Thư trả lời cư sĩ Châu Nam Phố
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Chú Đại Bi nếu khẩn thiết, chí thành niệm sẽ có cảm ứng chẳng thể lường được! Nếu hướng đến người học Mật Tông để cầu cách đọc thì cũng chẳng phải là không được, nhưng người học Mật Tông phần nhiều chẳng chú trọng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, chỉ sợ bị họ đoạt mất chí hướng vãng sanh trong đời này, để mong “được thành Phật ngay nơi thân này”. Thành Phật ngay nơi thân này, nói dễ dàng sao! Nếu cho là điều ấy [bản thân ông] chắc chắn thật sự làm được, sợ rằng còn chưa thành Phật mà đã thành ma trước rồi. Những kẻ đem phàm lạm thánh, bộp chộp, lầm lạc, khoe khoang rỗng tuếch, phần nhiều phạm phải căn bệnh này, chẳng thể không biết! Bế quan tu hành tuy tốt, nhưng tại gia cố nhiên nên tùy duyên tùy phận, tự hành dạy người là hợp với căn cơ nhất, cần gì coi trọng bế quan? Nếu vướng bận gia đình mà cứ cưỡng muốn bế quan, sẽ đâm ra trở thành chướng ngại.
Nếu nói “ban sẵn thứ quý báu, bí mật” [tức là] chẳng biết pháp môn Tịnh Độ trọn chẳng có gì là bí mật! Nếu có bí mật “truyền miệng, trao [ngầm] bằng tâm” (“Cạn lòng thành, Tận lòng kính” chính là bí pháp vô thượng để học Phật, hãy nên nói với mọi người! Chẳng nỗ lực nơi pháp này chính là bỏ gốc theo ngọn vậy) liền thành tà ma, ngoại đạo, chẳng phải là con Phật. Mật Tông thì có bí truyền, nhưng chẳng thẳng, chóng, ổn thỏa, thích đáng bằng Tịnh Độ! Ông chớ lấy những lời lẽ lớn lối “thành Phật ngay nơi thân này” làm điều tự mong, mà phải cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Nếu muốn thành Phật ngay nơi thân này, sợ rằng Phật chẳng thể thành, mà cũng chẳng được vãng sanh, đôi đằng đều thành không, đáng lo lắm!
Trâu Hoa Lệ, Hoa Tùng đã dốc sức tu Tịnh nghiệp, đấy là đã có thiện căn Tịnh Độ từ trước. Nay đặt pháp danh cho hai người ấy: Hoa Lệ pháp danh là Huệ Vinh, Hoa Tùng pháp danh là Huệ Trinh. Trí huệ sáng rạng thì có thể tự lợi, lợi tha, trí huệ kiên trinh thì chắc là chẳng đến nỗi bị những tư tưởng khác lạ dời động. Người thông minh trong thế gian phần nhiều chẳng tự lượng, coi pháp môn Tịnh Độ là lười nhác, muốn nương theo các pháp môn thâm diệu cậy vào tự lực hòng được lợi ích lớn lao, rốt cuộc chỉ biết giáo nghĩa, chưa thể tâm đắc! Dẫu có tâm đắc, cũng chẳng thể thực hiện trọn khắp. Bỏ dễ cầu khó, biến khéo thành vụng, người thông minh mười kẻ hết chín phạm phải tâm bệnh này!
Chẳng bị xoay chuyển bởi những thứ tri kiến ấy, lại còn giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, chính là đệ tử thật sự của đức Phật, chắc chắn có thể liễu sanh thoát tử trong đời này. Xin đem lời này đưa cho họ xem.
Thư trả lời cư sĩ Lý Tự Sơ
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Ông đã thọ giới, đã có Văn Sao, Gia Ngôn Lục, hãy nương theo đó tu trì mới hòng khỏi phụ bạc cuộc đời này, cần gì phải hỏi đạo nơi minh sư chi nữa? Phải biết: Phật pháp ví như biển cả, ai có thể một bước đạp đến tận đáy, một miệng hút sạch được? Chỉ nương theo Tín - Nguyện - Hạnh trong pháp môn Niệm Phật thì chắc chắn sẽ có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh thì đã được liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Pháp này chính là vô thượng đại pháp để đức Như Lai phổ độ hết thảy dù phàm hay thánh. Nếu chẳng chuyên tu pháp này mà muốn liễu sanh tử bằng các pháp môn như Thiền, hay Giáo, hay Mật, hay Luật, đừng nói là đời này chẳng được liễu thoát, thật sợ rằng ngàn đời vạn kiếp vẫn khó liễu thoát! Do các pháp môn ấy đều phải đoạn hết sạch phiền não thì mới có phần được liễu sanh tử.
Ông nói “gởi thư qua lại hòng được chỉ dạy rõ ràng con đường chánh cho hết thảy chuyện tu hành” thì Văn Sao, Gia Ngôn Lục há chẳng phải đã chỉ ra con đường rồi ư? Chỉ cần nương theo đó mà tu là được rồi, cần gì phải dùng thư từ để chỉ đi dạy lại nữa? Các sách như Văn Sao v.v… ông còn chẳng y theo, làm sao có thể dùng thư từ để hỏi lại, nói lại được? Hóa ra ông chỉ chịu nương theo lời nói ít ỏi nhất! Nếu ông y theo Văn Sao tu hành, đảm bảo vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này! Nếu ngoài pháp này ra mà muốn đạt được lợi ích liễu sanh thoát tử thật sự, dù có mơ cũng mơ chẳng được! Ông chịu tuân theo lời tôi tức là chẳng khác gì quy y, cũng không cần phải đặt pháp danh mới là quy y vậy. Phàm nêu tên người trên, do chẳng dám gọi thẳng [tên họ người ta ra] nên mới nói là “thượng X… hạ Y…”. Ông tự xưng pháp danh mà cũng nói là “thượng Thường hạ Lạc” thì thành ra ăn nói nhảm nhí, tự cao tự đại, không thể không biết [điều này]! Quang đã già rồi, chẳng thể thường trả lời thư ông, chớ thường gởi thư đến nữa! Nếu muốn đọc kinh sách, nên thỉnh nơi Hoằng Hóa Xã.
Linh Nham Sơn Tự ở Tô Châu, nơi Đại Sư an cư niệm Phật những năm cuối đời.
(Nguồn: phatgiao.org.vn)
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang