Chân Như pháp tánh chúng sanh và Phật về thể vốn đồng, do mê hay ngộ cách biệt mà khổ - vui khác biệt vời vợi. Vì thế, đức Thế Tôn ta đặc biệt rủ lòng thương xót, tuy trong trần điểm kiếp trước đã sớm thành Phật đạo, lại vận dụng lòng Bi Đồng Thể, khởi lòng Từ Vô Duyên, chẳng lìa cõi Tịch Quang, thị hiện sanh trong đời trược, xuất gia tu hành, thành Đẳng Chánh Giác, cứu vớt những kẻ mê muội cùng lên bờ giác, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội. Tùy thuận cơ nghi, khéo khuyên dụ dần dần: Với hang đại cơ bèn dạy Ngũ Uẩn đều không, sáu trần chính là giác, rốt ráo chẳng lập một pháp, ngay khi đó vạn đức đều hiển lộ trọn vẹn; với kẻ căn cơ nhỏ nhoi thì tùy thuận tiếp dẫn, vì Thật bày Quyền, khiến cho họ vun bồi Phật chủng dần dần để tạo thành nhân duyên đắc độ.
Các pháp môn thuận theo căn cơ nói ra như trên tuy Đại - Tiểu bất đồng, Quyền - Thật đều khác, nhưng đều cậy vào Tự Lực để đoạn Hoặc chứng Chân mới thoát được sanh tử. Vì thế bản hoài phổ độ chúng sanh của đức Như Lai chưa được thỏa mãn rốt ráo. Do vậy, ngoài các pháp ra, Ngài lại mở riêng pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chỉ bày thế giới Cực Lạc là quê nhà vốn có, chỉ A Di Đà Phật là vô thượng từ phụ, khiến cho con người phát tâm Bồ Đề trì danh hiệu Phật, dùng tín nguyện sâu cầu sanh Tây Phương. Nếu như khăng khăng vâng giữ, niệm nơi đâu nghĩ tại đó thì do tín nguyện của mình hợp với thệ nguyện của Phật, chúng sanh và Phật khế hợp nhau, bèn cảm ứng đạo giao, trong đời này nghiệp chướng tiêu diệt, phước huệ tăng cao, lâm chung được Phật tiếp dẫn gởi thân nơi sen báu. Những người Hoặc nghiệp đã đoạn bèn dự ngay vào địa vị Bổ Xứ, mau chứng Phật Thừa. Dẫu là hạng phàm phu sát đất, nghiệp lực khắp thân, cũng vẫn có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh, khi đã vãng sanh liền thoát khỏi dòng phàm, cao dự hải hội, chẳng mong đoạn Hoặc mà tự đoạn, chẳng mong chứng chân mà tự chứng. Pháp môn này hoàn toàn nương vào Phật lực, ví như kẻ thọt một ngày đi được mấy dặm, nếu ngồi luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương sẽ trong khoảnh khắc đến khắp bốn châu. Đấy là sức của Luân Vương, chứ không phải sức của chính mình; suốt đời tu hành, cố nhiên là như vậy! Dẫu là kẻ tội nặng Ngũ Nghịch, Thập Ác, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu có thể chí tâm niệm Phật sẽ liền được Phật tiếp dẫn.
Ấy là vì Phật xem chúng sanh hệt như con một: Với đứa hiền ngoan tất nhiên thương yêu, nhưng với đứa ngỗ nghịch lại càng thương xót gấp bội. Nếu con hồi tâm hướng về cha mẹ, cha mẹ ắt rủ lòng từ nhiếp thọ. Hơn nữa, tâm tánh của chúng sanh và Phật không hai, do vì mê trái nên khởi Hoặc tạo nghiệp, ngăn lấp bản tâm chẳng thể hiện bày trọn vẹn. Nếu có thể nhất niệm hồi quang thì khác nào mây tan trăng hiện, tánh vốn chẳng mất, trăng vốn sẵn có. Vì vậy tình trần bao kiếp đoạn ngay trong một niệm. Ví như nhà tối ngàn năm, một ngọn đèn [chiếu vào] bèn sáng. Đây chính là pháp nhiệm mầu nhất trong giáo pháp cả một đời đức Phật, là con đường để trên thánh, dưới phàm đều phải theo, là cơ nghi thấu suốt chín giới, phô bày tột bậc bản hoài của Như Lai. Cao quý thay, đẹp đẽ thay! Há thể nghĩ bàn được ư?
Trích Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên - Quyển 4
Đại Sư Ấn Quang