Các Tổ Sư, các thiện tri thức nhiều đời đều cực lực đề xướng
Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều kham làm Phật, nhưng do mê trái tự tánh nên luân hồi sanh tử chẳng lúc nào xong. Như Lai muốn cho họ khôi phục bản tâm nên tùy thuận cơ nghi, tuyên nói đủ mọi pháp. Nhưng muốn cậy vào tự lực để tu trì, trong đời này chứng rốt ráo Chân, đoạn tận Hoặc để thoát khỏi luân hồi, hòng liễu sanh tử thì trong đời Mạt, thật khó thấy được mấy ai. Chỉ có tu pháp môn Tịnh Độ thì bất luận thượng trung hạ căn, già, trẻ, trai, gái, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dùng tâm chí thành niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, kèm thêm chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, đến khi lâm chung bèn được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, vạn người chẳng sót một ai! Do cậy vào Phật từ lực nên đạt được lợi ích lớn lao này, như do ngồi thuyền lớn bèn vượt được biển, chứ chẳng phải do bản lãnh của chính mình mà được như vậy. Vì thế, các vị Bồ Tát, các Tổ Sư, các thiện tri thức nhiều đời đều cực lực đề xướng pháp này, bởi đây chính là đường tắt để liễu sanh thoát tử, là pháp trọng yếu để thành Phật đạo vậy!
Tự hành, dạy người [khuyên lơn cha mẹ]
Cư sĩ Nhạc Vận Sanh là cha ông Bộ Vân, tên là Thái Nguyên, tự là Vận Sanh, thờ cha mẹ chí hiếu, ưa thiện chuộng nghĩa, thiên tánh trung hậu, không gì chẳng thích đáng. Trong mấy năm gần đây, Bộ Vân sanh lòng chánh tín kha khá đối với Phật pháp, ăn chay niệm Phật, một mực chân thành, nghiêm cẩn. Nhân đấy, khuyên lơn cha mẹ cùng ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, cũng như giải nói những sách Tịnh Độ rõ ràng, đơn giản dễ hiểu, khuyên họ thường xem.
Từ đấy, tâm tâm ức niệm, mong được thỏa nguyện [Tín nguyện trì danh, tự tại vãng sanh]
Cha ông biết tự tâm sẵn có Phật tánh, nhưng vì Hoặc nghiệp ngăn lấp nên chẳng thụ dụng được; may là có pháp môn cậy vào Phật từ lực này khiến cho lũ chúng sanh căn cơ hèn kém như chúng ta, tuy thiện căn ít ỏi mà ngay trong đời này liền được vượt ngang ra khỏi tam giới, cao dự chín phẩm sen, còn may mắn nào hơn! Từ đấy, tâm tâm ức niệm, mong được thỏa nguyện. Đến đầu tháng Bảy, cụ thị hiện bệnh nhẹ, sáng ngày mồng Tám dậy sớm, niệm Phật xong, dặn dò Bộ Vân mau sắm sửa tang phục, quan tài: “Ta sắp đi rồi!” Đợi tang phục, quan tài chuẩn bị xong xuôi, cụ bèn tắm gội, thay áo, đi nằm. Bộ Vân khuyên răn người trong nhà: “Đừng khóc lóc, kẻo cụ bị mất chánh niệm, hãy đồng thanh niệm Phật để giúp cụ vãng sanh”. Lại khuyên cha trong tâm hãy niệm thầm theo. Tuy chẳng nghe tiếng nhưng miệng cụ vẫn máy động, lúc lâu sau thấy ngừng thì đã mất rồi! Lại niệm thêm ba giờ nữa mới bắt đầu than khóc. Vẻ mặt cha vẫn mỉm cười, trong nhà thoảng mùi hương lạ, để ba ngày mới liệm, tướng mạo hãy như còn sống. Cụ được vãng sanh là điều có thể đoan chắc! Bộ Vân cùng người nhà hằng ngày niệm Phật trước bàn linh để cầu cụ được tăng cao phẩm sen, mau chứng Vô Sanh hòng báo đáp ân cù lao, trọn hết phận con.
Bất luận hoàn cảnh, căn cơ
Lại nữa, ông Bộ Vân tài nhỏ chức kém, tiền lương ít ỏi, thờ cha mẹ nuôi vợ con khá chật vật, may nhờ chú họ là tướng quân Mao Thiếu Phủ bù đắp nhu cầu cho. Tang phục, quan tài, chi phí tang ma lần này đều do Thiếu Phủ bỏ ra. Thiếu Phủ chánh trực, công bằng, liêm khiết, sáng suốt, trong sạch, khí tiết cao cả, trung với nước, hiếu với cha mẹ, nghĩ đến tình thương yêu của người trước nên coi Bộ Vân như con, Bộ Vân cảm kích trước tình đùm bọc nên cũng coi Thiếu Phủ như cha. Nhân duyên ăn chay của Bộ Vân thật ra cũng do Thiếu Phủ mà ra. Nếu như Thiếu Phủ do Bộ Vân mà có thể dốc lòng tu Tịnh nghiệp, ăn chay niệm Phật hầu sống dự vào bậc thánh hiền, mất về cõi Cực Lạc thì lợi ích đạt được càng rạng rỡ, trọn vẹn đẹp đẽ đôi đường. Do vậy, bèn ghi lại để khuyên đời.
Ảnh: Hòa Thượng Hải Hiền đang hái trái hồng.
Cả đoạn đầu: Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều kham làm Phật, nhưng do mê trái tự tánh...
Thật sự, chỉ đoạn văn ngắn này có thể coi như bao hàm trọn bộ "nội dung" của Tịnh Độ Tông. Từng câu, từng chữ này chúng ta đừng xem thường, cũng đừng 'bán tín bán nghi', hay cho là chỉ [thuộc về] văn tự, lý luận. Mà những lời này là hoàn toàn chân thực, "như thuyết" [Như Lai] mà nói vậy.
Ví dụ, câu "Chỉ có tu pháp môn Tịnh Độ thì bất luận thượng trung hạ căn, già, trẻ, trai, gái, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dùng tâm chí thành niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, kèm thêm chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, đến khi lâm chung bèn được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, vạn người chẳng sót một ai!". Thật sự vậy, "chẳng sót một ai"! Điểm trọng yếu ở đây chính là chỗ "đầy đủ" lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, rồi từ tâm lực này mà hành trì, dụng công niệm Phật [chắc chắn sẽ không bao giờ giải đãi đâu], giữ vững như thế trọn đời. Được như thế thì đúng là, bất luận sang hèn, già trẻ..., bất luận thượng trung hạ căn, bất luận công phu sâu cạn, tất thảy đều vãng sanh liễu sanh thoát tử ngay một đời này, và chắc chắn "sẽ được thành Phật" trong tương lai.
Cho nên, tu Tịnh Độ cần trọng yếu ở chỗ gầy dựng, giữ gìn Tín tâm, Nguyện tâm cho thật chân thành, thiết tha. Đặc biệt là Tín tâm, bởi như các Ngài nói "có niềm tin chân thành thì ắt có Nguyện thiết tha". "Nguyện thiết tha" ở đây là phải từ nơi tâm mà luận, chứ không phải nói bắt buộc buông bỏ tất cả là "nguyện thiết tha", mà là [tâm] sẳn sàng xả bỏ tất cả về với Phật bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu [cái này nếu không có Tín tâm đầy đủ thì không cách gì phát khởi được cái tâm này!]. Bởi vậy, nếu có ai đó nói rằng: 'Tôi đây đã thật sự Tín tâm, nhưng chỉ còn nguyện chưa thiết, có vẻ còn nhiều thứ thế gian này chưa thể buông xuống được [nên sợ chướng ngại lâm chung vãng sanh]'. Nói như vậy tức là cũng thể hiện Tín tâm chưa đầy đủ, chưa 'chạm' tới giới hạn mà trong Kinh nói ["bất sanh nghi hoặc"], cần phải gầy dựng, vun bồi thêm lên. Thật sự, chúng ta cần nhấn mạnh chỗ này, rằng lời Phật thuyết [Đức Thích Ca], lời Phật Thệ Nguyện [Đức Di Đà] thì tuyệt đối "không bao giờ hư dối" cả, tuyệt đối không bao giờ! [vì các Ngài đều đã thành Phật, nên tất cả lời nói, lời thệ nguyện đều đã được chứng thành]. Chúng ta chỉ cần đừng bao giờ quên điểm này thì ắt sẽ nhanh chóng thành tựu được Tín tâm Nguyện tâm của mình một cách chân thật đầy đủ, kiên cố chắc chắn, "bất sanh nghi hoặc". Rồi ra sức hành trì, giữ gìn như thế mãi. Tự hành, khuyên người đều như thế, lợi ích chúng sanh không thể nghĩ bàn. Bởi đây chính là một trong những cách gầy dựng Tín Nguyện phổ quát nhất, gần gũi dễ hiểu nhất mà các Chư Tổ hay sử dụng để khuyên dạy cho tất cả chúng ta vậy.
Những đoạn văn tiếp theo chúng ta đọc kỹ, cùng học tập, sẽ thọ nhận nhiều lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Bi ký về chuyện vãng sanh của cư sĩ Nhạc Vận Sanh
Đại Sư Ấn Quang