nên khó lòng đạt được hiệu quả thành công ngay trong đời này. Do đã khó thể đạt được hiệu quả thành công ngay trong đời này nên lại phải thọ sanh, quá nửa bị mê mất, đến nỗi trải kiếp lâu xa luân hồi sanh tử, không do đâu thoát lìa được! Đức Như Lai thương xót, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương ngõ hầu hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn đều nương vào đại bi nguyện lực của đức Phật Di Đà cùng trong đời này thoát cõi Sa Bà đây, sanh về cõi Cực Lạc kia, khiến cho kẻ đã đoạn Hoặc mau chứng Vô Sanh, kẻ chưa đoạn Hoặc cũng lên Bất Thoái.
Đều cùng hiện tướng lưỡi rộng dài để tán dương, phát tâm Kim Cang để lưu truyền rộng khắp
Pháp này vừa cạn vừa sâu, vừa là Quyền vừa là Thật, thượng thượng căn chẳng thể vượt khỏi cửa thành này. Vì thế, bậc đã chứng Đẳng Giác còn phải dùng mười nguyện dẫn về, kẻ hạ hạ căn cũng có thể đạt đến cõi này. Do vậy, kẻ sắp đọa A Tỳ địa ngục vẫn có thể dự vào chín phẩm. Thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, đạt hiệu quả nhanh, thỏa thích bản hoài xuất thế của Như Lai, là đạo thông đạt để chúng sanh thoát khổ. Vì thế, các vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ… các tổ sư như Viễn Công, Trí Giả, Thanh Lương, Vĩnh Minh… đều cùng hiện tướng lưỡi rộng dài để tán dương, phát tâm Kim Cang để lưu truyền rộng khắp; bởi pháp này chính là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh vậy. Chúng sanh đời Mạt căn cơ kém hèn, bỏ pháp môn này thì làm sao yên được?
Nếu chẳng đề xướng tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương thì lục đạo luân hồi ai có thể thoát được?
Tần Xuyên chính là cõi đất hoằng dương Tịnh Độ của các đại sư Thiện Đạo, Pháp Chiếu, Phi Tích, Huệ Nhật v.v… xưa kia, hết thảy tứ chúng xưa kia cũng đã gieo thiện căn sâu đậm, nhưng do từ sau đời Đường hiếm có người hoằng dương pháp này đến nỗi túc căn chẳng thể phát sanh tăng trưởng, đáng than thay! Gần đây thế đạo nhân tâm chìm đắm đến cùng cực, thiên tai nhân họa liên tiếp giáng xuống, vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống. Người có tâm lo cho thế đạo đều cùng đề xướng Phật học, bởi trong đời hiện thời nếu chẳng cực lực đề xướng sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi… thì thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để phạt, muốn cho con người chẳng ăn nuốt lẫn nhau há có được chăng? Nếu chẳng đề xướng kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, trì trai, ăn chay thì sát kiếp ngập trời làm sao dứt được? Nếu chẳng đề xướng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành thì phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, chẳng thẹn, tranh thành, giành đất, tàn sát lẫn nhau, những tà thuyết bạo hành sẽ khiến cho nhân dân trong khắp cõi đời cùng mắc nỗi khổ tử vong. Nếu chẳng đề xướng tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương thì lục đạo luân hồi ai có thể thoát được? Đây chính là lý do những bậc quân tử hiểu lý đề xướng Phật học trong thời gần đây.
Sanh lòng tin, phát nguyện khẩn thiết niệm Phật, cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương
Cư sĩ Đức Tấn Ninh Chí Vũ thừa dịp phát khởi, đặc biệt lập một chỗ niệm Phật ở làng mình, đặt tên là Đôn Luân Liên Xã. Do Phật pháp gặp cha nói Từ, gặp con nói Hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành, khiến cho ai nấy trọn hết bổn phận, trước hết làm người hiền, người thiện trong thế gian, lại còn sanh lòng tin, phát nguyện khẩn thiết niệm Phật, cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, ngõ hầu đoạn sạch Phiền Hoặc, khôi phục tâm tánh, viên mãn Bồ Đề, thành vô thượng đạo, lại còn dùng sở ngộ sở chứng của chính mình để dẫn dắt hết thảy hàm thức. Nguyện những người cùng quê với tôi đều cùng dấy lòng [tin tưởng, tu tập] thì may mắn lắm thay!
Ảnh minh họa: Cõi Ngạ Quỷ
Đoạn đầu: Nhưng vì chúng sanh mê muội, trái nghịch đã lâu, dù nghe đủ mọi pháp môn đối trị, nhưng bởi Hoặc nghiệp sâu dầy, phước huệ cạn mỏng nên khó lòng đạt được hiệu quả thành công ngay trong đời này. Do đã khó thể đạt được hiệu quả thành công ngay trong đời này nên lại phải thọ sanh, quá nửa bị mê mất, đến nỗi trải kiếp lâu xa luân hồi sanh tử, không do đâu thoát lìa được!
Thật sự, nhiều khi chúng ta nghe đọc nhiều thành ra thấy bình thường, chứ thật ra chúng ta đang ở vị thế nào đây? Phật nói rằng "Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, trung quốc khó sanh", Phật đã nói là khó thì thật sự là khó, chẳng phải dễ dàng, rất hy hữu là khác! Đặc biệt lại gặp đươc Tịnh Độ pháp môn, đúng là khó trong khó vậy. Chứ còn những giáo pháp thông thường thì làm sao chúng ta có thể đạt được lợi ích chân thật giải thoát ngay trong đời này được, mà một khi thọ sanh thì "quá nửa bị mê mất, đến nỗi trải kiếp lâu xa luân hồi sanh tử, không do đâu thoát lìa được", thật sự, không thể nào thoát ra được. Không lẽ chúng ta lại phải đợi đến khi Phật Di Lặc ra đời, phải trải qua hàng trăm triệu năm nữa, trải qua muôn vàn khổ đau trong lục đạo, mà đa phần là ở tam đồ, địa ngục. Căn tánh chúng sanh trong thời Mạt này nếu tu càng tốt, nhưng nếu không thành tựu đời này, sẽ trở thành tích trữ si phước càng nhiều thì đời tiếp theo [năng lực] tạo tác càng mạnh, mà đã đi vào vòng xoáy đó [danh lợi hẫy hừng] thì mấy ai mà 'giật mình tỉnh ngộ' cho được, cứ lao đi lao đi mãi, để rồi đến đời kế tiếp sẽ đi đâu về đâu đây?! Quá nguy hiểm! Cho nên Chư Phật Chư Tổ đặc biệt răn nhắc chúng sanh điều này. Tức là phải làm gì đây? Đó chính là "chỉ một đời này", chúng ta đọc những Kinh giáo, trước tác Tịnh Độ có cái nào thiếu nhấn mạnh cụm từ này không, hay có chỗ nào lại khuyên 'đời này tu chưa được, hẹn đời sau tu tiếp' hay chăng?! Nếu quả thật phải đợi đời sau thì rất có thể phải đợi đến khi Phật Di Lạc xuất thế, hoặc giả là không biết đến bao giờ! Ví dụ, chúng ta nhìn một đàn kiến đang đi, nhiều khi không phải là chúng chưa từng tu hành đâu, nhưng một khi thọ sanh mê lầm rồi thì không cách gì phát khởi được những chủng tử thiện căn đã từng gieo trồng, do cái duyên mê lầm nó bao phủ trải dài mãi miết không cách gì thoát khỏi được.
Đoạn: Đức Như Lai thương xót, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương ngõ hầu hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn đều nương vào đại bi nguyện lực của đức Phật Di Đà cùng trong đời này thoát cõi Sa Bà đây, sanh về cõi Cực Lạc kia, khiến cho kẻ đã đoạn Hoặc mau chứng Vô Sanh, kẻ chưa đoạn Hoặc cũng lên Bất Thoái.
Những câu này chúng ta đã đọc nhiều lần rồi, không biết là có 'ngán' không nữa?! Nếu mà thấy 'ngán đến cổ', tìm cái gì khác, cái gì mới để đọc, để học tập đi thôi! Nếu quả thật như vậy thì ...buồn năm phút! Thật vậy, như thế rõ ràng là chúng ta chưa 'ngộ' được chút nào cả, mặc dù là đọc nhiều, nghe nhiều, nhưng hoàn toàn chỉ là văn tự, 'ngoài da' mà thôi, chưa 'thấm' vào trong được chút gì cả [nên rõ ràng chưa mang lại lợi ích gì]. Còn một khi những văn tự này càng đọc càng thích, càng hứng khởi đạo tâm, cứ tìm những văn tự này mà đọc nữa đọc mãi, càng đọc càng thấy 'phê' [nên chẳng thích tìm kiếm cái gì khác nữa]. Như vậy thì đúng là chúng ta đã bắt đầu [tạm gọi là] có chút 'sở ngộ' rồi đấy, kèm theo đấy nhất định là những lợi ích chân thật [của Kinh giáo] bắt đầu được ươm mầm, nẩy nở.
Cũng sẽ có ý kiến cho rằng, chi mà mệt, văn tự, câu chữ, [tôi đây] chỉ một câu A Di Đà Phật niệm mãi là được, bao nhiêu tấm gương vãng sanh thù thắng đó thôi, họ chẳng biết chữ nào, chẳng biết gì cả. Dạ vâng, vấn đề chính là ở chỗ 'họ chẳng biết gì cả', chúng ta liệu có thuộc hạng đó không? Cái này chúng ta phải chân thật tự kiểm, chúng ta liệu có nghe có đọc mỗi ngày không giáng đoạn không? Chúng ta liệu có một chữ cũng không biết không? Thời đại này tìm những nhân duyên như vậy rất hy hữu, đặc biệt là hành giả trẻ tuổi, trung niên... Đối với các cụ già thì được, họ không cần học nhiều, biết nhiều, nhưng phải cần nắm chắc Tông chỉ tông yếu [Tịnh Độ môn] "Niệm Phật ắt được vãng sanh", rồi cứ thế mà niệm mãi. Được như thế thì như Chư Tổ Sư nói, việc vãng sanh là "có thể đoán định được". Càng vững tin, càng kiên cố tâm thì khả năng thành tựu càng cao vậy.
Còn đối với thế hệ trẻ hay trung niên, đường đời, đường đạo [có thể] hãy còn dài, Chư Tổ Sư đặc biệt nhấn mạnh cách bên trên nhiều hơn [thật ra ý chỉ sâu xa chỉ là một]. Chúng ta đừng nghĩ rằng với Pháp môn này quan trọng ở hành trì, việc học tập Kinh giáo là thứ yếu thôi, đâm ra lơ là, không nghiêm túc học tập. Điều này cũng giống như một học sinh đến trường học đều đặn bình thường và một người thì tự học ở nhà, không chịu đến lớp vậy. Người sau nếu giỏi hơn trừ phi là 'thần đồng', đặc biệt xuất chúng. Trong đạo cũng vậy thôi, đặc biệt là với căn tánh, hoàn cảnh thời đại thông tin bùng nổ ngày nay, sự khác biệt này [có thể ví] như trời với đất vậy. Thật sự! Chỉ có điều là chúng ta nghe cái gì, học cái gì, biết quy tâm ở đâu [hay không]? Đây mới là điều quan trọng.
Chúng ta cùng nhau học tập các đoạn tiếp theo.
Văn Sao Tục Biên
Lời tựa trình bày duyên khởi của Đôn Luân Liên Xã (năm Dân Quốc 20 - 1931) (trích lục)
Đại Sư Ấn Quang