Phàm tánh khí hung bạo đều là do ngạo mạn mà dấy lên
Nhận được thư, biết ông tập khí đời trước sâu dầy chẳng dễ tiêu diệt. Nhưng người học đạo phải lấy đối trị tập khí làm bước thứ nhất trong công phu tu hành. Nếu có thể trừ khử được một phần tập khí thì công phu mới thật sự đạt được một phần. Nếu không, chỉ có nhân, không có quả, khó được tương ứng với Phật! Ông đã biết [chính mình] tánh tình hung bạo, hãy nên luôn luôn nghĩ “ta chuyện gì cũng chẳng bằng người khác”; dẫu cho người ta phụ bạc ân đức của chính mình, vẫn thường nghĩ mình đã phụ bạc ân đức của người khác! Cảm thấy đối với hết thảy mọi người, ta đều đáng hổ thẹn, thiếu sót khôn cùng, thì tánh khí hung bạo sẽ không còn do đâu phát sanh được nữa! Phàm tánh khí hung bạo đều là do ngạo mạn mà dấy lên. Đã biết chính mình chỗ nào cũng có lỗi, tự nhiên tánh khí sẽ hòa hoãn, tâm bình lặng, chẳng tự ngã mạn, cao ngạo, lấn hiếp người khác!
Người học Phật hãy nên có con mắt chọn lựa pháp. Trong Phật pháp, pháp nào cũng hay, nhưng cần phải biết có tự lực và Phật lực khác nhau. Các tông Thiền, Giáo, Mật v.v… đều cần phải đoạn Hoặc chứng Chân thì mới liễu sanh tử được. Đoạn Hoặc chứng Chân há nói dễ dàng ư? Mật Tông tuy có nghĩa “hiện thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân hiện tại), nhưng không phải ai cũng có thể làm như thế được! Huống chi Mật Tông thường dùng thần thông để thu hút, lay động người khác. Thầy đã dùng chuyện ấy để hấp dẫn người khác, đệ tử sẽ chẳng thể không dốc chí hâm mộ thần thông. Nếu cái tâm hâm mộ, hy vọng thần thông thật thiết tha, thật tột bực, sẽ rất nguy hiểm chẳng thể nào kể xiết! Xin đừng chú trọng thần thông thì may mắn lắm thay!
Bởi lẽ tâm chẳng tương ứng với Phật nên chẳng thể đạt được lợi ích chân thật
Lời lẽ trong Tông môn ý nằm ngoài lời. Vì thế, phải vứt sạch hết thảy để chuyên ròng tham cứu. Nếu chỉ đọc được mấy cuốn sách Thiền, liền học đòi tung hứng những lời cơ phong, tội sẽ cực nặng. Ví như khẩu lệnh trong quân đội người ngoài doanh trại chẳng thể biết được. Nếu chỉ thuận theo mặt chữ mà giảng giải cơ phong, sẽ như kẻ ở ngoài doanh trại lầm lạc mưu toan đoán mò ý nghĩa của khẩu lệnh trong quân doanh rồi tự trà trộn vào, há chẳng nộp mạng ngay nơi ấy hay sao?
Ông hãy dựa theo Gia Ngôn Lục, Văn Sao mà tu, cũng như khuyên thê thiếp, con cái hãy đều dựa theo đó để thực hiện sự giáo dục trong gia đình thì ông cùng với thê thiếp, con cái đều có thể dự vào bậc thánh hiền trong khi còn sống, lên cõi Cực Lạc sau khi khuất bóng. Nếu chẳng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì nền tảng đã chẳng lập, dẫu có thể tu tập theo pháp môn Tịnh Độ như đã nói, rốt cuộc khó đạt được lợi ích thật sự, bởi lẽ tâm chẳng tương ứng với Phật nên chẳng thể đạt được lợi ích chân thật.
Chỉ có đức dày...
Nay đặt pháp danh cho ông là Đức Hậu, chỉ có đức dày thì mới chẳng thấy “người sai, ta đúng; người hèn kém, ta cao trội; ta có thể lấn hiếp người, người chẳng lấn hiếp được ta”. Như thế thì tánh hung bạo sẽ tự nhiên tiêu diệt không còn chi nữa! Lệnh thê pháp danh là Đức Ôn, Ôn (温) là khoan dung, nhân hậu, nhu hòa. Có thể khoan dung, nhân hậu, nhu hòa thì sẽ giúp chồng, dạy con, cai quản kẻ dưới chẳng đến nỗi hà khắc, dữ dằn, bạo ngược, cũng như nuông chiều con mù quáng v.v… đủ mọi khuyết điểm! Lệnh thiếp pháp danh là Đức Cung, cẩn thận giúp đỡ, vâng thuận ý chồng và vợ cả thì gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái bắt chước theo. Lại dùng lòng chí thành, khẩn thiết niệm Phật cầu sanh Tây Phương, trọn chẳng có một tâm niệm lười nhác, đấy gọi là Đức Cung. Ý nghĩa của Đức Cung là như thế đấy.
Giáo dục trong gia đình và nhân quả báo ứng
Nay gởi cho ông bốn gói sách để làm hướng dẫn tốt lành cho tiền đồ. Còn chuyện có ảnh chụp của Quang hay không đều chẳng quan hệ gì. Quang già rồi, đã sống uổng sáu mươi chín năm, trong năm nay sẽ diệt tung tích, ẩn dật lâu dài. Từ rày chẳng cần phải gởi thư tới nữa, sợ sau khi Quang ẩn dật rồi, ông sẽ mất công vô ích. Hiện nay muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm mà chẳng đề xướng giáo dục trong gia đình và nhân quả báo ứng, sẽ trọn chẳng thể được! Xin hãy thường nói với mọi người về hai chuyện này. Giáo dục trong gia đình phải bắt đầu từ lúc con mới vừa hiểu biết; lại phải chú trọng dạy dỗ con gái, nếu con gái hiền thì sau này chồng và con cái cũng như con cháu của con cái sẽ đều là hiền thiện cả!
Nam Mô A Di Đà Phật
Đoạn đầu: Nhưng người học đạo phải lấy đối trị tập khí làm bước thứ nhất trong công phu tu hành. Nếu có thể trừ khử được một phần tập khí thì công phu mới thật sự đạt được một phần. Nếu không, chỉ có nhân, không có quả, khó được tương ứng với Phật! Ông đã biết [chính mình] tánh tình hung bạo, hãy nên luôn luôn nghĩ “ta chuyện gì cũng chẳng bằng người khác”...
Chúng sanh thời Mạt này đa phần tập khí sâu nặng, muốn trừ khử chẳng phải chuyện dễ dàng, chuyện của một ngày hai ngày. Thật sự rằng, cái tâm sân giận nổi lên, đó là do tập khí kiêu mạn tích tụ nhiều đời nhiều kiếp gây ra vậy, đến nay học Phật, muốn trừ khử nó đi thì cũng phải ra sức thực hành, dụng công, mài dũa dần dần, không dễ gì trị 'một phát một' mà hết ngay được. Giống như trị căn bệnh mãn tính vậy, nói thì dễ ai nói cũng được, vấn đề là thực tế 'làm được' mới khó. Mà một khi đã biết được căn nguyên, gốc rễ của căn bệnh thì việc đối trị mới đạt được kết quả, giống như thầy thuốc đã bắt đúng bệnh vậy. Cho nên, đối với tập khí 'sân giận' này, biết gốc rễ của nó chính là tâm kiêu mạn từ bao đời nay cố kết lại, một khi nó nổi lên chứng tỏ tâm kiêu mạn đã 'bừng tỉnh' đang chực chờ 'phu trào' ra, tất cả đó chính là từ tâm kiêu mạn mà ra chứ chẳng phải gì khác. Nhiều khi đã thành 'tập khí', tức là mình không muốn nó vẫn cứ 'trào dâng' lên nhiều khi khiến cho tâm mình không thể kiểm soát được. Hay nói cách khác đó là do nghiệp lực quá mạnh từ trước giờ dấy khởi lên khiến tâm không thể kiểm soát mà ngược lại chính bị nó chi phối. Biết được căn bệnh thì chúng ta từng bước đối trị chúng thôi, tức đầu tiên phải tập hạ dần 'cái ngã' xuống, tập luyện ngay từ lúc 'bình thời', tức trong cuộc sống hàng ngày đối người tiếp vật, những khi tâm bình khí hòa, chứ chẳng phải đợi đến khi 'đụng chuyện' rồi mới thực hành thì làm sao làm cho được. Phải thực hành 'dụng công', rèn luyện ngay trong cuộc sống thường nhật, huân tập thành thói quen, gọi là có 'công phu' thì đến khi 'đụng chuyện' mới sử dụng được. Cho nên các Ngài dạy rằng: Hãy nên luôn luôn nghĩ “ta chuyện gì cũng chẳng bằng người khác”, tức thực hành khiêm hạ, cung kính trong cuộc sống thường ngày. Tức thường ngày có cái tâm cung kính, 'đội lên đầu' tất cả, bất luận là ai đi nữa, cứ nhất loạt 'đội lên đầu' hết, như thế cho khỏe, 'nhẹ cái đầu', chẳng bận tâm suy nghĩ phân biệt phải quấy đúng sai tốt xấu này kia chi cho mệt. Nhất loạt cung kính, nhất loạt 'đội lên đầu' hết, đó tức là hình thức đang 'xem mọi người đều là Bồ Tát, chỉ mình ta là phàm phu' vậy hay 'con chẳng dám xem thường các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật' [Thường Bất Khinh Bồ Tát].
Điều này nói vậy liệu có bị coi là yếu đuối không? Rồi bị người khác 'ăn hiếp' gì không? Dạ vâng, sự Nhẫn nhục nó có sức mạnh của Nhẫn nhục, thậm chí đó còn là sức mạnh [tinh thần] vô song nữa là khác, chẳng có sức mạnh [thế gian] nào địch lại. Nó khiến con người ta thật tự tại, chẳng còn sợ hãi gì nữa. Cho nên, đó là một trong những điều không thể thiếu trong tu Lục độ vạn hạnh: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn... Rằng là 'nhẫn' thôi chưa đủ, cần phải chịu 'nhục' nữa. Cái 'nhục nhã' [chẳng phải do mình vì mình] nó mới 'phê', nhiều khi không thể tránh trong đường đạo, nhiều khi lại mang 'âm đức' gì đó rất lớn là khác, cho nên đừng sợ nó [nếu là oan khiêng].
Đoạn tiếp: Người học Phật hãy nên có con mắt chọn lựa pháp. Trong Phật pháp, pháp nào cũng hay, nhưng cần phải biết có tự lực và Phật lực khác nhau. Các tông Thiền, Giáo, Mật v.v… đều cần phải đoạn Hoặc chứng Chân thì mới liễu sanh tử được...
Dĩ nhiên trong các Pháp môn thì chúng ta chọn Tịnh Độ rồi, thời nay thì điều này trở nên hiển nhiên, bởi các Pháp môn tực lực kia thì làm sao 'vô' cho nổi! Tuy nhiên, mặc dù là tu Tịnh Độ môn nhưng những tư tưởng của các Pháp môn ấy vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng, khiến cho tâm chúng sanh trở nên 'bất nhất', không hoàn toàn nương cậy giáo pháp của Tịnh Độ. Thật ra thì Pháp nào cũng là Pháp Phật truyền trao cả, chúng ta phải nhất loạt cung kính tất cả, nhưng một khi đã chọn lựa cái nào chúng ta nên chọn hẳn cái đó đi, cho dễ thành tựu, rằng là 'quý hồ tinh bất quý hồ đa'. Chính sự nhập nhằng giữa Tự lực và Phật lực khiến gây ra bao điều phiền toái trong tu học cho hành giả Tịnh Độ. Bởi một khi dẹp hẳn tư tưởng Tự lực thông thường thì việc gầy dựng phát khởi Tín tâm sẽ trở nên đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng hơn rất nhiều. Song do nhiều lý do khác nhau, hành giả cũng không dễ gì 'dẹp bỏ' được chúng, thôi thì nhiều khi phải 'chung sống' chứ biết làm sao được, giống như 'sống chung với lũ' vậy. Chứ còn một khi chỉ y cứ từ Kinh giáo Tịnh Độ thì việc gầy dựng Tín tâm sẽ trở nên không quá phức tạp. Ví dụ, trong Lời Thệ Nguyện của Phật, rằng "nãi chí thập niệm", Phật dành cho hạng bét thấp nhất cũng có phần, tức chỉ còn kịp niệm một niệm hay mười niệm cũng được thành tựu, thế thì đương nhiên các thứ hạng khác [đều cao hơn, niệm nhiều hơn] đương nhiên cũng phải có phần, vì cái thấp nhất [một niệm, mười niệm] còn được Phật rước cơ mà; cho nên tất cả các thứ hạng đều cùng có phần [từ hạng bét nhất trở lên]; và chính do điều này nên Pháp môn này mới là Pháp "Bình Đẳng Giác", tức bình đẳng thành tựu cho hết thảy chúng sanh niệm Phật. Bởi vậy, chỉ cần Phật để sót lọt một chúng sanh thôi, bất luận thứ hạng nào đi nữa, thì chắc chắn Pháp này không còn "Bình Đẳng Giác Kinh" nữa và Bổn Nguyện trở nên hư dối ngay [vì hạng cao hơn mà còn không thành tựu được thì hạng bét kia ["nãi chí thập niệm", tức chỉ kịp niệm được một niệm, mười niệm] làm sao thành tựu cho được, hay nói cách khác là [nếu như thế] thì chỗ cụm từ này "nãi chí thập niệm" trở nên hư dối ngay. Mà Phật thì đã thành Phật hiện đang thuyết Pháp nơi cõi Cực Lạc, Bổn Nguyện đã thành tựu rồi làm sao hư dối được! Cho nên điều này nhất định không thể xảy ra! Dạ vâng, cái 'điều này' vừa nói đó chính là cái điều 'Phật không rước ta' đấy ạ [tức để sót lọt một chúng sanh niệm Phật].
Cũng cần nói rõ thêm, bởi nếu nói thế sao bao nhiêu người niệm Phật cầu sanh về, nhưng đâu phải ai cũng được Phật rước cả đâu? Như thế là sao đây? Dạ vâng, như đã nói nhiều lần, đó là do họ hành Pháp nhưng tâm họ không tin Pháp [Bổn Nguyện], tức còn sanh nghi hoặc, tức tâm còn nằm ngoài Bổn Nguyện [các Ngài gọi là lọt ra khỏi Bổn Nguyện], nên mới thành ra như vậy. Chứ một khi hành giả mà tâm hạnh tương ưng [tin Pháp, hành Pháp], đúng nghĩa Y giáo phụng hành thì đảm bảo Phật rước không sót một ai vậy.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tam Biên, quyển 2
Thư trả lời cư sĩ Hác Trí Hy
Đại Sư Ấn Quang