Bài ký tháp Phổ Đồng ở Ô Vưu Sơn
[Nên] hỏa thiêu thân xác
Một niệm tâm tánh của chúng sanh và một niệm tâm tánh của Phật không hai. Do vọng chấp nên thành khác biệt như trời với vực, đức Như Lai thương xót, dạy tu quán Tứ Niệm Xứ: Một là quán thân bất tịnh, hai là quán thọ là khổ, ba là quán tâm vô thường, bốn là quán pháp vô ngã. Nếu quán thành thục thì Ngã Chấp bị phá. Ngã Chấp đã phá thì Pháp Chấp cũng mất. Hai Hoặc Kiến và Tư do đấy liền đoạn, liền có thể siêu phàm nhập thánh, liễu thoát sanh tử, vãng sanh cõi Phật thanh tịnh, tu tập hạnh nguyện Bồ Tát để mong được trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh mới thôi. Có những kẻ căn cơ hèn kém, trong đời hiện tại chẳng thể đạt được như vậy thì đợi cho đến khi chết đi, hỏa thiêu thân xác, khiến cho họ hiểu rõ Ngũ Uẩn vốn không, Tứ Đại chẳng có, linh tánh chân thật được phô bày trọn vẹn triệt để, đã chẳng thuộc vào thấy - nghe - hay - biết, mà cũng chẳng thể nói là nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả, ắt thoát khỏi nghiệp chất chứa, tự chứng chân thường. Vì thế, những người tại gia thông suốt thời xưa đa phần y theo cách tống táng này, chứ không riêng gì Tăng chúng mới vậy.
Thần thức siêu thăng cõi Tịnh vực, nghiệp giã biệt trần lao, sen nở hoa chín phẩm...
Dùng cách này khiến cho người mất được giải thoát, lại còn khiến cho người sống ngộ được cái vốn không, lợi ích thật chẳng phải nông cạn! Đã thiêu hóa rồi, nếu là bậc đạo đức cao siêu ắt có xá-lợi kiên cố chẳng cháy, nếu không có xá-lợi thì xương hèn còn sót lại đều được đặt trong tháp Phổ Đồng, cũng giống như sống trong tùng lâm dự vào hải chúng, phàm thánh đồng cư, nhờ vào đó để un đúc. Linh cốt đông đảo, ắt có người đã thần siêu thăng cõi tịnh vực, nghiệp giã biệt trần lao, sen nở hoa thượng phẩm, Phật thọ ký ngay trong một đời. Được sống cùng với người như vậy giống như con nhặng bám vào đuôi ngựa Ký, cũng đi được ngàn dặm; cũng như nước đổ vào biển cả đều mất tên gốc, cùng có một vị mặn. Đấy chính là duyên do của tháp Phổ Đồng vậy.
Đến khi đã mất rồi, Ta rốt cuộc là chi?
Chùa Ô Vưu ở Gia Định từ khi đại sư Huệ Tịnh đời Đường khai sơn đến nay đã hơn một ngàn năm; năm tháng đã lâu, tháp Phổ Đồng cũng nghiêng sụp, hư hoại. May được Truyền Độ đại sư trụ trì chùa này, tận lực chấn hưng Liên tông, đã dạy những người còn sống tu trì Tịnh nghiệp để cùng sanh Tây Phương, lại muốn cho người mất được hưởng yên vui, cùng dự vào hải hội. Do vậy, quyên mộ các thiện tín, hoàn thành chuyện này, sai Quang soạn bài Ký nhằm phát huy ý nghĩa. Do vậy, bèn tụng rằng:
Chúng sanh bị sống chết,
Đều do chấp có Ngã,
Do vậy khởi Tam Độc,
Như bướm tranh vào lửa
Thử quán khi chưa sanh,
Nghĩ xem ta ở đâu?
Đến khi đã mất rồi,
Ta rốt cuộc là chi?
Đã không thuộc căn thân,
Cũng chẳng thuộc thức tâm,
Do căn không hay biết,
Thức tâm do vật dời,
Chúng sanh vì không rõ,
Theo vọng nên mê giác,
Lầm tâm vọng tưởng ấy,
Thường bị sanh tử buộc,
Như Lai rủ lòng từ,
Dạy quán Ngã vốn không,
Đã biết Ngã vốn không,
Chư pháp tiêu tan hết,
Huống lại qua lửa gột,
Tứ Đại đều phân tán,
Ngũ Uẩn vốn chẳng có,
Ngã còn do đâu hiện?
Từ đây chứng Vô Sanh,
Mới chạm mặt Chân Ngã,
Nguyện khắp các pháp giới,
Đều cùng thấy như vậy.
Bi ký thuật duyên khởi sáng lập Bồ Đề Tinh Xá
Dùng tín sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật [kèm thêm...]
Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thành thủy thành chung để mười phương tam thế chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Bởi lẽ các pháp môn được giảng trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai đều cần phải có công tu trì sâu xa thì mới đạt đến địa vị nghiệp tận tình không, mới có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Nếu Hoặc nghiệp chưa tận thì sanh tử luân hồi quyết định khó thoát, dẫu có tu trì cũng chỉ được phước thế gian và tạo thành duyên chủng đắc độ trong đời vị lai mà thôi. Đấy chính là chỗ khó khăn của việc cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Pháp môn Tịnh Độ dùng tín sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, kèm thêm giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, dùng tín nguyện của chính mình cảm lòng từ bi của Phật, cảm ứng đạo giao, cho nên khi lâm chung liền được Phật từ lực đích thân đến tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Vì vậy, bất luận Hoặc nghiệp có hay không, [bất luận] công phu sâu hay cạn, chỉ cần tín chân, nguyện thiết thì dù là kẻ tội nghiệp sâu nặng vẫn có thể thoát khỏi tam giới, ngự lên chín phẩm sen, huống gì những người tu trọn giới thiện, Định lẫn Huệ đều quân bình ư?
Phàm những ai có lòng lo cho đời muốn cứu giúp
Pháp này hoàn toàn cậy vào Phật lực kèm thêm tự lực để liễu sanh tử, vì thế trong các pháp môn của cả một đời giáo hóa, nó được gọi là pháp môn đặc biệt, chẳng được dùng những pháp môn cậy vào tự lực thông thường để bàn luận. Ấy là vì dùng Quả Địa Giác để làm Nhân Địa Tâm, cho nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân. Do đó, ngàn kinh muôn luận đâu đâu cũng chỉ quy, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về. Pháp này là đường tắt để liễu sanh thoát tử, là diệu pháp để siêu phàm nhập thánh vậy. Xét từ khi đại giáo truyền sang Đông, Viễn công ở Lô Sơn sáng lập liên xã cùng Tăng - tục một trăm hai mươi ba người tinh tu Tịnh nghiệp đều được vãng sanh. Từ đấy về sau, đời nào cũng có cao nhân đề xướng, nhưng Thiên Thai, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Đại Trí v.v… là những vị chẳng tiếc sức lực phát huy xiển dương mạnh mẽ nhất. Do vậy, liên phong thổi khắp trong nước, ngoài nước. Do đây, những người thoát Ngũ Trược dự vào hải hội há có thể dùng toán số thí dụ để biết được số lượng ư! Gần đây, thế đạo nhân tâm càng ngày càng đi xuống, phàm những ai có lòng lo cho đời muốn cứu giúp không ai chẳng dốc lòng nơi Phật pháp, đề xướng nhân quả báo ứng và kiêng giết, che chở loài vật, dốc chí tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương.
[Đôi nét nhân duyên] Bồ Đề Tinh Xá
Cư sĩ Phó Dụ Trai xưa đã trồng cội đức, tánh hạnh thuần hòa, theo đuổi nghề buôn bán, chưa biết đến Phật pháp; năm ngoái sang thăm bạn ở đất Hàng, đêm nghỉ tại Thường Tịch Quang Lan Nhã, nghe tiếng chúng Tăng niệm Phật, khác nào được cam lộ rưới vào đảnh, đề-hồ thấm lòng, vui sướng vô ngần, không thể thí dụ được. Do vậy, xúc động túc căn liền muốn cùng những người cùng chí hướng tùy phần, tùy sức tu trì pháp này, bèn cùng các thương nhân Đinh Cam Nhân, Nghê Đại Xuân, Đàm Bộ Thiều, Nghiêm Tử Lương, Tôn Lương Thần, Phó Dụ Kinh, Phó Đình Phương, Trầm Tấn Dung, Kim Ích Như, Lâm Song Tuyền, Trần Tải Phong, Trang Hải Đào, Lý Thuật Sơ, Ngô Tổ Xương, Đàm Tử Lâm, Đàm Thạch Khanh, Đàm Hải Thu, Đàm Trúc Hinh, La Trĩ Vân, Tạ Sùng Hoa, Điền Ngọc Thụ, Phó Mộng Bật, Đàm Triệu Quý v.v… tính lập một tòa tinh xá ở Tây Hồ, Hàng Châu, để làm nơi tùy sức tu trì trong hiện tại, về già chuyên tâm tu đạo. Ai nấy đều cho đó là lành, bèn tìm mua đất để xây cất, chưa đầy hai năm đã hoàn thành, nhân đó đặt tên là Bồ Đề Tinh Xá.
Khu đất rộng hai mẫu sáu phân bảy ly, gồm có hai phần: Phần trước là đại điện gồm năm gian, chính giữa thờ Tây Phương Tam Thánh, hai bên thờ mười tám vị La Hán, dùng nơi đó làm chỗ niệm Phật, lễ tụng. Phần sau là ngôi gác năm gian ba tầng, ba gian tầng trên, gian chính giữa thờ tôn tượng Tam Thánh, hai bên thờ bài vị tổ tiên của hai mươi bốn người [nói trên] nhằm hiển thị ý dự vào liên trì, thường hầu Phật Di Đà, liền chứng được Thể - Dụng của vô lượng quang thọ, Phật tánh bất sanh bất diệt. Thứ tự trước sau lấy tuổi tác của những người ấy làm chuẩn. Hai gian bên và tầng giữa đều chia thành phòng ốc làm chỗ tịnh tu cho mọi người. Gian dưới làm nhà khách, hai bên làm Dưỡng Tâm Đường để bậc cao nhân triết sĩ tạm thời nghỉ ngơi.
“Ai nấy đều có thể trở thành Nghiêu - Thuấn, ai nấy đều có thể làm Phật”
Đem toàn bộ công đức tu trì của Tăng - Tục trên là cầu lịch đại tổ tông, cha mẹ hiện đời của mỗi người được tiêu trừ ác nghiệp từ vô thỉ, tăng trưởng thiện căn thù thắng, dự vào liên trì hải hội, chứng Pháp Thân sẵn có. Lại mong cho tất cả những vị sư niệm Phật trụ tại đây và các xã hữu cùng với các quyến thuộc tam chướng băng tiêu, ngũ phước như mây nhóm, sống dự vào hạng thánh hiền, mất trở về cõi Cực Lạc. Lại mong người thấy kẻ nghe ai nấy bắt chước hành theo, cùng chuyển phàm tâm trở thành thánh trí thì lễ nghĩa, nhân nhượng được hưng thạnh, can qua vĩnh viễn ngưng dứt, trung hậu, khoan thứ khởi lên, thấy ta và vật như nhau, khiến cho thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc. Phong thái thời Đường Ngu thạnh trị lại được thấy trong ngày nay, lời nói “ai nấy đều có thể trở thành Nghiêu - Thuấn, ai nấy đều có thể làm Phật” ắt sẽ được chứng nghiệm thật sự! Đây chính là bản tâm sáng lập tinh xá, đặt tên là Bồ Đề của các cư sĩ. Do vậy, bèn trần thuật đại lược!
Ảnh: Tịnh Xá Huệ Nghiêm (TPHCM)
Câu: "Được sống cùng với người như vậy giống như con nhặng bám vào đuôi ngựa Ký, cũng đi được ngàn dặm; cũng như nước đổ vào biển cả đều mất tên gốc, cùng có một vị mặn". Ta thấy rằng, nhân duyên gặp gỡ [thân cận] Chánh Pháp quả là rất quan trọng, rất thù thắng xiết bao. Chúng ta dẫu còn phàm phu đầy dẫy phiền, trược, nhưng một khi được gần gũi một ngôi già lam, hay đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ, thân cận các bậc minh Sư, thiện hữu trí thức... thì cũng giống như ...con nhặng bám chiến mã, nước trăm sông đổ vào biển cả [đều hóa mặn]. Dĩ nhiên, sự tận tâm tận lực [tu trì] của mỗi người mới là quyết định, để rồi không luống uổng những nhân duyên tốt đẹp như vậy.
"Bất luận Hoặc nghiệp có hay không, [bất luận] công phu sâu hay cạn, chỉ cần tín chân, nguyện thiết thì dù là kẻ tội nghiệp sâu nặng vẫn có thể thoát khỏi tam giới, ngự lên chín phẩm sen, huống gì những người tu trọn giới thiện, Định lẫn Huệ đều quân bình ư?". Rõ ràng, phàm những ai Tín Nguyện Niệm Phật đầy đủ, giữ vững trọn đời, đều cảm được Phật từ lực, được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Nhưng trong đó những ai tu tập Giới Định Huệ một cách nghiêm minh, kiên định chắc chắn sẽ vãng sanh phẩm vị cao, hoa nở, thấy Phật [nhanh chóng].
"... cầu lịch đại tổ tông, cha mẹ hiện đời của mỗi người được tiêu trừ ác nghiệp từ vô thỉ, tăng trưởng thiện căn thù thắng, dự vào liên trì hải hội, chứng Pháp Thân sẵn có". Chúng ta hành trì tu tập, nguyện một đời này vãng sanh Cực Lạc, liễu thoát sanh tử, song song đó, chúng ta cũng đừng bao giờ thôi hướng về nguồn cội của mình, ra sức hồi hướng phát nguyện, cầu cho tất cả [lịch đại tổ tiên, cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, hữu duyên...] cùng được siêu thăng Tịnh Độ, lìa khổ được vui. "Lá rụng về cội, uống nước nhớ nguồn", đạo lý là vậy.
“Ai nấy đều có thể trở thành Nghiêu - Thuấn" và trên hết "ai nấy đều có thể làm Phật”, rõ ràng đây mới là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với mỗi hành giả Tịnh Độ chúng ta. Hãy biến điều "có thể" ấy trở thành sự thật, ngay trong một đời này. "Ai nấy" đều có thể làm được, và ta cũng vậy.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên (trích lục)
Đại Sư Ấn Quang