Thư trả lời cư sĩ Trác Trí Lập
Lấy đạo đức làm gốc
Con người và trời đất cùng xưng là Tam Tài, chẳng phải là chuyện xuông, mà ắt phải có công tham dự, giúp đỡ sự sanh trưởng, thì mới chẳng thẹn! Nếu không, thịt đi thây chạy, suốt đời ô uế trời đất, sao có thể gọi là Tam Tài cho được? Nếu lãnh hội được ý này, đem [áp dụng vào việc] dạy dỗ bọn trẻ, ắt sẽ có thể tận tâm kiệt lực, đem tài năng ra dạy dỗ, trước hết lấy đạo đức làm gốc, rồi mới đến văn chương là ngọn. Thường luôn giảng nói hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, khiến cho chúng nó biết đạo làm người, khởi tâm, động niệm, cư xử, nói năng đều thuần thiện, tạo thành cơ sở có thể dự vào bậc thánh. Kinh Dịch nói: “Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã” (dạy cho bọn trẻ nhỏ lẽ chánh, công lao [bằng với công lao] của bậc thánh nhân vậy) tức là nói về điều này. Nếu có thể dùng cái tâm này để dạy người thì học vấn lẫn phẩm đức của chính mình ngày càng tươi sáng, con người sẽ được cảm hóa, chẳng đợi phải đốc thúc, quở trách mong cho họ sẽ thuận theo. Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm. Hiện thời nước loạn, dân khốn đốn, anh em cùng một nhà đánh nhau, tranh đua muốn tàn hại lẫn nhau, dân không lẽ sống đều do cha mẹ trong gia đình không khéo dạy, thầy giáo trong nhà trường không khéo dạy, đến nỗi kẻ có thiên tư quen thói làm xằng, đứa không có thiên tư cam lòng làm kẻ giặc bướng bỉnh.
Chỉ cần [những lúc] chẳng vận dụng tâm tư [liền niệm]
Ông giữ được tấm lòng “gốc chánh, nguồn trong” để làm chuyện vun trồng nhân tài, tức là chẳng có địa vị mà nắm quyền cai trị, chẳng lên tòa mà thuyết pháp vậy, còn vui nào hơn? Đối với việc niệm Phật, nào có trở ngại chi? Sáng - chiều tùy sức xưng niệm. Ngoài ra, [những lúc] chẳng cần vận dụng tâm tư, hễ thuận tiện bèn niệm, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha sẽ tự được vãng sanh. Nếu cứ nói: “Bận rộn cày cấy sẽ dễ niệm Phật”, chẳng biết lúc bận rộn cày cấy, do khổ sở nên chắc chắn chẳng thể niệm được. Ông nghĩ như vậy đều là chẳng chú trọng tự phản tỉnh, là tình kiến “đứng núi này thấy núi nọ cao hơn”, chứ không phải là chánh trí thấu hiểu sâu xa tự tâm, hiểu thấu triệt để nguyên nhân trong thế gian vậy. Ông chỉ nên “đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” kiêm dùng tín nguyện trì danh để cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều ấy để tự hành, dạy người, dẫu chẳng có thể thành tựu lớn lao, nhưng cũng có thể chẳng thẹn làm người, chẳng thẹn làm thầy, đội trời đạp đất vậy!
Thư gởi cư sĩ Minh Quang
Nguyên nhân do đâu [khó sanh chánh tín đối với bậc thông Tông - Giáo]?
Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn bình thường nhất nhưng cao sâu nhất trong Phật pháp. Nếu không phải đời trước sẵn đủ huệ căn, quả thật khó thể sanh chánh tín sâu xa. Đừng nói nhà Nho chẳng dễ sanh lòng tin, ngay cả bậc tri thức thông Tông thông Giáo cũng thường dựa theo ý nghĩa trong Tông - Giáo để luận định, phán đoán, đến nỗi đối với pháp “khiến cho hàng phàm phu sát đất chưa đoạn Phiền Hoặc mà được liễu sanh thoát tử siêu phàm nhập thánh ngay trong đời hiện tại” chẳng thể nghĩ bàn này họ chẳng những không chịu tự tu mà còn chẳng chịu dạy người khác tu, vì họ chẳng biết pháp này chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp, cứ lấy giáo nghĩa của Tông - Giáo làm chuẩn, nên mới phạm những lỗi lầm ấy. Nếu thoạt đầu họ liền biết được nghĩa này thì lợi ích lớn lắm. Người thông minh phần nhiều chú trọng “hiểu lý để ngộ cái tâm”, chẳng biết niệm Phật chính là đường tắt để hiểu lý ngộ tâm.
Thông minh thế gian hãy coi chừng, tự phản tỉnh [nguy hiểm]
Nếu có thể niệm niệm tương ứng thì sẽ tự hiểu được lý, ngộ được tâm. Dẫu chưa làm được, bèn cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, so với những kẻ “hiểu được lý, ngộ được tâm, nhưng chưa đoạn Phiền Hoặc, vẫn cứ luân hồi sanh tử, trọn không có lúc thoát ra”, thì [sự khác biệt giữa] trời và đất đã chẳng đủ để sánh ví sự hay và dở. Huống chi đã vãng sanh liền thân cận Phật Di Đà và thánh chúng, sẽ đích thân chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn, há nào phải chỉ hiểu được lý, ngộ được tâm mà thôi ư! Pháp môn Tịnh Độ chỉ có bậc Thượng Thượng Căn và ngu phu ngu phụ mới được lợi ích thật sự, còn kẻ thông minh thông Tông thông Giáo phần nhiều do chí lớn, ăn nói lớn lối, chẳng chịu cậy vào Phật từ lực, cứ dốc chí cậy vào đạo lực của chính mình, cam lòng nhường cho ngu phu ngu phụ sớm dự vào dòng thánh! Có lẽ trong quý ấp có kẻ mang kiến giải như vậy cho nên tôi mới nói sơ lược nguyên do.
Đại trượng phu [thật sự] là gì?
Đã muốn quy y thì nay đặt cho ông pháp danh là Khế Quang. Tiếng Phạn “A Di Đà”, cõi này dịch là Vô Lượng Thọ, hay cũng dịch là Vô Lượng Quang. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật, thì chính là lấy Quả Địa Giác làm Nhân Địa Tâm. Nếu có thể tâm tâm tương ứng thì nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân, cực bình thường nhưng cực huyền diệu. Nếu có thể tin nhận thì đáng gọi là bậc đại trượng phu lỗi lạc. Quang do túc nghiệp, sanh ra liền bị bệnh mắt, may còn được thấy bầu trời hơn bảy mươi năm. Nay thì mắt hết sức yếu lòa, cự tuyệt hết thảy những chuyện thù tiếp bút mực. Sợ ông bị dao động, bị thuyết phục bởi những kẻ đề xướng hướng dẫn thuộc những tông khác, nên đặc biệt nói đại lược hai nghĩa đặc biệt và thông thường, ngõ hầu chẳng đến nỗi biến khéo thành vụng, cầu thăng lên đâm ra đọa xuống!
Tịnh Độ là pháp môn Tổng Trì
Hãy nên thường xem Tịnh Độ Ngũ Kinh sẽ biết pháp môn Tịnh Độ là pháp môn Tổng Trì để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Nếu vẫn chưa bị thuyết phục, hãy nên thường xem Tịnh Độ Thập Yếu thì mọi thứ nghi ngờ sẽ tiêu tan, vầng trăng nhất tâm rạng ngời. Văn Sao tuy ngôn từ vụng về, chất phác, nhưng đã nêu tỏ đại lược về duyên do của Thiền và Tịnh, cũng như những điều có ích cho luân thường trong cuộc sống hằng ngày, cũng có thể giúp cho việc tự lợi, lợi tha.
Ảnh: Một số loại máy bấm số niệm Phật thông dụng hiện nay.
"Pháp môn Tịnh Độ chỉ có bậc Thượng Thượng Căn và ngu phu ngu phụ mới được lợi ích thật sự", tức là dễ được thành tựu nhất. Vậy thì 'khúc giữa' thì sao ta? Chúng ta đây đang ở khúc nào? Bậc Thượng căn thượng trí? Dạ không có đâu ạ, danh từ ấy nếu được dùng thì dành cho các Bậc tái lai xuống đây để độ sanh thì chính xác hơn. Còn hàng phàm phu chúng ta thì đại sự [sanh tử] còn chưa giải quyết nổi mà Thượng nọ thượng kia cái nổi gì. Thượng gì mà trầm luân khổ thú từ đời này qua kiếp khác, ngụp lặn mãi thì cái [danh] thượng để làm gì?
Vậy thì không Thượng thì làm Hạ hạ vậy? Ngu phu ngu phụ để dễ được lợi ích vãng sanh. Thật sự là như vậy. Ngu phu ngu phụ niệm Phật dễ được Phật rước. Nhưng làm 'ngu' có dễ không Quý vị? Nói thì nói vậy thôi, chứ mấy ai chịu ngu [hơn người]! Vì sao vậy? Làm người ngu sẽ chịu đủ mọi sự thiệt thòi, bị 'mất mặt', đủ thứ... Ngoài đời vốn quen 'dụng cái ngã' để làm ăn, sinh sống rồi, bây giờ vô Đạo bắt tôi buông xuống hết cái ngã ư? Phàm phu mấy ai làm nổi! Chịu lắng nghe vâng lời Quý Thầy thì còn được chứ bắt bảo phải hạ mình cúi đầu, đi sau bén gót ...đồng môn thì còn lâu ha! Thế nên, coi vậy chữ cái ngã trong mỗi chúng ta chẳng 'bé' chút nào đâu!
Bởi vây, Chư Tổ thường nói khúc giữa là khúc khó độ nhất và cũng đông đảo nhất. Hầu như tất cả chúng ta đều nằm trong đó. Vậy thì sao đây? Chẳng sao cả! Khó độ [hơn] chứ chẳng phải không độ được. Tịnh Độ là pháp môn Đại Tổng Trì, có thể độ khắp ba căn, Thượng - Trung - Hạ, nên chúng ta dù căn cơ gì cũng 'lọt vào tầm ngắm' của A Di Đà Phật cả, đừng lo. Chỉ sở rằng chúng ta thiếu niềm tin [cứu độ của Ngài], thiếu quyết tâm và kiên nhẫn mà thôi. Pháp thế gian, có những thứ [người] làm được hay không thể làm được, không phải thứ gì ai ai cũng có thể làm được, đây là điều rõ ràng. Nó phụ thuộc vào năng lực mỗi cá nhân. Giống như một học sinh bình thường mà bắt đi giải đề thì quốc gia hay quốc tế thì thôi, đọc đề còn chưa chắc hiểu nổi chứ đừng nói chi giải. Nhưng riêng pháp xuất thế gian này, Tịnh Độ [những pháp xuất thế gian khác cũng giống ví dụ trên, dùng Tự lực] thì hoàn toàn chẳng giống như vậy. Mọi người đều 'có thể', có thể tu, có thể thành tựu, không ai là 'không thể'. Nhưng chẳng phải ai ai tu cũng đều thành tựu cả. Vấn đề như trên đã nói, nó không do khả năng của chúng ta [quyết định] mà do sự quyết tâm, kiên trì của mỗi chúng ta. Chúng ta có thật sự dám 'dành cả thanh xuân' để đi theo con đường này đến cùng hay không. Người đời họ có những mục tiêu, tâm huyết của họ để theo đuổi. Chúng ta cũng thế, có mục tiêu riêng biệt của mình. Chọn cái nào chọn hẳn một bên đi Quý vị, đừng nhập nhằng, đa mục tiêu, đa phương hướng, với thế gian còn khó thành tựu huống gì đại sự sanh tử. Ấy gọi là thân còn ở trần lao nhưng tâm đã gửi nơi Tịnh Độ. Luôn nhớ và tin tưởng rằng, pháp môn này "không ai là không thể". Đây là pháp môn độ khắp ba căn, lợi [trung] độn gồm thâu cả. Không tin cứ thử kiểm đếm xem Chư Tổ đã nhắc bao nhiêu lượt những cụm từ như thế? Chắc là không thể đếm xuể.
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại sư Ấn Quang