Sách Bình Giải dẫn sách Lục Yếu: “Lợi chân thật chỉ cho danh hiệu này, tức là Phật trí”.
Sách Bình Giải viết thêm: “Nay chân thật là Phật trí danh hiệu. Ngài Thiện Ðạo cho rằng Pháp Tạng trong lúc tu nhân thành tựu chân thật nên bảo là bổn nguyện chân thật. Nói rộng ra thì là năm nguyện chân thật. Nói gọn lại thì chỉ là một câu danh hiệu. Vì vậy, ta biết rằng cái chân thật này bao gồm giáo, hạnh, tín, chứng”.
Như vậy, Lợi là cái lợi lớn lao của danh hiệu. Cứu cánh của cái lợi lớn lao ấy chính là Niết Bàn vô thượng diệu quả. Sách Bình Giải còn viết:
“[Gọi là] lợi chân thật là vì so sánh với phương tiện quyền giả. Vì vậy, đem pháp thế gian so với Tiểu Thừa thì Tiểu Thừa là chân mà pháp thế gian là giả. Dùng Tiểu Thừa sánh với Quyền Ðại Thừa thì Quyền Ðại Thừa là chân mà Tiểu Thừa là giả. Dùng Quyền Ðại Thừa sánh với Thật Ðại Thừa Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v... thì Thật Ðại là chân, Quyền Ðại là giả.
Dùng Thật Ðại Thừa Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v… sánh với nguyện thứ mười chín của Phật Di Ðà (Nguyện mười chín trong bản Ngụy dịch như sau: “Phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, chí tâm tín nguyện, dục sanh ngã quốc” (Phát Bồ Ðề tâm, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sanh cõi ta)) thì nguyện mười chín là chân, mà Hoa Nghiêm, Pháp Hoa... là giả. Vì cớ sao? Hoa Nghiêm, Pháp Hoa lấy vãng sanh làm mặt lợi ích của kinh, các kinh ấy vẫn chưa ra khỏi nguyện mười chín.
Ðem nguyện mười chín sánh với nguyện hai mươi (bản Ngụy dịch: “Văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, thực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh ngã quốc” (Nghe danh hiệu ta, hệ niệm cõi ta, trồng các cội đức, chí tâm hồi hướng, muốn sanh cõi ta)) thì nguyện hai mươi là chân, nguyện mười chín là giả.
Ðem nguyện thứ hai mươi sánh với nguyện mười tám (mười niệm vãng sanh) thì nguyện hai mươi là giả, nguyện thứ mười tám là chân, là viên đốn nhất trong pháp viên đốn”.
Viên đốn tột bực không gì hơn kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, mà nay còn chê là quyền giả, chỉ khen ngợi Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh của kinh này là viên nhất trong những pháp viên, pháp đốn nhất trong pháp đốn, chân thật nhất trong các thứ chân nhất là vì cớ gì?
Sách Bình Giải giải thích:
“Nay bàn về mặt lợi ích, pháp kia là giả, pháp này là chân. Vì sao? Pháp kia (chỉ cho Pháp Hoa, Hoa Nghiêm) nói đến sự nhanh chóng thành Phật đạo, nhưng chẳng thấy có người nhanh chóng thành Phật, nên thành ra “biệt thời ý”. Pháp thể (bản thể của Pháp) há có biệt thời ý, chỉ do căn cơ của con người hèn kém. Nay, những kẻ tin tưởng chẳng nghi ngờ thì mười người tu cả mười được sanh, vãng sanh rồi sẽ tiến đến Bồ Ðề chẳng lui sụt: Ngay nơi đầu tiên mình được sanh về đã là Bồ Ðề vì dẫu Phật tại thế hay diệt độ, cũng chỉ có một pháp này, bởi lẽ hết thảy phàm thánh thực hành pháp này không phân biệt, bởi về mặt lợi ích chân thật thì không có gì hơn nổi pháp này”.
Ðoạn văn trên ý nói: Nếu luận về pháp thể, các kinh đều là chân, nhưng nếu bàn về mặt lợi ích, các kinh khác đều là giả, chỉ có pháp này là Chân. Vì sao thế? Do các pháp như Pháp Hoa v.v... tuy nói có đạo thành Phật nhanh chóng, nhưng chẳng thấy có người y pháp tu trì ngay đời sau thành Phật, nên đó chỉ là cái nhân để thành Phật một cách biệt thời (tức là trong tương lai lâu xa sau này sẽ thành Phật).
Luận về pháp thể, vốn chẳng phải đợi đến biệt thời mới thành Phật; hiềm vì căn cơ hành giả kém cỏi nên chẳng thể nhanh chóng thành Phật. Chỉ có Nhất Thừa nguyện hải của Tịnh Tông và sáu chữ hồng danh này, mười người tu mười người được sanh, vạn người tu vạn người vãng sanh, nên vượt trỗi hơn các kinh khác. Vả lại:
- Vãng sanh ắt chứng Bồ Ðề.
- Khi pháp diệt rồi chỉ còn kinh này để độ sanh.
- Phàm thánh niệm Phật bình đẳng. Sách Sớ Sao viết: “Tề chư thánh ư phiến ngôn” (Một câu ngang với chư thánh).
Vì vậy, ta bảo là “lợi chân thật” không có chi hơn được pháp này.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ