Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng (trích lục)
“Tịnh niệm”
Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được! Giấy trắng ngần lóa mắt, không viết được chữ nào. Niệm Phật tam-muội cũng chẳng dễ gì đạt được. Nếu chẳng tự lượng, rất có thể bị ma dựa. Phải biết: Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện. Có tín - nguyện, dẫu chưa đắc tam-muội, chưa đắc nhất tâm bất loạn, vẫn có thể vãng sanh. Hãy đừng chỉ lấy nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật tam-muội làm chí hướng, sự nghiệp, rồi chẳng dốc chí vào tín nguyện và tịnh niệm (nhiếp trọn sáu căn mà niệm là “tịnh niệm”. Lúc niệm Phật, thường nghe âm thanh niệm Phật của chính mình, tức là chỗ để thực hiện việc “nhiếp trọn sáu căn”. Hãy nên chú ý). Sợ rằng chí lớn, ăn nói lớn lối, sẽ chẳng được lợi ích thật sự vì chẳng chú trọng tín nguyện, chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, vẫn làm một chúng sanh khổ sở trong đời ác Ngũ Trược này!
Thư trả lời cư sĩ Hoàng Tụng Bình ở Tương Âm (trích lục)
“Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu giả”
Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo mà thôi, một mực chất phác, trọn chẳng chịu khen xuông người khác, cũng trọn chẳng mong người khác khen xuông chính mình. Trang thứ nhất trong bài văn của các hạ tôi chẳng muốn nghe đâu, bởi tôi không có thân phận ấy, hóa ra còn gì nhục nhã lớn hơn? Bệnh do thân sanh, thân do nghiệp sanh, hãy càng nên đau đáu sám hối để tiêu túc nghiệp. Lại phải tận lực kiêng chuyện ăn nằm để bệnh khỏi nặng thêm. Bất luận bệnh gì, nếu chẳng kiêng ăn nằm, chắc chắn khó thể lành bệnh! Khổng Tử đã nói: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu giả” (Cha mẹ chỉ lo lắng về cái tật ấy) là vì chuyện ăn nằm là căn bản của hết thảy bệnh vậy. Lúc thân thể đang bệnh tật, cớ gì phải tới Cư Sĩ Lâm để theo đại chúng niệm Phật? Chỉ nên ở nhà, lắng lòng tịnh niệm thì thật là tốt nhất!
Thư gởi cư sĩ Trương Tịnh Giang
(năm Dân Quốc 24 - 1935)
Nghe cư sĩ niệm Phật đã lâu, chẳng biết có chú ý nơi tín nguyện cầu sanh Tây Phương hay chăng? Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, bất luận Đại, Tiểu, Quyền, Thật, hết thảy pháp môn đều phải dùng Giới - Định - Huệ để đoạn tham - sân - si cho hết sạch không còn sót thì mới có thể liễu sanh thoát tử. Điều này khó như lên trời, chẳng phải là chuyện hàng phàm phu sát đất đầy dẫy triền phược như chúng ta mà hòng mong mỏi được. Nếu dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, cầu sanh Tây Phương thì bất luận công phu cạn hay sâu, công đức lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Điều này giống như ngồi chiếc tàu thủy to vượt biển, chỉ chịu lên tàu liền có thể đến được bờ kia, ấy là nhờ sức tàu chứ chẳng phải bản lãnh của chính mình. Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương cũng giống như thế, hoàn toàn là Phật lực, chứ không phải đạo lực của chính mình.
Bất luận người thượng, trung, hạ căn đều dùng được
Hễ đã sanh về Tây Phương thì sanh tử đã liễu, phiền não chẳng sanh, đã giống như người vận dụng công phu tại nơi ấy đã lâu, đã đoạn sạch phiền não liễu sanh tử. Vì thế, niệm Phật quyết định phải cầu sanh Tây Phương, chớ nên cầu phước báo trời người trong đời sau, chớ nên nương theo những kẻ rời lìa tín nguyện, chỉ dẫn người khác niệm Phật cầu khai ngộ. Niệm Phật cốt yếu là nhiếp trọn sáu căn. Trong lúc niệm Phật, nhiếp tai lắng nghe kỹ, đấy chính là biện pháp để nhiếp sáu căn. Có thể chí tâm lắng nghe kỹ thì công đức so với việc “chẳng lắng nghe, niệm tán loạn” khác biệt rất lớn. Pháp này bất luận người thượng, trung, hạ căn đều dùng được, đều được lợi ích, chỉ có lợi, không điều tệ. Hãy nên bảo hết thảy mọi người tu đều tu theo đây. Tôi vốn muốn nói cặn kẽ, nhưng do không có thời giờ, sợ trễ tràng chuyến trở về của ông, nên chỉ viết đại lược những nghĩa lý trọng yếu. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục, đọc rồi sẽ tự biết hết.
Ảnh: Sách Thọ Khang Bảo Giám - một trong những sách khuyến thiện đệ nhất [đọc, nói]
Thư đầu, đoạn: Phải biết: Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện. Có tín - nguyện, dẫu chưa đắc tam-muội, chưa đắc nhất tâm bất loạn, vẫn có thể vãng sanh. Hãy đừng chỉ lấy nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật tam-muội làm chí hướng, sự nghiệp...
Hành giả Tịnh Độ chúng ta đã được nghe, được đọc những điều này không biết bao nhiêu lần rồi, thế nhưng chẳng phải vì thế mà không phải cứ nhắc tới nhắc lui hoài chuyện này. Bởi đơn giản là càng nhắc tới càng cảm thấy 'phấn chấn' [tâm huyết], chứ chẳng phải càng nhắc tới là càng nhàm chán đâu nhé, bởi nếu nhắc hoài [mà sanh nhàm chán] là chứng tỏ [điều này] chưa khế hợp tâm tu đạo của mình, nên mới sanh tâm như vậy, tức giữa giáo lý và tâm đạo chưa tương ưng nhau, còn ít nhiều bị 'chỏi' nhau. Hay nói cách khác là tâm đạo mình đang hướng đến hay đang 'tìm cầu' một cái pháp nào đó mang nghĩa lý khác chăng? Bởi nếu thật sự tâm huyết thì dẫu học cả đời, nghe cả đời vẫn cảm thấy chưa đủ 'thấm', muốn nghe mãi nghe suốt vậy. Cho nên việc học đạo nó khác với việc học tập kiến thức này kia của thế gian. Việc học của thế gian thì chỉ mong đi tìm cầu cái mới, sau khi đã 'thuộc lòng' cái cũ, từng bước từng bước nâng cao hơn. Còn việc học đạo nhiều khi một câu nói, một lời Kinh mà học cả đời vẫn 'chưa thấm vào đâu cả'.
"Hãy đừng chỉ lấy nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật tam-muội làm chí hướng, sự nghiệp, rồi chẳng dốc chí vào tín nguyện và tịnh niệm". Cho nên nói phải công phu Nhất tâm bất loạn hay chí ít thành khối thành phiến mới đảm bảo vãng sanh, điều này thật sự không đúng. Bởi thật sự nếu vậy thì phàm phu chúng ta làm gì có cửa đây? Rồi lại phải trông cậy vào Pháp Hộ Niệm lúc cuối chăng? Một Đại Pháp cứu rỗi chúng sanh khắp pháp giới, được Mười Phương Chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài đồng thanh tán thán, xiển dương không ngưng nghỉ, mà lại đi chỉ phụ thuộc vào mười niệm cuối cùng lúc lâm chung thôi chăng? Dẫu cả đời tinh tấn, cật lực hành trì đi nữa, nhưng chỉ vì 'một ý niệm cuối cùng' từ vô thỉ kiếp nào đó 'trổi' lên một cái là coi như 'đi tong' chăng? Một Đại Pháp như thế mà lại chỉ phụ thuộc vào một niệm cuối cùng này chăng? Rồi một Đại Pháp như thế mà lại đi phụ thuộc vào nghiệp lực của chúng sanh chi phối [dẫn tới ý niệm cuối cùng này] chăng? Phật đã nói rõ trong Kinh rằng "Nghiệp lực chúng sanh là bất khả tư nghì" rồi cơ mà? Như vậy không lẽ Đại Pháp này là chẳng thể đoán định được gì cả chăng [do bị nghiệp lực bất khả tư nghì kia chi phối]? Như vậy vô hình chung là sự thành tựu của hành giả đương nhân là do nghiệp lực của họ quyết định, chứ chẳng phải do thực hành cái Pháp này quyết định chăng? Hay nói cách khác kiểu dân dã thế gian là Đại Pháp này có 'hên xui', gọi là 'phước chủ may thầy' chăng? Như thế thì Mười Phương Chư Phật tán thán là tán thán cái gì đây? Không lẽ đi tán thán những cái đó? Hay là cho rằng Đại Pháp này chỉ dành cho bậc Thượng [đạt công phu nhất tâm bất loạn], còn nhứng thứ hạng thấp hơn, phàm phu tục tử thì hoàn toàn 'hên xui', đợi đến khi lâm chung [xem ý niệm cuối cùng là gì] thì mới 'hạ hồi phân giải' được? Cánh cửa của con đường vào Tây Phương bị gọi là 'canh phòng' rất nghiêm ngặt như vậy chăng? Vậy thì Pháp môn "một đời thành Phật" này rốt cuộc là dành cho ai đây? Bởi dạng phàm phu không thành tựu được công phu thì cứ phải tu mãi chăng [để dần tăng bậc lên thượng căn thượng trí, để thành tựu được công phu]!
Chỗ: Nhiếp trọn sáu căn mà niệm là “tịnh niệm”. Lúc niệm Phật, thường nghe âm thanh niệm Phật của chính mình, tức là chỗ để thực hiện việc “nhiếp trọn sáu căn”
Thật ra trong lúc dụng công hành trì trong thời khóa, việc nhiếp tâm lắng nghe tiếng niệm Phật của mình đó chẳng phải là việc khó, mà là do tu luyện lâu dần thành thói quen thôi, cũng vậy, nếu niệm nhưng chẳng chịu nghe câu Phật hiệu mình phát ra thì lâu dần cũng thành thói quen [khó bỏ] được. Rồi đến khi chuyển qua nhiếp tâm lắng nghe thì lại thấy khó khăn. Tất cả ấy là từ thói quen mà ra cả, chẳng phải do căn cơ hay hoàn cảnh gì đâu. Ban đầu thấy khó thật, bởi sẽ sanh ra nhiều cái triệu chứng [khó chịu] này kia, nhưng cứ kiên trì, riết rồi thành thói quen, có muốn khác cũng chẳng được. Chuyện này thì 'nước uống nóng lạnh tự biết', không cần phải lạm bàn nhiều, kẻo thành 'kiêu mạn' [chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng] không khéo tự chuốt họa vào thân. Còn dạng tu theo lối Tự lực thì suốt ngày cứ thích lấy những cảnh giới này kia ra để luận bàn, nào là Nhất tâm bất loạn, thành khối thành phiến, không còn vọng tưởng tạp niệm, rồi niệm đến thấy Phật... Toàn lấy những thứ mà đa phần chẳng thể với tới [hoặc số lượng rất ít] để... 'làm khổ' nhau không? Chẳng biết để làm chi nữa? Thật sự nhiều khi không thể nào hiểu nổi luôn vậy!
Câu "Sợ rằng chí lớn, ăn nói lớn lối, sẽ chẳng được lợi ích thật sự vì chẳng chú trọng tín nguyện, chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật...". Tu hành chúng ta sợ nhất là dạng nào? Dạ vâng, chính là các vị ấy vậy [ăn nói lớn lối]. Vì sao vậy? Thật ra thì ngoài các vị giảng sư trên Pháp tòa đang thuyết pháp thì có lẽ cần mạnh mẽ, biện tài vô ngại, rằng 'thuyết pháp sư tử hống' để đánh thức, vực dậy tâm đạo chúng sanh. Chứ còn ngoài đời mà dạng 'ăn nói lớn lối' thì kiểu gì cũng phát sanh ngã mạn, kiểu chẳng chịu kém ai, chẳng chịu nhường nhịn ai, ta đây là 'nhất'! Thử hỏi kiểu như thế thì làm sao 'xem mọi người đều là Bồ Tát, chỉ riêng ta là phàm phu' cho được, hay có thể 'cạn lòng thành, tận lòng kính' với tất cả cho được đây? Cho nên dạng này ở ngoài thế gian thì có thể thành công ít nhiều [chức tước địa vị, mọi người kiêng dè] nhưng một khi bước chân vào đạo thì cần phải loại bỏ hẳn cái tính cách này, như thế mới mong tiến lên đường đạo được [các Ngài gọi là đả phá đi cái ngã của chính mình vậy].
Các thư khác chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ