Muốn học Phật phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì mới được. Chẳng thể làm hiền nhân, thiện nhân trong thế gian, làm sao được lợi ích chân thật nơi Phật pháp? Mẹ ông đã ăn chay trường niệm Phật, hãy nên đem tông chỉ Tịnh Độ và những nghĩa lý tu trì quan trọng kể cho mẹ ông nghe, ngõ hầu mẹ lẫn con cùng sanh về Liên Bang. Lại phải đem pháp này nói với khắp hết thảy bạn bè hữu duyên, ngõ hầu mọi người cùng được gội ân giáo hóa của Phật, cùng tu Tịnh nghiệp, cùng sanh về Tây Phương. Ông đã tốt nghiệp, trong cõi đời lúc này tuyệt đối chớ nên xuất gia, huống chi mẹ ông lại không bằng lòng! Ngay cả bế quan cũng không cần! [Nay tôi] vì ông tính kế, ông có thể làm thầy giáo trong trường tư thục, hoặc trông coi sổ sách cho công ty của người khác, đều có thể nhận được một ít lương bổng để sống qua ngày. Nhưng cần phải chuyên cần đọc sách sao cho văn tự thông suốt thì mới nên, chớ có biếng trễ, lười nhác đến nỗi chẳng có thành tựu gì!
Làm cư sĩ tại gia
Pháp danh [của ông] vốn sẵn có hai chữ Quy Tịnh thật hay. Cổ nhân nói: “Túng nhiên sanh đáo Phi Phi Tưởng, bất như Tây Phương quy khứ lai” (Phi Phi Tưởng dẫu được sanh, chớ hề bằng được trở về Tây Phương). Nếu có thể chất phác niệm Phật thì nương theo nguyện thuyền của đức Di Đà, trở về quê hương Cực Lạc Tịnh Độ là điều có thể đoán chắc. Đây chính là điều ngàn kinh muôn luận, đâu đâu cũng chỉ dẫn hướng về. Nếu chẳng trở về đây, chắc chắn sẽ như đứa con nghèo túng, chẳng biết quê cũ, chẳng nhớ cha lành, cam phận lênh đênh quê người, lê la khe rãnh. Nếu chẳng so đo, chẳng bàn đi tính lại, cứ nhất tâm quay về, mới biết tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, còn có chỗ nào để cầu tướng quay về và tướng tịnh nữa ư? Cổ nhân lại nói: “Tự thị bất quy, quy tiện đắc. Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh?” (Tự mình chẳng về, về liền được. Gió trăng quê cũ há ai giành?) Quy Tịnh hãy trở về cõi tịnh, niệm tại đâu nghĩ tại đó nhé!
Lên thuyền từ Bổn Nguyện của Phật để trở về!
Trích Văn Sao Tục Biên - Quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang