Hễ phải thọ sanh một lần nữa [khó khỏi] lại bị mê
Đức Như Lai điều ngự chúng sanh, tùy cơ thuyết pháp, tuy Quyền - Thật - Đốn - Tiệm bất đồng, Đại - Tiểu - Thiên - Viên khác biệt, nhưng cốt yếu đều là làm cho chúng sanh tự chứng Chân Như Phật Tánh sẵn có nơi bổn tâm mà thôi. Nhưng Phật tánh ấy sẵn có ngay trong tâm này, chẳng từ ngoài đến, chẳng do gì khác mà được, như lấy của báu sẵn có trong nhà tùy ý sử dụng, hiện thành. Vì thế, chứng điều ấy là chuyện hết sức dễ dàng! Hiềm rằng chúng sanh ở trong sanh tử đã lâu, mê hoặc quá sâu, ví như gương báu bị bụi phủ cả kiếp, muốn cho nó khôi phục bản thể, hiện tột cùng ánh sáng chiếu trời soi đất, cố nhiên chẳng phải đổ công lau chùi, mài giũa một hai ngày là có thể đạt được ngay. Như Lai bi tâm chân thật thiết tha, biết sự khó khăn của chúng sanh dùng tự lực để tự chứng, dù có tu trì nhưng vì phiền hoặc chưa đoạn, hễ phải thọ sanh một lần nữa khó khỏi lại bị mê. Từ đó, đọa lạc thì nhiều, siêu thăng ít ỏi.
[Dùng tín nguyện niệm Phật] dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương
Do vậy, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật ngõ hầu dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Người đã chứng thánh sẽ mau thăng lên địa vị bậc thượng; kẻ chưa đoạn Hoặc sẽ vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. So với những ai chỉ cậy vào tự lực tu Giới - Định - Huệ cho đến khi liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh thì khó - dễ khác biệt một trời một vực. Vì thế, kể từ hội Hoa Nghiêm dẫn về, từ thuở tại Kỳ Viên diễn thuyết đến nay, ngàn kinh vạn luận chốn chốn chỉ quy, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về. Đến khi pháp truyền sang Đông Chấn, Viễn Công đại sư xướng xuất tại Lô Sơn, quần hiền đương thời đều nhóm cả về, những người thông suốt đời sau đều quy hướng. Từ đấy, Tăng - tục bốn chúng hoặc là tu trọn vạn hạnh để hồi hướng, hoặc chuyên trì Phật hiệu để cầu vãng sanh. Đến khi lâm chung, chánh niệm rỡ ràng, hiện các tướng lành để vãng sanh, làm sao thấy hết, biết trọn cho được? Những gì Vãng Sanh Tập, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ghi chép chỉ là một hai phần trong ngàn vạn phần đó thôi. Một trăm mấy mươi năm qua, người tu pháp này há có hạn lượng? Huống chi gần đây tầm mắt của bậc nhân sĩ rộng mở, hạng ngầm tu hiển hóa thật đông đảo. Trong số ấy, những người dùng tâm Phiền Hoặc khế hợp Như Lai trí, thoát khổ Sa Bà, dự vào hội Liên Trì càng đông hơn trước, há chẳng nên ghi chép thêm để rồi những chuyện ấy bị quên lãng hay sao? Cư sĩ Dương Huệ Kính ở Dư Diêu riêng sưu tập những truyện đó, đặt tên là Cận Đại Vãng Sanh Truyện. Ý ông muốn những chuyện vãng sanh thu thập sau này sẽ được gộp hết vào bản thảo, nên những danh từ xưng hô cứ giữ nguyên văn, không sửa chữa gì thêm, sao cho [cách hành văn] theo cùng một lối, cốt sao để tạo lòng tin, chứ không bỏ công chọn lựa, gọt giũa. Đã thâu thập được bấy nhiêu chuyện ấy xong, muốn khắc in, lưu truyền, xin tôi viết lời tựa.
Nếu chẳng chuyên tu Tịnh nghiệp để hòng cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh...
Trộm nghĩ: Pháp môn tu trì có hai thứ bất đồng. Nếu cậy vào tự lực tu Giới - Định - Huệ để đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử thì gọi là “pháp môn theo đường lối thông thường”. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật để cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương thì gọi là “pháp môn đặc biệt”. Đường lối thông thường thì hoàn toàn cậy tự lực, còn đường lối đặc biệt thì tự lực lẫn Phật lực đều có. Nếu có công tu Định - Huệ đoạn Hoặc sâu xa nhưng không chân tín, nguyện thiết, niệm Phật cầu vãng sanh thì vẫn thuộc về tự lực. Nay dùng thí dụ để chỉ rõ: Đường lối thông thường giống như vẽ núi sông, ắt phải từng nét bút, từng vạch một mới dần dần vẽ thành. Còn [pháp môn] đặc biệt như chụp cảnh sông núi, dẫu cho mấy mươi tầng núi non um tùm, chụp một cái liền đầy đủ. Lại nữa, đường lối thông thường như đi đường bộ, người mạnh một ngày bất quá đi được một trăm mười dặm; còn pháp môn đặc biệt như cưỡi Luân Bảo của Chuyển Luân Thánh Vương trong một ngày liền có thể đến khắp bốn đại bộ châu. Chúng ta không có tư cách thành Phật ngay lập tức, lại không có thật chứng “đoạn được Kiến Hoặc, tùy ý chẳng tạo ác nghiệp”, nếu chẳng chuyên tu Tịnh nghiệp để hòng cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh thì chỉ e đến tột cùng đời vị lai vẫn cứ phải chịu sống chịu chết trong tam đồ lục đạo không cách gì thoát ra được! Chẳng đáng buồn ư? Nguyện những người cùng hàng với tôi đều sanh chánh tín.
Ảnh minh họa: "Diêm Vương xử án"
Đoạn đầu: Như Lai bi tâm chân thật thiết tha, biết sự khó khăn của chúng sanh dùng tự lực để tự chứng, dù có tu trì nhưng vì phiền hoặc chưa đoạn, hễ phải thọ sanh một lần nữa khó khỏi lại bị mê. Từ đó, đọa lạc thì nhiều, siêu thăng ít ỏi.
Đây là Chư Tổ đang nói tới dùng pháp Tự lực thật sự là khó khăn, không hợp thời, thật nguy hiểm! Thường thì trước sau [một hai đời] gì cũng phải đến 'hầu' Diêm Vương.
Tiếp theo: Do vậy, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật ngõ hầu dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Người đã chứng thánh sẽ mau thăng lên địa vị bậc thượng; kẻ chưa đoạn Hoặc sẽ vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi.
Đầu tiên, chúng ta thấy Pháp môn này giống như cái kiềng [phải có 3 chân] Tín - Nguyện - Niệm Phật, nếu thiếu sót một là không ổn rồi. Nên nói Pháp Tịnh Độ là phải nói cả 3 món tư lương này, chẳng thể thiếu sót cái nào. Đặc biệt là cái "Tín", nhiều người rất dễ bỏ qua, chỉ nói một lòng cầu vãng sanh, rồi ra sức hành trì. Như vậy vẫn là chưa đủ, nếu không muốn nói là thiếu sót cơ bản. Vì sao vậy? Chữ "Tín" chính là thứ quan trọng bậc nhất trong ba thứ, có Tín [chân thật] ắt sẽ có Nguyện chân thật, thiết tha, có thể xả, có thể buông [bất cứ thứ gì], rồi ắt cũng chân thật hành trì, chẳng phải để qua loa, hư dối... Cho nên Chư Tổ luôn khuyến hóa rằng: "Một chữ Tín phải gấp gáp truy cầu, ngõ hầu có được lòng tin sâu xa đến cùng cực [chẳng nghi] vậy".
Đoạn văn "ngõ hầu dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương". Vậy "cậy Phật từ lực" là cậy lúc nào vậy [để được vãng sanh]? Dĩ nhiên là lúc lâm chung Phật đến rước rồi theo Phật về Tây, chứ còn lúc nào nữa?! Dạ vâng, đúng nhưng chưa đủ, nếu không muốn nói là thiếu sót nghiêm trọng! Cậy Phật từ lực là nương cậy ngay lúc bình thời, từ khi bắt đầu phát tâm tu tập, niệm Phật cầu vãng sanh kìa, chứ chẳng phải đợi tới lúc cuối mới 'nương cậy' [bởi chúng ta đâu có biết vô thường tới lúc nào, lúc cuối là lúc nào?]. Rồi nhờ một đời hành trì [và cảm Bổn Nguyện] như thế, nên đến gần cuối con đường, Phật biết mà sắp đặt, gia trì, che chở cho. Âu đó cũng là quả ngọt của cả một đời "Tín - Nguyện - Niệm Phật" [chân thật] nên được như thế. Thế nên Kinh dạy rằng: "Từ bi gia hựu, khiến linh tâm bất loạn". Thật sự, lúc này là cần Phật lực gia trì nhất, bởi lâm chung chính là ngày 30 tháng Chạp của đời người, oan gia, nghiệp chướng ùn ùn kéo đến đòi nợ, bức bách. Sự "vi diệu" của Pháp môn chính là ở điểm này. Một khi cảm Phật [có Phật lực gia trì] chúng ta sẽ có tất cả, sự sắp đặt, an bài [theo duyên phước], giữ chánh niệm, Phật tiếp dẫn..., rồi ngay cả đến hậu sự, làm biểu pháp v.v... tất thảy đều viên mãn. Cho nên tu cái gì tu, hành cái gì hành, thuyết cái gì thuyết, nếu thiếu niềm tin [hay niềm tin đặt không đúng chỗ] là thành ra tự lực vậy. Vô cùng nguy hiểm, lúc đấy tha hồ mà 'tự bơi' ha!
Đoạn cuồi Chư Tổ sư dùng nhiều hình tượng [ví dụ] để giúp người đọc tiện bề hình dung sự khó - dễ giữa hai pháp "đặc biệt" và "thông thường", để "Nguyện những người cùng hàng với tôi đều sanh chánh tín" [ngõ hầu sáng suốt chọn lựa].
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa sách Cận Đại Vãng Sanh Truyện
Đại Sư Ấn Quang