Chánh Kinh:
Thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh, thiện ác báo ứng, họa phước tương thừa, thân tự đương chi, vô thùy đại giả. Thiện nhân hành thiện, tùng lạc nhập lạc, tùng minh nhập minh. Ác nhân hành ác, tùng khổ nhập khổ, tùng minh nhập minh. Thùy năng tri giả, độc Phật tri nhĩ. Giáo ngữ khai thị, tín hành giả thiểu. Sanh tử bất hưu, ác đạo bất tuyệt. Như thị thế nhân, nan khả cụ tận. Cố hữu tự nhiên tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung. Thế thế lũy kiếp, vô hữu xuất kỳ, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn!
Trong vòng trời đất, ngũ đạo phân minh, thiện ác báo ứng, họa phước tiếp nối, thân phải tự lãnh, chẳng ai thế cho. Người lành làm lành từ vui vào vui, từ chỗ sáng vào chỗ sáng. Kẻ ác làm ác từ khổ vào khổ, từ tối vào nơi tối. Ai biết được thế? Chỉ mình đức Phật biết nổi mà thôi! Dạy bảo khai thị, kẻ tin hành theo thì ít. Sanh tử chẳng ngơi, ác đạo chẳng dứt. Người đời như vậy khó thể hết sạch. Bởi vậy, tự nhiên có tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó đời đời kiếp kiếp, chẳng có thuở ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói nổi!
Giải:
Ðoạn này tổng kết năm sự ác, năm sự đau đớn, năm sự đốt.
Sách Hội Sớ giảng câu “thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh” (trong vòng trời đất, ngũ đạo phân minh) như sau: “Trời đất là sở y thế giới khí thế gian, [chữ thiên địa] chỉ chung cả ba cõi. Ngũ đạo là năng y hữu tình, chỉ chung cả đường lành lẫn nẻo ác. Nhân quả khổ vui ai cũng thường thấy nên bảo là phân minh”.
Ngài Nghĩa Tịch lại nói: “Trong vòng trời đất, sanh tử trong năm đường, nhân quả phân minh”, ý nói: Hễ có nhân ắt có quả. Nghiệp nhân như thế thì quả báo như thế, chẳng sai một mảy.
“Thiện ác báo ứng”: Sách Tiên Chú giảng chữ “báo ứng” như sau: “Có làm ắt có báo, có cảm ắt có ứng”. Như vậy, họa phước gặp phải trong hiện tại đều là báo ứng của túc nhân (nhân đã tạo trong đời trước).
Sách Hội Sớ nói: “Thiện ác thuộc về nhân; họa phước thuộc về quả. Nhân có thiện ác, quả cảm khổ vui. Bóng theo hình, tiếng vọng theo âm thanh, chẳng sai tơ tóc”. Bóng ắt theo hình, tiếng vọng vang ra từ âm thanh không sai mảy may; nghiệp nhân, quả báo cũng giống như thế.
“Họa phước tương thừa” (Họa phước tiếp nối): Sách Hội Sớ giảng chữ Thừa (承) là “nhận lãnh, tiếp nối”. Nghiệp nhân đời trước có thiện ác lẫn lộn nên đời sau thọ báo thì hoặc là trước vui sau khổ, hoặc là trước khổ sau vui. Khổ vui tiếp nối, họa phước thay phiên nhau nên bảo là “họa phước tương thừa”. Làm lành được phước, tạo ác mắc họa, đều là tự mình làm tự mình chịu nên bảo là “thân tự đương chi, vô thùy đại giả” (thân phải tự lãnh, chẳng ai thế cho).
Tổng hợp ý kiến của ngài Nghĩa Tịch và tác giả sách Hội Sớ, các câu từ chữ “thiện nhân hành thiện” (người lành làm lành) cho đến “tùng minh nhập minh” (從冥入冥: từ chỗ tối vào chỗ tối) được hiểu như sau:
Thiện nhân là người gieo cái nhân lành; đời sau sanh trong nhà tôn quý, thân hình đoan chánh, duyên cảnh hòa hợp, đẹp đẽ, thân tâm sướng vui; đó là “lạc” (樂). Người ấy lại còn sáng suốt, thông đạt, ưa điều thiện, thích bố thí; ấy là “minh” (明). Nếu người ấy lại làm nhiều thiện nghiệp, siêng tu phước huệ thì được sanh lên trời. Hay hơn nữa là niệm Phật cầu sanh Tây Phương v.v… Ấy là “tùng minh nhập minh” (從明入 明: từ chỗ sáng vào chỗ sáng).
Còn kẻ ác tạo ác nghiệp, gieo nhân ác, chịu quả ác. Vì thế, sanh trong nhà ty tiện, hình dung khô kháo, cả đói lẫn rách bức não thân tâm; ấy là khổ. Lại còn ngu muội, vô tri, chẳng tin chánh pháp, chẳng làm việc lành; ấy là “minh” (冥: tối tăm). Nếu còn làm nhiều ác nghiệp, chết sẽ đọa ác đạo, nên bảo: “Tùng khổ nhập khổ, tùng minh nhập minh” (從 苦入苦, 從冥入冥: Từ khổ vào khổ, từ tối vào nơi tối).
Tiếp đó, kinh dạy rõ lý nhân quả sanh tử trong sáu đường như thế rất u huyền; cả chín mươi lăm phái ngoại đạo chẳng thể biết được nổi, chỉ mình đức Thế Tôn ta biết được căn nguyên nên nói: “Độc Phật tri nhĩ” (Chỉ riêng đức Phật biết mà thôi). Phật rủ lòng giáo hóa, mở bày sự chân thật, nhưng chúng sanh ngu si, chẳng tin theo, chẳng hành theo.
Bởi vậy, Phật nói: “Tín hành giả thiểu” (Kẻ tin hành theo thì ít). Do đó, thế gian “sanh tử bất hưu, ác đạo bất tuyệt” (sanh tử chẳng ngơi, ác đạo chẳng dứt). Người đời chẳng tin lời Phật dạy răn cứ làm ác không thôi.
Các câu tiếp đó như: “Cố hữu tự nhiên tam đồ…” (Bởi vậy, tự nhiên có tam đồ…) nghĩa đã quá rõ.
Ảnh minh họa: "Tin hành theo lời Phật dạy" [Tín thọ phụng hành]
Đoạn: Sách Hội Sớ nói: “Thiện ác thuộc về nhân; họa phước thuộc về quả. Nhân có thiện ác, quả cảm khổ vui. Bóng theo hình, tiếng vọng theo âm thanh, chẳng sai tơ tóc”. Bóng ắt theo hình, tiếng vọng vang ra từ âm thanh không sai mảy may; nghiệp nhân, quả báo cũng giống như thế.
Điều này người thế gian thì có người biết người không, có người tin sâu có người tin 'cạn', nhưng với hành giả Tịnh Độ chúng ta thì chắc ai ai cũng biết, ai ai cũng 'nằm lòng'. Thế nhưng trong cuộc sống phức tạp nơi ngũ trược này, đôi khi người tu hành chúng ta vẫn có thể phạm phải, khởi hoặc tạo nghiệp, nhiều khi mình không cố ý nhưng do vô tình hay do tập khi sâu nặng nhiều đời nhiều kiếp cố kết, cộng với nhân duyên xấu ác dẫy đầy, làm cho chúng ta tiếp tục tạo nghiệp mà chẳng hay! Điều này là có thật không? Chúng ta cứ chân thật mà kiểm đếm lại thân tâm mà xem, ví dụ mỗi cái nghiệp nơi ý [tham sân si] dễ gì hàng ngày chúng ta chẳng phạm phải ít nhiều, cho dù có cố gắng nhưng nhiều lúc nó cứ 'bật' ra, không kiềm chế được, dù chỉ là vi tế đi nữa, thì cũng đã là ý niệm [tạo nghiệp]. Vấn đề là đã là bậc tu hành cầu giải thoát, chúng ta phải sống hướng thượng mới được, cố gắng đoạn ác tu thiện, bởi Nhân và Quả như "bóng theo hình, tiếng vọng theo âm thanh". Với hành giả Tịnh Độ, cái quả nó trổ ra lại càng gấp rút nhanh chóng [thường ngay trong đời này], vì sao? Vì đó chính là Hoa báo hiện đời, quả nặng báo nhẹ [nhờ có tu tập]. Nếu không, cái quả báo thật sự chính là Hậu báo [nơi Tam đồ], rất đáng sợ, rất dài lâu.
Đoạn: Thiện nhân là người gieo cái nhân lành; đời sau sanh trong nhà tôn quý, thân hình đoan chánh, duyên cảnh hòa hợp, đẹp đẽ, thân tâm sướng vui; đó là “lạc” (樂). Người ấy lại còn sáng suốt, thông đạt, ưa điều thiện, thích bố thí; ấy là “minh” (明). Nếu người ấy lại làm nhiều thiện nghiệp, siêng tu phước huệ thì được sanh lên trời. Hay hơn nữa là niệm Phật cầu sanh Tây Phương v.v… Ấy là “tùng minh nhập minh” (從明入 明: từ chỗ sáng vào chỗ sáng).
Chúng ta, những hành giả Tịnh Độ, thì chỉ một lòng cầu sanh Tây Phương mà thôi, chẳng mong lên trời hay được trở lại nhân gian làm gì. Chư Phật, Chư Tổ cũng khuyên chúng ta như vậy, "một đời liễu thoát sanh tử, siêu phàm nhập thánh". Rõ ràng, đây là con đường "sáng" nhất trong các con đường sáng, về "chỗ sáng" nhất trong các chỗ sáng. Cho nên, chúng ta đang tu Tịnh Độ cầu sanh Cực Lạc tức là cũng đang hành theo lời Phật dạy, "y giáo phụng hành" vậy.
Vấn đề là, đã "y giáo phụng hành" thì phải làm cho trót, nghĩa là đã tu đã hành Tịnh Độ thì phải tu, phải hành cho đúng Tông chỉ tông yếu của Pháp môn này [từ kim khẩu Đức Phật thuyết ra], vậy thì mới thật sự là "y giáo phụng hành", nhất định thành tựu ngay một đời này. Việc này có quá khó khăn không [với hàng phàm phu số đông thời Mạt như chúng ta]?. Các Chư Tổ sư liễu giải rằng, "Tịnh Độ độ khắp cả ba căn Thượng - Trung - Hạ", "phàm thánh gồm thâu", "đới nghiệp vãng sanh"... cho nên chắc chắn không phải là quá khó [vượt tầm với] với ai cả! Điều quan trọng là 'đừng bao giờ từ bỏ', phải kiên nhẫn, kiên trì và kiên định [hành theo lời Phật dạy]. Ở đây, Phật dạy chúng ta rằng, hãy tin tưởng, dốc lòng niệm Phật mà cầu sanh về Cực Lạc đi [đừng tham đắm thế gian này nữa], như thế thì cuối đời [hay thọ mạng hết] Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn chúng ta về. Và Ngài cũng chỉ rõ rằng, niềm tin ở đây là phải "chí tâm tin ưa" mới được [để khỏi phải lúc này lúc khác]. Cho nên, trong tu học, nói gì nói cái Lý [tức Lời Phật dạy về Pháp môn] chúng ta cần nắm rõ, hiểu thấu thì sẽ rất tốt cho đường đạo của chúng ta. Giống như cái lý 1+1 =2 vậy, làm sao chúng ta có thể hoài nghi, không tin cho được.
Các đoạn Kinh văn khác chúng ta cùng học tập theo Chú giải của các Ngài, để được thêm lợi ích.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 35. Trược Thế Ác Khổ
Ngài Hoàng Niệm Tổ