Cõi Phàm Thánh Ðồng Cư của thế giới Cực Lạc là Đồng Cư Tịnh Ðộ. Thế giới Sa Bà ta đang ở đây cũng là cõi Phàm Thánh Ðồng Cư. Cõi này cũng có phàm, có thánh, như Văn Thù thường hiện Ngũ Ðài, các vị A La Hán thường trụ tại núi Thiên Mục hoặc Nhạn Ðãng. Họ đều là bậc thánh cõi này, nhưng cõi Đồng Cư chúng ta đang ở là Đồng Cư uế độ. Vì vậy, tuy cùng mang tên Đồng Cư nhưng thật ra chẳng giống nhau.
Sách Yếu Giải giảng về cõi Ðồng Cư nơi đây như sau:
“Do thật thánh (chỉ cho ba thánh quả Tiểu Thừa) quá khứ có lậu nghiệp, quyền thánh (đại quyền thị hiện Bồ Tát) đại từ bi nguyện, nên phàm phu được ở chung với thánh nhân. Ðến khi thật thánh nát thân (niết-bàn), cơ ứng hóa của quyền thánh hết (cơ duyên hóa độ đã hết) liền thăng, trầm khác xa, khổ, vui khác biệt vời vợi. Tuy là tạm giống, rốt cuộc không giống.
Lại nữa, trong vòng trời đất, ít kẻ được thấy nghe. Nếu may mắn được gặp gỡ thì ít kẻ chịu thân cận, học hỏi. Hơn nữa, khi Phật tại thế thánh nhân dẫu đông đảo, như của quý, như điềm lành, nhưng chẳng thể trọn khắp các cõi nước như các ngôi sao, như bụi trần. Vả lại, tuy đồng cư mà việc làm, thành tựu trọn chẳng giống nhau”.
Theo lời giải thích của sách Yếu Giải, cõi Phàm Thánh Ðồng Cư của thế giới này kém Cực Lạc ở bốn điểm:
1. Tạm đồng: Cõi này, ba quả vị đầu của Tiểu Thừa chứng A La Hán xong liền nhập tịch diệt. Cơ độ sanh của Ðại Quyền Bồ Tát đã hết thì liền chẳng thị hiện nữa. Do đó, phàm phu cõi này chỉ là tạm thời đồng cư, chẳng phải là rốt ráo. Còn đồng cư Tịnh Ðộ thì lại có thể cùng với các Ðại Bồ Tát nhóm hội chung một chỗ mãi cho đến khi thành Phật.
2. Khó gặp: Tuy có bậc thánh thị hiện sống trong cõi này nhưng chẳng dễ gặp gỡ, thân cận; còn ở Cực Lạc, thánh giả đều như thầy, như bạn, sáng, chiều cùng ở.
3. Hiếm hoi: Thánh giả như của quý, như điềm lành, hy hữu khó gặp, còn ở Cực Lạc thì “có nhiều vị Nhất Sanh Bổ Xứ, số ấy rất nhiều chẳng thể dùng toán số để biết nổi, chỉ có thể nói là vô lượng vô biên A tăng-kỳ”.
4. Việc làm chẳng đồng: Trong cõi này, thánh giả đều ở cảnh thánh, còn chúng sanh luân hồi sáu nẻo, thăng - trầm vô định. Phàm thánh tuy cùng ở cõi này nhưng việc làm và thành tựu khác hẳn nhau. Ở Cực Lạc, cùng hết vô minh, cùng lên Diệu Giác, nên biết là Đồng Cư nơi Tịnh Ðộ vượt xa Đồng Cư cõi này vô lượng vô biên lần.
Hơn nữa, phàm ở cõi này thì gồm cả ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, còn Đồng Cư cõi kia “chẳng còn có cái tên ác đạo, nữa là thật có!” Người được vãng sanh sẽ chẳng rớt vào ba ác đạo nữa, vĩnh viễn lìa nẻo ác, chẳng như chúng sanh cõi này ở trong biển sanh tử, thoạt vào, thoạt ra, thoạt chìm, thoạt nổi, xoay vần trong ác đạo, ở trong nẻo khổ đã lâu.
Sâu hơn nữa thì như sách Yếu Giải đã giảng: “Nên biết đại sự nhân duyên của bọn ta: Một ải Đồng Cư thật khó thoát qua nhất”. Ấy là vì phàm phu cõi Đồng Cư này phải đoạn được Kiến Hoặc và Tư Hoặc mới đắc Lậu Tận Thông, mới vượt khỏi dòng sanh tử, vượt thoát Đồng Cư tiến lên cõi Phương Tiện Hữu Dư. Ðấy là vượt tam giới theo chiều dọc, thật là việc khó.
Nay pháp môn vãng sanh bỏ Đồng Cư uế độ sanh về Đồng Cư Tịnh Ðộ, được sanh về Cực Lạc liền đoạn sanh tử nên gọi là “hoành siêu tam giới” (vượt ngang tam giới). Người vãng sanh chẳng đợi đoạn hai Hoặc: Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chỉ cần phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm, liền được Phật nguyện ngầm gia bị, quyết được vãng sanh Tịnh Ðộ. Việc này rất dễ nên gọi “đạo dễ hành”.
Phương tiện vượt thẳng như thế rất thù thắng hy hữu, mười phương không đâu có thể bằng được nổi. Do vậy, cõi Ðồng Cư của Cực Lạc vượt xa cõi Phật mười phương.
Lại còn đới nghiệp vãng sanh: Dẫu còn là phàm phu chẳng bị thoái Chuyển, một đời thành Phật. Thế nên, vãng sanh Đồng Cư cũng là sanh trọn vẹn bốn cõi vậy.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Tác Giả: Ngài Hoàng Niệm Tổ