Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']
Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ. Tùy mỗi người thấy biết nông - sâu mà ai nấy đều được lợi ích. Những bộ Quang chịu trách nhiệm đã gởi đi xong hết cả rồi, nay đem một bộ do bạn bè kết duyên ấn tống còn sót lại đem gởi đi, xin hãy đọc kỹ, ắt sẽ có niềm vui tay vỗ chân giậm vậy.
Nguyên do cũng như giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực, tự lực...
Thêm nữa, Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao do Từ Úy Như ba bốn lượt in ra, đã gởi đi hết. Nếu tháng Chín đến Thượng Hải sẽ thỉnh một bộ từ Thương Vụ Ấn Thư Quán gởi cho ông. Nếu ông xem kỹ thì nguyên do cũng như giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực, tự lực, lớn - nhỏ, khó - dễ, lợi - hại, được - mất sẽ rõ ràng như nhìn vào ngọn lửa, sẽ vĩnh viễn không còn lo ngờ nữa! Nhưng văn chương chẳng đáng coi, chỉ thích hợp cho người sơ cơ nhập đạo mà thôi! Nếu dùng khuôn mẫu trước tác của cổ nhân để giám định thì vứt đi còn chẳng kịp, nào đáng để nghiên cứu! Thoạt tiên dùng bộ sách này để nhập đạo thì sẽ biết được đường lối, rồi lại xem những trước tác của cổ nhân sẽ dễ dàng hiểu rõ. Đá nơi núi khác có thể coi là ngọc [cho chính mình]. Người tàn phế không chân ở giữa đường chỉ lối, trao ngọc cho hành nhân, chớ nên vì [kẻ ấy] thô tệ, tàn phế mà vứt bỏ vậy!
Đọc sách Thánh hiền, khuyến thiện, ắt trời sẽ ban tưới phước
Còn như Cứu Kiếp Tiên Phương lại càng thô tệ chẳng kham nổi, đấy chính là do kẻ thiêu đốt lưu ly đặt ra, trọn chẳng hề biết Quán Âm là người như thế nào, Ngọc Đế là người như thế nào. Cư sĩ xem kỹ cuốn đầu bộ An Sĩ Toàn Thư, ắt trời sẽ ban tưới phước cho cư sĩ; cũng như xem bài văn luận về trời, Phật, Bồ Tát trong cuốn ba sách Dục Hải Hồi Cuồng sẽ chẳng bị những lời lẽ tào lao, hồ đồ này mê hoặc! Tuy cư sĩ tín tâm thiết tha, hiềm rằng chưa từng được Phật pháp thấm đẫm, nên một bề tôn trọng những lời giáng cơ mạo danh tiên Phật của các linh quỷ!
Hai bộ sách nói trên (tức hai bộ sách giáng cơ, mà Cứu Kiếp Tiên Phương là một cuốn) là văn khuyên đời, hơi có lợi ích thiết thực cho thế đạo nhân tâm, nhưng tạp nhạp, lộn xộn chẳng thành chương đoạn. Huống chi Phật pháp được nói trong ấy đa phần không đúng pháp. Thiện nhân tại gia nên nhận lấy những lời khuyên răn trong ấy, nhưng không cần phải học theo những lời dạy về tu hành trong đó, ắt sẽ có lợi ích lớn, không tệ hại gì! Còn như Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, Giác Thế Kinh đều là những bộ bảo giám dạy người khắc kỷ, giữ lễ, cố nhiên chẳng nên đem so với những lời cơ bút vớ vẩn, phù phiếm, coi cùng một giuộc như nhau! Đạo cầu cơ quả thật có thần tiên giáng lâm, nhưng trong trăm lần, không có đến hai ba lần [thần tiên thật sự giáng]. Nếu cứ nhất loạt cho là chân tiên thì chính là dân thường xưng bừa là đế vương. Những kẻ giáng đàn đa phần là linh quỷ. Nếu là linh quỷ có học thức thì lời lẽ còn hơi khả quan, nhưng bàn đến Phật pháp là điều họ chẳng biết nên đa số thường nói sai bét, bậy bạ! Những kẻ vô tri vô thức bèn tưởng là chân Phật, chân Bồ Tát, những chỗ sai lạc trong lời lẽ của bọn họ hại người thật sâu. Cư sĩ hãy nên lắng lòng đọc An Sĩ Toàn Thư và Ấn Quang Văn Sao. Nếu thâm nhập được, hãy nghiên cứu thêm các kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, sẽ biết rõ như xem ngọn lửa vậy.
Muốn vãn hồi kiếp vận, nếu không đề xướng nhân quả ba đời, sanh tử, luân hồi...
Nhận được thư khôn ngăn cảm thương cho đời, hơn mười năm nay, thiên tai nhân họa liên tiếp giáng xuống, toàn là do không biết nhân quả ba đời, chỉ mong tự lợi, chẳng hề đoái hoài chuyện sát sanh hại mạng cũng như hại người mà nên nỗi! Muốn vãn hồi kiếp vận, nếu không đề xướng nhân quả ba đời, sanh tử, luân hồi, cùng kiêng giết, cứu vật, ăn chay, niệm Phật sẽ không thể được! Cõi đời hiện tại thường trong hoạn nạn, chỉ có A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát là nương cậy được, hãy nên thường trì thánh hiệu, trong âm thầm sẽ tự có sự chuyển dời chẳng thể nghĩ bàn. Lại mong ông đối với quyến thuộc, thân hữu, làng xóm đều đề xướng, chỉ dạy điều này thì có lợi lớn lắm! Cách đề xướng chỉ dạy thì nên lấy An Sĩ Toàn Thư và Ấn Quang Văn Sao làm gốc, ngõ hầu chẳng đến nỗi họ đi vào pháp tà kiến của ngoại đạo.
Kinh Kim Cang chú giải rất nhiều. Người tại gia nếu chưa nghiên cứu cùng tận giáo lý quả thật sẽ chẳng dễ gì lãnh hội được! Chỉ có bản chú giải kinh Kim Cang của Lã Tổ, trước hết chú thích ý nghĩa, rồi dùng lời lẽ để giải thích kinh văn là dễ hiểu rõ. Các hạ có tâm cứu vãn kiếp vận thì hãy nên cực lực đề xướng nhân quả báo ứng, cùng kiêng giết, cứu vật, ăn chay, niệm Phật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tận lực giữ vẹn luân thường, ai nấy trọn hết bổn phận thì sẽ có lợi ích thật sự. Nếu không, chỉ là nói xuông, quyết chẳng có hiệu quả thật sự gì!
Nhận được thư khôn ngăn cảm khái, thẹn thùng. Quang là hạng người gì mà dám nhận lời khen ngợi ấy. Thuyết pháp trong các nhà tù là do các cư sĩ ở Thượng Hải đề xướng, nhưng những người thường đi đến các huyện thuyết pháp đều là đệ tử quy y của Quang, do vậy họ để tên Quang làm hội trưởng danh dự; chỉ vì họ thỉnh cầu nên gần đây mới đến nhà tù số hai để chỉ dạy. Quán Âm Đại Sĩ Tụng là cuốn sách do Quang thỉnh một vị cư sĩ đại văn học ở Giang Tây soạn ra, năm ngoái mới hoàn tất bản thảo. Do chiến tranh nổ ra, chưa thể khắc in được, mùa Thu năm nay đến Thượng Hải ấn loát, sang năm sẽ ra sách. Cuốn sách này có quan hệ lớn lao đối với thế đạo nhân tâm, Quang muốn in đến hơn mấy chục vạn cuốn để truyền bá rộng khắp trong ngoài nước, chỉ sợ rằng con người đức mỏng, không cách nào cảm hóa được. [In] hơn mười vạn bộ là chuyện có thể thực hiện được, nay đã in xong hơn năm vạn cuốn. Quyển sách này chính là quyển đầu của bộ Phổ Đà Sơn Chí, do [Sơn Chí] số quyển quá nhiều nên in riêng cuốn này.
Hãy nên nghiên cứu, tu trì từ nơi pháp môn đặc biệt siêu việt, lạ lùng
Sơn Chí bản mới soạn đã hoàn tất bản thảo, nhưng còn đợi Quang giảo chánh rồi mới ấn hành. Quang do bận rộn công việc, sợ rằng năm sau mới giao cho thợ in được! Sách in ra sẽ gởi tặng ông một hai bộ. Còn nói về những chỗ dị - đồng giữa các giáo thì con người thường hay thiên chấp. Nếu ai chấp là khác thì người ấy không thấy biết được cái gốc của đạo; nếu chấp là đồng thì chẳng biết tướng trạng phát huy, tu chứng sâu - cạn giữa các giáo khác biệt nhau rất lớn. Các hạ đừng bàn đến chuyện đồng - dị nữa. Nếu chẳng cho Phật pháp là sai thì hãy lắng lòng nghiên cứu tu trì, lâu ngày sẽ tự biết nguyên do đạo thể, đạo dụng tuy đồng nhưng chẳng giống hệt nhau, tuy dị (khác) nhưng chẳng thể tách rời nhau được. Phật pháp uyên áo, sâu xa, người đại thông minh tận hết tâm lực cả một đời còn chẳng thể nghiên cứu tường tận được! Nhưng Phật pháp tùy cơ ban giáo, nếu muốn được lợi ích thật sự, hãy nên nghiên cứu, tu trì từ nơi pháp môn đặc biệt siêu việt, lạ lùng là pháp Tịnh Độ thì sẽ bớt nhọc nhằn tâm lực, quả thật là đạo tối trọng yếu.
“Chẳng hạ mình trước người thật sâu sẽ chẳng thể đạt được sự thật”
Các hạ sống trong lưới đời, lại khổ vì không có tri thức để thỉnh giáo. Nếu chẳng vì văn tự của Quang chất phác, vụng về mà vứt bỏ thì xin hãy đọc kỹ bộ Văn Sao, tu trì theo những điều nói trong đó sẽ được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Tuy văn chương của Quang khá gai mắt, nhưng dẫn nhiều kinh luận để viết thành, hoặc nêu bật ý nghĩa kinh luận, cho nên phải tận lòng thành, cạn lòng kính mà đọc thì mới hòng đạt được lợi ích. Sách Luận Ngữ nói: “Chẳng hạ mình trước người thật sâu sẽ chẳng thể đạt được sự thật”. Cung kính tượng Phật bằng đất nặn, gỗ khắc như đức Phật thật thì lợi nhỏ là sẽ tiêu tai tăng phước, còn lợi lớn là siêu phàm nhập thánh, những lợi ích ấy là do chính mình có thành kính hay không, chứ chẳng phải vì tượng Phật là thật hay giả! Nếu các hạ quả thật có thể thuận theo ý này, ý lặng, tâm tịnh, đọc rồi tận lực thực hành thì sẽ là bạn bè tốt lành trong pháp môn [Niệm Phật cầu sanh] Tây Phương Cực Lạc thế giới. Xin hãy gắng lên, chớ phụ lòng mong mỏi này thì may mắn thay!
Ảnh: An Sĩ Toàn Thư, một trong những bộ sách khuyến thiện đệ nhất.
Trong đoạn đầu, đây là thư Chư Tổ viết tổng hợp trả lời cho nhiều thư gửi lần lượt của Cư sĩ Mã Thuấn Khanh. Từ tâm chân thành, tha thiết cầu đạo của Cư sĩ đã 'cảm ứng đạo giao' khiến cho Chư Tổ trả lời thư hết sức rõ ràng tỉ mĩ, cùng 'phản hồi' gửi tặng cho nhiều bộ sách, trước tác để giúp đỡ trợ duyên cho Cư sĩ cùng người thân bạn bè tu học [với thời ấy để có được những bộ sách như vậy là rất quý giá vậy, không phải dễ dàng như bây giờ].
Đoạn tiếp: Nếu ông xem kỹ thì nguyên do cũng như giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực, tự lực, lớn - nhỏ, khó - dễ, lợi - hại, được - mất sẽ rõ ràng như nhìn vào ngọn lửa, sẽ vĩnh viễn không còn lo ngờ nữa!
Thật sự, việc giảng nói Tịnh Độ có khó không? Thời đại ngày nay, đi đâu cũng thấy tu Tịnh Độ [điều này là rất tốt, cần phát huy] và hơn thế nữa, nhà nhà người người đều có thể... diễn nói Tịnh Độ. Thật ra, việc diễn nói Tịnh Độ có khó không thì không biết, nhưng chắc chắn là chẳng phải dễ để nói đúng Như Lý với Pháp môn này. Vì sao lại chẳng dễ? Đó là vì vị diễn giả đó nếu chẳng có Tín tâm chân thật với Pháp môn này thì không cách gì nói đúng lý đúng pháp được. Chắc chắn là như thế! Thật vậy, chúng ta thấy vào Tông chỉ tông yếu của Pháp môn thì đã là "dùng Tín Nguyện sâu" [để trì danh hiệu Phật]. Nếu như hành giả chưa thâm nhập vô được [điều này] thì diễn nói thế nào đây? Dù cho diễn thuyết đến 'hoa trời rơi rụng' đi nữa thì cũng chỉ 'văn tự ngoài da', không cách chi mà đi sâu vào Tông yếu pháp môn được! Điều này thì đúng cho các bậc 'thường thường bậc trung', mà ngay cả bậc Thượng thượng, minh tâm kiến tánh [Đại triệt đại ngộ] đi nữa cũng chưa chắc diễn nói đúng [như pháp], nếu không y cứ vào Kinh văn, trước tác của Chư Phật, Chư Tổ. Vì sao lại như vậy? Với bậc đã minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ [cũng mới chỉ là Ngộ, chưa phải là chứng, chưa thể tự liễu thoát sanh tử] thì đúng là thế gian này cái gì cũng biết, cái gì cũng tỏ thông cả, có thể làm thầy trong cõi đời này. Nhưng đó chỉ là với các Pháp [tự lực] thông thường thôi, còn với Tịnh Độ môn lại là một phạm trù hoàn toàn khác. Với các môn Tự lực thông thường [tu Giới - Định - Huệ] thì đưa cho các Ngài ấy thuyết giảng sẽ không khác gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết. Nhưng với Tịnh Độ Tông, đây là pháp môn đặc biệt, chẳng thể dùng những giáo lý [của pháp] thông thường mà luận được. Mà riêng với Pháp môn này, chỉ Phật cùng Phật mới diễn nói tường tận hết được. Cho nên đến ngay cả các bậc như: Đại Bồ Tát tái thế, Thượng thiện nhân, Đại đức, các bậc minh tâm kiến tánh đại triệt đại ngộ..., nếu 'tự ý' diễn nói [về Pháp môn này] mà chẳng y cứ Kinh điển [hay y cứ một cách không chuẩn xác đầy đủ] thì chắc chắn sẽ 'có vấn đề' ngay, không nhiều thì ít. Bởi Phật đã nói rõ trong Kinh rằng: "Chỉ Phật cùng Phật mới biết được. Thanh Văn ức kiếp suy trí Phật. Tận hết sức cũng không thể hiểu". Cho nên, việc giảng dạy và tu học với Pháp môn này, không thể không y cứ Kinh giáo từ chính kim khẩu Phật thuyết ra. Như thế mới là yên tâm, chắc chắn như lý như pháp. Do đó, những những vị nào chuyên giảng dạy hay viết trước tác Tịnh Độ, cần y cứ [chính xác] theo Kinh điển Tịnh Độ thì chúng ta nên học tập theo, còn không thì không nên nghe theo [chỉ có tác hại cho mình cho người mà thôi]. Hoặc giả nếu cảm thấy đã trót quá 'tín ngưỡng' [những vị ấy] rồi chẳng thể 'buông ra' được thì phải biết học tập một cách "trạch pháp" mới được, tức là có chọn lọc kỹ càng [mà điều này với phàm phu chúng ta thì chẳng phải dễ dàng gì!].
Ở đây chúng ta chỉ luận nói sơ lược một chút như thế. Chúng ta cùng đọc kỹ và học tập lời Chư Tổ dạy, sẽ được nhiều lợi ích.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Thư trả lời cư sĩ Mã Thuấn Khanh (trích lục)
Đại Sư Ấn Quang