Từ trước đến nay, những kẻ phung phí ngũ cốc phần nhiều mắc họa bị sét đánh. Bởi lẽ, đối với người dân, cái ăn to như trời! Khinh rẻ [ngũ cốc] chính là khinh nhờn trời; do vậy, quả báo ấy rất nặng. Thời cổ, thiên tử đích thân đi cày, thánh nhân coi trọng lúa gạo, đều là vì hết sức coi trọng các loại hạt lương thực nuôi sống người dân. Hiềm rằng người hiện thời quăng vứt, hoặc là [bỏ mặc ngũ cốc] vung vãi ở ruộng chẳng thâu nhặt, hoặc để cho mục nát trong kho chẳng chịu phát ra, hoặc vứt vào nước, lửa, hoặc quăng bỏ [mặc cho kẻ khác] giẫm đạp, hoặc ăn những thứ tinh túy, vứt bỏ những thứ thô kệch, hoặc do có [ngũ cốc] quá nhiều mà đến nỗi dư thừa, hoặc cơm canh đã nấu xong mà bỏ mứa, hoặc là lúa má chưa chín mà đã cắt hái trước, hoặc dùng lương thực để nuôi chim, hoặc dùng đậu và lúa mạch cho gia súc ăn, đều là những chuyện tàn hại vật thực của trời quá đáng! [Người nông dân] cày cuốc, gieo mạ đang giữa trưa, mồ hôi từng giọt thấm vào nhánh mạ cắm xuống ruộng, ai biết một mâm cơm, từng hạt đều nhọc nhằn? Thử nghĩ năm đói kém, mỗi hạt [ngũ cốc] quý như châu báu, sao lại nhẫn tâm coi rẻ, phung phí khi dư giả? Giả sử ai nấy đều yêu quý [các sản phẩm] nông tang như báu vật, ắt sẽ chẳng đến nỗi có năm mất mùa!
Đời Tống, Thượng Thư Phong Tắc thường nói: - Ta thuở bé đã đích thân gặp ngài Tuyết Đậu dùng chuyện tiếc phước để dạy người khác như sau: “Mỗi người chẳng có thọ hay yểu, hễ hết lộc thì chết”. Suốt đời này, ta tuân theo giáo huấn ấy, đối với mọi việc, đều chẳng chịu phung phí chút nào!
Đời Minh, Trương Nghĩa Phương có mấy trăm thửa ruộng. Hằng năm, thóc do tá điền nạp tô bị để mục nát trong kho, thường phải dọn dẹp bỏ đi, đến nỗi dùng mè đen để nuôi lợn, dùng đậu xanh cho trâu ăn. Nếu có người khuyên hắn hãy châu cấp, giúp đỡ kẻ nghèo nàn, túng thiếu, hắn chẳng nghe. Về sau, vào năm Chánh Đức thứ sáu (1511), đê Hoàng Hà bị vỡ, ruộng đồng bị cuốn trôi ra sông. Rốt cuộc, hắn đến nỗi bị chết đói!
Một bà lão đã từng nấu cơm cho một nhà quan, nấu nhiều món ăn. Hễ dư ra, bèn đổ xuống mương rãnh. Một hôm, [bà cụ] bị bệnh chết đi rồi sống lại, bảo: “Có hai chiếc thuyền chở những thức ăn đã bị vứt bỏ, hôi thối khôn sánh! Một người dùng roi sắt đánh tôi, bảo đó là những thứ tôi đã vứt bỏ khi còn sống, ép tôi ăn. Gượng ăn mấy miếng, bụng đã trướng lên, [chẳng biết] khi nào mới hết? Biết làm sao đây?” Nói xong, lại chết.
Một kẻ làm công gieo mạ cho người khác. Chủ ruộng dùng lúa mạch vụn nấu cơm cho ăn. Gã làm công giận chủ ruộng coi thường mình, đổ món ấy vào bãi phân trâu. Ngay lập tức, sét đánh chết hắn!
Cha của Hy Mẫn Công Trần Dật là người thiện lương, nhân hậu. Ông thấy trong tổ kiến nơi nhà xí có một miếng cơm, bèn nhặt lấy, rửa sạch rồi ăn. Đêm mộng thấy thần nói: “Ông chuộng điều thiện như vậy, sẽ có phước báo”. Chẳng lâu sau, ông sanh ra Trần Dật, [Trần Dật] làm quan tới Thượng Thư. [Triều đình] phong tặng ông tước quan giống như vậy.
“Chúng sanh” chỉ hết thảy dân chúng. Lòng người có ai mà chẳng mong an lạc. Nếu mong cầu nhà mình an lạc, mà nhẫn tâm khiến cho chúng sanh nhọc nhằn, phiền nhiễu; hoặc là nhà mình đã được an lạc, bèn chẳng cần biết chúng sanh đang bị nhọc nhằn, phiền nhiễu, sẽ đều là phường bất nhân quá mức!
Đời Châu, Nhan Uyên bảo Định Công rằng: - Đế Thuấn khéo cai trị dân, chẳng vắt kiệt sức dân. Do vậy, vua Thuấn chẳng khiến cho dân chúng làm loạn, Tạo Phụ chẳng khiến cho ngựa rối loạn. Ôi! Chim đến đường cùng sẽ mổ, thú đến đường cùng sẽ vồ chụp [người đuổi bắt nó], người đến đường cùng sẽ dối trá, ngựa đến đường cùng sẽ chạy cuồng. Từ xưa đến nay, chưa hề có loài nào lâm vào đường cùng mà chẳng trở thành nguy hiểm vậy!
___________________________________
Ngũ Cốc là năm loại hạt dùng để làm lương thực, có nhiều cách giải thích. Ba cách hiểu thông thường nhất là:
1. Ngũ cốc là mè, hạt kê, lúa gạo, lúa mạch và đậu.
2. Gạo, đậu đỏ, lúa mạch, đậu nành, hạt kê.
3. Đại mạch, lúa mì, gạo, đậu nành, hạt mè đen.
Thông thường, Ngũ Cốc được hiểu theo nghĩa rộng là các loại hạt dùng làm lương thực, không chỉ là năm loài.
Mùa gặt
Trích Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ