Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát chư Bồ Tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, Phổ Đẳng tam muội, chư thâm tổng trì, trụ tam-ma-địa, chí ư thành Phật. Định trung thường cúng vô lượng vô biên nhất thiết chư Phật, bất thất Định ý. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các cõi Phật mười phương nghe danh hiệu tôi xong ắt đều đạt được thanh tịnh, giải thoát, Phổ Ðẳng tam-muội, các tổng trì sâu, trụ tam-ma-địa, thậm chí thành Phật. Trong Định thường cúng vô lượng vô biên hết thảy chư Phật, chẳng mất Định ý. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi bốn: Phổ Ðẳng tam-muội; nguyện bốn mươi lăm: Trong Định cúng Phật)
Giải:
Trong đoạn này, từ đầu đến chữ “chí ư thành Phật” (thậm chí thành Phật) là nguyện thứ bốn mươi bốn: “Phổ Ðẳng tam-muội”, từ chữ “Định trung” (trong Định) trở đi là nguyện bốn mươi lăm: “Trong Định cúng Phật”. Các nguyện kể từ nguyện bốn mươi bốn trở đi là những nguyện khiến cho các vị Bồ Tát ở ngoài thế giới Cực Lạc nghe danh hiệu Phật A Di Ðà được hưởng những lợi ích thù thắng nơi pháp.
Trước hết là nguyện thứ bốn mươi bốn: Nghe danh hiệu Phật đắc các tam-muội nhẫn đến thành Phật.“Đãi” (逮) là đạt tới. Câu “thủy hỏa tương đãi” trong phần Hệ Từ của kinh Dịch được chú giải như sau: “Thủy hỏa bất tương nhập, nhi tương đãi cập” (Nước và lửa chẳng trộn lẫn nhau, nhưng lại ảnh hưởng lẫn nhau). “Đãi” còn có nghĩa là đuổi theo. Theo sách Hội Sớ, người nghe Phật danh, ngay lập tức đắc các tam-muội nên bảo là “giai tất đãi đắc” (ắt đều đạt được).
Bản Tống dịch ghi lời nguyện này như sau: “Sở hữu thập phương nhất thiết Phật sát chư Bồ Tát chúng văn ngã danh hiệu, ứng thời chứng đắc tịch tĩnh tam-ma-địa” (Tất cả các hàng Bồ Tát trong hết thảy cõi Phật mười phương nghe danh hiệu tôi, ngay lập tức chứng đắc tịch tĩnh tam-ma-địa). Chữ “ứng thời chứng đắc” (ngay lập tức chứng đắc) trong lời nguyện trên chính là ý nghĩa của câu “giai tất đãi đắc” (ắt đều đạt được) trong bản kinh này.
“Thanh tịnh” là ý nói các tam-muội mà Bồ Tát đang trụ vào đều vô nhiễm, vô trước, nên gọi là “thanh tịnh tam-muội”. Sách Hội Sớ giảng: “Tịch tĩnh tam-ma-địa không trói buộc, không vướng mắc, nên gọi là thanh tịnh”.
“Giải thoát”: Do tam-muội mà Bồ Tát trụ đó đã lìa hết thảy triền phược, tự tại, nên bảo là “giải thoát tam-muội”. Sách Hội Sớ bảo: “Chỉ, Quán vô ngại nên gọi là Giải Thoát”. Sách còn bảo: “Niệm Phật tam muội trừ được hết thảy phiền não, giải thoát sanh tử, nên phải gọi là Thanh Tịnh Giải Thoát tam-muội”.
Trong danh từ Phổ Ðẳng, Phổ (普) là phổ biến, Ðẳng (等) là bình đẳng. Kinh Bi Hoa gọi tam-muội này là Biến Chí tam-muội, kinh Phân Ðà Lợi gọi là Phổ Chí tam-muội, bản Tống dịch ghi là Phổ Biến tam ma-địa, bản Ðường dịch gọi là Bình Ðẳng tam-ma-địa môn.
“Tam-muội” tức là Tam-ma-địa (Samadhi), dịch là Chánh Ðịnh, Chánh Thọ (đã giải thích tường tận trong phẩm thứ hai). “Tổng trì” là đà-ra-ni, nghĩa là giữ gìn sự lành chẳng để mất, có khả năng gìn giữ vô tận (chữ “tổng trì” đã được giảng chi tiết trong phẩm thứ hai). Tổng trì sâu mầu nên gọi là “thâm tổng trì”. Mười phương Bồ Tát do nghe danh hiệu nên đắc các tam-muội và tổng trì sâu mầu, an trụ trong Định, được thành Chánh Giác nên bảo là “chí ư thành Phật” (cho đến thành Phật).
Ảnh: Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm, An Giang
Đoạn Kinh văn này là các Nguyện dành cho các hàng Bồ Tát ở khắp thập phương Pháp giới, bên ngoài Cực Lạc. Đối với các Ngài ấy thì "nghe danh hiệu tôi xong ắt đều đạt được thanh tịnh, giải thoát, Phổ Ðẳng tam-muội...". Đây là lời Phật, nên chân thật, chẳng hư dối. Chứ còn hàng phàm phu như chúng ta hàng ngày vẫn đang nghe hoài nghe mãi mà 'có thấy gì đâu'! Thật ra là có đấy chứ chẳng phải không, nhưng mức độ [chuyển biến] chậm, dần dần từng chút một thôi, lâu ngày chày tháng sẽ dần chuyển biến nơi nội tâm mà ta chẳng hay. Với phàm phu chúng ta chắc phải tính đơn vị là năm, thậm chí hàng chục năm thì may ra [mới chuyển biến thấy rõ] và không thể nói "ắt đều đạt được" như các Ngài ấy [tức là chắc chắc đạt được]. Và rồi ý cuối cùng là "thậm chí thành Phật [chí ư thành Phật]", "thậm chí" thôi chứ chẳng phải "ắt đều đạt được [giai tất đãi đắc]" như mấy cái kia đâu nhé. Tức là hiểu rộng ra là nghe danh hiệu Phật [và niệm danh hiệu Phật] mà chẳng nguyện sanh về Cực Lạc, thì chỉ 'hy vọng, có thể' [thậm chí] thành Phật mà thôi, không thể 'chắc chắn' thành Phật được [như tất cả nhân dân nơi cõi Cực Lạc có được]. Hay nói cách khác, thập phương chúng sanh, ngay đến hàng Bồ Tát, mà muốn chắc chắn thành Phật thì [phải] nên cầu sanh về cõi Cực Lạc vậy [như các ngài Văn Thù, Phổ Hiền...]. Dĩ nhiên cũng có một bộ phận không ít các Ngài ấy tự niệm Phật mà thành Phật ở chính nơi quốc độ của các Ngài ấy chứ không phải không có, ví dụ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đức Di Lặc Bồ Tát [sẽ đương lai thành Phật nơi cõi Ta Bà này]. Cho nên Kinh mới nói là "chí ư thành Phật" [thậm chí thành Phật] là như vậy.
Đoạn trích lục bên trên là phần chú giải dành cho Nguyện "Phổ Đẳng tam muội", chúng ta cùng đọc để biết thêm kiến thức. Chúng ta tiếp tục công việc 'thường ngày', đó là gầy dựng và giữ gìn Tín Nguyện, sao cho đạt được đầy đủ chân thật như Kinh giáo nói [chí tâm tin ưa, bất sanh nghi hoặc].
Như các Ngài từng nói "Kinh đọc ngàn biến, nghĩa kia tự thấy", như vậy với Đại Nguyện tiếp dẫn này, chúng ta cứ đọc tới đọc lui suốt cả ngàn lần thì kiểu gì cũng sẽ tự 'thấy' được thôi, có đúng vậy không? Dạ thật sự là chưa chắc được! Với hàng phàm phu như chúng ta nhiều khi đọc cả đời đi nữa cũng chưa ăn thua. Lý do là vì sao? Đó là vì trong tâm chúng ta vốn đã chứa đầy những kiến giải này kia rồi, phải như một tờ giấy trắng hay như cái ly còn chưa có nước thì được, hy vọng "Kinh đọc ngàn biến, nghĩa kia tự thấy". Nhưng bây giờ mà bảo 'đổ ra hết đi' [làm lại từ đầu] thì cũng hơi khó, hơi phi thực tế [tức không khế cơ với phần đông]. Thôi thì cứ dùng chiến thuật 'mưa dầm thấm đất' vậy. Mỗi ngày một ít một ít, làm sao Tín tâm ngày một tăng trưởng, không bị giậm chân tại chỗ hay bị lui sụt là tốt rồi. Như thế là việc tu tập của chúng ta đang đi đúng hướng và có kết quả tích cực. Như thế thì cứ gìn giữ phát triển mãi đến cuối đời thì nếu chưa được "chí tâm tin ưa" thì cũng 'gần' được như thế, được vậy thì lúc cuối chỉ cần 'nhích nhẹ' [khai thị] thì sẽ "bất sanh nghi hoặc" ngay [và chắc chắn được Phật rước]. Nhưng tốt nhất là hãy gầy dựng [để đạt được điều này] càng sớm càng tốt, bởi chẳng biết vô thường lúc nào, mà Tín tâm là dạng khó nói, thà cho nó 'chạm tới hạn' luôn, khỏi 'lăn tăn', chứ kiểu lúc này lúc kia khó nói lắm [chẳng thể ước lượng được]. Muốn vậy thì nếu hãy còn những kiến giải tư tưởng theo kiểu Tự lực còn lởn vởn thì thôi, khó nói lắm. Lưu ý là ở đây đang nói đến 'tư tưởng. đường lối' nhé, chứ chẳng phải là ở việc thực hành [rằng không nên hay không cho phép làm các pháp tu tự lực để trợ hạnh trợ duyên này kia]. Không phải vậy, vấn đề là hãy 'đả thông tư tưởng' đi cái đã thì những công việc Phật sự này kia đó đích thực là những pháp tu trợ hạnh đúng nghĩa. Còn không thì một thời gian sau, tu càng lâu càng tràn lan ra hết, chẳng còn phân biệt đâu là Chánh đâu là Trợ nữa [chữ 'phân biệt' ở đây ý chỉ về Tín tâm]. Như thế thì thành đúng nghĩa 'tạp tu tạp hạnh' luôn rồi. Nguy hiểm lắm! Cho nên, nói Pháp môn này khó thì cũng cực khó mà dễ thì cũng cực dễ là vậy. Sự khác biệt này nó nằm trong tư tưởng [dụng tâm] của mỗi hành giả vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ