Nương cậy Phật từ lực, liễu thoát ngay trong một đời này
Pháp môn Tịnh Độ quả là đường lối chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo dưới độ chúng sanh, mà cũng là đạo trọng yếu để hết thảy chúng sanh trong thời đại Mạt Pháp cậy vào Phật từ lực, liễu thoát ngay trong một đời này. Ấy là vì hết thảy các pháp môn đức Như Lai đã nói, không pháp nào chẳng nhằm làm cho chúng sanh thoát sanh tử, thành Phật đạo; nhưng do thượng căn thì ít, trung hạ căn lại đông, nên người được liễu thoát ngay trong một đời dẫu nhằm thời Chánh Pháp, Tượng Pháp còn chẳng thể thấy nhiều, huống gì thời Mạt Pháp căn cơ con người kém hèn, tuổi thọ ngắn ngủi, tri thức hiếm hoi, tà ma ngoại đạo tung hoành ư? Do vậy, đức Như Lai đã xét thấu trước cơ nghi, đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ nhằm làm cho hết thảy chúng sanh dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn đều chăm chú tu trì, đều cùng trong đời này vãng sanh Tịnh Độ. Bậc thượng căn thì mau thành Phật đạo, kẻ hạ căn cũng được dự vào dòng thánh.
Phật lực, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, cùng sức Tín - Nguyện - Hạnh của chúng sanh
So với những pháp môn cậy vào tự lực đã nói trong cả một đời đức Phật [thì pháp này] hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh chóng. Do vì Phật lực, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, lại thêm sức Tín - Nguyện - Hạnh của chúng sanh nên bất luận công phu sâu hay cạn, tội nghiệp nặng hay nhẹ đều được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Do vậy, trong các kinh Đại Thừa, đức Như Lai đều nói kèm pháp này, như các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm v.v… Còn kinh chuyên nói [về pháp Tịnh Độ] thì có kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Trong ba kinh này, phàm là thệ nguyện của Phật Di Đà, sự trang nghiêm của Tịnh Độ, nhân vãng sanh của ba bậc chín phẩm, mười phương chư Phật tán thán đều được nêu rõ không còn sót.
“Thật đáng kinh hãi!”
Thế nhưng kinh A Di Đà ngôn từ ngắn gọn, nghĩa lý đầy đủ, dễ thọ trì nhất. Do vậy, cổ nhân xếp vào khóa tụng hằng ngày, bất luận dù Tông, dù Giáo, dù Luật đều đọc tụng trong khóa tối, nghĩa là cả thiên hạ dù Tăng hay tục không ai chẳng lấy Tịnh Độ làm chỗ quy hướng. Tuy hành trì như thế nhưng nếu chẳng suy xét kỹ càng nguyên do Phật, Tổ lập pháp thì sẽ vẫn chẳng coi chuyện cầu sanh Tây Phương là trọng. Đấy chính là “dùng hằng ngày mà không biết, quen làm mà chẳng xem xét”. Dù là bậc cao nhân thông Tông thông Giáo vẫn còn rất nhiều người đề cao pháp môn Tự Lực, chẳng chịu tin tưởng nương cậy Phật lực. Chí ấy cố nhiên là cao, nhưng sự thật khó thể đạt được ngay trong đời này. Nếu như chưa đoạn sạch được Hoặc nghiệp, phải thọ sanh lần nữa, quá nửa bị mê mất. Không những mọi điều mong mỏi đều thành bánh vẽ mà còn có mối lo do phước tạo nghiệp, thân sau phải đọa lạc! Do đó, phải nói là “thật đáng kinh hãi!”.
Phật nói pháp này khó tin [là do đâu?]
Phải biết: Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong giáo pháp của cả một đời đức Phật, chẳng thể dùng những pháp môn thông thường để bàn luận được. Nếu chẳng hiểu rõ nghĩa này, cứ viện vào nghĩa lý của những pháp môn cậy vào tự lực thông thường để rồi ngờ vực lợi ích của pháp môn đặc biệt cậy vào Phật lực, chẳng chịu tin nhận thì sẽ bị mất mát to lớn. Phật nói pháp này khó tin chính là ngụ ý này vậy. Nếu không có mối chấp ấy thì có ai là không tin nhận, phụng hành?
Ăn chay, niệm Phật, đổi ác tu thiện
Gần đây thế đạo nhân tâm suy hãm, hèn tệ đến cùng cực hết cả thuốc chữa. Phàm những bậc vĩ nhân kiệt sĩ có đủ chánh tri kiến không ai chẳng lấy việc đề xướng nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi làm căn cứ để đẩy lùi cơn sóng cuồng, lấy việc tinh tu Tịnh nghiệp cầu sanh Tây Phương làm pháp an ổn rốt ráo. Một người xướng, trăm người hòa, không ai chẳng thuận theo. Do vậy, kẻ ăn chay, niệm Phật, đổi ác tu thiện ngày thấy càng nhiều.
Đời này thân tâm thanh tịnh, lâm chung cảm ứng đạo giao...
Điều đáng tiếc là hạng thiện tín thông thường chưa từng được học hỏi, tuy hằng ngày tụng kinh Di Đà, rốt cuộc vẫn chẳng biết kinh dạy những nghĩa lý nào; dẫu có những bản chú giải như Sớ Sao, Yếu Giải v.v… họ cũng chẳng thể đọc được. Cư sĩ Hoàng Trí Hải tâm lợi người tha thiết, đem những nghĩa trong Sớ Sao, Yếu Giải diễn giải lại bằng văn Bạch Thoại khiến cho những người ít chữ nghĩa đều được hiểu rõ nghĩa kinh. Do vậy, lại càng thêm tinh tấn, dốc kiệt lòng thành tu trì, chuyển hóa kẻ hữu duyên, trong đời này thân tâm thanh tịnh, dự ngay vào bậc thánh bậc hiền, lâm chung cảm ứng đạo giao, lên thẳng cõi Cực Lạc. Lợi ích ấy làm sao diễn tả được! Do vậy, tôi viết ý nghĩa tổng quát để cống hiến người đọc.
Đoạn đầu: Nhưng do thượng căn thì ít, trung hạ căn lại đông, nên người được liễu thoát ngay trong một đời dẫu nhằm thời Chánh Pháp, Tượng Pháp còn chẳng thể thấy nhiều, huống gì thời Mạt Pháp căn cơ con người kém hèn, tuổi thọ ngắn ngủi, tri thức hiếm hoi, tà ma ngoại đạo tung hoành ư?
Chúng ta đang sống vào thời kỳ Mạt pháp đã được một ngàn mấy trăm năm, tức là đã đi khá sâu vào thời kỳ Mạt rồi, thế nhưng vẫn còn có Pháp để nương tựa tu hành giải thoát, kể ra cũng còn may mắn lắm lắm. Thuốc quý là thuốc chữa được đúng bệnh làm cho hết bệnh, Pháp quý là pháp phù hợp căn cơ, phát huy được lợi ích chân thật. Tu hành cũng giống như chữa bệnh vậy, thành tựu [giải thoát], đạt lợi ích chân thật, tức là đã chữa hết bệnh. Chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng do có 'bệnh' mê hoặc điên đảo [Hoặc nghiệp] từ vô thỉ kiếp đến nay, không cách gì chữa dứt được, nên cứ khổ đau mãi [do bệnh này hành]. Như Lai đặc biệt thương xót nên đưa ra một 'toa thuốc đặc trị' [trị dứt hẳn] căn bệnh này. Chúng sanh chỉ cần nương theo 'toa thuốc' ấy mà hành trì chắc chắn sẽ hết bệnh, không còn khổ đau, thọ mạng vô lượng [như tự tánh vốn có vậy].
Đoạn tiếp theo: Do vì Phật lực, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, lại thêm sức Tín - Nguyện - Hạnh của chúng sanh nên bất luận công phu sâu hay cạn, tội nghiệp nặng hay nhẹ đều được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh.
Phật lực, Pháp lực [Bổn Nguyện] là chẳng thể nghĩ bàn, vấn đề của chúng sanh là phải đáp ứng được một số 'yêu cầu' của Pháp này đề ra. Đó là những yêu cầu không thể 'giản lược' thêm được nữa. Thật vậy, ví dụ, Tín, nếu chẳng tin tưởng, cũng có nghĩa là tin tưởng ở một pháp khác [hay một đối tượng khác], thế thì làm sao Tâm - Tâm thông nhau [để cảm ứng đạo giao đây], bởi mỗi bên đang nhìn về hai hướng khác nhau vậy, làm sao cùng đi trên một con đường cho được. Rồi Nguyện, Phật muốn rước chúng ta về cõi ấy, để giải thoát khỏi sanh tử khổ đau, tiếp tục hành đạo, còn chúng ta thì lại chẳng chịu về, vẫn còn thích thú ở lại cái thế gian này [nhưng khổ nổi thọ mạng đã hết]. Thế nên Phật dù đại từ đại bi cũng chịu chẳng giúp được gì. Nói ra thế để chúng ta thấy rằng, liệu có chỗ nào có thể 'giản lược' được trong các 'yêu cầu' được đề ra ở đây?
Đoạn: Không những mọi điều mong mỏi đều thành bánh vẽ mà còn có mối lo do phước tạo nghiệp, thân sau phải đọa lạc! Do đó, phải nói là “thật đáng kinh hãi!”.
Phước lớn, nếu chẳng biết tu, ắt đa phần là tạo nghiệp lớn. Thử xem giữa cõi đời ngũ trược này mấy ai thoát khỏi hiểm họa này, đã lao vào vòng xoáy đó dễ gì thoát ra được. Để rồi lại tiếp tục trôi lăn mãi mãi...
Câu: Phật nói pháp này khó tin chính là ngụ ý này vậy.
Ngụ ý này chính là gì? Đó chính là chẳng chịu tin nhận vào sự cứu độ của Phật lực. Chư Tổ nói "Pháp môn này đặc biệt [là ở chỗ] cậy vào Phật lực" [thì sẽ đạt được đại lợi ích giải thoát]. Chúng sanh lại chẳng chịu tin nhận [điều ấy], thì thôi... chịu thua. Phải chi ai ai cũng tin nhận [điều ấy] mà dốc lòng hành trì cả đời thì Phật rước sạch sẽ, chẳng sót một ai. Thật sự là vậy!
Chư Tổ sư nói "Pháp môn vạn người tu vạn người về" chính là chỗ này vậy.
Đoạn cuối: Do vậy, lại càng thêm tinh tấn, dốc kiệt lòng thành tu trì, chuyển hóa kẻ hữu duyên, trong đời này thân tâm thanh tịnh, dự ngay vào bậc thánh bậc hiền, lâm chung cảm ứng đạo giao, lên thẳng cõi Cực Lạc.
Người tu Tịnh Độ, hiện đời được an tịnh, lâm chung an tường, thấy Phật đến rước, theo Phật về Tây, một đời liễu thoát sanh tử. Tất cả ấy là nhờ đâu? Cả một đời Tín Nguyện [đầy đủ], chân thật hành trì, dụng công niệm Phật. Nếu ai còn chưa tin tưởng, hãy còn lo sợ điều gì [rồi kết quả không như vậy], ấy là vì việc dụng công hàng ngày chưa đúng [hay chưa đạt] trong ba Pháp ấy vậy.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa cho sách A Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải Thích
Đại Sư Ấn Quang