Thư trả lời cư sĩ Đàm Thiếu Phủ
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Đối với cha mẹ, đối với chính mình đều có lợi ích lớn
Nhận được tin cáo phó lần trước, tính nói gốc - ngọn cùng ông ngõ hầu có ích cho cha mẹ, chẳng tổn hại chính mình, nhưng vì bận bịu không rảnh rỗi, rốt cuộc chưa thể trả lời thư được. Lần này nhận được thư ông là do Vi Nghiễm gởi từ chỗ anh ông ta tới, cũng đã gần mười ngày rồi. Nên biết: Người trong thế gian chỉ biết chú ý đến thân xác, đến nghi thức, chứ đối với hai phương diện tâm thức và lợi ích đều bỏ qua không xét đến. Dường như là muốn làm chuyện lợi ích, nhưng thật ra chỉ là làm chuyện sướng tai khoái mắt người đời, chẳng làm vì linh hồn của vong linh. Ông đã quy y Phật pháp, hãy nên dốc cạn lòng thành niệm Phật, hồi hướng cho cha mẹ và dạy quyến thuộc trong cả nhà đều nén đau thương niệm Phật thì đối với cha mẹ, đối với chính mình đều có lợi ích lớn.
Niệm Phật là chuyện quan trọng nhất trong đời người
Hiện thời, vận đời nguy ngập, nếu có thể chí thành niệm Phật, chắc chắn sẽ gặp dữ hóa lành. Nếu không, họa hại trong hiện thời khác hẳn khi trước, đúng là [muốn] tránh né nhưng không thể nào tránh né được, [muốn] ngăn ngừa nhưng không thể nào phòng ngừa được, cuộc sống người dân lúc này đáng thương đến cùng cực. Hãy nên nói cặn kẽ với quyến thuộc thì người còn lẫn kẻ mất đều hưởng lợi ích. Chùa miếu ở Quảng Châu đều bị hủy bỏ, mà cũng chẳng có Tăng chúng rất chân thật tu hành; gần đây càng thêm điêu linh thì chẳng có cách nào tìm được chân tăng! Chỉ có chính mình đem lòng chí thành niệm Phật, so với việc thỉnh tăng sĩ ăn thịt uống rượu đến niệm kinh, bái sám, công đức lớn hơn nhiều lắm! Niệm Phật là chuyện quan trọng nhất trong đời người, không phải là vì cha mẹ mất rồi mới niệm, còn lúc bình thường chẳng niệm! Làm đám tang cho cha mẹ [thoạt trông thì dường như chỉ] vì cha mẹ, nhưng thật ra, chính do cái chết của cha mẹ đã dẫn khởi các ông cùng chứng đại sự “muôn kiếp chẳng chết” vậy. Phải biết cảm ơn, hãy sốt sắng niệm Phật để báo ân.
Thư trả lời cư sĩ Từ Thư Dung
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Mỗi một cử động của chúng ta, thiên địa, quỷ thần, chư Phật, Bồ Tát không vị nào chẳng biết
Nhận được thư ông, biết đạo tâm chưa lui sụt, chí hướng vẫn cao, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi. Hãy nên biết: Học thánh, học Phật đều lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” làm gốc. Lại còn phải giữ phận khiêm nhường, ẩn giấu tài năng, noi theo cổ nhân, tận tụy dõi theo đường lối thực tiễn. Làm được như vậy thì học vấn lẫn phẩm hạnh đều vượt trỗi những kẻ tầm thường. Thông thường những kẻ thông minh đều kiêu căng, khoe khoang, phô tài, chua ngoa, khắc bạc, tâm hoàn toàn thiếu sự hàm dưỡng. Kẻ ấy nếu không suốt đời trắc trở, ắt sẽ chết yểu lúc trẻ! Ông đời trước nhiều may mắn, vun bồi được thiện căn này, hãy nên dốc hết sức vun bồi ngõ hầu có thành tựu. Kẻ thông minh dễ phạm nhất chỉ có sắc dục, nên thường giữ tâm kiêng sợ, đừng để nẩy sanh chút tà vọng nào. Nếu như ngẫu nhiên khởi lên ý niệm ấy, liền tưởng: Mỗi một cử động của chúng ta, thiên địa, quỷ thần, chư Phật, Bồ Tát không vị nào chẳng biết hết, thấy hết! Trước mặt người khác còn chẳng dám làm quấy, huống gì là đối trước chỗ Phật, trời nghiêm túc cẩn mật, lại dám ôm giữ ý niệm tà vạy tệ hại và làm chuyện tà vạy tệ hại ư? Mạnh Tử nói: “Sự thục vi đại? Sự thân vi đại. Thủ thục vi đại? Thủ thân vi đại” (Thờ ai là chuyện lớn? Thờ cha mẹ là chuyện lớn. Giữ gì là chuyện lớn? Giữ cái thân là chuyện lớn). Nếu không giữ được cái thân, dù có phụng dưỡng cha mẹ cũng chỉ là hình thức bề ngoài mà thôi, chứ thật ra là coi rẻ di thể nhận từ cha mẹ, đấy chính là bất hiếu lớn lắm! Do vậy, Tăng Tử lúc sắp mất, mới nói: “Phóng tâm vô lự” (tâm thảnh thơi không lo lắng). Kinh Thi chép: “Chiến chiến cạnh cạnh, như lâm thâm uyên, như lý bạc băng, nhi kim, nhi hậu, ngô tri miễn phù” (Dè dặt, đề phòng, như vào vực sâu, đi trên băng mỏng, hiện thời, mai sau, ta biết tránh khỏi). Chưa đến lúc ấy vẫn phải giữ lòng dè dặt, Tăng Tử còn như vậy, huống gì là lũ phàm tục, tầm thường chúng ta ư?
Pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian đều biết được cương lãnh trọng yếu
Nay gởi cho ông một bộ Lịch Sử Thống Kỷ, hai cuốn Thọ Khang Bảo Giám, ba cuốn Gia Ngôn Lục. Thống Kỷ thì ông tự giữ để biết [cõi đời] bình trị hay loạn lạc, biết gương nhân quả. Thường xem Thọ Khang Bảo Giám thì chẳng đến nỗi phạm tà dâm và thủ dâm v.v... tự hại cuộc đời, tự hao phước thọ, chẳng bị tàn phế và chết chóc. Hãy nên tặng một cuốn sách này cho ông Lý Hồng Nghiệp, còn Gia Ngôn Lục thì ông với ông Cổ, ông Lý, mỗi người một cuốn. Y theo đó tu trì thì pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian đều biết được cương lãnh trọng yếu.
Sự nghiệp như thế mới là “hồng nghiệp”
Cổ Vệ Sanh, Lý Hồng Nghiệp đã muốn quy y thì nay đặt pháp danh cho Vệ Sanh là Huệ Sanh, nghĩa là dùng trí huệ cầu sanh Tây Phương, vĩnh viễn chứng đạo bất sanh bất diệt để tự bảo vệ mình, bảo vệ người, cùng được bất tử. Đặt pháp danh cho Hồng Nghiệp là Huệ Nghiệp, nghĩa là dùng trí huệ để đoạn trừ ác nghiệp thế gian, tu trì Tịnh nghiệp vãng sanh Tây Phương. Sự nghiệp như thế mới là “hồng nghiệp” (sự nghiệp vĩ đại). Tu thân lập nghiệp cho đến thành thánh, thành hiền trong thế gian nếu đem so với sự nghiệp vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử thì nhỏ bé vô cùng! Xin hãy đem đoạn thư này chép lại cho hai người ấy đọc, hoặc đem cả lá thư chép lại cho họ xem. Dẫu họ đã đến tuổi hoa giáp (sáu mươi) cũng được lợi ích, huống chi họ là hàng hậu sinh vừa mới qua tuổi đôi mươi!
Ảnh minh họa: Rèn luyện giữ gìn sức khỏe
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ