Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm, kiên cố bất thoái, thực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả. Nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trì kinh giới, nguyện sanh ngã sát, mạng chung bất phục cánh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, hệ niệm cõi tôi, phát Bồ Ðề tâm kiên cố bất thoái, gieo các cội đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về Cực Lạc thì không ai chẳng được toại nguyện. Nếu có nghiệp ác đời trước, nghe danh hiệu tôi liền tự hối lỗi, tu đạo làm lành, liền trì kinh giới, nguyện sanh cõi tôi, mạng chung chẳng đọa vào tam ác đạo nữa, liền sanh trong cõi tôi. Nếu chẳng được vậy chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện hai mươi mốt: Sám hối được vãng sanh)
Giải:
Ðây là nguyện thứ hai mươi mốt: “Sám hối được vãng sanh”. Ý của đoạn văn từ câu đầu đến câu “vô bất toại giả” (không ai chẳng được toại nguyện) giống ý của nguyện hai mươi trong bản Ngụy dịch (câu văn và chữ dùng trong hội bản được chọn từ bản Ðường dịch lẫn Tống dịch); phần còn lại trích từ nguyện thứ năm của bản Ngô dịch (bản Hán dịch chép giống vậy) để kết thành nguyện này, đặt tên là nguyện “hối lỗi được vãng sanh”.
Khác với nguyện thứ mười tám và nguyện hai mươi, nguyện này chú trọng kẻ tạo ác nghiệp trong đời trước tội nghiệp sâu nặng phải chịu quả báo trong tam đồ. Ðời này được nghe danh hiệu liền phát tâm, chí tâm hồi hướng, vun bồi đức hạnh cầu vãng sanh. Lúc lâm chung được Phật nguyện gia bị, chẳng đọa ba ác đạo, vãng sanh cõi kia. Nguyện này thể hiện từ đức thù thắng của Phật nguyện nên cổ đức bảo: “Bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng vì cứu độ chúng sanh”. Ðại bi từ phụ ân đức vô cực, chúng ta học Phật lẽ nào chẳng báo?
“Hệ niệm” (繫念) nghĩa là tâm niệm chuyên chú một chỗ, chẳng nghĩ đến điều gì khác, như Quán Kinh dạy: “Ưng đương chuyên tâm, hệ niệm nhất xứ, tưởng ư Tây Phương” (Phải nên chuyên tâm, hệ niệm một chỗ tưởng nơi Tây Phương).
Chữ “thực” (植) trong “thực chúng đức bổn” (trồng các cội đức) có nghĩa là trồng trọt. “Ðức bổn” (德本) là thiện căn. Ðức là thiện, Bổn là cội rễ. “Ðức bổn” còn có nghĩa là căn bản của các đức vậy. Hiểu theo nghĩa này, danh hiệu A Di Ðà Phật chính là cội đức như sách Giáo Hạnh Tín Chứng giảng: “Ðức bổn là đức hiệu của Như Lai. Xưng niệm đức hiệu ấy một tiếng thì chí đức (đức cùng tột, cao tột nhất) được thành tựu trọn vẹn, chuyển được các họa. Do [đức hiệu A Di Ðà] là gốc của mười phương tam thế đức hiệu nên gọi là Đức Bổn”.
Câu “túc ác” chỉ các nghiệp ác đã gây tạo trong đời trước, tức là tội ác trong đời quá khứ. “Hối” (悔) là sửa đổi, sửa đổi quá khứ, tu tập tương lai. “Hối quá” (悔過) là hướng về Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng mà sám hối tội lỗi, thề chẳng tái phạm.
Do nguyện này mang tên “hối lỗi được vãng sanh” nên ta biết: Sám Hối là chìa khóa để vãng sanh vì do sám hối sẽ diệt được hết thảy tội. “Trì” (持) là phụng trì.
“Mạng chung bất phục cánh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc” (Mạng chung chẳng đọa tam ác đạo nữa, liền sanh về cõi ta) chính là yếu chỉ của lời nguyện này. Nếu đời trước trót làm ác, có nghiệp quyết định thì sau khi mạng chung ắt phải ở cõi này hoặc trong thế giới phương khác đọa trong ba ác đạo. Do đời này hối lỗi tu đạo hành thiện, tụng kinh, trì giới, phát Bồ Ðề tâm, chuyên niệm Cực Lạc, chí tâm hồi hướng cầu sanh Tịnh Ðộ v.v... thì nhờ vào công đức của lời nguyện này của Phật Di Ðà để ngăn chặn túc nghiệp, được Phật tiếp dẫn chẳng đọa tam đồ, nhanh chóng sanh về Cực Lạc. Vì vậy, kinh chép: “Vô bất toại giả” (Không ai chẳng được toại nguyện). Chữ “toại” (遂) nghĩa là ý nguyện cầu sanh Cực Lạc được thỏa mãn trọn vẹn. Rõ ràng, người túc nghiệp sâu nặng đều chẳng bị đọa vào tam đồ nữa, được mang nghiệp đi vãng sanh. Bi nguyện Phật Di Ðà sâu thẳm, sức nhiếp độ mênh mông vượt trỗi mười phương.
Đây là đoạn Kinh văn lời Nguyện thứ 21 "Sám hối được vãng sanh", một trong bốn Nguyện tiếp dẫn vãng sanh của Đức Phật. Nói chung thì chúng sanh thời Mạt này đa phần đều có túc nghiệp sâu nặng cả, cho nên trong tu tập hành trì thì đều phải ra sức cực lực mà sám hối, sửa đổi, tu học... Cho nên Nguyện này rất ứng hợp với căn cơ thời nay. Nghĩa là bên cạnh việc chánh hạnh niệm Phật thì phải liên tục kiền thành sám hối chẳng dứt như hành lễ Phật, trì kinh giới, tu sửa lỗi lầm đoạn ác tu thiện... như thế thì đường đạo mới vững chãi kiên cố được.
Đọc đoạn Kinh văn trên chúng ta thấy so với Đại Nguyện thứ 18 thì Nguyện này khó hơn hay dễ hơn?! Thành thật mà nói, trong các Nguyện tiếp dẫn vãng sanh thì không có Nguyện nào thù thắng bằng Đại Nguyện thứ 18 cho được. Thật sự là như vậy! Tuy nhiên các Nguyện tiếp dẫn khác mỗi Nguyện cũng có một đặc thù riêng, nên Phật mới phát ra như vậy để cứu độ chúng sanh, chứ nếu không thì chỉ Đại Nguyện 18 là đủ, cần gì thêm các Đại Nguyện khác làm chi nữa?!
Đặc thù của Nguyện này, như các Ngài đề cập, đó chính là chỗ "sám hối":
"Nguyện này chú trọng kẻ tạo ác nghiệp trong đời trước tội nghiệp sâu nặng phải chịu quả báo trong tam đồ. Ðời này được nghe danh hiệu liền phát tâm, chí tâm hồi hướng, vun bồi đức hạnh cầu vãng sanh. Lúc lâm chung được Phật nguyện gia bị, chẳng đọa ba ác đạo, vãng sanh cõi kia."
Chính nhờ ăn năn sám hối, sợ đọa lạc Tam Đồ, Địa Ngục, mà quyết tâm hồi đầu tu tập ngõ hầu mong được cứu thoát khỏi bị đọa lạc. Chính cái tâm 'dốc kiệt lòng thành' tu học này giúp cho đạt tới chỗ "chí tâm" ["chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc"]. Chứ nếu một người bình thường tu học thì sẽ khó đạt được điều này. Cho nên nhờ... 'nương' vào hoàn cảnh [đặc thù] như vậy mà tu học được thành tựu. Chúng ta để ý ở đây là "chí tâm hồi hướng, muốn sanh về Cực Lạc" chứ không phải là "chí tâm tin ưa" như Đại Nguyện 18 đâu nhé. Hai cụm từ này ý nghĩa khác nhau, mặc dù đều là "chí tâm" cả. Thật sự, muốn vãng sanh thì không thể không... "chí tâm" được! Chúng ta xem các Đại Nguyện tiếp dẫn khác, tất cả đều phải là "chí tâm" cả. Ví dụ, Đại Nguyện 19 "...Phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, phụng hành sáu ba la mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn...", ở đây ta thấy "nhất tâm" [công phu "nhất tâm bất loạn"]. "Chí tâm" cũng chính là dạng "nhất tâm" vậy. Hay như Nguyện thứ 22 "Nhàm chán thân nữ chuyển thân nam" cũng ngầm có chỗ "chí tâm" [nhất tâm] trong đó, chúng ta sẽ luận bàn ở phần sau. Thậm chí trong 'hạng mục' Biên Địa nghi thành, liệu có cần phải "nhất tâm" không? Chúng ta thấy lời Kinh "Do vì liên tục nhớ nghĩ không thôi kết thành thiện nguyện cũng được vãng sanh", đây cũng là dạng của "nhất tâm". [Theo Chư Tổ thì chữ "nhất" ở đây không phải chỉ "một" mà là sự không gián đoạn].
Nói chung là sớm hay muộn, lúc bình thời hay phải đến lúc cuối, hành giả phải đạt được sự "chí tâm" [hay "nhất tâm"] này. Rõ ràng, trong một số trường hợp đặc thù, thì việc đạt được điều này sẽ dễ hơn những đối tượng khác không cùng hoàn cảnh đó.
Chúng ta cùng đọc và học tập phần liễu nghĩa chú giải của các Ngài cho đoạn Kinh văn này.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ