Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, sở tu ẩm thực, y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện. Thập phương chư Phật, ứng niệm thọ kỳ cúng dường. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, người sanh trong nước tôi, tất cả thức ăn, y phục, các thứ vật cúng, nghĩ tới liền có, không điều gì chẳng được mãn nguyện. Mười phương chư Phật ứng niệm nhận lấy sự cúng dường của người ấy. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi bảy: Quần áo, thức ăn tự đến; nguyện ba mươi tám: Ứng niệm thọ cúng)
Ðoạn này nói về nguyện ba mươi bảy: “Quần áo, thức ăn tự đến”. Chữ “ẩm thực, y phục” (thức ăn, y phục) trích trong bản Tống dịch, “chủng chủng cúng cụ” (các thứ vật cúng) trích từ bản Ðường dịch. Nguyện hai mươi ba trong bản Hán dịch được ghi như sau: “Ngã quốc chư Bồ Tát dục phạn thời, tắc thất bảo bát trung, sanh tự nhiên bách vị phạn thực tại tiền. Thực dĩ, bát giai tự nhiên khứ” (Các vị Bồ Tát trong nước ta lúc muốn ăn thì cơm trăm vị tự nhiên hóa sanh trong bát bằng bảy báu hiện ra trước mặt. Ăn xong, bát tự nhiên biến mất - Nguyện thứ hai mươi bốn trong bản Ngô dịch chép giống vậy). Nguyện thứ ba mươi tám trong bản Ngụy dịch lại chép như sau: “Quốc trung thiên nhân, dục đắc y phục, tùy niệm tức chí, như Phật sở tán ứng pháp diệu phục, tự nhiên tại thân. Hữu cầu tài, phùng, đảo, nhiễm, hoán trạc giả, bất thủ Chánh Giác” (Trời, người trong nước muốn được y phục, hễ nghĩ đến liền có, tự nhiên trên thân khoác áo đẹp đẽ đúng pháp như Phật khen ngợi. Nếu còn phải cắt, may, đập, nhuộm, giặt giũ thì chẳng lấy Chánh Giác). Bản hội tập này chọn lấy những nghĩa trọng yếu của năm bản dịch để tổng hợp thành nguyện này, đặt tên là nguyện “quần áo, thức ăn tự đến”.
Sách Hội Sớ chú giải lời nguyện của bản Ngụy dịch như sau: “Vì sao Phật lại phát ra lời nguyện này? Vì Ngài thấy trong các cõi, con người khổ sở muôn bề vì cái ăn cái mặc, bốn mùa chẳng được yên ổn, cả một đời nhọc nhằn tham cầu. Huống hồ cấy cây lúa xuống là vùi chết mấy ngàn sanh mạng, trong vạc đun vô lượng kén tằm, cứ thế mà chìm đắm mãi không biết đâu là bến bờ, chịu khổ vô cùng. Vì vậy, Phật nguyện rằng thánh chúng trong cõi Ngài cơm, áo, nhà cửa tùy ý hiện ra trước mặt. Áo mặc, cơm ăn đều là pháp để trợ đạo”.
“Chủng chủng cúng cụ” (Các thứ vật cúng) là hoa hương, tràng phan, lọng báu, chuỗi ngọc, đồ trải để nằm (ngọa cụ), thiên nhạc v.v… hết thảy vô lượng vô biên các thứ vật dùng để cúng dường thù thắng như vậy đều tùy ý hiện đến nhằm thỏa nguyện cúng dường như bản Ngô dịch chép: “Dục đắc tự nhiên vạn chủng chi vật, tức giai tại tiền, trì dụng cúng dường chư Phật” (Muốn được tự nhiên có muôn vật thì chúng đều hiện ra trước mặt để cầm đem cúng dường chư Phật) hoặc như bản Tống dịch chép: “Ngã dĩ thần lực linh thử cúng cụ tự chí tha phương chư Phật diện tiền, nhất nhất cúng dường” (Ta dùng thần lực khiến các vật cúng này tự nhiên đến trước chư Phật ở phương khác, cúng dường mỗi đức Phật). Vì vậy, hội bản ghi là: “Tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện” (Nghĩ tới liền có, không gì chẳng được mãn nguyện).
Tiếp đó là nguyện ba mươi tám: “Ứng niệm thọ cúng”. Bản Tống dịch ghi nguyện này như sau: “Sở hữu Bồ Tát phát đại đạo tâm, dục dĩ chân châu, anh lạc, bảo cái, tràng phan, y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thang dược, hương, hoa, kỹ nhạc, thừa sự cúng dường tha phương thế giới, vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn nhi bất năng vãng. Ngã ư nhĩ thời, linh bỉ tha phương chư Phật Thế Tôn các thư thủ tý, chí ngã sát trung, thọ thị cúng dường, linh bỉ tốc đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Tất cả Bồ Tát phát đại đạo tâm muốn dùng chân châu, anh lạc, lọng báu, tràng phan, y phục, đồ trải nằm, thức ăn, thuốc men, hương hoa, âm nhạc để thừa sự, cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn trong thế giới phương khác mà chẳng qua được chỗ các Ngài thì ta ngay trong khi ấy khiến cho các đức Phật Thế Tôn đó đều duỗi cánh tay đến tận cõi ta, nhận lấy sự cúng dường ấy, khiến cho các Bồ Tát ấy mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Lời nguyện trong bản Tống dịch thật đã hiển thị sâu xa thần lực của Phật. Còn như bản Ngụy dịch ghi: “Nhất phát niệm khoảnh, cúng dường vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn, nhi bất thất định ý” (Trong khoảng khởi lên một niệm, cúng dường vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn chư Phật Thế Tôn mà chẳng mất định ý) là nói về tự lực. Như vậy, nhân dân cõi Cực Lạc hoặc do Phật lực gia bị hoặc do tự lực viên mãn đều có thể tùy lòng nghĩ tưởng cúng dường khắp các đức Phật.
Câu kinh: “Thập phương chư Phật, ứng niệm thọ kỳ cúng dường” (Thập phương chư Phật ứng niệm nhận lấy sự cúng dường của người ấy) đã hiển thị sâu xa ý nghĩa Phật và chúng sanh bất nhị, cảm ứng đạo giao: Ý niệm cúng Phật vừa khởi lên, chư Phật đã nhận lấy rồi. Ðốn tu, đốn chứng, nhân quả đồng thời.
Ảnh: Cuộc sống đời thường
Cõi kia thì “Ngã quốc chư Bồ Tát dục phạn thời, tắc thất bảo bát trung, sanh tự nhiên bách vị phạn thực tại tiền. Thực dĩ, bát giai tự nhiên khứ”, cõi này thì 'cày bừa', bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hoặc rong ruổi trên từng cây số...
Cõi kia thì “Dục đắc tự nhiên vạn chủng chi vật, tức giai tại tiền, trì dụng cúng dường chư Phật”, còn cõi này thì chẳng có gì, có muốn cũng chẳng được.
Nói chung, việc tu hành ở đây chẳng hề đơn giản chút nào, thế nên Phật khuyên chúng ta hãy mau về cõi ấy, muốn gì có nấy, muốn ăn có ăn muốn mặc có mặc, lại trong một niệm có thể tạo vô lượng vô biên công đức. “Ứng niệm thọ cúng”.
Chúng ta muốn về cõi ấy, hàng ngày tu tập, hành trì, làm các công đức..., hồi hướng nguyện sanh, còn một cửa ải nữa, đó là phút lâm chung xả bỏ báo thân này. Chúng ta có sợ không quý vị? Chúng ta có e ngại, có lo lắng gì chăng? hay có phải chuẩn bị, sắp đặt gì không? Câu trả lời rõ ràng rành mạch là: Không, chẳng cần gì cả. Chúng ta Tin Bổn Nguyện, nương vào Bổn Nguyện, Phật sắp xếp, hộ niệm cho chúng ta, đó mới là chắc chắn, mới viên mãn. Sức người, trí người [cho dù số đông, đại chúng, thánh nhân có mặt chăng nữa...] mà đi so lường với sức Phật, trí Phật ư?! Nếu chúng ta chẳng tin tưởng, thì thôi, Phật đành 'buông' vậy [vì chúng ta đâu cần], để chúng ta tự liệu lấy, như thế thì 'mệt mỏi' rồi, trở thành một 'vấn đề' thực sự rồi. Vì sao? Lâm chung là lúc oán gia, nghiệp chướng từ [ rất nhiều] tiền kiếp và đời này đến đòi nợ, tính sổ với chúng ta, chúng ta phải đương đầu với tất cả, để còn giữ được chánh niệm [tín nguyện niệm Phật] cầu Phật đến rước, rõ ràng đó sẽ là một thử thách thực sự, một 'cửa ải lâm chung' đúng nghĩa vậy. [Dạng người này rất cần Hộ Niệm, trợ duyên, và chiếm tỉ lệ lớn]. Thế thì, vậy còn đối với những người đã gầy dựng Tín Nguyện kiên cố [bình thời], niệm Phật cả đời [từ lúc phát tâm], thì sao? Khi thọ mạng đến, hay sắp đến [lâu mau, già trè không cần biết], lập tức cảm với Bổn Nguyện của Phật, Phật sẽ tùy nghiệp duyên mỗi người mà sắp đặt, gia trì, nhanh thì từ một niệm đến mười niệm, chánh niệm phân minh rõ ràng, Phật rước về [thậm chí bình thời đã dày sức công phu lâm chung chẳng niệm được cũng không vấn đề gì], còn lâu thì Phật sắp đặt đàng hoàng [ban hộ niệm, người trợ duyên, báo trước ngày giờ...] nói chung có hay không thì tùy phước duyên, quan trọng là chắc chắn Phật rước về [vì Ngài đã hứa như thế], vãng sanh rất thù thắng, rất viên mãn, rồi hậu sự nữa, tất tần tật hết... Vì thế, Pháp Nhiên Thượng Nhân Ngài có nói rằng: "Lâm chung dễ như cắt sợi dây tơ, người ngoài không hay biết, chỉ có Phật biết, người niệm Phật, [tin tưởng] biết".
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ