Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí Nhất Sanh Bổ Xứ, trừ kỳ bổn nguyện, vị chúng sanh cố, bị hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu Bồ Đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú, hoặc nhạo thuyết pháp, hoặc nhạo thính pháp, hoặc hiện Thần Túc, tùy ý tu tập, vô bất viên mãn. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi rốt ráo ắt đạt bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, ngoại trừ [những người có] bổn nguyện vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa hết thảy hữu tình khiến cho họ đều phát tín tâm, tu Bồ Ðề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh trong thế giới phương khác, nhưng vĩnh viễn thoát khỏi đường ác, hoặc thích thuyết pháp, hoặc thích nghe pháp, hoặc hiện Thần Túc, tùy ý tu tập không gì chẳng viên mãn. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi lăm: Nhất Sanh Bổ Xứ; nguyện ba mươi sáu: Giáo hóa tùy ý)
Giải:
Trong chương này, câu “sở hữu chúng sanh sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí Nhất Sanh Bổ Xứ” (tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi rốt ráo ắt đạt bậc Nhất Sanh Bổ Xứ) là nguyện ba mươi lăm: “Nhất Sanh Bổ Xứ”.
“Nhất Sanh Bổ Xứ” là chỉ còn một đời nữa sẽ thành Phật như hiện tại Di Lặc Ðại Sĩ đang ở nội viện trời Ðâu Suất chỉ còn một đời nữa là thành Phật, tức là như kinh Pháp Hoa nói: “Dư hữu nhất sanh tại, đương đắc Nhất Thiết Trí” (Chỉ còn một đời nữa, sẽ đắc Nhất Thiết Trí) nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ. Sách Hội Sớ lại bảo: “Nhất Sanh Bổ Xứ là địa vị Ðẳng Giác. Do vẫn còn một phần vô minh (nói đủ là một phần Sanh Tướng Vô Minh) chưa phá nên bảo là Nhất Sanh. Thế lực của phẩm vô minh ấy lớn nhất. Dùng kim cang trí phá được cái tâm duy nhất còn lại sau cùng ấy thì liền đạt địa vị Diệu Giác nên gọi là Bổ Xứ”.
Nếu xét theo Mật Giáo thì nhất là lý Nhất Thật. Trong Mật Tông, Sơ Ðịa Bồ Tát trước hết chứng đắc tịnh Bồ Ðề tâm, rồi từ cái lý Nhất Thật ấy xuất sanh vô lượng tam-muội tổng trì môn, dần dần đạt đến địa vị Thập Ðịa (Thập Địa trong Mật Giáo khác với Thập Ðịa trong Hiển Giáo). Lại có địa vị thứ mười một là Phật Địa. Do trong đời kế tiếp sẽ thành Phật nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ. Sách Ðại Sớ, quyển sáu chép: “Tông của kinh này là nhất sanh, nghĩa là từ nhất mà sanh”. Nơi Sơ Ðịa, lúc đạt được tịnh Bồ Ðề tâm, bèn từ nơi Nhất Thật phát sanh vô lượng vô biên tam-muội tổng trì môn. Trong mỗi một địa vị như thế, cũng lần lượt tăng trưởng giống như vậy cho đến khi hoàn mãn địa vị thứ mười, nhưng chưa đạt đến địa vị thứ mười một. Khi ấy, từ trong cảnh giới Nhất Thật bèn phát sanh trọn vẹn hết thảy trang nghiêm, chỉ còn mỗi địa vị Như Lai là chưa chứng tri, phải một phen chuyển pháp tánh sanh mới thành Phật, nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ.
Ðàm Loan đại sư lại nghĩ rất có thể là Bồ Tát cõi Cực Lạc chẳng lần lượt đạt từng địa vị mà chứng ngay địa vị Nhất Sanh Bổ Xứ: “Cứ theo kinh này mà suy thì rất có thể Bồ Tát cõi ấy chẳng từ địa vị này đạt đến địa vị kia. Thứ tự thập địa của Bồ Tát chỉ là do Thích Ca Như Lai ứng theo căn cơ cõi Diêm Phù Ðề mà dạy như vậy thôi. Tịnh Độ phương khác không bắt buộc phải giống vậy”. Thuyết của ngài Ðàm Loan đã thể hiện sâu xa sự viên giải viên tu của Bồ Tát cõi Cực Lạc: Một địa vị chính là hết thảy địa vị vậy. Do đó, người sanh về Cực Lạc đều được Bất Thoái Chuyển, nhanh chóng vượt khỏi các địa vị, chứng trọn vẹn địa vị Bổ Xứ. Ðiều này thể hiện Phật Di Ðà đại nguyện sâu xa, diệu đức khó lường. (...)
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia. Tại sao thế? Vì được cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn. Này Xá-lợi-phất, không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia đâu."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn Kinh văn này gồm hai Nguyện: "Nhất Sanh Bổ Xứ" và "Giáo hóa tùy ý". Phần trích lục bên trên dành cho Nguyện đầu, "Nhất Sanh Bổ Xứ", chúng ta cùng đọc để biết thêm kiến thức.
"Nhất Sanh Bổ Xứ" là địa vị Thập Địa Bồ Tát, chỉ còn một địa vị nữa là sẽ thành Phật. Chúng sanh cõi ấy đạt địa vị này số lượng nhiều chẳng thể kể hết, vô lượng vô biên. Có thể các vị ấy là những bậc đã vãng sanh về từ lâu rồi tu dần dần lên, hoặc là các bậc Bồ Tát Thập Địa các phương khác vân tập về để tu tập hòng chứng đắc địa vị cuối cùng này. Địa vị cuối cùng này là một địa vị rất cam go, phải phá được phần vô minh cuối cùng này. Đề làm được điều này chỉ có về cõi ấy là thành tựu được dễ dàng nhất, với đầy đủ phương tiện thiện xảo, cùng nương vào Nguyện lực của Phật nên có thể chứng đắc nhanh nhất. Cho nên các vị Bồ Tát Thập Địa các nơi thường vân tập về để rốt ráo thành tựu Phật quả [như Phổ Hiền, Văn Thù, Thiện Tài Đồng Tử...].
Cõi Cực Lạc ấy là nơi hội tụ của toàn các bậc Thượng thiện nhân, mà phần lớn trong đó là do nương nhờ oai lực của Bổn Nguyện nên mới được như vậy. Chứ thật ra chính bản thân họ không hẳn tất cả vốn đều được như vậy. Điều này thì chúng ta đã biết từ các bài học trước rồi, ví dụ Nguyện "Vui như Tỳ Kheo lậu tận", nếu ở cõi Ta Bà này mà đạt được vậy thì phải là bậc chứng Thánh quả [A La Hán], nhưng hàng phàm phu một khi được sanh về cõi ấy là đạt được ngay như thế. Dĩ nhiên, cái gì cũng có nhân có quả của nó hết, không thể tự nhiên mà có được. Thế nên Phật mới thuyết rằng "không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia đâu". Rất nhiều hành giả nghe đến câu Kinh văn này đâm ra sợ, mất đi Tín tâm. Chúng ta cùng phân tích một chút cái gì là Căn lành [thiện căn], Phước đức, Nhân duyên [để 'đủ' sanh về cõi ấy]?
Trước hết, Thiện căn đó chính là Tín tâm Nguyện tâm của hành giả, phải chân thật đầy đủ, không thể thiếu [chút ít]. Hay nói cách khác là phải 'tới hạn', "chí tâm tin ưa", "bất sanh nghi hoặc" như Kinh văn nói.
Rồi Phước Đức, đó chính là Niệm Phật, cùng các hạnh lành khác. Trong đó riêng mình Niệm Phật không thôi đã quá đủ rồi, đã đạt yêu cầu của Kinh là 'không phải chút ít' rồi, mà là vô lượng rồi. Niệm một câu đã là một 'vô thượng [vô lượng] công đức' rồi, huống hồ niệm nhiều, niệm suốt ngày, suốt đời niệm Phật. Còn các trợ hạnh khác không cần bàn đến nữa, nhưng nếu thiếu niệm Phật thì coi chừng thành ra 'chưa đủ' đấy. Đó là chỉ giả dụ như thế thôi, chứ còn đã là hành giả Tịnh Độ thì không thể thiếu niệm Phật, cần phải lấy niệm Phật làm Chánh hạnh. Ở đây lưu ý chỗ này, rất nhiều hành giả đọc tới câu Kinh văn này cái rồi cho rằng cần phải tu hành thật nhiều các trợ hạnh, hay làm Phật sự này kia cho nhiều vào [cùng với hạnh Niệm Phật], như thế thì 'may ra' mới 'đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên'. Thật là quá đỗi sai lầm! Nếu suy nghĩ như thế thì thành ra là 'bất tận', chẳng biết lúc nào, bao nhiêu là 'đủ' được đây, bởi chẳng có giới hạn nào cả! Mà với tâm niệm như thế, cho dù có may mắn được sanh về đi nữa cũng sẽ sanh vào Biên Địa [từ các Pháp của Biên Địa Nghi Thành], bởi họ chẳng phân biệt được Chánh - Trợ, Chánh - Trợ chẳng rạch ròi phân minh. Hay nói cách khác, đó là do thiếu Tín tâm vào hạnh Niệm Phật [cho là chưa đủ, cần kiêm thêm nhiều cái khác nữa]. Như thế thì làm sao thoát khỏi 'Biên Địa' cho được, dẫu siêng năng tinh tấn bao nhiêu đi nữa, vẫn phải vào Biên Địa một thời gian thôi [để phá cái vô minh này]. Do đó chúng ta thấy Tín tâm quan trọng thế nào, không chỉ quyết định việc vãng sanh mà còn quyết định cả cảnh giới sanh về. Cho nên, chúng ta luôn nhớ rằng các trợ hạnh chỉ là trợ duyên mà thôi [giữ giới, kiêng giết, ăn chay, phóng sanh, làm Phật sự...], chẳng phải là chánh nhân vãng sanh. Tuy nhiên với thời đại hiện nay thì các trợ hạnh cũng chẳng kém phần quan trọng để làm trợ duyên trên con đường đạo, cho nên phải có, không nhiều thì ít.
Còn cái cuối cùng, Nhân duyên, đó là bắt gặp được Chánh pháp, Pháp môn Tịnh Độ. Bất luận sớm hay muộn, hoàn cảnh nhân duyên đẩy đưa để trong đời này được bắt gặp Pháp môn này đều có thể xem là 'đại nhân duyên' vậy. Rồi lại được bậc Minh sư, thiện tri thức chỉ dạy dìu dắt, chịu tin tưởng hành trì, rồi có được môi trường hoàn cảnh để tu học, duy trì đạo tâm đạo lực, cùng đồng tu chia sẻ... Tất cả đó đều là do đã từng tu phước huệ từ xa xưa mà ra cả. Còn không thì thành ra "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh pháp này không thể nghe [gặp gỡ, tín thọ phụng hành]".
Cuối cùng, chúng ta dành chút thời gian để tiếp tục công việc gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm cho chân thật đầy đủ, bởi đây là điều kiện tiên quyết để vãng sanh vậy. Như chúng ta đã biết, có ba cách gầy Tín tâm chân thật, ở đây chúng ta sẽ nói đến cách thứ hai đó là: Hành giả niệm Phật cầu sanh mà "Nương vào Nguyện lực của Phật thì không ai không được sanh về". Đây có thể xem là cách phổ quát thông dụng nhất mà các Chư Tổ Sư hay khuyên dạy vậy. Vì sao vậy? Bởi đơn giản nó vừa Như lý Như pháp vừa dễ đạt được Tín tâm chân thật nhất. Cách thứ 3 cũng dễ đạt, nhưng lại từ Quán Kinh, ít người để ý, tu học, không phổ biến bằng. Với cách này, cái hơi khó hiểu đó chính là chỗ 'nương vào [Phật lực]', bởi Phật lực thì chỉ hình dung ra chứ có 'thấy' gì đâu mà 'nương vào'? Chúng ta có thể diễn giải như thế này cho dễ hình dung, rằng hành giả chân thật niệm Phật cầu sanh về thì sẽ được A Di Đà Phật 'giữ chặt' [thu nhiếp] rồi dùng Sức Nguyện của Ngài mà đưa chúng ta về. Ở đây lưu ý là Ngài 'đưa' chúng ta về chứ chẳng phải lôi kéo [ép buộc] về đâu nhé, nghĩa là đã có sự đồng thuận trong đó, chúng sanh muốn về Phật mới đưa về, chúng sanh chẳng muốn về thì Phật đành chỉ... thương xót [cho ở lại] mà thôi, không có kiểu lôi kéo đi đâu! Vấn đề của hành giả niệm Phật, thứ nhất đương nhiên là phải chân thật muốn sanh về rồi, thứ đến là phải Tin tưởng rằng Sức Phật đảm bảo chắc chắc đưa được chúng ta về cõi ấy, cái này mới quan trọng quyết định. Coi vậy tưởng đơn giản chứ rất rất nhiều người dẫu tu lâu năm vẫn chẳng tin nổi điều này đấy. Hay thậm chí tu càng lâu về sau lại càng mất tín tâm! Chúng ta phải biết, Sức Phật Thệ Nguyện chẳng phải là chỉ có việc cuối cùng đưa thần thức chúng sanh về không thôi đâu, mà điểm đặc sắc đó là 'hộ niệm' [gia hộ, che chở] cho hành giả phút cuối nhằm giúp hành giả tâm không điên đảo, chánh niệm rõ ràng, rồi Phật mới tiếp dẫn về. Tất cả đó là nhờ cảm ứng đạo giao giữa Phật và chúng sanh vậy.
Nói tóm lại, với cách thứ hai này, hành giả niệm Phật cầu sanh sẽ được Phật lực 'thu giữ' và 'tiếp dẫn về', đó chính là chúng sanh được 'nương Phật lực mà sanh về', cho nên không ai không được về. Vấn đề của hành giả, đó chính là có Tin [Phật lực làm được như thế] hay không mà thôi! [Nếu chẳng tin thì lọt ra ngoài Pháp này, chẳng được thọ dụng]. Thường nếu chẳng tin nổi thì sẽ rất dễ nhận biết, nào là tâm địa phải thế này thế kia, công phu phải thế nào, công đức tích lũy phải nhiều ít ra sao, lâm chung phải có được chánh niệm, v.v... Nói chung là một khi đã thiếu Tín tâm thì cái gì cũng có thể thành quan trọng, không thể thiếu hết vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ