Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh. Nhược bất quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi xa rời phân biệt, các căn tịch tĩnh. Nếu họ chẳng quyết định thành Ðẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn, thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện mười hai: Quyết định thành Chánh Giác)
Giải:
Ðây là nguyện thứ mười hai: “Chắc chắn thành Chánh Giác”. Vãng sanh là quyết định thành Phật; điều này thể hiện thật rõ tâm nguyện Phật Di Ðà: Chỉ dùng một Phật Thừa để đưa trọn vô biên chúng sanh vào Niết Bàn rốt ráo.
Câu “viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh” (xa rời phân biệt, các căn tịch tĩnh) trích từ bản Tống dịch. Câu “nhược bất quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn giả, bất thủ Chánh Giác” (nếu chẳng quyết định thành Ðẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn, thì chẳng lấy Chánh Giác) trích từ bản Ðường dịch. Bản Ngụy dịch ghi là: “Bất trụ Định Tụ, tất diệt độ giả, bất thủ Chánh Giác” (Chẳng trụ Định Tụ, đều diệt độ thì chẳng lấy Chánh Giác).
Khi đại sư Thiện Ðạo chú giải bản Ngụy dịch, lắm chỗ Ngài dẫn bản Ðường dịch để làm rõ thêm ý nghĩa. Ðại sư đặt cho nguyện này bốn cái tên: Một là nguyện “ắt đạt diệt độ”, hai là nguyện “chứng đại Niết Bàn”, ba là nguyện “vô thượng Niết Bàn”, bốn là nguyện “trụ tướng chứng quả”.
Sách Bình Giải ca tụng: “Cao tổ (chỉ ngài Thiện Ðạo) đặt tên các nguyện đã hiển lộ tột cùng ý nghĩa lời nguyện vậy”. Nay hội bản không những đã trích lấy câu kinh từ bản Ðường dịch, lại còn đặt tên nguyện này là nguyện “quyết thành Chánh Giác” thì thật là rất phù hợp ý chỉ đại sư Thiện Ðạo vậy.
Trong bốn mươi tám nguyện, đại sư Thiện Ðạo gọi năm nguyện “quyết thành Chánh Giác”, “quang minh vô lượng”, “thọ mạng vô lượng”, “chư Phật khen ngợi” và “mười niệm ắt được vãng sanh” là chân thật nguyện. Ngài coi chúng là tâm yếu của cả bốn mươi tám nguyện. Như vậy, nguyện này là tâm tủy của Di Ðà hoằng thệ.
Bổn hoài của đức Phật chỉ là cốt sao khiến cho hết thảy chúng sanh quyết định thành Phật. Ðể thực hiện lời nguyện này, Ngài lại có đại nguyện thù thắng “mười niệm ắt vãng sanh”, chúng sanh chỉ việc nương theo con đường tắt cực viên, cực đốn, giản dị bậc nhất, niệm Phật vãng sanh, sẽ quyết định thành Phật.
Chữ “phân biệt” dùng trong lời nguyện nghĩa là suy nghĩ, hiểu biết được Sự và Lý thì gọi là phân biệt. Do lấy phân biệt hư vọng làm Thể Tánh, nên đối với pháp vô phân biệt lại lầm lạc sanh lòng phân biệt là Ngã hay là Pháp. Bởi vậy, phân biệt hư vọng gọi là phân biệt Hoặc.
“Tịch tĩnh”: Lìa phiền não là Tịch (寂), dứt khổ sở là Tĩnh (静); tức là lý Niết Bàn. Sách Tư Trì Ký giảng: “Tịch tĩnh là lý Niết Bàn”. Quyển thượng sách Vãng Sanh Yếu Tập cũng bảo: “Hết thảy các pháp vốn tịch tĩnh, chẳng có, chẳng không”. “Chư căn” là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn này đồng quy về tịch tĩnh như kinh Hoa Nghiêm dạy: “Quán tịch tĩnh pháp, ly chư si ám” (Quán pháp tịch tĩnh, lìa các si ám), chẳng sanh phân biệt, tự nhiên xa lìa si ám, nên các căn tịch tĩnh.
Bởi vậy, kinh dạy tiếp: “Quyết định thành Ðẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn”. “Ðẳng Chánh Giác” là “Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác” nói tắt. “Ðại Niết Bàn” cũng là tên khác của Phật Quả, dịch nghĩa là Nhập Diệt, nói đầy đủ là “bát Niết Bàn”. “Bát” (般) có nghĩa là Viên, Hán dịch Niết Bàn là Tịch. Do vậy, “bát Niết Bàn” dịch là “viên tịch”. Nghĩa lý đầy ắp cả thế giới, đức lại nhiều như trần sa nên gọi là Viên. Thể tột cùng chân tánh (bản thể cùng tột Chân Như pháp tánh), diệu tuyệt tướng lụy (đoạn tuyệt được các vướng mắc vào hình tướng một cách vi diệu) là Tịch.
Trong Tâm Kinh Lược Sớ, tổ Hiền Thủ giảng: “Niết Bàn, Hán dịch là Viên Tịch, nghĩa là: Không đức gì chẳng đủ nên bảo là Viên, không chướng gì chẳng hết nên gọi là Tịch”.
Ðại Niết Bàn là Niết Bàn của Ðại Thừa, gọi là Ðại để phân biệt với Niết Bàn của Tiểu Thừa. Niết Bàn của Ðại Thừa có đủ ba đức: Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát, đủ bốn nghĩa: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, lìa khỏi hai thứ sanh tử phần đoạn và biến dịch, đầy đủ vô biên thân trí. Ðó là Ðại Thừa Niết Bàn.
Trong ba đức, Niết Bàn của Nhị Thừa chỉ có Giải Thoát; trong bốn nghĩa chỉ có Thường, Lạc, Tịnh, chỉ lìa phần đoạn, vẫn còn biến dịch sanh tử. Niết Bàn của Tiểu Thừa chỉ chú trọng nát thân diệt trí.
Ảnh minh họa:
"Lại này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Ðáy ao toàn trải cát bằng vàng. Thềm đường bốn phía do các thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Bên trên có lầu có các, cũng dùng đủ loại vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang sức. Hoa sen trong ao lớn như bánh xe, màu xanh có ánh sáng xanh, màu vàng có ánh sáng vàng, màu đỏ có ánh sáng đỏ, màu trắng có ánh sáng trắng, thơm ngát vi diệu."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn: Trong bốn mươi tám nguyện, đại sư Thiện Ðạo gọi năm nguyện “quyết thành Chánh Giác”, “quang minh vô lượng”, “thọ mạng vô lượng”, “chư Phật khen ngợi” và “mười niệm ắt được vãng sanh” là chân thật nguyện. Ngài coi chúng là tâm yếu của cả bốn mươi tám nguyện. Như vậy, nguyện này là tâm tủy của Di Ðà hoằng thệ.
Các Nguyện trên được các Ngài gọi là chân thật Nguyện. Thế nào là chân thật Nguyện? Đó là những Nguyện rốt ráo, viên mãn. Rốt ráo là độ tận chúng sanh khắp Thập phương, không loại trừ chúng sanh nào [chẳng có cơ hội được độ], hay nói cách khác tất cả chúng sanh khắp Thập phương đều 'có phần' trong đó. Còn viên mãn tức là "Quyết định thành Chánh Giác", chắc chắn thành tựu quả vị Phật [trong đời].
Để phân biệt một chút với các Nguyện [chân thật] bên trên, chúng ta lấy một số Nguyện khác ra thử ví dụ so sánh. Như Nguyện thứ 1 và 2 "Nước không có ác đạo", "Không đọa ba đường ác", hai Nguyện này chỉ giúp chúng sanh vĩnh viễn thoát ly sanh tử, không bị đọa lạc thôi, chứ chưa thể hiện sự 'viên mãn', bất thoái một đời thành Phật. Hay trong các Nguyện tiếp dẫn vãng sanh, chỉ có Nguyện thứ 18 "Mười niệm ắt vãng sanh" được gọi là chân thật, còn các Nguyện còn lại thì không được gọi thế. Ví dụ Nguyện thứ 19 "Phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái. Phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn..." hay Nguyện thứ 23 "Nhàm chán thân nữ, chuyển thân nam"... đều không được xếp vào hạng Nguyện chân thật. Chẳng phải là những Nguyện này 'không linh' hay hư dối không thật, mà là chưa thể độ thoát chúng sanh một cách rốt ráo [độ tận khắp chúng sanh], vẫn còn có giới hạn trong đó, hay nói một cách dân gian là không phải chúng sanh nào cũng 'có phần' trong đó. Bởi thế mới thấy, có những pháp nhiều hạng chúng sanh đành phải...chào thua, không cách gì với tới được, chỉ dành cho một bộ phận thứ lớp nào đó mà thôi. Ở đây thấy rõ nhất là Nguyện thứ 23, Đức Phật Ngài dành riêng cho phái nữ, dĩ nhiên là chẳng phải Ngài có tâm phân biệt gì đâu, mà là do Ngài 'nhìn thấu cõi đời' gì đó chăng?!
Rõ ràng, với các Nguyện "chân thật" bên trên, bổn hoài của Đức Phật muốn cứu độ khắp Pháp giới chúng sanh mới được thỏa mãn, tròn đầy. Dĩ nhiên là Phật lực, Pháp lực đều có sẵn, nhưng chúng sanh phải chân thật tu tập hành đạo thì mới "thọ dụng" được, không có cái gì tự nhiên mà có. Có gieo nhân mới có gặt quả vậy.
Đoạn tiếp: Bổn hoài của đức Phật chỉ là cốt sao khiến cho hết thảy chúng sanh quyết định thành Phật. Ðể thực hiện lời nguyện này, Ngài lại có đại nguyện thù thắng “mười niệm ắt vãng sanh”, chúng sanh chỉ việc nương theo con đường tắt cực viên, cực đốn, giản dị bậc nhất, niệm Phật vãng sanh, sẽ quyết định thành Phật.
Như chúng ta đã nói trên, cần phải độ tận chúng sanh một cách rốt ráo viên mãn thì mới thỏa chí nguyện bổn hoài của Phật, đó là "cốt sao khiến cho hết thảy chúng sanh quyết định thành Phật". Để thực hiện được điều này thì cần phải có một cái Pháp thật thù thắng, vi diệu để giúp chúng sanh nương theo Pháp ấy mà tu tập hành trì ngõ hầu được thành tựu [trước là giải thoát sanh tử, rồi tiến dần lên quả vị Phật]. Xét về phương diện chúng sanh, trước nhất là sau khi bắt gặp được Chánh Pháp này thì phải 'thi đậu' cái Pháp này cái đã. Tức là tu hành được đúng như pháp này [đắc pháp] để được Phật tiếp dẫn về trong đời này. Đây là bước quan trọng nhất đối với chúng ta [nói riêng và chúng sanh nói chung]. Được giải thoát [sanh tử] hay không, thành bại [thành Phật] hay không, được quyết định bởi bước này. Nếu thành công được bước này thì yên tâm, chắc chắn đã được giải thoát [khỏi khổ đau], chắc chắn sẽ thành tựu Phật đạo, tuy thời gian có dài ngắn khác nhau. Chúng ta nói dông dài một chút như thế để thấy được tầm quan trọng của Đại Nguyện này, “Mười niệm ắt vãng sanh”, và vì sao các Ngài lại gọi đây là Hồng Tâm [chính giữa tâm, tim] của Bổn Nguyện vậy. Không có Nguyện này thì chắc là không thể có tên Tịnh Độ cho Pháp môn này vậy [độ chúng sanh về cõi Tịnh], thật sự. Một khi thấy được tầm quan trọng như thế [dẫu chỉ là việc nhắc đi nhắc lại] thì chúng ta càng sanh tâm trân quý, càng sanh tâm trân quý thì chúng ta lại càng...tin. Chắc chắn là thế, 'nhập tâm' lúc nào không hay, 'khế ngộ' lúc nào chẳng biết.
Thật vậy, đối với các bậc cha má, các cụ già bà cà, thì chẳng cần học tập nhiều [nhưng cũng phải biết đủ], còn các bậc trẻ tuổi, trung niên thì bên cạnh việc dụng công hành trì thì cần phải học tập ít nhiều, đặc biệt là Tông chỉ tông yếu của Pháp môn phải nắm vững, gọi là "sự lý viên dung" vậy. Điều này đặc biệt có lợi cho việc tu học, vừa tự hành vừa khuyên người được đúng như pháp, thật thuận tiện trong việc tự hành hóa tha biết bao nhiêu... Thật sự, nghĩa lý giáo pháp tông chỉ [pháp môn này] không khó hiểu, đơn giản không dài dòng, nếu ai chân thật học tập thì ắt sẽ nắm rõ thôi. Vấn đề ở đây chỉ 'khó chịu' một chút ở chỗ Tín tâm, nhưng chân thật tu học [vừa hành trì vừa học tập] ắt sẽ được thôi. Thời gian có lâu có mau thì tùy nhân duyên, nhưng chắc chắn sẽ có được. Chỉ sợ không chân thật nghiêm túc tu học, không thật sự tâm nguyện chân thật cầu giải thoát trong đời này, thì đúng là khó thật.
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc, học tập thêm.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục, lần 2)
Ngài Hoàng Niệm Tổ