Tại một thôn nọ, thuộc huyện Hòa Châu, tỉnh An Huy, có người kia nuôi đến trăm con ngỗng. Một hôm, ngỗng sang ăn lúa nhà hàng xóm, bị đập chết một lúc đến hơn năm mươi con. Vợ người nuôi ngỗng thấy thế ban đầu tức giận lắm, nhưng sau bình tâm nghĩ lại rằng: “Ví như mang sự việc này kiện lên quan, thế lực nhà mình không chắc thắng kiện; nếu muốn thắng kiện, ắt phải bỏ ra phí tổn rất nhiều. Hơn nữa chồng mình lại đang say rượu, nếu nghe biết chuyện này nhất định sẽ gây sự ẩu đả, tai họa khó lường hết được, chi bằng ta hãy nhẫn nhịn cho qua.” Liền bảo người nhà mang xác ngỗng giấu hết đi, không cho chồng biết.
Sáng sớm hôm sau, người hàng xóm giết ngỗng bỗng tự nhiên lăn ra chết. Người chồng sau khi tỉnh rượu mới biết chuyện, liền nói với vợ: “Nếu hôm qua tôi sớm biết việc ngỗng bị chết, trong lúc say rượu chắc không khỏi sang nhà họ gây sự đánh nhau, ắt hôm nay phải chuốc lấy tai họa tan cửa nát nhà rồi.”
Lời bàn
Người ta trong lúc hết sức giận dữ, nếu có thể lùi lại một bước để bình tâm suy nghĩ thì bảo toàn được thân thể, gia đình, tính mạng, cho đến tiêu trừ được phiền não oan gia. Xem như sự nhẫn nhịn của vợ người nuôi ngỗng kia, chẳng phải bảo toàn được rất nhiều đó sao? Ngày trước, Phạm Văn Chính Công từng có thơ khuyên đời rằng:
Tâm trung phẫn nộ bất như hưu,
Hà tu kinh huyện hựu kinh châu?
Túng nhiên phí tận thiên ban kế,
Doanh đắc miêu lai thâu khứ ngưu.
Dịch nghĩa:
Trong lòng giận dữ, tốt nhất nên tự kiềm chế,
Đâu cần phải thưa kiện lên huyện, lên châu?
Ví như gộp hết trăm ngàn thứ phí tổn,
Hóa ra lấy được con mèo lại thua mất cả con trâu!
Dịch thơ:
Lửa giận bùng lên phải dập ngay,
Kiện thưa phủ, huyện có gì hay?
Ví bằng thắng kiện, bao tổn phí,
Mất cả con trâu, được lưỡi cày!
Trích Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả - Quyển Hạ
Tác Giả: Chu An Sĩ