Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, quang minh vô lượng, phổ chiếu thập phương, tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên vạn ức bội. Nhược hữu chúng sanh, kiến ngã quang minh, chiếu xúc kỳ thân, mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện, lai sanh ngã quốc. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, quang minh vô lượng chiếu khắp mười phương vượt hẳn chư Phật, hơn hẳn quang minh của mặt trời, mặt trăng ngàn vạn ức lần. Nếu có chúng sanh thấy quang minh của tôi chiếu chạm vào thân, không ai là chẳng an vui, từ tâm làm lành, sanh về cõi tôi. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện mười ba: Quang minh vô lượng; nguyện mười bốn: Quang minh soi đến được an vui)
Giải:
Chương này gồm hai nguyện: Từ câu “thiên vạn ức bội” (ngàn vạn ức lần) trở lên là nguyện thứ mười ba: “Quang minh vô lượng”; từ chữ “nhược hữu chúng sanh” (nếu có chúng sanh) trở đi là nguyện thứ mười bốn: “Quang minh soi đến được an lạc”.
Ngài Tịnh Ảnh bảo nguyện thứ mười ba này và nguyện thứ mười lăm “thọ mạng vô lượng” là những nguyện “nhiếp Pháp Thân”, vì các nguyện này nhằm để thành tựu Pháp Thân.
Sách Bình Giải cho rằng hai nguyện ấy thể hiện cái đức của chân Báo Thân, còn cho rằng cả hai nguyện “quang minh và thọ mạng vô lượng” là “cái gốc đại bi của phương tiện Pháp Thân”.
Thọ vô lượng là theo chiều dọc cùng tột cả ba đời, do Phật thân thường trụ nên chúng sanh có chỗ để nương tựa. Quang minh vô lượng là theo chiều ngang trọn khắp cả mười phương, đức dụng trọn khắp, nhiếp hóa vô tận. Vì vậy, quang minh và thọ lượng là cái gốc của phương tiện đại bi, là thật đức của Báo Thân. Như vậy, thệ nguyện quang minh và thọ mạng vô lượng của Phật Di Ðà thật ra chỉ là để khiến cho hết thảy chúng sanh đều có quang minh và thọ mạng vô lượng.
Về mặt độ sanh, sách Bình Giải lại bảo: “Xét về mặt độ sanh thì nguyện nào cũng vì chúng sanh, nên nói: Bốn mươi tám nguyện nhiếp thọ chúng sanh”. Lại bảo: “Mỗi một thệ nguyện đều vì chúng sanh vậy”. Bốn mươi tám nguyện như vậy dung chứa lẫn nhau chẳng thể nghĩ bàn.
Ý nghĩa của lời nguyện trên như sau: Lúc Pháp Tạng tôi thành Phật, nguyện cho quang minh của tôi vô lượng vô biên, “phổ chiếu thập phương” (chiếu khắp mười phương) hết thảy các cõi nước dù uế hay tịnh.
Ngài Vọng Tây giảng:
“Theo chiều ngang, do mười phương hư không vô biên nên quốc độ cũng vô biên. Do quốc độ vô biên nên chúng sanh cũng vô biên. Do chúng sanh vô biên nên đại bi cũng vô biên. Do đại bi vô biên nên quang minh cũng vô biên. Do quang minh vô biên nên nhiếp thủ, tạo lợi ích cũng vô biên. Nói tóm lại, vì muốn làm lợi ích vô biên nên quang minh vô biên”. Theo ý ngài Vọng Tây, ta có thể hiểu đoạn kinh này như sau: Do muốn làm lợi ích vô biên nên quang minh vô biên, đầy đủ các đức vô cùng tận vậy.
“Tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên vạn ức bội” (Vượt trỗi chư Phật, hơn hẳn quang minh của mặt trời, mặt trăng ngàn vạn ức lần): Phẩm Quang Minh Biến Chiếu (quang minh chiếu khắp) trong kinh này có chép: “Chư Phật quang minh sở chiếu viễn cận, bổn kỳ tiền thế cầu đạo, sở nguyện công đức đại tiểu bất đồng. Chí tác Phật thời, các tự đắc chi, tự tại sở tác, bất vi dự kế. A Di Đà Phật quang minh thiện hảo, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên ức vạn bội” (Quang minh của chư Phật chiếu xa hay gần là do đời trước khi cầu đạo nguyện được công đức lớn hay nhỏ sai khác. Lúc thành Phật, mỗi vị tự cảm được [quang minh] để biến hiện tự tại, chẳng tính toán trước. A Di Ðà Phật quang minh tốt lành, trỗi hơn quang minh của mặt trời, mặt trăng ngàn vạn ức lần). Như vậy, A Di Ðà Phật quang minh vượt xa chư Phật là do nguyện lực đời trước siêu tuyệt nên ngày nay tự nhiên được như vậy. Vì thế, trong kinh còn dạy: “A Di Đà Phật oai thần quang minh tối tôn đệ nhất. Thập phương chư Phật sở bất năng cập” (A Di Ðà Phật oai thần quang minh cao quý bậc nhất, mười phương Như Lai chẳng thể bằng được nổi).
Kinh Ðại Pháp Cự Ðà Ra Ni nói chư Phật có hai thứ quang minh: Thường Quang và Phóng Quang. Thường quang thì viên minh vô ngại, không lúc nào chẳng chiếu. Phóng quang là dùng ánh sáng để cảnh tỉnh người khác, tùy lúc mà chiếu hoặc tỏa ra, hoặc thâu vào, tùy nghi tự tại. Quang minh nói trong lời nguyện đây là Thường Quang.
Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ dạy: “Bỉ Như Lai hằng phóng vô lượng vô biên diệu quang, biến chiếu nhất thiết thập phương Phật độ, thị tác Phật sự” (Ðức Như Lai ấy luôn phóng ra vô lượng vô biên quang minh mầu nhiệm, chiếu khắp hết thảy mười phương cõi Phật thực hiện Phật sự). Ðây là chứng cớ để nói quang minh được đề cập trong nguyện này là Thường Quang.
Nguyện thứ mười bốn thuật rõ quang minh của Phật đầy đủ diệu đức lợi ích chúng sanh. “Kiến ngã quang minh, chiếu xúc kỳ thân” (Thấy quang minh của tôi chiếu chạm đến thân): Hễ ai thấy được quang minh của Phật và được quang minh của Phật chiếu vào thân thì “mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện, lai sanh ngã quốc” (không ai chẳng được an vui, từ tâm làm lành, sanh về cõi tôi).
Phẩm Quang Minh Biến Chiếu trong kinh này có chép: “Ngộ tư quang giả, cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn. Nhược tại tam đồ cực khổ chi xứ, kiến thử quang minh, giai đắc hưu tức. Mạng chung giai đắc giải thoát” (Gặp được ánh sáng này, phiền não diệt, điều lành sanh trưởng, thân ý nhu nhuyễn. Nếu đang ở trong chốn tam đồ cực khổ mà được thấy quang minh này thì [mọi sự khổ] đều được ngưng nghỉ, chết đi đều được giải thoát). Ðấy chính là ý nghĩa của câu “mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện” (không ai chẳng an vui, từ tâm làm lành).
Sách Lễ Tán cũng viết: “Di Ðà Thế Tôn vốn phát thệ nguyện sâu nặng, dùng quang minh, danh hiệu nhiếp hóa mười phương”. Lại như Quán Kinh nói: “Quang minh biến chiếu thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả” (Quang minh chiếu khắp chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới, nhiếp thủ chẳng bỏ).
Nói “quang minh nhiếp thủ” chính là nói về nguyện này. Gặp được ánh sáng ấy đều được vãng sanh nên bảo: “Lai sanh ngã quốc” (Sanh về cõi tôi). Câu này hiển thị quang minh có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.
Do những điều trên, ta thấy rằng tuy quang minh là đức tướng nơi thân Phật, nhưng quang minh ấy thật ra là để lợi lạc chúng sanh. Vì vậy, người xưa bảo: “Bốn mươi tám nguyện đều hiển thị Pháp Thân”, lại còn bảo: “Mỗi một thệ nguyện đều vì chúng sanh”.
Ảnh minh họa: "Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào? Đức Phật đó vì sao hiệu là A Di Đà?
Này Xá Lợi Phất! Đức Phật đó có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cõi nước mười phương, không bị chướng ngại, thế nên hiệu là A Di Đà."
(Kinh A Di Đà bằng tranh - nguồn: phatgiaobinhchanh.com)
Đoạn Kinh văn này gồm hai Nguyện là “Quang minh vô lượng” và “Quang minh soi đến được an lạc”. Đây là hai Nguyện riêng biệt nhau, mang hai ý nghĩa riêng. Chúng ta cũng thấy rõ điều này về mặt văn tự ở phần Kinh văn bên trên. Tuy nhiên, chúng có mối quan hệ khăng khít và cùng nói về chủ đề "quang minh" của Phật nên được xếp gần nhau.
Trong Nguyện đầu, “Quang minh vô lượng”, các chú giải của các Ngài đã quá rõ ràng, chúng ta không cần luận bàn thêm nữa, chỉ lặp lại cho chúng ta cùng đọc lại phần nào ý nghĩa lời Nguyện này trong đoạn chú giải này:
"Thọ vô lượng là theo chiều dọc cùng tột cả ba đời, do Phật thân thường trụ nên chúng sanh có chỗ để nương tựa. Quang minh vô lượng là theo chiều ngang trọn khắp cả mười phương, đức dụng trọn khắp, nhiếp hóa vô tận. Vì vậy, quang minh và thọ lượng là cái gốc của phương tiện đại bi, là thật đức của Báo Thân. Như vậy, thệ nguyện quang minh và thọ mạng vô lượng của Phật Di Ðà thật ra chỉ là để khiến cho hết thảy chúng sanh đều có quang minh và thọ mạng vô lượng."
Ở lời Nguyện sau, “Quang minh soi đến được an lạc”, đây mới là chỗ chúng ta cần luận bàn một chút. Rằng, quang minh của Đức Phật A Di Đà soi chiếu khắp mười phương, tức là sao? Không có nơi nào, không có chúng sanh nào, không có vật dụng nào mà chẳng được quang minh của Ngài soi chiếu tới. Thế nhưng có điều lạ là, không phải chúng sanh nào cũng có khả năng thấy được quang minh thù thắng này. Chữ "thấy" ở đây là theo đúng nghĩa đen, nhìn thấy được. Nguyên nhân vì sao lại như vậy? Chúng sanh nhìn thấy và chẳng nhìn thấy khác biệt một trời một vực! Bởi kẻ nhìn thấy ["quang minh chiếu chạm vào thân"] thì "không ai là chẳng an vui, từ tâm làm lành, sanh về cõi tôi", tức chắc chắn được vãng sanh trong đời này. Vậy phải chi chúng sanh nào cũng nhìn thấy được [quang minh Phật đang soi chiếu thân mình] thì tất cả cùng được sanh về Cực Lạc hết cả rồi, đâu còn ngụp lặn trong sanh tử khổ đau nữa đâu. Vấn đề này nó nằm ở chỗ chúng sanh chứ không phải Đức Phật. Phật phóng quang minh chiếu khắp, nhưng chúng sanh có nhìn thấy được hay không là tùy theo cái tâm của chúng sanh như thế nào? Giống như những chiếc gương soi vậy, mặc dù chất liệu [thể] là giống hệt như nhau nhưng mức độ 'dơ sạch' lại khác biệt, cái phủ lớp bụi ít cái phủ bụi nhiều, lớp bụi này [nghiệp] dày mỏng khác nhau. Cái nào lớp bụi mỏng ít hay sạch bóng không còn bụi thì sẽ nhìn thấy được ánh sáng chiếu tới thôi, còn cái nào phủ bụi quá dày thì thôi chịu thua, mặc dù là cùng được chiếu tới như nhau cả. Ở đây cần nói rõ, quang minh này có một tính năng đặc biệt, mà Đức Phật ngài đã dày công tạo thành cho chúng sanh, đó là chúng sanh nào thấy được quang minh này thì chắc chắn được sanh về [trong đời]. Rõ ràng quang minh này có một oai đức chẳng thể nghĩ bàn gì trong đó [mà chỉ Phật cùng Phật mới biết được]. Nói thế nhưng chúng ta tu tập đừng có tâm mong cầu thấy được quang minh này [để kiểu gì cũng được Phật rước], kẻo thành vọng tâm chiêu cảm ma chướng giả dạng [làm ánh sáng ấy] thì...mệt mỏi đấy. Chúng ta tu học cứ chân thật hành trì, đừng có tâm mong cầu [thấy được cảnh giới này kia], nếu vị nào thấy được thì tốt [nhưng cũng không được nói ra], kẻ chẳng thấy gì cũng không sao cả. Bởi chuyện vãng sanh được quyết định bởi nhiều thứ chứ chẳng phải chỉ là thấy hay không thấy quang minh của Phật soi chiếu. Đây chỉ là cái quả của cả quá trình tu học, chứ chẳng phải cứ mong cầu là được.
Tiếp tục luận bàn sâu hơn chút nữa, nếu nói thế thì những chúng sanh chẳng thấy được quang minh ấy thì sao, không lẽ chẳng được Phật tiếp dẫn à? Đây mới là chỗ chúng ta đây thực sự quan tâm, bới phàm phu chúng ta đây có mấy ai đã thấy được quang minh Phật đâu. Thật ra, đoạn Kinh văn này đang nói về Quang minh của Phật, nên chỉ đề cập đến những nội dung xoay quanh chủ đề này thôi, không đề cập những cái khác.
Chúng ta cùng xem đoạn chú giải: Sách Lễ Tán cũng viết: “Di Ðà Thế Tôn vốn phát thệ nguyện sâu nặng, dùng quang minh, danh hiệu nhiếp hóa mười phương”. Lại như Quán Kinh nói: “Quang minh biến chiếu thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả” (Quang minh chiếu khắp chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới, nhiếp thủ chẳng bỏ).
Rõ ràng, chúng sanh niệm Phật, bất luận là có thấy được quang minh Phật chiếu hay không, nhưng đều được [quang minh biến chiếu của Phật] "nhiếp thủ bất xả" [nhiếp thủ chẳng bỏ], tức là thu nhiếp và giữ gìn chẳng bỏ chúng sanh niệm Phật. Nói đến đây chúng ta thấy được một công dụng thù thắng khác của quang minh Phật [không phải ý nghĩa Nguyện kia], đó là "nhiếp thủ bất xả" chúng sanh niệm Phật. Cho nên sách Lễ Tán của Ngài Thiện Đạo nói "“Di Ðà Thế Tôn vốn phát thệ nguyện sâu nặng, dùng quang minh, danh hiệu nhiếp hóa mười phương”. Ở đây chúng ta thấy quang minh và danh hiệu Phật đã được Phật A Di Đà sử dụng như thế nào để cứu độ chúng sanh rồi đấy. Chúng sanh niệm danh hiệu Ngài, lập tức quang minh biến chiếu của Ngài nhiếp thủ chẳng rời chúng sanh ấy. Hay nói theo cách thế gian, là Đức Phật đã 'lưu vào sổ' cho vị ấy vậy, chỉ cần vị ấy đừng nghi hoặc [mà tạo thành chướng ngại ngăn cách Phật và chúng sanh] và có tâm muốn về thì khi mãn phần sẽ được Phật tiếp dẫn về ngay, chẳng bỏ sót một trường hợp nào cả. Chúng ta để ý chỗ "thu nhiếp chẳng rời", ý nói đã có niệm Phật thì chắc chắn được thu nhiếp không rời, chứ không phải khi nào chúng sanh niệm Phật thì được thâu nhiếp, khi nào ngưng niệm Phật thì hết được thâu nhiếp, hoàn toàn không phải vậy đâu nhé, bởi nếu thế thì sao gọi là "thâu nhiếp chẳng rời" cho được! Cho nên chúng ta thấy lời Kinh, lời Chư Tổ dạy muốn hiểu một cách đúng đắn trọn vẹn chẳng phải chuyện đơn giản.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc và học tập.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ