Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác; duy trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp.
Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi tôi, dẫu chỉ mười niệm, nếu chẳng được sanh thì chẳng lấy Chánh Giác. Chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp.
(Nguyện mười tám: Mười niệm ắt vãng sanh)
Giải:
Ðoạn kinh này nói về nguyện thứ mười tám: “Mười niệm ắt vãng sanh”. Các vị cổ đức thuộc Tịnh Tông Nhật Bản phán định rằng: Trong các kinh, chỉ mình kinh Hoa Nghiêm là chân thật. Nhưng nếu đem Hoa Nghiêm so với kinh này thì kinh này mới là chân. Ðem các nguyện khác so sánh với nguyện này thì nguyện này chân thật nhất, nghĩa là: Nguyện này chân thật nhất trong các nguyện chân thật.
“Chí tâm” là tâm chí thành, tâm chí cực. Sách Kim Quang Minh Văn Cú nói: “Chí tâm là tột cùng nguồn tâm, tận cùng Thật Tế của tâm nên bảo là chí tâm”. “Nguồn tâm” là nguồn gốc của bổn tâm. “Thật tế” là Chân Thật Tế nói trong kinh này. “Tín nhạo” (信樂: tin ưa) là tin thuận pháp đã được nghe, do ưa thích nên sanh lòng tin hoan hỷ. “Chí” (至) còn có nghĩa là chân thành, thành thật. “Tâm” (心) là trân trọng, thành thật. “Tín” (信) là chân thật, thành thật, viên mãn, trung tín. “Nhạo” (樂) là ham thích, mong muốn, yêu mến, sung sướng, vui vẻ, mừng rỡ. Như vậy, “tín tâm” là tấm lòng chân thật, thành thật, trọn vẹn, tấm lòng mong mỏi yêu thích, tấm lòng hoan hỷ, mừng rỡ. Dùng cái tâm như thế để tin yêu, ham thích, nên bảo là “chí tâm tín nhạo”.
(...)
Ảnh: Thế giới Cực Lạc
Để chú giải Đại Nguyện này ngài Hoàng Niệm Tổ dùng rất nhiều Kinh giáo, trước tác, giảng luận của các bậc Tổ Sư, Đại Đức trước đây cùng rất nhiều luận cứ chú thích (9 trang đánh máy). Độc giả muốn tìm hiểu có thể tham khảo trong sách Chú Giải này. Ở đây, chúng ta sẽ học tập một cách ngắn gọn, xúc tích, ít văn tự hơn. Đó là y cứ theo giáo pháp của Đại sư Thiện Đạo trong các trước tác của Ngài [thông qua dẫn thuật của Tổ Pháp Nhiên].
Trong lời Nguyện này có hai chỗ chúng ta cần quan tâm nhất, đó là "chí tâm tín nhạo" [chí tâm tin ưa] và "nãi chí thập niệm"[cho đến mười niệm]. Phần "nãi chí thập niệm" thì trong sách Chú Giải này đã trình bày rất cụ thể, xác quyết rằng, đó chính là "hệ niệm": "Trên là niệm trọn đời, dưới thâu vào mười niệm"[hạng bét của hàng Ngũ nghịch thập ác], theo ý chỉ của Tổ Thiện Đạo. Bởi thế nên các Ngài đều nói rằng ba bậc vãng sanh Thượng - Trung - Hạ đều gồm thâu trong Đại Nguyện này, chứ chẳng phải là chỉ dành cho bậc Hạ [niệm được mười niệm lúc lâm chung] như một số ý kiến đã nói. Vấn đề này đã được cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Bây giờ chúng ta tập trung học tập, nghiên cứu cụm từ "chí tâm tín nhạo" nghĩa là như thế nào và áp dụng trong hành trì tu tập ra sao, ngõ hầu có thể y giáo phụng hành, mang lại lợi ích thiết thực. Đó cũng tức là gầy dựng một Pháp dẫn đầu và cũng quan trọng vào hàng bậc nhất: TÍN, trong ba pháp của Tông chỉ Tịnh Độ Tông: Tín - Nguyện - Hạnh.
Tổ Pháp Nhiên đã dẫn lại lời Kinh [theo bản dịch đời Đường, cũng đồng nhất như trong bản Hội Tập], cùng lời dẫn của Tổ Thiện Đạo [trong sách Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật] như sau:
Kinh Vô Lượng Thọ quyển Thượng chép: "Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, hết lòng tin ưa, muốn sanh nước tôi, cho đến mười niệm, nếu chẳng được sanh, tôi không thành Phật" (Thiết ngã đắc Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín nhạo, dục sinh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sinh giả, bất thủ Chánh Giác).
Quyển Quán Niệm Pháp Môn dẫn đoạn Kinh trên viết: "Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, nguyện sanh nước tôi, xưng danh hiệu tôi, cho đến mười tiếng, nương nguyện lực tôi, nếu chẳng được sanh, tôi không thành Phật."
Quyển Vãng Sanh Lễ Tán dẫn đoạn Kinh trên viết: "Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, xưng danh hiệu tôi, cho đến mười tiếng, nếu chẳng được sanh, tôi không thành Phật". Mà nay Phật kia, tại thế thành Phật, rõ ràng Bổn Thệ Trọng Nguyện chẳng hư dối, chúng sanh xưng niệm, tất được vãng sanh."
Hai quyển Quán Niệm Pháp Môn và Vãng Sanh Lễ Tán là của Tổ Thiện Đạo biên soạn. Mà lời của Tổ Thiện Đạo chúng ta xem là lời Kinh vậy.
Ý của Tổ Thiện Đạo là dẫn lại lời Kinh Phật thuyết theo hai cách [thật ra ý chỉ sâu xa chỉ là một] để giúp dễ hiểu, dễ phát khởi tín tâm mà hành trì để được lợi ích chân thật. Thật ra thì cả hai cách Ngài nêu đều nhằm liễu nghĩa chỗ "chí tâm tín nhạo" mà thôi. Bởi chỗ này hơi khó hiểu, chúng sanh dễ bị hiểu nhầm, đưa đến việc hành trì không đúng Pháp. Mà chỗ này cũng là chỗ tinh hoa, tâm tủy, quan trọng vào hàng bậc nhất của Pháp môn. Có thọ dụng để đạt được lợi ích chân thật của pháp môn hay không, chính là ở chỗ này. Bởi vậy các Ngài đặc biệt chú trọng, liễu giải kỹ chỗ này.
Đọc hai đoạn Kinh văn của Ngài bên trên, chúng ta thấy câu chữ ngắn gọn, rõ ràng, có vẻ không có gì khó hiểu. Vấn đề còn lại của chúng ta là phải "Tin" cho được. Rồi ra sức hành trì, chắc chắn sẽ được đại lợi ích.
Trong hai đoạn này, đoạn phía trên rõ ràng dễ "Tin" hơn. Thế nên các Chư Tổ Sư Tịnh Độ đa phần đều dùng đoạn này. Chúng ta thấy các cụm từ như: "Nương Bổn Nguyện, nương sức Phật Thệ Nguyện, nương nguyện lực của Phật, nương cậy Phật từ lực..." xuất hiện nhan nhản khắp trong các trước tác Tịnh Độ, dĩ nhiên cũng không ít như "Tin Bổn Nguyện, tin vào Tha Lực Đại Đạo, tin nhận Di Đà cứu độ...".
Để Tín tâm phát khởi mạnh mẽ, chắc chắn, kiên cố, chẳng nghi hoặc, chẳng dao động, chúng ta cần nắm thật chắc phần Lý, giống như: 1+1=2 vậy, không sai chạy đâu được, như vậy thì mới lâu bền theo năm tháng được, rồi khi gặp những ngoại duyên bất đồng trên con đường tu tập, chúng ta nhờ cái lý vững chắc này mà vẫn trụ vững cái Tín tâm, chẳng hề bị dao động, suy suyễn. Giống như cái cây có cái rễ cọc cắm thật sâu vào lòng đất, dù gặp phong ba bão tố cùng lắm cũng chỉ gãy cành gãy ngọn, gốc rễ chẳng hề hấn chi. Đó cũng chính là điều mong mỏi của chúng ta sau khi học tập bài Pháp này.
Ở đây Đại Sư viết "nương nguyện lực tôi" thay thế cho "chí tâm tín nhạo". Chí tâm tin ưa, xưng danh hiệu tôi, nguyện sanh nước tôi, thì chắc chắn được sanh. Tương tự vậy, nguyện sanh nước tôi, xưng danh hiệu tôi, nương nguyện lực tôi, thì chắc chắn được sanh. Vậy thì, "nương nguyện lực tôi" và "chí tâm tin ưa" là một, cùng môt ý nghĩa, chẳng hai, chẳng khác. Nghĩa là như thế nào? Tức là "niệm Phật, [do] nương nguyện lực tôi, [nên] chắc chắc vãng sanh", tương tự, "niệm Phật, [mà] chí tâm tin ưa, [thì] chắc chắn vãng sanh". Vậy vì sao người niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh, nhờ "nương sức Bổn Nguyện" lại chắc chắn được sanh, tuyệt đối không thể nghi ngờ điều này [nghĩa là "chí tâm tin ưa"]? Đây mới là mấu chốt vấn đề. Sự thâm áo, tâm tủy của Pháp môn nằm ngay ở chổ này đây, chiếc vé về Tây nó nằm ngay ở chổ này đây, chứ chẳng ở đâu khác!
Chư Tổ Sư thường đưa ra những lời khai thị như: "Bổn Nguyện là mạnh mẽ nhất", "Bổn Nguyện thật hùng cường", hay trong Kinh văn Phật thuyết rằng: "Giả sử lửa cháy khắp ba ngàn. Nhờ oai đức Phật tất siêu việt. Quyết định vãng sanh cõi Cực Lạc"... Tất cả chỉ là để giúp chúng sanh có thể thấu rõ mà phát khởi được Tín tâm đối với Nguyện Lực của Phật. Nguyện lực của Phật thật vĩ đại, thật vô song, bất khả tư nghì, có thể vượt qua mọi nghiệp lực của chúng sanh, để mà cứu vớt họ về Cực Lạc. Thế nên, chúng sanh 'nương tựa vào đó' thì chắc chắn được cứu vớt, chắc chắn được sanh về cõi kia, bất luận nghiệp lực của họ nặng nhẹ như thế nào, công phu sâu cạn ra sao đi nữa, Nguyện lực của Phật đều chiến thắng tất cả, để đưa cho được chúng sanh về đến cõi ấy mới thôi. Do Đức Phật Ngài đã phát Thệ Nguyện ra như thế [hay nói nôm na là Ngài đã 'hứa' như thế]. Đức Phật kia hiện đã tại thế thành Phật, nên lời Thệ Nguyện này tuyệt đối không hư dối, tuyệt đối không sai khác đi đâu được. Nên lời Thệ Nguyện tiếp dẫn này của Phật có sức mạnh 'vô song', bất khả tư nghì là như vậy. Mặt khác, niệm Phật là hạnh của Bổn Nguyện, nên chúng sanh niệm Phật tức là đang nương vào sức Bổn Nguyện [bất khả tư nghì], nên tất được sanh. Bởi vậy, Đại Sư viết "xưng danh hiệu tôi, nương nguyện lực tôi, tất được sanh". Ý chỉ Kinh văn là như vậy.
Tóm lại, đối với lời dẫn đầu tiên của Đại Sư, hành giả niệm Phật cầu vãng sanh chúng ta chỉ cần tin tưởng, khắc cốt ghi tâm cụm từ này: "Niệm Phật, nương Bổn Nguyện, chắc chắn vãng sanh" hay "Niệm Phật, nương Nguyện Lực của Phật, tất được vãng sanh". Bổn Nguyện chính là thuyền từ độ thoát chúng sanh khỏi biển sanh tử, chúng ta nương cậy vào sức thuyền từ này, chắc chắn sẽ đến bến bờ bên kia [cõi Cực Lạc]. Đây chính là hình tượng mà Chư Tổ Sư hay dùng, rất dễ hình dung để đề khởi, gìn giữ Tín tâm chân thật. "Niệm Phật, nương sức thuyền từ Bổn Nguyện, chắc chắn vãng sanh".
Ở lời dẫn Kinh văn thứ hai trong Vãng Sanh Lễ Tán, Đại sư dẫn giải câu chữ rõ ràng, ngắn gọn, xác quyết, không có gì khó hiểu. Vấn đề của chúng ta là phải Tin nhận lời Kinh này. Đoạn này ngắn gọn, dễ hiểu hơn, nhưng để phát khởi được niềm Tin một cách chân thật, kiên cố, không dao động thì cần thiện căn hơn. Với đoạn này, người tu Tịnh Độ chúng ta cần tin tưởng, xác quyết, khắc cốt ghi tâm cụm từ này: "Phật kia đã tại thế thành Phật, nên Bổn Nguyện chẳng hư dối, chúng sanh xưng niệm tất được vãng sanh" [hoàn toàn không thể nghi ngờ điều này, đồng nghĩa "chí tâm tin ưa"]. Hay nói ngắn gọn hơn đó là: "Bổn Nguyện chẳng hư dối, niệm Phật ắt vãng sanh". Hãy chủ tâm ở chỗ "Bổn Nguyện chẳng hư dối", bởi nếu Phật chẳng rước ta thì đâm ra Bổn Nguyện là hư dối mất, mà điều này là không thể [vì Phật hiện tại đã tại thế thành Phật]. Thế nên chắn chắn Phật đến rước ta, không nghi!
Chúng ta thấy rằng, những người niệm Phật mà lâm chung gặp ách nạn này kia, rồi chẳng được Phật rước, phần nhiều là do từ lúc bình thời chẳng chịu gầy dựng Tín Nguyện cho chân thật đầy đủ, dẫu tu hành có tinh tấn, đắc lực nhưng lại chẳng coi trọng việc này, vẫn là thường sanh tâm nghi hoặc, lo âu, sợ sệt này kia hay đặt niềm tin không đúng chỗ. Vì sao lại như vậy? Vì bình thời Tín Nguyện không đầy đủ nên không cảm được Bổn Nguyện gia trì che chở cho [nên dễ dính vào những kiếp nạn, sa ngã, mất phương hướng...], bình thời đã vậy rồi đến khi lâm chung thật khó cảm Bổn Nguyện gia trì tiếp dẫn. Thà là người mới, như tờ giấy trắng, còn dễ khai thị hộ niệm để đề khởi Tín tâm Nguyện tâm hơn. Có thể do họ không đủ duyên phước, không ai nói rõ cho họ biết điểm trọng yếu này nên không phát sinh Chánh tín này được, số lượng này lại chiếm phần đông, đại đa số [mà số lượng biết và tin nhận thì ít], lý do là hàng ngày họ thấy nghe những giảng thuyết về đường lối tự lực niệm Phật là nhiều, mặc dù cũng đều là Tịnh Độ cả. Chúng ta cần biết rằng, mặc dù cùng là tu Tịnh Độ, nhưng có hai đường lối hoàn toàn khác nhau: Một là tin tưởng, nương tựa vào Tha Lực [tức Nguyện Lực của Phật], gầy dựng Tín - Nguyện - Niệm Phật, theo Đại Nguyện thứ 18 này, đây cũng chính là Tông Chỉ Tông Yếu của Tịnh Độ Tông; Hai là gầy dựng công phu, tự lực niệm Phật [theo Đại Nguyện thứ 19 và 20]. Theo đường lối thứ hai, nếu bình thời công phu chưa thành tựu [nhất tâm bất loạn] thì giai đoạn cuối rất cần phải cậy vào Hộ Niệm, để gầy dựng trở lại Tín Nguyện đầy đủ, niệm Phật, được như thế mới có cơ hội vãng sanh. Có Tín Nguyện đầy đủ mới cảm được Bổn Nguyện, được Phật lực gia trì, giúp giữ vững chánh niệm, Phật tiếp dẫn vãng sanh. Còn không thì tự sức mình phải đối đầu với cận tử nghiệp bức bách khổ đau ùn ùn kéo đến, muôn vạn phần hiểm nguy, rất dễ rơi vào đường dữ chứ chưa dám nói đến cơ hội vãng sanh. Lời Kinh Phật thuyết rằng: "Từ bi gia hựu, khiến linh tâm bất loạn". Tâm tủy tâm yếu, tinh hoa nhất của Tịnh Độ Tông là ở ngay điểm này đây. Phật cứu chúng sanh thật sự nhất là ở ngay chỗ này, Ngài dùng Nguyện lực của Ngài để giúp chúng sanh vượt qua được sức nghiệp [dù sâu nặng đến đâu đi nữa] mà được đới nghiệp vãng sanh. Do đó chúng ta thấy rằng, việc gầy dựng Tín Nguyện là quan trọng như thế nào! Chúng ta cần sáng suốt lựa chọn con đường mình đi, bởi điều này có quan hệ lớn lao đến sanh tử đại sự của mỗi chúng ta vậy.
Trên đây là trình bày hai cách dẫn nghĩa Kinh văn của Đại Sư Thiện Đạo, chúng ta có thể học tập một trong hai cách trên [hoặc cả hai cách]. Trong các trước tác, khai thị, Chư Tổ Sư ưa dùng cách một hơn, tuy dài dòng hơn môt chút nhưng gần gủi, dể hình dung, dễ xác lập [Tín tâm chân thật, chẳng nghi] hơn, một khi đã xác lập chân thật rồi thì rất khó làm dao động được họ, bởi cái lý được xác định rất rõ ràng, dễ hiểu. Còn cách hai tuy ngắn gọn, trực chỉ, nhưng lại dễ bị cảnh duyên làm dao động, đễ giữ vững trọn đời không dao động thì cần thiện căn thật sâu dày. Với lại, cách một còn mang hàm nghĩa rằng 'trong lúc bình thời' nữa, nghĩa là luôn luôn tin tưởng, nương tựa vào Sức Bổn Nguyện trong suốt quãng đường tu tập của chúng ta ở cõi này [vốn không ít hung hiểm], để luôn cảm Bổn Nguyện, được sự bảo hộ, che chở, cường duyên cho đến ngày lâm chung [hay bất cứ lúc nào thọ mạng đến] rồi được Phật đến rước về.
Thật ra, hai cách là để bổ trợ cho nhau cả về lý và sự, cách một chính là ngầm liễu nghĩa [thêm một bước] cho cách hai, cách hai để y cứ Kinh văn cho cách một.
Một pháp Tín này chẳng phải chuyện giản đơn, nói đọc qua một lượt đã xác lập, hay một sớm một chiều đã đạt được. Chúng ta cần nghiêm túc học tập, đây chính là phần cốt lõi trong tu học cầu giải thoát của chúng ta. Có Tín sâu, chân thật, kiên cố bất động thì mới lập được Nguyện chân thật thiết tha, có thể buông bỏ, có thể xả ly để về với Phật bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Không có Tín tâm, hay hay Tín tâm yếu ớt, dễ dao động thì thôi, thật khó mà nhìn thấu buông xuống được, có chăng chỉ là buông ngoài cửa miệng mà thôi. Dù có cố gắng nhìn thấu suốt để buông xuống đi chăng nữa nhưng cái tâm phàm của chúng ta do tập khí sâu nặng nó chẳng muốn buông, vẫn cứ là thích dính mắc chấp trước vào, cố buông đầu này lại dính mắc đầu kia, rất khó để buông xả rốt ráo được . Còn Tín tâm kiên cố, vững chắc, chẳng nghi thì dù thế nào đi nữa cũng sẵn sàng buông xả tất cả, một lòng một dạ theo Phật về Tây bất cứ lúc nào, ở đâu. Thế nên trong công tác hộ niệm cho người lúc lâm chung, rất cần đề khởi tín tâm chân thật cho họ, giúp cho họ tin tưởng "niệm Phật thì Phật rước", nên cứ một lòng niệm Phật đợi Phật đến rước. Tín tâm vững, chắc bao nhiêu thì khả năng thành tựu vãng sanh của họ là bấy nhiêu. Tin chắc không nghi [Phật sẽ đến rước], niệm Phật, chắc chắc Phật rước, không sai chạy đâu được. Bởi vì đó chính là chúng ta đang hộ niệm đúng như Lý như Pháp rồi vậy. Lúc này thì rõ ràng nên dùng cách thứ hai rồi, ngắn gọn, trực diện, tránh dài dòng.
Ba Pháp Tín - Nguyện - Niệm Phật chính là Tông chỉ tông yếu của Tịnh Độ Tông, chúng được xác lập từ Đại Nguyện thứ 18 này. Cho nên Chư Tổ Sư nói rằng, Bổn Nguyện [Phẩm thứ 6] chính là trung tâm của Bản Kinh này, mà trong đó, Đại Nguyện thứ 18 chính là hồng tâm vậy.
Chúng ta liệu có thể nói rằng, chi mà rắc rối vậy, cứ một câu A Di Đà Phật mà niệm mãi là được rồi, đâu cần tìm hiểu lý luận chi cho mệt rắc rối? Dạ vâng, một câu Phật hiệu đầy đủ chỉ trong các trường hợp sau: Một số bậc Bồ Tát tái lai; bậc ngu phu ngu phụ [Dương đầu ngốc, Lão Đức HT,...]; người không biết một chữ [Ông thợ vá nồi, ...]; các cụ già buông bỏ muôn duyên "lão thật niệm Phật"; cư dân vùng nông thôn sơn cước thời xưa kia ít tiếp xúc ngoại duyên; các loài vật niệm Phật vãng sanh... Những trường hợp này chẳng biết Kinh giáo gì cả, một câu Phật hiệu chân thật niệm, thành tựu. Lý do là vì tâm họ thuần nhất, chẳng dụng tâm tạp loạn, trong tâm chỉ thuần nhất một câu Phật hiệu, ngoài ra chẳng có Pháp gì khác. Vì thế nên sau một thời gian dụng công, tự nhiên trong câu Phật hiệu phát huy đầy đủ Tín tâm, Nguyện tâm, đầy đủ không thiếu thứ gì cả. Thế nên mới gọi là Vạn đức hồng danh. Tuy nhiên, với căn tánh và hoàn cảnh chúng sanh thời nay, chúng ta hãy chân thật kiểm lại xem liệu có phải như vậy không? Cho nên nói, Pháp Phật truyền trao, chúng ta cứ Y giáo phụng hành, nhất định thành tựu. Đừng nên thêm bớt thay đổi gì cả, bởi trong ấy đã đầy đủ trọn vẹn hết cả rồi, chẳng thừa chẳng thiếu.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ