Dù sẵn có Phật tánh [vốn đầy đủ], nhưng do mê trái
Tam giới không yên giống như nhà lửa, các khổ đầy dẫy thật đáng sợ hãi. Chúng sanh ngu si, thường sống trong ấy, dẫu chịu khổ sở cùng cực vẫn chẳng cầu thoát lìa. Dù sẵn có Phật tánh, nhưng do mê trái nên [tánh ấy] lại biến thành cái gốc để khởi Hoặc tạo nghiệp, đến nỗi trải trần điểm kiếp không do đâu giải thoát được. Chẳng đáng buồn ư? Huống chi nay thế đạo nhân tâm chìm đắm đến cùng cực, sát kiếp thê thảm suốt từ xưa đến nay chưa từng nghe thấy. Lại thêm trào lưu tân học bác không nhân quả, [bài xích] đạo nghĩa của thánh hiền, chê là cổ hủ, mặc sức đề xướng ý kiến ức đoán của chính mình. Người đui dẫn lũ mù kéo nhau vào lửa, đến nỗi thiên tai, nhân họa, liên tiếp giáng xuống. Dân đen ngây ngô thật đáng thương xót! Do vậy, những người có tâm lo cho thế đạo mạnh mẽ dấy lên chí lớn muốn cứu giúp dân, bởi lẽ những nghiệp quả ấy đều vì chỉ biết tự tư tự lợi, chẳng biết tam thế nhân quả thiện ác báo ứng, cho là người chết đi thần thức liền diệt, nào có linh hồn theo nhân duyên tội - phước mà thọ sanh trong trời - người hay tam đồ ác đạo! Nếu thiện - ác đều đồng bị diệt mất như nhau, sao không mặc sức mà làm cho sướng khoái thân tâm? Do vậy, hăm hở tranh nhau làm những chuyện nghịch trời, trái lý, tổn người, lợi mình và sát hại sanh mạng hòng sướng bụng miệng, chẳng kiêng dè, áy náy chi!
Muốn vãn hồi kiếp vận mà bỏ pháp này thì không còn cách nào cả
Nếu biết nhân quả ba đời ắt sẽ sợ phải thọ báo, chẳng dám nẩy sanh chút ý niệm ấy, há còn thực hiện những chuyện ấy hay sao? Do vậy, sự lý nhân quả ba đời sanh tử luân hồi do đức Phật ta đã nói chính là huệ nhật trong đêm dài, niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là thuyền từ trong biển khổ sanh tử. Muốn vãn hồi kiếp vận mà bỏ pháp này thì không còn cách nào cả. Do vậy, những vị Tăng - tục đại tâm các nơi đều miệt mài đề xướng Phật học ngõ hầu thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Cư sĩ Hồ Thiên Bộc ở Lạc Thanh dựng một tòa Tịnh Độ Đường tại Hồng Kiều, khai giảng vào ngày Rằm tháng Tám, muôn người đều vui vẻ, khen là chưa từng có. Các thiện sĩ ở Liễu Thị ngưỡng mộ khôn cùng, cũng muốn lập một chỗ như vậy nơi thành phố của họ để ai nấy đều được thấm nhuần pháp. Ngoài những khoản đóng góp do những người đề xướng bỏ ra, họ còn tính quyên mộ bốn phương nên cư sĩ Bao Hựu Vũ xin Quang viết sớ.
Lợi ích thật sự sẽ không thể nhờ vào đâu để đạt được!
Trộm nghĩ: Một pháp nhân quả chính là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh; một hạnh Niệm Phật quả thật là đạo thông đạt để mười phương tam thế chư Phật làm cho các chúng sanh được thoát khổ trong hiện đời. Bỏ pháp này thì tà kiến không do đâu diệt được, lợi ích thật sự sẽ không thể nhờ vào đâu để đạt được! Khế lý, khế cơ lợi ích khó thể nghĩ lường! Khẩn thiết mong những vị đại nhân có sức ai nấy đều tán trợ, khiến cho Phật đường hoàn thành, giảng hội được khai diễn dài lâu, nhân tâm xoay chuyển, kiếp vận mau dứt, ngõ hầu thắng hung tàn, trừ khử giết chóc, phong cách “đối xử với hết thảy mọi người bằng lòng nhân từ” lại được thấy trong ngày nay. Công đức lợi ích ấy ắt sẽ có thọ lượng bằng với mười phương hư không, không ngọn bút nào có thể diễn tả được nổi!
Ảnh: Một Niệm Phật Đường
"Một pháp nhân quả chính là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh; một hạnh Niệm Phật quả thật là đạo thông đạt để mười phương tam thế chư Phật làm cho các chúng sanh được thoát khổ trong hiện đời". Vậy rõ ràng rằng, Pháp Niệm Phật cứu khổ chúng sanh từ ngay trong hiện đời này luôn, chứ chẳng phải đợi đến lúc mãn phần mới thoát khổ [vãng sanh Cực Lạc, lìa khổ được vui]. [Pháp ấy] cứu khổ như thế nào đây? Được danh, được lợi, được tiền tài, danh vọng, cầu gì được nấy? Dạ không phải vậy. Điểm rõ ràng trước nhất, đó là pháp ấy cứu giúp chúng ta từ nội tâm trước đã, giúp chúng ta có một phương hướng, một con đường để đi về, một lý tưởng để giải thoát, [nhờ vậy] không còn đặt nặng nề, tình chấp [vào những thế gian pháp khác]. Nhờ đó mà tâm tư được cởi mở, chẳng còn bị trói buộc, cũng chẳng còn những tham vọng, đòi hỏi cao xa này kia. Tình chấp, vọng tưởng một khi giảm bớt dần dần [tới đâu], cái khổ của chúng sanh cũng vơi dần tới đó. Rồi phước huệ [từ tự tánh] dần hiển lộ, giúp chúng ta nhiều cái chẳng mong cầu mà tự được.
Cùng với đó là Phật lực từ bi khôn kể xiết, luôn soi chiếu, hộ niệm không ngừng chúng sanh niệm Phật, giúp làm tăng thượng duyên cho người niệm Phật [trên nhiều phương diện]. Một câu A Di Đà Phật, vạn đức hồng danh, càng niệm càng hoan hỉ, sanh pháp lạc... làm sao có thể nghĩ bàn cho được? Chỉ Phật cùng Phật mới biết được! Pháp Niệm Phật là pháp giúp chúng sanh lìa khổ được vui, tự lợi lợi tha. Tâm phải khế hợp tâm Phật. Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương, để trước thì độ mình, rồi ra độ người, hay cùng gặp hữu duyên, cùng dìu dắt nương tựa nhau trên bước đường hành đạo, ngõ hầu cuối đời cùng được giải thoát, thoát ly sanh tử. Tự lợi lợi tha một cách song hành, thật sự lợi ích rất lớn.
Phật pháp nói chung, đều khuyên chúng sanh "tin sâu nhân quả", "đoạn ác, tu thiện". Người niệm Phật cầu vãng sanh cũng không thể khác. Bấy nhiêu đó mà y giáo phụng hành, gieo cái nhân thiện [như thế], ắt quả lành chẳng sớm thì muộn ít nhiều sẽ đến [ở hiện đời]. Mặc dù chúng ta tất thảy đều đem hồi hướng về Tây, một lòng một dạ cầu sanh Cực Lạc mà thôi.
Trên đây chỉ là sơ lược một vài lợi ích "ngay trong hiện đời", sẽ còn rất nhiều thứ khác nữa không thể nói hết được. Và dĩ nhiên, rốt ráo viên mãn nhất, như lời Phật dạy đó là "chỉ cần tinh tấn khó nhọc [hành trì] trong một đời ngắn ngủi này thôi", chúng ta hãy nhớ là Phật dạy một đời này thôi nhé, rồi một khi đã về được cõi ấy rồi thì tha hồ mà tu tập, 'bay nhảy' [cúng dường mười phương Chư Phật, mặc áo giáp xuất thế cứu độ chúng sanh trong biển khổ sanh tử,...]. Điều quan trọng bậc nhất đó là đã cứu được huệ mạng chúng ta khỏi sanh tử luân hồi, rồi với một thọ mạng vô lượng, bất thoái chuyển, chúng ta sẽ tu tập đến viên mãn thành Phật đạo, tùy nguyện đi độ sanh khắp mười phương.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Duyên khởi quyên mộ xây dựng Tịnh Độ Đường
Đại Sư Ấn Quang