Phàm phu vãng sanh chẳng phải do tự lực mà toàn là cậy vào sức gia bị của đại nguyện của Phật Di Ðà giữ cho chẳng điên đảo nên mới được vãng sanh như sách Viên Trung Sao nói: “Chúng sanh cõi Sa Bà tuy có thể niệm Phật nhưng Kiến Hoặc còn rối bời chưa thể đoạn trừ được. Khi lâm chung chẳng bị điên đảo thì vốn nào phải do sức mình chủ trì nổi, mà chỉ toàn là cậy vào Di Ðà đến cứu vớt thôi. Tuy không có chánh niệm mà giữ nổi chánh niệm nên tâm chẳng điên đảo, liền được vãng sanh”.
Ý tưởng trên càng được diễn tả rõ hơn trong hai kinh Tiểu Bổn (bản Ðường dịch) và kinh Bi Hoa. Kinh Tiểu Bổn bản Ðường dịch mang tên là Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ Kinh có nói: “Lâm mạng chung thời, Vô Lượng Thọ Phật, dữ kỳ Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng câu, tiền hậu vi nhiễu, lai trụ kỳ tiền, từ bi gia hựu, linh tâm bất loạn” (Lúc lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật cùng vô lượng Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát của Ngài trước sau vây quanh, đến đứng trước mặt, từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn). Rõ ràng là phàm phu khi lâm chung tâm chẳng điên đảo và chẳng tán loạn, chánh niệm trì danh hoàn toàn là nhờ vào sức Phật Di Ðà từ bi ban ân che chở (gia hựu) vậy.
Phật lực từ bi ban ân che chở, nhiếp thọ.
Kinh Bi Hoa cũng chép: “Lâm chung chi thời, ngã đương dữ đại chúng vi nhiễu, hiện kỳ nhân tiền. Kỳ nhân kiến ngã, tức ư ngã tiền, đắc tâm hoan hỷ. Dĩ kiến ngã cố, ly chư ám ngại, tức tiện xả thân, lai sanh ngã giới” (Lúc lâm chung, ta cùng các đại chúng vây quanh hiện trước mặt người ấy. Người ấy thấy ta liền đối trước ta sanh lòng hoan hỷ. Do thấy ta nên lìa các tối tăm, chướng ngại, liền xả thân sanh về cõi ta).
Kinh còn chép lời nguyện sau: “Sở hữu chúng sanh, nhược văn ngã thanh, phát nguyện dục sanh ngã thế giới giả, thị chư chúng sanh lâm mạng chung thời, tất linh kiến ngã, dữ chư đại chúng, tiền hậu vi nhiễu. Ngã ư nhĩ thời, nhập Vô Ế tam-muội, dĩ tam-muội lực cố, tại ư kỳ tiền, nhi vị thuyết pháp. Dĩ văn pháp cố, tầm đắc đoạn trừ nhất thiết khổ não, tâm đại hoan hỷ, cố đắc Bảo Trí tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố, linh tâm đắc Niệm, cập Vô Sanh Nhẫn. Mạng chung chi hậu, tất sanh ngã giới” (Tất cả chúng sanh nếu nghe danh hiệu của ta, phát nguyện muốn sanh trong thế giới ta thì lúc mạng chung các chúng sanh ấy thảy đều thấy ta và các đại chúng vây quanh trước sau. Ngay khi ấy, ta nhập Vô Ế tam-muội. Do sức tam-muội nên ở trước mặt kẻ đó mà thuyết pháp cho kẻ đó. Do được nghe pháp, kẻ đó liền đoạn trừ hết thảy khổ não, tâm đại hoan hỷ nên đắc Bảo Trí Tam-muội. Do sức tam-muội nên tâm đắc Niệm Nhẫn và Vô Sanh Nhẫn. Sau khi mạng chung, ắt sanh về cõi ta).
Kinh Bi Hoa đã nói rõ diệu dụng của tha lực một cách thật rành rẽ.
Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ là Tiểu Bổn của kinh này, kinh Bi Hoa nói về nhân địa của Phật Di Ðà và cõi Cực Lạc trang nghiêm. Hai kinh cùng nói rõ lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, nguyện lực nhiếp thọ vãng sanh thù thắng, đủ thấy Di Ðà nguyện vương diệu đức khó lường, đại ân, đại lực chẳng thể tính kể nổi.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ