Tự nhiên vô vi, hư không vô lập. Đạm an vô dục, tác đắc thiện nguyện. Tận tâm cầu sách, hàm ai từ mẫn, lễ nghĩa đô hợp. Bao la biểu lý, quá độ giải thoát.
Tự nhiên vô vi, hư không chẳng lập. Ðạm bạc, an tịnh, vô dục tạo thành thiện nguyện. Tận tâm tìm tòi, gắng gỏi, xót thương từ mẫn, đều hợp lễ nghĩa. Sự lý viên dung, vượt khỏi sanh tử, giải thoát.
Giải:
Hai chữ “tự nhiên” xuyên suốt toàn đoạn kinh này, ấy là do “thích đắc kỳ Trung” (khế hội Trung Ðạo) nên tự nhiên như thế.
“Tự nhiên vô vi” là chẳng do tạo tác, tự nhiên an trụ trong pháp vô vi. Ðấy là vô vi chân thật. Nếu là do tạo tác thì đã trở thành hữu vi mất rồi. Chữ “hư không” ngụ ý tâm như hư không, rộng mở vô hạn, ly cấu vô nhiễm, chẳng nhận chứa mảy trần. “Vô lập” (chẳng lập) nghĩa là chẳng lập một pháp nào cả.
“Ðạm” (淡) là đạm bạc, “an” (安) là an tịnh. Chữ “đạm an” còn dùng để mô tả trạng thái nước tuôn chảy êm đềm, đầy tràn. Bài phú của Tống Ngọc trong bộ Văn Tuyển có câu: “Hội đạm an nhi tịnh nhập” (Nước tuôn tràn êm đềm cùng chảy). Sóng nước liên tục tựa như luôn tiếp nối nhau nên được dùng để ví cái tâm lìa khỏi Ðoạn lẫn Thường. Dòng nước êm đềm, tràn đầy ví như cái tâm bình đẳng, viên mãn.
Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương giảng chữ “dục” (欲) trong “vô dục” như sau: “Nhiễm ái trần cảnh gọi là Dục”. Sách còn bảo: “Muốn nhận lấy duyên thì gọi là Dục”. Câu Xá Luận lại bảo: “Dục là mong cầu làm ra sự nghiệp”.
Theo đó, những điều như “xả chư ái trước” (bỏ các chấp trước ái kiến) và “diệc vô hy cầu, bất hy cầu tưởng” (cũng chẳng có ý tưởng mong cầu hay chẳng mong cầu) được nói trong kinh này đều là “vô dục” cả.
Ba câu vừa giảng trên đều thể hiện ý “về mặt lý chân thật Thật Tế, chẳng nhận lấy mảy trần”; nhưng đối với muôn hạnh môn lại “chẳng bỏ một pháp nào” nên kinh mới dạy tiếp: “Tác đắc thiện nguyện, tận tâm cầu sách” (Tạo thành thiện nguyện, tận tâm tìm tòi, gắng gỏi), hiển thị rõ ràng diệu nghĩa sự lý vô ngại, viên dung tự tại.
Trong phẩm Ðức Tuân Phổ Hiền đã nói: Các đại Bồ Tát trong hội “nhập không, vô tướng, vô nguyện pháp môn”, nhưng các vị “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện” (đều cùng tuân tu đức hạnh của Phổ Hiền đại sĩ, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện). Ðiều ấy thật tương đồng với sự kiện các Bồ Tát lại do vô vi, vô nguyện, vô lập, vô dục mà “tác đắc thiện nguyện, tận tâm cầu sách” (tạo thành thiện nguyện, tận tâm tìm tòi, gắng gỏi) được nói ở đây.
Hơn nữa, trong phẩm Chí Tâm Tinh Tấn có câu: “Kết đắc đại nguyện, tinh cần cầu sách” (Kết thành đại nguyện, siêng gắng cầu tìm, thực hiện) Ta thấy rõ, thánh chúng cõi Cực Lạc đều tôn thờ học theo Phật Di Ðà, tu tập chuyên gắng, trụ Chân Thật Huệ để cầu thành tựu.
Tiếp đó, chữ “hàm ai” (含哀: xót thương) chỉ tâm đại bi. “Từ mẫn” (慈愍) là tâm đại từ. Do đại từ bi nên dẫu biết rõ thật sự không có chúng sanh để độ, nhưng hạnh nguyện độ sanh vẫn chẳng cùng tận. Bởi thế “tâm thường đế trụ độ thế chi đạo” (tâm thường trụ chắc nơi đạo độ thế), “dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi” (muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chân thật). Cái đại nguyện được kết thành ấy tự nhiên khế lý khế cơ, chiếu Chân, đạt Tục; do khế lý chiếu Chân nên đại nguyện ấy lấy Thật Tướng làm Thể, liễu nghĩa rốt ráo, lực dụng vô lượng. Do khế cơ và thấu hiểu thế gian nên khéo phù hợp cơ nghi.
“Lễ nghĩa đô hợp” (Đều hợp lễ nghĩa): Lễ nghĩa chính là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, tức là đạo đức thế gian. Hai chữ này chẳng những để chỉ đạo đức của xã hội đương thời hay thời cổ Ấn Ðộ mà còn chỉ chung tất cả các chuẩn mực, quy luật đạo đức của xã hội trong các thời đại mai sau. Ðại nguyện đã phát phải phù hợp với đạo đức xã hội thì mới được xã hội đương thời chấp nhận; có như vậy mới có thể hoằng dương giáo nghĩa, lợi khắp các chúng sanh được.
“Bao la biểu lý” (tạm dịch: Sự lý viên dung): “Bao” (包) là chứa đựng; ngài Gia Tường giảng: “La (羅) là thâu tóm”. Như vậy, “bao la” nghĩa là bao dung, hàm chứa. “Biểu” (表: bên ngoài) chỉ sự tướng; “lý” (裏: bên trong) chỉ lý thể. Do đó, “bao la biểu lý” chính là Sự lẫn Lý cùng viên mãn, Chân lẫn Tục cùng chiếu, trọn thâu các điểm nhiệm mầu, nhiếp khắp muôn loại, thượng trí hạ ngu đều được độ thoát. Thế gian, xuất thế gian đều dung thông vô ngại.
“Quá độ” (過度): Bản Ngô dịch ghi tựa đề kinh này là Quá Ðộ Nhân Ðạo Kinh; quá độ nghĩa là tự mình thoát khỏi sanh tử lại còn khiến cho người khác cũng thoát sanh tử.
“Giải thoát” (解脫) là cởi bỏ những trói buộc của Hoặc nghiệp, thoát khỏi cái khổ tam nghiệp. Sách Duy Thức Thuật Ký nói: “Giải là rời khỏi triền phược, Thoát là tự tại”.
Sách còn bảo: “Nói giải thoát đó thì Thể của nó là viên tịch. Các hữu tình do bị phiền não chướng ngại, trói trăn, nên luôn ở trong sanh tử. Chứng được viên tịch rồi thì xa lìa được những trói trăn đó nên gọi là giải thoát”.
Ý nói: Đại nguyện của thánh chúng là không những chỉ nhằm khiến cho tự thân thoát khỏi sanh tử mà còn làm cho hết thảy hữu tình cùng thoát khỏi sanh tử, vĩnh viễn được giải thoát nên mới bảo là “quá độ giải thoát”.
Ảnh: Tượng Ngài Triệt Ngộ Đại Sư (Ngài Mộng Đông) - Tổ thứ 12 Tịnh Độ Tông.
Một trong những điểm đặc sắc nhất của thánh chúng cõi ấy chính là cái tâm "Quá độ giải thoát". Thật vậy, rõ ràng như người xưa nói "Thầy nào trò nấy", nhân dân cõi ấy vốn là đệ tử Phật, là con Phật, nên luôn có cái tâm nguyện giống Phật, cứu độ chúng sanh, [giúp chúng sanh] cùng sanh về Cực Lạc, đồng kiến Di Đà, đồng ngộ vô sanh, đồng thành Phật đạo.
Nhờ cái tâm "Quá độ" này của các Ngài mà chúng ta được lợi ích biết bao nhiêu, từng thế hệ, từng thời kỳ các Ngài lần lượt xuất thế, độ sanh, cứu vớt quần manh đang chìm đắm trong đêm dài tăm tối, đang trầm luân trong bể khổ, trong đó dĩ nhiên có cả chúng ta hiện nay. Nếu không, thật sự là chúng ta chẳng biết nương tựa vào đâu [để mưu cầu giải thoát]. Lời Phật dạy, nếu không nhờ các Ngài xiển dương, truyền bá, liễu giải, dạy giỗ, thì chúng sanh mê mờ đây biết làm sao tiếp cận cho được, rồi tín nhận, hành trì để đạt lợi ích chân thật.
Lòng từ bi ai mẫn, tâm nguyện độ sanh của các Ngài sâu xa, khẩn thiết đến cùng cực, gọi là "chẳng cùng tận". Thế nhưng chúng sanh lại thường hững hờ như 'nước trôi qua cầu' vậy. Vì sao vậy? Thứ nhất là do thiếu nhân duyên để bắt gặp Chánh pháp [cái gì cũng có Nhân Quả của nó], thứ hai là tâm lực trí lực phàm phu chưa đủ nhận biết [dù đã được gặp lại chẳng trân quý], thứ nữa là chẳng được thầy lành bạn tốt dìu dắt, thiện tri thức kề cận, toàn đụng phải thành phần ngoại đạo, tà ma, đâm ra thối thất, lầm lạc. Một lý do nữa phải thừa nhận là căn cơ bất đồng, thiện căn kém khuyết [lại kém gặp nhân duyên lành dạy giỗ] thành ra trễ tràng việc tu đạo liễu thoát đời này.
Thời buổi kim tiền này, mấy ai "Thật vì sanh tử" mà "Phát Bồ Đề tâm", tức là tâm cầu giải thoát, Tín - Nguyện niệm Phật cầu sanh Cực Lạc [tâm Vô thượng Bồ Đề]. Thôi kệ, 'dù ai đi ngược về xuôi', chúng ta vẫn quyết giữ vững đạo tâm là được, cố gắng nổ lực, được về cõi ấy rồi thì hành trì tu tập, rồi lại "quá độ chúng sanh", triển chuyển không nghỉ. Tự độ, độ tha. "Cần tu kiên trì", ấy là lời Phật dạy. Kiên trì tới cùng ắt có thành tựu.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 32. Thọ Lạc Vô Cực
Ngài Hoàng Niệm Tổ