Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí Nhất Sanh Bổ Xứ, trừ kỳ bổn nguyện, vị chúng sanh cố, bị hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu Bồ Đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú, hoặc nhạo thuyết pháp, hoặc nhạo thính pháp, hoặc hiện Thần Túc, tùy ý tu tập, vô bất viên mãn. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi rốt ráo ắt đạt bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, ngoại trừ [những người có] bổn nguyện vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa hết thảy hữu tình khiến cho họ đều phát tín tâm, tu Bồ Ðề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh trong thế giới phương khác, nhưng vĩnh viễn thoát khỏi đường ác, hoặc thích thuyết pháp, hoặc thích nghe pháp, hoặc hiện Thần Túc, tùy ý tu tập không gì chẳng viên mãn. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi lăm: Nhất Sanh Bổ Xứ; nguyện ba mươi sáu: Giáo hóa tùy ý)
Trong chương này, câu “sở hữu chúng sanh sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí Nhất Sanh Bổ Xứ” (tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi rốt ráo ắt đạt bậc Nhất Sanh Bổ Xứ) là nguyện ba mươi lăm: “Nhất Sanh Bổ Xứ”.
“Nhất Sanh Bổ Xứ” là chỉ còn một đời nữa sẽ thành Phật như hiện tại Di Lặc Ðại Sĩ đang ở nội viện trời Ðâu Suất chỉ còn một đời nữa là thành Phật, tức là như kinh Pháp Hoa nói: “Dư hữu nhất sanh tại, đương đắc Nhất Thiết Trí” (Chỉ còn một đời nữa, sẽ đắc Nhất Thiết Trí) nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ. Sách Hội Sớ lại bảo: “Nhất Sanh Bổ Xứ là địa vị Ðẳng Giác. Do vẫn còn một phần vô minh (nói đủ là một phần Sanh Tướng Vô Minh) chưa phá nên bảo là Nhất Sanh. Thế lực của phẩm vô minh ấy lớn nhất. Dùng kim cang trí phá được cái tâm duy nhất còn lại sau cùng ấy thì liền đạt địa vị Diệu Giác nên gọi là Bổ Xứ”.
Do trong đời kế tiếp sẽ thành Phật nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ. Sách Ðại Sớ, quyển sáu chép: “Tông của kinh này là nhất sanh, nghĩa là từ nhất mà sanh”. Nơi Sơ Ðịa, lúc đạt được tịnh Bồ Ðề tâm, bèn từ nơi Nhất Thật phát sanh vô lượng vô biên tam-muội tổng trì môn. Trong mỗi một địa vị như thế, cũng lần lượt tăng trưởng giống như vậy cho đến khi hoàn mãn địa vị thứ mười, nhưng chưa đạt đến địa vị thứ mười một. Khi ấy, từ trong cảnh giới Nhất Thật bèn phát sanh trọn vẹn hết thảy trang nghiêm, chỉ còn mỗi địa vị Như Lai là chưa chứng tri, phải một phen chuyển pháp tánh sanh mới thành Phật, nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ.
Ðàm Loan đại sư lại nghĩ rất có thể là Bồ Tát cõi Cực Lạc chẳng lần lượt đạt từng địa vị mà chứng ngay địa vị Nhất Sanh Bổ Xứ: “Cứ theo kinh này mà suy thì rất có thể Bồ Tát cõi ấy chẳng từ địa vị này đạt đến địa vị kia. Thứ tự thập địa của Bồ Tát chỉ là do Thích Ca Như Lai ứng theo căn cơ cõi Diêm Phù Ðề mà dạy như vậy thôi. Tịnh Độ phương khác không bắt buộc phải giống vậy”. Thuyết của ngài Ðàm Loan đã thể hiện sâu xa sự viên giải viên tu của Bồ Tát cõi Cực Lạc: Một địa vị chính là hết thảy địa vị vậy. Do đó, người sanh về Cực Lạc đều được Bất Thoái Chuyển, nhanh chóng vượt khỏi các địa vị, chứng trọn vẹn địa vị Bổ Xứ. Ðiều này thể hiện Phật Di Ðà đại nguyện sâu xa, diệu đức khó lường.
Kế đó là nguyện ba mươi sáu: “Giáo hóa tùy ý”. Như lời nguyện ba mươi lăm đã nói: Kẻ sanh về cõi ấy, ở yên trong cõi vui sướng, đều đạt địa vị Bổ Xứ, thành Ðẳng Chánh Giác, nhưng mỗi vị Bồ Tát thành Phật đều có nguyện lực. Chẳng hạn như nếu có thệ nguyện mặc giáp hoằng thệ, trở vào uế độ lợi khắp quần sanh, giáo hóa hữu tình thì họ sẽ được nguyện lực của Phật Di Ðà gia trì để tùy ý giáo hóa, không điều gì chẳng được viên mãn. Ðấy chính là ý nghĩa của nguyện ba mươi sáu.
“Khải” (鎧) là áo giáp, tức vật dụng được các chiến sĩ thời cổ khoác vào khi giao chiến để bảo vệ thân thể, chống lại tên, đá v.v... (áo chống đạn thời nay cũng là một loại giáp). Bồ Tát vào trong sanh tử hàng phục ma quân thì lấy thệ nguyện sâu rộng của chính mình làm giáp trụ. Do cái tâm hoằng thệ cứng rắn hơn sắt đá nên có thể dùng tâm ấy xông vào trận sanh tử.
Với những kẻ được giáo hóa, kinh nói “giai phát tín tâm” (đều khiến [cho các hữu tình] phát tín tâm); ấy là do tín tâm là nguồn đạo, là mẹ của công đức vậy.
Bản Tiểu Bổn kinh này nói: “Vị chư chúng sanh, thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (Vì các chúng sanh nói pháp hết thảy thế gian khó thể tin nổi này). Ðó là vì pháp môn Tịnh Ðộ cực viên, cực đốn, siêu tình ly kiến nên Tịnh Ðộ là pháp mà hết thảy thế gian khó tin tưởng được nổi. Kinh Tiểu Bổn còn chép: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức, Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Khen Ngợi Công Ðức Chẳng Thể Nghĩ Bàn, Ðược Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này) và: “Nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết” (Các ông đều nên tin nhận lời ta và lời chư Phật nói). Do đó, bậc Ðại Sĩ cõi Cực Lạc khi hoằng hóa trong thập phương đều lấy việc phát khởi lòng tin làm đầu.
Do ba bậc vãng sanh đều phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm nên câu “tu Bồ Ðề hạnh” gồm hai ý nghĩa trọng yếu: Phát Bồ Ðề tâm và chuyên niệm. Tu Bồ Ðề đại hạnh ắt phải do phát khởi Bồ Ðề đại tâm, mà trong Bồ Ðề hạnh thì nhất hướng chuyên niệm là quan trọng bậc nhất.
Hết thảy Bồ Tát tu trọn muôn điều lành, nhưng các vị Bồ Tát trong Thập Địa, dù ở địa vị nào vẫn chẳng hề rời bỏ việc niệm Phật.
Hơn nữa, Phổ Hiền Bồ Tát là bậc nhất trong các vị đại hạnh Bồ Tát, nên phải giáo hóa hết thảy hữu tình “hành Phổ Hiền đạo”. Khuê Phong đại sư giảng chữ Phổ Hiền như sau: “Một là xét trên tự thể: Thể tánh trọn khắp là Phổ, tùy duyên thành đức là Hiền. Hai là xét trong các địa vị thì trọn khắp tất cả không sót là Phổ, gần bằng với bậc đại thánh (Phật) là Hiền. Ba là xét về đương vị (địa vị đang chứng đắc): Đức không gì chẳng trọn vẹn là Phổ; điều phục, hòa nhã, thiện thuận là Hiền”. Vì vậy, trong kinh này, các vị đại Bồ Tát cùng đến tham dự pháp hội đều tuân tu đức hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ. Phổ Hiền đức chính là mười đại nguyện vương dẫn dắt về Cực Lạc, là đức tự lợi lợi tha chẳng có cùng tận. Ðại Sĩ cõi Cực Lạc chính mình đã tu hành Phổ Hiền hạnh đức lại còn dạy chúng sanh cõi khác cùng thực hành Phổ Hiền đạo.
Các vị Ðại Sĩ như vậy của cõi Cực Lạc mặc giáp hoằng thệ, vào trong biển sanh tử, “tuy sanh tha phương thế giới” (tuy sanh trong những thế giới ở phương khác) hoặc hiện thân trong uế độ, nhưng được nguyện lực của Phật Di Ðà gia trì nên “vĩnh ly ác thú” (vĩnh viễn thoát khỏi ác đạo). Mỗi vị tùy theo ý mình thích mà thuyết pháp, hoặc nghe pháp, hoặc hiện thần thông v.v... “tùy ý tu tập” đều được viên mãn. Chúng sanh được họ giáo hóa cũng đều chí tâm tin ưa, cầu sanh Tịnh Ðộ, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm.
Ảnh: Cõi Cực Lạc
Một bước lên mây! "Người sanh về Cực Lạc đều được Bất Thoái Chuyển, nhanh chóng vượt khỏi các địa vị, chứng trọn vẹn địa vị Bổ Xứ"
Quan trọng là làm sao để về đó đây?
Chúng sanh có nhiều cách. Hạ thủ công phu, đạt thành khối, thành phiến, nhất tâm bất loạn... [Nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn, phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức... (Nguyện 19)]. Hoặc, gầy dựng Tín - Nguyện - Niệm Phật; Tín Nguyện đầy đủ, niệm Phật, vẫn vãng sanh như thường, vạn người không sót một [Nguyện 18]. Hoặc dựa vào một số Nguyện khác của Phật [Nguyện 21: Sám hối được vãng sanh, Nguyện 23: Chán thân nữ, chuyển thân nam].
Nói chung, tùy căn cơ mà hành đạo, quan trọng là phải chọn lựa đúng Pháp phù hợp căn cơ của mình. Trừ các vị Bồ tát tái lai để độ sanh thì chẳng nói làm gì, chúng sanh thời Mạt đa phần [chiếm gần hết] là căn tánh hèn kém, phước mỏng, nghiệp dày. Quan trọng là, 'biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng'. Cố gắng thực hiện được những điều 'làm được hàng ngày' trước đã, tin chắc, giữ vững, cứ 'bước đều bước' tiến lên; đừng vội đưa ra những mục tiêu cao xa, rồi ngày qua ngày cố gắng vẫn thấy 'chưa được', 'sắp được'... Cả một đời tu hành truy đuổi, 'sắp được', đến lúc lâm chung thì cũng sẽ 'chưa được, sắp được', chứ chẳng phải được [Phật rước], vì cả đời tu hành Tín Nguyện không đủ, lâm chung ắt khó cảm thông Phật Nguyện. Còn người ta, cả đời giữ vững Tín Nguyện đầy đủ, niệm Phật, lâm chung ắt được Phật rước. Bình thời 'gia công' thế nào thì lâm chung ra thế ấy thôi.
Chúng ta cần biết, Đại nguyện 18 là trung tâm của các Nguyện, gồm thâu cả ba bậc chín phẩm, thâu nhiếp mọi căn cơ: thượng, trung, hạ, chẳng sót chủng loại nào, chứ chẳng phải chỉ dành cho bậc bét nhất Hạ Hạ, lâm chung niệm mười niệm vãng sanh không đâu.
'Đường đời muôn vạn lối, người anh [chị] hãy chọn một lối đi'!
Trích, lục Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ