Nếu tuổi thọ chưa hết sẽ mau được lành bệnh, tuổi thọ đã tận liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương
Ông tuổi đã sáu mươi lăm, đã hai lần thọ giới mà vẫn chưa ăn chay, tức là chỉ biết vị ngon của thịt, chẳng biết mối họa khốc liệt của thịt. Lúc ăn tuy ngon, thử nghĩ đến nỗi khổ lúc phải đền trả, ắt sẽ chẳng nuốt xuống được! Nay ông đừng ăn mặn nữa, hãy nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Nếu tuổi thọ chưa hết sẽ mau được lành bệnh. Tuổi thọ đã tận liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Hễ sanh về Tây Phương thì liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, so với sanh lên trời làm thiên đế, thiên vương còn cao trỗi hơn vô lượng, vô biên lần! Bởi lẽ, phước trời sẽ có lúc hết, nên cần phải niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Hễ sanh về Tây Phương sẽ tấn tu dần dần, quyết định thành Phật, chớ nên sợ chết. Hễ có bệnh liền nguyện vãng sanh, nếu tuổi thọ chưa hết sẽ mau được chóng lành.
Nếu vẫn không tin thì Phật cũng chẳng thể cứu được ông đâu!
Nếu sợ chết chỉ cầu lành bệnh thì tuổi thọ đã hết vẫn phải chết, quyết khó được vãng sanh! Khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là thành tựu cho người ta thành Phật. Ông chớ nên vì tri kiến phàm phu của chính ông mà sanh lòng ngờ vực chẳng tin. Quang nghĩ ông đang bệnh nên tâm không yên, cầu Quang cứu ông, nên mới nói với ông lời này. Nếu vẫn không tin thì Phật cũng chẳng thể cứu được ông đâu! Vì sao vậy? Những gì Quang vừa nói vốn lấy từ những lời Phật đã dạy trong kinh, chẳng qua trích lấy ý nghĩa để nói đại lược mà thôi, đừng tưởng rằng Quang bỗng dưng bịa chuyện. Sau khi ông lành bệnh rồi, hãy nên đọc khắp các kinh điển Tịnh Độ sẽ tự biết rõ. Nếu sanh về Tây Phương thì mỗi điều sẽ được chứng minh, Quang chẳng lừa dối ông.
Kẻ niệm Phật thì nhiều, người vãng sanh lại ít là vì...
Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Minh, nghĩa là dùng Phật huệ để thấu hiểu giáo lý hòng tu pháp môn Tịnh Độ. Đức Phật nói hết thảy pháp môn tuy cao sâu huyền diệu, viên đốn, thẳng chóng, nhưng đều phải đoạn sạch Phiền Hoặc mới có thể liễu sanh thoát tử. Nếu đoạn chưa sạch thì vẫn chẳng thể liễu được; huống hồ kẻ hoàn toàn chưa đoạn được ư? Chỉ có pháp môn Niệm Phật cậy vào Phật từ lực, nếu có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành niệm Phật, không một ai chẳng được vãng sanh; nhưng kẻ niệm Phật thì nhiều, người vãng sanh lại ít là vì ngu si vô tri chỉ cầu phước báo trời - người trong đời sau, hoặc chẳng sanh lòng hổ thẹn, thường làm chuyện bất hiếu, chẳng từ, bất trung, bất nghĩa v.v… là vì tâm trái nghịch với Phật mà ra. Lỗi ở nơi chính mình, nào phải Phật chẳng từ bi!
Nhưng con cái chẳng nghe lời cha mẹ dạy, cha mẹ cũng chẳng làm sao được!
Nếu trước khi người ấy chưa phát tâm niệm Phật từng làm các điều ác, nay đã niệm Phật hãy nên sanh lòng hổ thẹn lớn lao, thống thiết sửa đổi lỗi trước thì cũng có thể quyết định vãng sanh. Phật coi chúng sanh hệt như con ruột; nhưng con cái chẳng nghe lời cha mẹ dạy, cha mẹ cũng chẳng làm sao được! Chúng sanh nếu chịu sửa lỗi hướng thiện niệm Phật, chắc chắn lúc lâm chung sẽ được Phật rủ lòng đích thân tiếp dẫn.
Ảnh: Tượng Phật A Di Đà dát vàng cao 48m ở chùa Đông Lâm, núi Lộc Sơn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tượng được đúc bằng đồng cao 48m, được thếp lên thân tượng 48kg vàng và được tạo ra theo phong cách của các tượng Phật bằng đá nổi tiếng tại các hang động ở Long Môn, tỉnh Hà Nam.
Đoạn đầu: Ông tuổi đã sáu mươi lăm, đã hai lần thọ giới mà vẫn chưa ăn chay, tức là chỉ biết vị ngon của thịt, chẳng biết mối họa khốc liệt của thịt. Lúc ăn tuy ngon, thử nghĩ đến nỗi khổ lúc phải đền trả, ắt sẽ chẳng nuốt xuống được!
Nói chung hành giả Tịnh Độ thì nên phát tâm ăn chay, nếu chưa thể trường chay được thì ban đầu tháng ăn chay mấy ngày, sau tăng dần lên, đến ngày ăn chay phải nhất quyết ăn chay, không được ăn mặn rồi hôm sau bù hay gì đó. Nói chung thì cần phải có một vài cái quy tắc tuy nhỏ thôi nhưng phải nghiêm khắc giữ gìn, như thế thì về sau mới lớn dần đạo tâm đạo lực lên được. Đây chính là những mầm ươm để về sau tâm Bồ Đề ngày càng lớn mạnh. Chứ cái gì cũng qua loa, tùy duyên hết thì sẽ thành thói quen không tốt, về sau việc tu tập khó tiến lên được.
Nói về lợi ích của việc ăn chay, tránh sát sanh hại vật thì chắc chúng ta đều đã tỏ cả, cũng không cần phải luận bàn gì nhiều thêm. Bởi ngoài việc giữ giới, tránh tạo thêm nghiệp, tăng phước đức căn lành thì việc ăn chay, phóng sanh cứu vật còn có một tác dụng khác rất lớn, đó là nuôi dưỡng phát triển lòng Từ, yêu thương tất cả chúng sanh. Đây chính là một trong những cái tâm quan trọng để giữ gìn phát triển đạo tâm đạo lực, cũng như giúp cho đường đạo và đường đời luôn được song hành hòa hợp và tương trợ tích cực cho nhau, giúp sống tốt đời đẹp đạo, cuối đời thì được thành tựu đạo quả giải thoát.
Với một trong những lợi ích nữa của việc ăn chay đó là tạo ra một 'hình tướng' tốt đẹp, rõ ràng của người tu tập, phải có chút gì đó 'tác động' với người thế gian, mà không gì chân thật bằng việc ăn chay, giữ giới. Chứ còn người tu đạo mà mọi hình tướng, sinh hoạt này kia chẳng thấy khác biệt gì với người thế gian cả thế thì làm sao lan tỏa được những giá trị tích cực của việc tu tập, của các đạo lý ra bên ngoài xung quanh được, dù nhiều ít cũng phải có, như vậy mới dễ gọi là tự lợi lợi tha. Cho nên chúng ta là những người hành đạo, không nên e ngại lan tỏa những giá trị tốt đẹp [của đạo] ra cuộc sống xung quanh, miễn là thật tự nhiên, chân thật, đừng cố phan duyên, hay vì cái tiếng cái danh gì đó thì không nên thật!
Tiếp theo: Nay ông đừng ăn mặn nữa, hãy nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Nếu tuổi thọ chưa hết sẽ mau được lành bệnh. Tuổi thọ đã tận liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Hễ sanh về Tây Phương thì liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh...
Câu này thì chúng ta đã nghe khá quen thuộc rồi, một khi gặp phải trường hợp bệnh đau bức bách, dĩ nhiên đó là những căn bệnh nan y hay thập phần sanh tử gì đó, thì cách xủ lý tốt nhất đó là buông xuống tất cả, kể cả việc chữa trị, một lòng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đây chính là phương thuốc thần diệu tiêu trừ nghiệp chướng nhanh không gì bằng, bởi thế cho nên nếu thọ mạng còn thì sẽ chóng nghiệp tiêu chướng tận, bệnh sẽ khỏi, sức khỏe trở lại bình thường, còn nếu thọ mạng hết thì sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Nói chung đằng nào thì cũng tốt đẹp cả, chứ nếu chúng ta cố tình chữa chạy, nếu như thọ mạng còn thì cũng sẽ hết bịnh bình phục lại thôi nhưng nhỡ may thọ mạng đã hết thì nếu cứ cố chữa chạy thì chẳng những bệnh không thể hết, mạng thì không thể giữ lại được mà việc vãng sanh tu tập một đời cũng 'trôi sông trôi bể' cả hết, vì sao? Đó là vì chúng ta đã không có cái Nguyện chân thật, tức còn tham sống sợ chết vậy. Dĩ nhiên đây là luận cho những trường hợp dạng thập tử nhất sinh, bệnh nan y hoặc giả dạng ở tuổi cao niên gì đó gặp đau ốm nặng thì cũng chẳng cần điều trị làm gì nữa, coi như quyết liều 'thí mạng' luôn, một lòng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, chẳng cần điều trị thuốc thang gì cả, như thế thì rất dễ thành tựu. Còn như hãy còn trẻ khỏe, nếu gặp đau ốm bệnh tật một cách thông thường hay dạng 'kiếp nạn' gì đó thì phải xử lý thế nào? Dạ vâng, chúng ta vẫn nên xử lý như thế, tức là trước hết hãy ưu tiên cho cái 'pháp' trước đã, cứ một mực tinh tấn hành trì, quyết tâm 'lờ' đi đừng chú ý đến cái bệnh cái nghiệp gì đó đang hành nữa, cứ kệ nó đi mặc cho nó tiến triển nặng nhẹ thế nào cứ kệ, chúng ta cứ quyết tâm hành trì cái pháp của mình nhiều hơn tinh tấn hơn bình thường, quyết tâm chẳng động gì đến thuốc thang cả, cứ thế theo thời gian thì bệnh tật cũng sẽ giảm dần hay dứt hẳn lúc nào không hay, hoặc giả nó cứ còn day dưa thì cũng kệ, tập 'sống chung với lũ' vậy, theo thời gian chắc chắn nghiệp sẽ dần tiêu chướng dần tận, bệnh sẽ dần lui. Chứ chúng ta đừng có kiểu một mặt cũng quyết tâm hành trì quyết tâm không đụng đến thuốc thang, nhưng một mặt lại có cái tâm cứ mong cầu cho bệnh chóng khỏi, như thế thì lâu khỏi lắm, cho nên cái quan trọng ở đây là cần dụng cái tâm 'không mong cầu hết bệnh', tức là cứ kệ, sống chung với lũ, dạng những căn bệnh mãn tính hay trầm kha gì đó, như thế nếu nghiêm trì giới luật tốt, tinh tấn hành trì thì sẽ hầu hết tai qua nạn khỏi cả thôi. Còn giả dụ hãy còn trẻ khỏe, gặp những chứng bệnh đau bức bách hành hạ chịu không nổi nữa như thế thì đương nhiên phải cậy vào thuốc thang bác sĩ rồi, chúng ta không nên chấp cứng vào việc rằng phải để 'tự khỏi' gì đó, bởi tu học là công việc dài hạn trọn đời, đâu phải một sớm một chiều, cho nên nhiều khi cần thiết cũng phải dùng những phương tiện này kia để việc tu tập hành trì được thuận tiện liên tục, ít bị chướng ngại cản trở, gián đoạn, làm phân tâm, rồi đời đạo cũng phải dung thông, cần sức khỏe cần sự minh mẫn để còn làm việc, gánh vác trọn bổn phận với gia đình, với xã hội nữa.
Đoạn tiếp: Ông chớ nên vì tri kiến phàm phu của chính ông mà sanh lòng ngờ vực chẳng tin. Quang nghĩ ông đang bệnh nên tâm không yên, cầu Quang cứu ông, nên mới nói với ông lời này. Nếu vẫn không tin thì Phật cũng chẳng thể cứu được ông đâu! Vì sao vậy? Những gì Quang vừa nói vốn lấy từ những lời Phật đã dạy trong kinh...
Cái 'tri kiến phàm phu' đó mà chúng ta hay mắc phải đó là gì? Đó chính là những kiến giải này kia khiến cho khó phát khởi lên Tín tâm chân thật được, chẳng hạn như: phàm phu như đây thì sao vãng sanh được, hoặc còn sân si phiền não hay nghiệp chướng nặng nề thế này thì sao Phật rước? Hay như là tôi đây tu chưa được bao lâu, công phu chưa được gì cả thì sao thành tựu? Hoặc giả muốn biết có vãng sanh hay không phải đợi tới lúc cuối xem có niệm được hay không cái đã mới luận được, bình thời đây lo hành trì đi, chưa gì đã dám khẳng định hay tin chắc này kia chính là cái tâm thượng mạn, thiếu thành kính... nói chung đại loại như thế. Bởi vậy nên Ngài mới nói là "Nếu vẫn không tin thì Phật cũng chẳng thể cứu được ông đâu" là vậy. Cho nên niệm Phật phải tin mình được Phật rước, tin chắc chẳng nghi mới được. Cơ sở của niềm tin này từ đâu? Đó là từ lời Thệ nguyện của Phật, tức Di Đà Bổn Nguyện mà chúng ta đã biết rồi vậy. Cho nên mới nói "Những gì Quang vừa nói vốn lấy từ những lời Phật đã dạy trong kinh", tức từ Di Đà Bổn Nguyện mà ra vậy, nhưng Ngài không muốn trích dẫn Kinh văn vốn nặng về câu chữ văn tự mà diễn nói cái nghĩa là như vậy thôi cho người đọc cảm thấy gần gủi, dễ tiếp nhận, còn nội dung ý chỉ thì cùng một thôi.
Đoạn tiếp theo: Chỉ có pháp môn Niệm Phật cậy vào Phật từ lực, nếu có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành niệm Phật, không một ai chẳng được vãng sanh; nhưng kẻ niệm Phật thì nhiều, người vãng sanh lại ít là vì ngu si vô tri chỉ cầu phước báo trời - người trong đời sau...
Nói chung hành giả niệm Phật trước hết cần phải học tập, nghe đọc các giáo lý Kinh điển trước tác nhiều để cho có cái 'sanh tử tâm thiết' cái đã, tức phải 'ngộ' được sanh tử luân hồi thật khổ đau, sanh tử là đại sự, cần phải quyết tâm liễu thoát sanh tử trong đời... như thế mới gọi là bắt đầu thật sự bước chân vào Đạo. Cho nên các Ngài mới nói "Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm", tức tâm vì sanh tử phải mạnh, chân thật, khẩn thiết, quyết định trong một đời này. Như thế thì việc gầy dựng Tín Nguyện tâm mới dễ có kết quả như mong muốn được. Những điều Ngài nói bên trên cũng là vì điều này, phải có Tín Nguyện tâm chân thật, đầy đủ, tránh hư giả, không chân thật. Phần đông hành giả Tịnh Độ bị 'bối rối' chỗ này, tức một mặt ra sức tu tập cầu vãng sanh, một mặt vẫn phải lo toan cuộc sống, tức vẫn phải lao động làm việc, mưu sinh, gánh vác, như vậy dung hòa giữa đạo và đời thế nào đây, để không bị gọi là đã tu Tịnh Độ mà còn cầu mong phước báu thế gian này kia, bởi không cầu thì 'lấy gì sống'. Thật ra tất cả những điều này đó là do nguồn cơn từ đâu ra? Dạ vâng, đó là do thiếu Tín tâm chân thật mà ra cả. Bởi một khi tín tâm còn thiếu thì trong tâm nó cứ 'nhập nhằng' lẫn lộn như thế đấy, rất khó phân định được, rằng buông bỏ tất cả thì không được, mà đụng vô cái gì cũng sợ dính mắc hay sợ không chân thật này kia. Tuy nhiên một khi gầy dựng được cái Tín tâm cho sâu chắc thì mọi sự sẽ thành 'có cũng như không', mà 'không cũng như có' vậy thôi, tức về mặt sự tướng thì cứ sống, sinh hoạt, làm việc bình thường thôi, chỉ cần giảm ham muốn, sống biết đủ, tùy duyên qua ngày, không cần 'tạo dựng' thêm này kia khác nọ cho thêm nặng nợ ở thế gian nữa, đó là về mặt hình tướng như thế, còn trong tâm thì sao? Tất cả chỉ là phương tiện, khi nào cần xả bỏ thì xả bỏ hết, kể cả thân mạng này, để theo Phật về Tây, trong tâm chẳng cần 'quán tưởng' hay tâm niệm nhưng tự nhiên lại được như thế, người Tín tâm chân thật luôn có được vậy, tức có được cả cái Nguyện tâm chân thật thiết tha luôn, một khi cần xả bỏ là có thể xả bỏ tất cả, không tham luyến gì cả. Bởi vậy nó rất khác với dạng chỉ chú trọng hành trì, chẳng chú trọng Tín Nguyện, bởi dạng này phải luôn 'quán chiếu' rồi tâm niệm này kia phải buông bỏ tất cả, không sợ chết, nhưng càng quán chiếu thì lại càng phiền não, lo lắng, càng dính mắc nặng hơn, buông chỗ này lại dính mắc chỗ khác, thậm chí ngôn hành chẳng tương ưng, nói thì nhiều nhưng buông bỏ chẳng được là bao cả. Thật tế là như vậy đấy! Nói chung quy lại thì hành giả cứ hành trì đúng như lý như pháp, đúng đường lối tông chỉ thì mọi thứ sẽ đâu vào đấy theo đúng lộ trình cả thôi. Mục tiêu là phải sao cho đạt được Y giáo phụng hành là ổn thỏa, tức Tín Nguyện chân thật đầy đủ, tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, duy trì cả đời như vậy.
Các phần còn lại chúng ta cùng đọc và học tập, có những chỗ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gầy dựng Tín Nguyện tâm của hành giả vậy.
Văn Sao Tam Biên, quyển 2
Thư trả lời cư sĩ Trịnh Cầm Tiều
Đại Sư Ấn Quang