Thư trả lời cư sĩ La Tỉnh Ngô
(Thư thứ nhất)
Thành kính [mới học Đạo được lợi ích]
Các hạ đã biết pháp môn Tịnh Độ, chỉ nên nhất chí tu trì, cần gì phải quy y? Quang với các hạ làm liên hữu là được rồi. Cần biết người học Phật nguyện khắp mọi người đều biết Phật pháp. Dẫu là người oán thù hết sức sâu nặng [với mình] cũng nguyện cho người ấy mau thoát sanh tử. Đối với chuyện quy y thì chẳng dám tùy tiện. Kẻ nào dùng tâm khinh mạn đến cầu quy y Tam Bảo mà chấp nhận thì chính là tự khinh Phật pháp, mà cũng chẳng thể làm cho kẻ ấy gieo thiện căn sâu xa được! Ở đây, do tuân theo nghĩa lý trụ trì pháp đạo nên khác với trường hợp trên; vì kẻ quy y bằng cái tâm khinh mạn ấy sẽ không cách nào sanh lòng thành kính cho được.
Trong thế gian, học một tài, một nghề, nghề tầm thường nhất là cạo đầu, chữa chân, khi bái sư còn phải ba lần lạy, chín lần khấu đầu, huống là quy y Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo để mong liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh mà trọn chẳng chịu dùng một câu tự nhún mình. Nói xuông một câu nhún mình còn không chịu nói, chỉ dùng hai chữ “cẩn thượng” (kính trình) cho xong chuyện! Quang tuy tầm thường, ngu độn, nào dám tự khinh? Vì thế, xin các hạ hãy chỉ dốc sức tu trì, không cần phải quy y nữa (Ngày Mười Sáu tháng Giêng)
(Thư thứ hai)
Thành nên cảm [phá lệ]
Quang đã quên chuyện nói trong lá thư mùa Xuân, Quang một mực thẳng thắn. Hễ có ai gởi thư hỏi về Phật pháp, bất luận người ấy có thái độ cao ngạo như thế nào đều nói với người ấy. Chỉ có ai cầu quy y, nếu chẳng dùng lối nói tự nhún mình thì sẽ dùng lời mềm mỏng hoặc trình bày thẳng thừng chuyện người ấy không hợp lễ để từ chối! Trong lá thư tháng Giêng, chắc là ông cũng nói “cẩn thượng”, Quang đã nói nguyên do rồi: Chẳng dám tự khinh Phật pháp, cũng chẳng dám để người khác khinh pháp. Quy y chẳng phải là quy y một mình Quang, mà là quy y Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo. Nay xem thư ông, cũng có thể nói thành khẩn đến tột bậc, nhưng ở phần ký tên vẫn ghi là “cẩn thượng”. Nay do lòng Thành của ông bèn phá lệ!
Đặt pháp danh cho mẹ ông (pháp danh Đức Thuần), ông (Huệ Tu), vợ ông (Huệ Thục), con ông (Phước Thâm), pháp danh của mỗi người viết trong tờ giấy khác. Ai nấy cần phải ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, ngõ hầu vĩnh viễn thoát khỏi biển khổ sanh tử, thường hưởng an lạc thanh tịnh. Hơn nữa, người tu Tịnh nghiệp cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, dùng lòng tín nguyện chân thật để trì danh hiệu Phật, quyết định cầu sanh thế giới Cực Lạc. Tự hành như thế mà dạy người khác cũng như thế. Nếu làm được như thế thì người bệnh sẽ lành, kẻ yếu sẽ mạnh, kẻ ngu sẽ sáng dạ, mọi việc thuận lợi, nhà dù nghèo cũng chẳng đến nỗi mắc họa, cũng chẳng đến nỗi đói lạnh, vì chân thật tu trì ắt được Tam Bảo gia bị, chẳng để bị khốn khổ quá mức.
Phước [dụng, cầu] thế nào?
Nhưng cũng chớ nên do niệm Phật mà lầm lạc mong được những điều tốt lành quá phận. Đã có cái tâm ấy, không chừng sẽ đâm ra không tốt lành! Họa - phước trong thế gian dựa dẫm vào nhau. Nếu khéo hưởng phước thì phước ấy càng lớn. Nếu không, phước chưa thật sự được mà họa lớn đã xảy ra rồi. Mối họa ấy chẳng còn chỗ nào để giải trừ được. Như vậy là do phước mà mắc họa, họa ấy càng khốc liệt hơn! Hãy bảo vợ ông khéo dạy con cái từ khi con mới vừa hiểu biết thì chúng ắt thành hiền thiện. Nếu một mực nuông chiều từ bé, khiến nó quen thói kiêu ngạo thành tánh, dẫu có thiên tư tốt đẹp cũng khó thành chánh khí được, huống là những đứa tầm thường ư? (Ngày Hai Mươi Bốn tháng Bảy)
Hãy đọc kỹ Văn Sao, chớ nên thường gởi thư đến. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, chẳng thể thù tiếp được.
Thư trả lời cư sĩ Ngô Tư Khiêm
Tu tự lực, đời này tu trì cực tốt, đời sau [hưởng si phước thường] tạo đại ác nghiệp!
Nhận được thư, biết cái “đạo” mà ông đã nói từ trước đến nay đều là đạo của tà ma, ngoại đạo! Từ đấy trở đi, đọc các kinh Đại Thừa đều là những pháp môn cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Pháp môn tuy cao sâu, huyền diệu, nhưng muốn nhờ vào đấy để liễu sanh tử thì lại chẳng biết cần phải trải qua bao nhiêu kiếp số! Nếu ước theo Viên Giáo của Đại Thừa để luận, địa vị Ngũ Phẩm vẫn chưa thể đoạn được Kiến Hoặc, địa vị Sơ Tín mới đoạn được Kiến Hoặc, mới có thể vĩnh viễn không còn sợ tạo ác nghiệp, đọa ác đạo! Nhưng cần phải tấn tu dần dần, đã chứng được Thất Tín thì mới liễu sanh tử. Sơ Tín thần thông đạo lực đã chẳng thể nghĩ bàn, nhưng vẫn phải đạt đến địa vị Thất Tín mới liễu sanh tử. Chuyện liễu sanh tử há dễ dàng ư?
Ước theo Tạng Giáo của Tiểu Thừa để luận, đoạn Kiến Hoặc liền chứng Sơ Quả, tùy ý chẳng còn làm chuyện phạm giới. Nếu chẳng xuất gia cũng sẽ cưới vợ sanh con. Nếu dùng oai thế bức hiếp, bắt buộc họ phạm tà dâm, thà chịu bỏ mạng, quyết chẳng chịu phạm giới. Sơ Quả chỉ tiến chứ không lùi, nhưng người chưa chứng Sơ Quả thì không nhất định. Đời này tu trì cực tốt, đời sau tạo đại ác nghiệp! Cũng có người nửa đời đầu thì tốt, nửa đời sau lại xấu xa. Sơ Quả còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lượt sanh trong nhân gian mới chứng được Tứ Quả. Tuổi thọ cõi trời thật dài, chẳng thể dùng năm tháng để luận. Cậy vào tự lực để liễu sanh tử khó khăn như thế đó!
Hãy nên quyết chí chú trọng cầu sanh Tây Phương [mà thôi]
Pháp môn Niệm Phật chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp. Nương theo Phật từ lực có thể đới nghiệp vãng sanh (Ước theo cõi này, vẫn chưa đoạn Hoặc nghiệp nên gọi là “đới nghiệp”. Nếu sanh về Tây Phương thì không có nghiệp để được, chứ không phải là mang theo nghiệp đến Tây Phương). Bất luận công phu sâu hay cạn, nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành xưng niệm, không một ai chẳng vãng sanh! Nếu là phàm phu muốn cậy tự lực để tu trì hết thảy pháp môn hòng liễu sanh tử thì khó lắm, khó như lên trời! Ông muốn Quang dạy ông sao cho viên giác diệu tâm của ông được khai ngộ thênh thang (tâm ấy chính là tâm do đức Phật đã chứng), chân cảnh Tịch Quang thường được hiện tiền (cảnh ấy chính là cảnh đức Phật ngự), bài nguyện văn của Tổ Liên Trì tuy có câu này, nhưng đừng sanh lòng si dại mong đạt được ngay! Nếu muốn đạt được ngay, ắt sẽ bị ma dựa phát cuồng, Phật cũng chẳng thể cứu được! Ví như trẻ nít vịn tường mà bước còn khó khỏi vấp té, nếu muốn bay lượn trên không, xem khắp bốn biển, há chẳng phải là nói mớ ư? Chỉ cầu vãng sanh, liền liễu sanh tử. Nếu muốn ngộ cái tâm này, thấy được cảnh này, vẫn cần phải tu dần dần thì mới ngộ được từng phần, thấy từng phần. Nếu [muốn] thấy trọn vẹn, ngộ trọn vẹn mà chưa thành Phật sẽ không thể được! Ông quá thiếu tự lượng, Quang đã nói toạc ra, hãy nên quyết chí chú trọng cầu sanh Tây Phương. Mong muốn vượt phận sẽ đâm ra trở thành cái gốc đọa lạc trong tà ma, ngoại đạo đấy!
Nghe rõ tiếng niệm chính mình [được đại lợi ích]
Xin hãy đọc kỹ Văn Sao thì phương pháp tu trì, lợi ích, thói tệ sẽ đều biết rõ, ở đây không viết đầy đủ. Niệm Phật thì thanh âm lớn hay nhỏ phải cho thích hợp, niệm nhanh hay chậm cho hợp lẽ. Nếu niệm lớn tiếng dữ dội như chạy giặc thì thoạt đầu tâm hỏa bốc lên, có thể bị thổ huyết, trở thành bệnh không chữa được! Cần phải niệm cho rõ ràng trong tâm, miệng niệm cho rõ ràng, tai nghe cho rõ ràng. Dẫu niệm thầm cũng phải thường nghe, vì hễ tâm vừa khởi niệm liền có tướng của tiếng. Tai chính mình nghe tiếng niệm trong tâm của chính mình, cố nhiên rõ ràng rành rẽ. Đừng dấy lên ý niệm xấu, đâu còn có cảm giác khó chịu “tâm nóng như bị lửa bốc” nữa! Trong khoảng tháng Chín, tháng Mười, [nếu] đường bưu điện thông suốt, sẽ gởi cho ông một gói Văn Sao Tục Biên.
Ảnh: Đạo tràng niệm Phật dành cho người khiếm thị tại Khánh Hòa
Về Tây Phương sẽ chẳng còn nghiệp, chẳng có nghiệp nữa [để phải thọ nhận], thế nên mới dứt khổ, một tiếng khổ còn không có huống hồ có khổ. Chỉ có "sự an lạc thanh tịnh tối thượng". Vì sao lại được như vậy Quý vị? Thật sự thì phàm phu này chỉ có thể nói chung chung là nhờ năng lực Bổn Nguyện nên mới được thế, chứ còn đi sâu vô nữa thì ...bó tay! "Đới nghiệp vãng sanh", tức là chúng ta dẫu tu trì tinh tấn cả đời vẫn còn [đầy] hoặc nghiệp ra đấy, chứ đừng tưởng hết, nhưng nhờ Tư lương đầy đủ, nương sức Phật từ bi, được Phật rước về Tây Phương, vãng sanh. Về cõi ấy thì lập tức chẳng còn nghiệp [để khởi], chứ không phải tiêu từ từ [nhờ tu tập] đâu nhé. Cái vi diệu, thù thắng [và khó hiểu] nó nằm ở chỗ đó. Điều này giải nghi cho rất nhiều vị cho rằng phải tu hành cho hết nghiệp mới được vãng sanh hay tâm địa phải thế này thế kia, hay đoạn hết phiền não... Những cái đó có quan trọng không? Dạ có, rất quan trọng, nó quyết định cảnh giới, phẩm vị Quý vị, chứ chẳng phải quyết định chuyện 'đi hay ở' [vãng sanh]. Thật sự, cho dù Quý vị có tu tốt cở nào mà Tín Nguyện còn giới hạn, kém khuyết thì vẫn phải 'ở lại lớp' thôi. Thế nên Chư Tổ luôn khuyên nhắc là quan trọng là phải quyết chí về cho được cái đã, khuyết điểm nào nhiều [trong 'ba món ăn đó'] thì phải tự biết mà chú trọng hơn, rồi vui bồi, gầy dựng, cố gắng giữ vững. Thật ra chúng đều tương hổ cho nhau chẳng phải quá ngăn cách.
Pháp môn này vốn chẳng thể suy lường được, chỉ Phật cùng Phật mới hiểu rõ. Phàm phu chúng ta tốt nhất chỉ nên 'ngửa cổ' tin lời Phật lời Tổ dạy mà hành trì cho tốt, để mong đời này được Phật rước, liểu sanh thoát tử, cái nào cần kíp thì làm trước, cái nào khó [hiểu] quá, thì cho qua, về được cõi ấy lập tức công đức trí huệ biện tài đầy đủ, chẳng có thứ gì chẳng tỏ rỏ tường tận như trong lòng bàn tay vậy. Quan trọng là chúng ta có [thật sự] muốn về đó hay chưa? Có dám tin chẳng chút nghi hoặc việc vãng sanh hay chăng? Chúng ta có siêng năng chăm chỉ hành trì không? Hay là lại [nghĩ rằng] đợi khi lâm chung nó quyết định tất cả? Hay 'đời còn dài' gì đó chăng?
Văn Sao Tam Biên
Đại sư Ấn Quang