Chánh kinh:
Vi lan từ hồi, chuyển tương quán chú. Ba dương vô lượng vi diệu âm thanh, hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh, Ba La Mật thanh, chỉ tức tịch tĩnh thanh, vô sanh vô diệt thanh, thập lực vô úy thanh, hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh, đại từ đại bi hỷ xả thanh, cam lộ quán đảnh thọ vị thanh.
Gợn sóng từ từ lan ra, lan khắp mặt nước. Sóng vỗ vang ra vô lượng âm thanh vi diệu, hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng, tiếng Ba La Mật, tiếng chỉ tức tịch tĩnh, tiếng vô sanh vô diệt, tiếng thập lực vô úy; hoặc nghe tiếng vô tánh, vô tác, vô ngã, tiếng đại từ, đại bi, hỷ xả, tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị.
Giải:
Ðoạn kinh nêu lên chủ điểm thứ hai của phẩm kinh này: Nước có khả năng diễn thuyết diệu pháp.
Ðoạn này thuật tỉ mỉ một sự thật mầu nhiệm: Trong cõi Cực Lạc, những thứ vô tình có khả năng thuyết pháp để thành thục thiện căn cho chúng sanh.
“Phật, Pháp, Tăng thanh”: Phật, Pháp, Tăng là Tam Bảo. Kinh Tiểu Bổn chép: “Văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm” (Nghe những âm ấy tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng).
“Ba La Mật” dịch là Ðáo Bỉ Ngạn hay Ðộ Vô Cực, hoặc là Sự Cứu Cánh. Dùng đại hạnh Bồ Tát hoàn tất các sự nghiệp của tự hạnh và hóa độ người khác nên bảo là Sự Cứu Cánh. Nương đại hạnh ấy để từ bờ này sanh tử vượt đến bờ kia Niết Bàn nên bảo là Ðáo Bỉ Ngạn. Do đại hạnh nên có thể thấu đạt chỗ rộng sâu của các pháp, vì thế gọi là Ðộ Vô Cực.
Trong chữ “Chỉ Tức”: “Chỉ” (止) có nghĩa là đình chỉ, trụ nơi lý chân thật bất động, “tức” (息) là ngưng nghỉ. Sách Chỉ Quán, quyển ba nói: “Tức có nghĩa là các ác giác quán, vọng niệm, tư tưởng đều ngưng bặt vắng lặng”. Vì vậy, “Tức” là ngừng dứt các vọng niệm. “Tức” là do Quán mà thành nên “Chỉ Tức” chính là “Chỉ Quán”.
“Vô sanh vô diệt” là lý thể của Niết Bàn vốn chẳng sanh, chẳng diệt. Kinh Nhân Vương dạy: “Nhất thiết pháp tánh chân thật không, bất lai bất khứ, vô sanh vô diệt” (Tánh của hết thảy các pháp là chân thật không, chẳng đến, chẳng đi, vô sanh, vô diệt). Kinh Viên Giác cũng bảo: “Nhất thiết chúng sanh ư vô sanh trung, vọng kiến sanh diệt, thị cố thuyết danh luân chuyển sanh tử” (Hết thảy chúng sanh đối với vô sanh lại thấy lầm lạc là có sanh diệt. Vì thế gọi là trôi lăn trong sanh tử). Ngài Thanh Lương lại bảo: “Nếu nghe vô sanh thì liền biết hết thảy các pháp đều là không tịch, vô sanh vô diệt”.
“Thập lực” chính là trí thật tướng, hiểu rõ hết thảy được chứng đắc bởi Như Lai. Do trí ấy chẳng thể hoại được, chẳng có gì hơn được nên gọi là Lực (xin xem phần giải thích tường tận về Thập Lực trong phẩm bốn mươi sáu).
Thập Lực là: Tri thị xứ phi xứ trí lực, tri tam thế nghiệp báo trí lực, tri chư thiền giải thoát trí lực, tri chư căn thắng liệt trí lực, tri chủng chủng giải trí lực, tri chủng chủng giới trí lực, tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực, tri thiên nhãn vô ngại trí lực, tri túc mạng vô lậu trí lực, tri vĩnh đoạn tập khí trí lực. Ðấy là “thập lực”.
“Vô úy” còn gọi là “vô sở úy”; giữa đại chúng Phật thong dong thuyết pháp chẳng sợ hãi. Có bốn loại vô úy:
1. Nhất thiết trí vô sở úy: Giữa đại chúng, đức Phật nói rõ ta là bậc Nhất Thiết Trí lòng không e ngại.
2. Lậu tận vô sở úy: Giữa đại chúng, Phật nói ta đoạn sạch hết thảy phiền não lòng không e ngại.
3. Thuyết chướng đạo vô sở úy: Giữa đại chúng, Phật nói các chướng pháp như Hoặc nghiệp v.v… mà không sợ hãi.
4. Thuyết tận khổ đạo vô sở úy: Ở giữa đại chúng, Phật nói chánh đạo diệt khổ như giới, định, huệ v.v… lòng không sợ hãi.
Ðó là bốn Vô Sở Úy.
“Vô tánh” là như kinh Pháp Hoa nói: “Tri chư pháp thường vô tánh” (Biết các pháp thường vô tánh). Tánh là Thể, hết thảy các pháp đều không có thực thể nên bảo là “vô tánh”.
“Vô tác” là không có nhân duyên tạo tác, đồng nghĩa với chữ “vô vi”. Sách Hoa Nghiêm Ðại Sớ bảo: “Do còn có tạo tác nên gọi là hữu vi; hữu vi là vô thường. Không còn tạo tác thì gọi là vô vi. Vô vi chính là thường”.
“Vô ngã”: Ngã (我) được hiểu là cái gì có thể tánh thường hằng, chẳng biến đổi, có tác dụng làm chủ tể. Nếu chấp trong thân người có cái Ngã như vậy thì gọi là Nhân Ngã. Chấp rằng pháp có cái Ngã như thế thì gọi là Pháp Ngã. Nhưng thân người vốn là do Ngũ Uẩn giả hợp thành, Thể của cái Ngã đó nào phải là thường hằng bất biến như sách Chỉ Quán, quyển bảy đã nói: “Do thiếu trí huệ nên chấp rằng có Ngã; dùng trí huệ quán sát thì thật sự chẳng có Ngã! Ngã ở chỗ nào: đầu, mắt, hay chân tay? Quán sát kỹ càng mỗi thứ, trọn chẳng thấy Ngã”.
“Pháp” thì cũng là do nhân duyên sanh ra; nó cũng chẳng có một cái Ngã thể thường hằng bất biến. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển hai bảo: “Pháp chẳng có thật tánh nên bảo là Vô Ngã”. Vì vậy, kinh Thập Ðịa dạy: “Vô Ngã Trí hữu nhị chủng, Ngã Không, Pháp Không” (Trí Vô Ngã có hai thứ: Ngã Không và Pháp Không). Kinh Kim Cang cũng dạy: “Thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ Tát” (Người hiểu rõ không có Ngã và Pháp thì Như Lai nói người ấy thật sự là Bồ Tát).
“Đại từ đại bi hỷ xả thanh” (chữ “hỷ xả” trích từ bản Tống dịch). Từ bi hỷ xả chính là Tứ Vô Lượng Tâm: Từ vô lượng tâm là tâm ban vui; Bi vô lượng tâm là tâm dẹp khổ; Hỷ vô lượng tâm là thấy người lìa khổ hưởng vui thì sanh lòng vui thích; Xả vô lượng tâm là buông bỏ cả ba thứ tâm trên, chẳng hề chấp trước. Xả vô lượng tâm còn có nghĩa là đối với kẻ oán lẫn người thân đều bình đẳng, không chấp trước là oán hay thân. Bốn vô lượng tâm này duyên khắp chúng sanh, dẫn khởi vô lượng phước, đắc vô lượng quả nên gọi là Tứ Vô Lượng Tâm.
Trong câu “cam lộ quán đảnh thọ vị thanh”, “cam lộ” (Amrta) là thứ sương ngọt mà chư thiên thường ăn; vị nó ngọt như mật. Sách Kim Quang Minh Văn Cú, quyển năm giảng: “Cam lộ là thuốc bất tử của chư thiên, ăn vào sống lâu, thân an ổn, sức thêm mạnh mẽ, thân thể sáng ngời”.
Trong Hiển giáo, “Quán Đảnh thọ vị” là khi Ðẳng Giác Bồ Tát sắp đạt địa vị Diệu Giác thì hết thảy mười phương Phật dùng nước trí huệ rưới lên đảnh Bồ Tát giống như Chuyển Luân Thánh Vương dùng nước bốn biển rưới lên đầu Thái Tử xướng rằng: “Thái Tử đã nhận lấy địa vị”. Ðấy là “Quán Đảnh thọ vị” (rưới nước lên đỉnh đầu để nhận chức).
Sách Bí Tạng Ký cũng nói: “Bồ Tát từ Sơ Ðịa dần dần đạt tới Ðẳng Giác, lúc gần rốt ráo thành Phật, chư Phật dùng nước đại bi rưới lên đảnh thì tự hạnh viên mãn chứng đắc Phật quả”.
Các pháp âm vi diệu như vậy đều từ tiếng sóng tự nhiên phát ra. Vô tình thuyết pháp khắp trọn cõi nước. Ao nước rừng cây đều tuyên dương diệu pháp.
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia. Tại sao thế? Vì được cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn. Này Xá-lợi-phất, không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia đâu."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đây là đoạn Kinh văn tiếp theo trong phẩm 17, Tuyền Trì Công Đức. Đoạn này nói về các âm thanh từ sóng nước, từ các âm thanh từ gió, hàng cây báu, tiếng chim... giờ là sóng gợn lăn tăn, tiếng sóng vỗ phát ra. Tất cả các âm thanh từ sóng này đều thật thù thắng như: tiếng Phật, Pháp, Tăng, tiếng Ba La Mật, tiếng chỉ tức tịch tĩnh, tiếng vô sanh vô diệt, tiếng thập lực vô úy... Chúng ta đọc các chú giải giản lược để hiểu các âm thanh này là gì, toàn những văn tự nghĩa lý khó hiểu, chúng ta đọc để biết thôi.
Nói chung nói về cảnh giới thù thắng nơi cõi Cực Lạc thì nói mãn kiếp cũng không hết được. Thật sự đây là Phật cũng chỉ tóm lược những ý chính thôi, giúp chúng sanh có cái nhìn khái quát về y báo chánh báo nơi cõi nước ấy, từ đó phát sanh tâm ưa thích muốn sanh về, rồi phát nguyện cầu sanh về cõi ấy. Đây là nhân tố khởi đầu rất quan trọng, để từ đó phát tâm tu tập theo giáo pháp Phật chỉ dạy, ngõ hầu một đời này được sanh về cõi ấy, liễu thoát sanh tử. Cho nên muốn liễu thoát sanh tử trong đời, trước hết cần có tâm ưa thích muốn về cái đã, từ đó mới ra sức nổ lực tu tập, cả đời không thoái chuyển, như vậy mới mong thành tựu trong đời được. Thường chúng ta có hai phương cách kết hợp nhau để thúc đẩy cái tâm ưa thích sanh về Cực Lạc, một đó là nghe nhiều đọc nhiều để thấu rõ sự khổ đau của kiếp luân hồi sanh tử, để mà cố thoát ra cho bằng được, và thứ hai đó là cũng nghe đọc nhiều để hiểu biết nhiều hơn về thế giới Cực Lạc thù thắng, xem nó đối nghịch với kiếp luân hồi này cũng như Tam đồ ác đạo hay Địa ngục dầu sôi vạc gươm rừng đao... là ra sao, rồi so sánh chiêm nghiệm giữa hai bên, sự khác biệt vời vợi như trời với đất này thế nào, từ đó mà phát tâm tu tập, tận dụng tối đa những nhân duyên thù thắng bắt gặp được trong đời này, ngõ hầu đừng để nó vuột qua mất, rằng thân người khó được, Chánh Pháp khó nghe, nghe rồi tin nhận hành theo lại càng khó hơn nữa. Chứ nếu không tận dụng cơ hội này, nếu để luống qua chúng ta sẽ thấy cái tương lai nó như thế nào, nếu đời này không thành tựu giải thoát thì sẽ đi về đâu? Dẫu cho đời sau chưa đọa lạc đi nữa thì đến đời kế tiếp cũng chẳng thoát được, nói chung sớm muộn gì cũng phải vào Tam đồ ác đạo, không thể khác được, đây là sự thật, chẳng phải hù dọa. Mà vào Tam đồ thì thế nào rồi chúng ta đã rõ, chưa nói đến Địa ngục, Ngạ quỷ, chỉ riêng loài súc sanh thôi chúng ta đã thấy chúng khổ sở thế nào rồi, như con bò con trâu con ngựa, con chó con mèo, con dê, gà vịt, cho đến con rắn rết, chim cá, trùng kiến... cứ hết đời này lại sanh đời khác, tiếp nối hàng trăm hàng ngàn năm như thế, cho đến khi nào trả hết nghiệp mới thôi, rồi khi được sinh làm người trở lại thì cũng chẳng có phước báu gì, vẫn còn gánh theo nghiệp cũ chưa dứt hẳn nên thường phải sanh trong những hoàn cảnh nhân duyên rất khốn khổ hay tật nguyền sứt mẻ không lành lặn... Còn những ai trong thế gian này có phước báu lớn thường là do đời trước có tu hành, làm thiện, hay là từ các cảnh giới phía trên 'rớt xuống' nên tiếp tục được hưởng phước thừa còn lại thôi, chứ chẳng phải từ các cõi dưới sanh lên mà được vậy đâu, từ dưới sanh được lên thường đã hết sạch phước, nghiệp thì còn 'sót' lại rất nhiều, nên rất khổ cực lầm than. Đây là chưa nói gì đến Địa ngục, Ngạ quỷ đó nhé. Đó chính là cái 'viễn cảnh' chẳng sáng sủa tốt đẹp gì đang đợi sẳn chúng ta đấy, nếu như đời này không tận dụng cơ hội để thành tựu giải thoát được. Còn nếu như vẫn cam tâm chịu khổ thì thôi, đành chịu, có dạng này không? Có đấy, vô vàn, cái tâm chưa giác ngộ được thế nào là khổ đau thế nào là an vui giải thoát thì thường cứ cam tâm chịu vậy, trong đó có cả giới đang tu hành luôn.
Chúng ta tiếp tục nói một chút về công việc tu tập của hành giả Tịnh Độ, theo đường lối Tông chỉ tông yếu mà Chư Phật Chư Tổ Sư luôn khuyến dạy, đó là gầy dựng Tin Nguyện, niệm Phật cầu sanh về. Nói chung hành giả thời nay ít chú trọng về Tín nguyện, chỉ tập trung nổ lực hành trì dụng công, cho rằng đó là yếu tố quan trọng nhất để thành tựu, do đó đa phần chẳng màng đến việc gầy dựng Tín Nguyện. Bởi vậy chúng ta đã biết nguyên nhân vì sao hành giả bây giờ đa phần thiếu Tín tâm là vậy, tức là do họ không thấy được tầm quan trọng của Tín Nguyện tâm, nên chẳng chịu chân thật gầy dựng, chứ chẳng phải do họ đã cố gắng gầy dựng nhưng không được hay là thiếu căn cơ gì cả, vấn đề nó nằm ở chỗ đó. Bởi vậy, Chư Tổ Sư thì ra rả "được vãng sanh hay không là đo có Tín Nguyện [đầy đủ] hay không?" nhưng chúng sanh đâu có chịu nghe, thậm chí ngay cả các vị giảng sư hay thiện tri thức thuyết pháp cũng vậy, cứ là ra rả phải hành trì thế này thế kia, phải buông bỏ cái này cái nọ, nhưng thường chẳng đề cập đến Tín Nguyện một cách nghiêm túc, chân thật. Vì sao họ thích nói những cái đó? Vì đơn giản nói như thế thì nói hoài nói mãi, nói từ ngày này qua tháng nọ cũng chẳng bao giờ là đủ, nên chúng luôn là những đề tài 'thiên thu bất tận' cho những giảng sư 'chuyên nghiệp'. Chẳng hạn như nói về việc Buông bỏ thôi thì chắc nói đến già cũng không thể xong được, vì sao? Vì nay Phật tử dính cái này, ngày mai lại mắc vào cái khác, rồi cho đến lúc cuối hộ niệm luôn, vẫn là một chủ đề chính, đó là phải buông bỏ và buông bỏ mãi.... Trong khi nếu gầy dựng Tín tâm chân thật đầy đủ thì chẳng cần nói nhiều tâm cũng tự có thể xả bỏ được tất cả khi cần, chẳng lo phải dính mắc gì cả. Bởi vậy nên các Ngài mới dám khẳng định các hạng như vậy thì lâm chung chắc chắn được Phật rước, cho nên người mà thiếu Tín tâm thì không cách gì hiểu và tin được điều này đâu, họ luôn cho rằng đây là những lời vọng ngữ, bởi họ luôn nghĩ hiện tại bây giờ mà sao dám nói được tới tương lai, như lúc cuối đó chẳng may tâm dính mắc tùm lum hay tâm thần điên đảo không niệm được thì coi như xong. Bởi vậy cho nên các Ngài mới cực lực khuyên lơn rằng ngay khi bình thời đây hãy ra sức gầy dựng Tín Nguyện đi, đừng đợi tới nước cuối 'nhảy' không kịp đâu, chúng ta nên nhớ là gầy dựng Tín Nguyện tâm cho chân thật đầy đủ là cả một quá trình lâu dài bền bỉ, chứ chẳng phải một sớm một chiều mà có được 'Tín sâu, Nguyện thiết' đâu, chỉ trừ phi có một số trường hợp đặc thù trong 'quãng ngắn' nào đó và với những dạng là 'tờ giấy trắng' lúc đó thì mới dễ gầy dựng phát khởi lên ngay được, chứ còn dạng cả đời đã viết vẽ, đã tô mài nát bươm hết trong đó rồi mà vẫn chẳng ra gì, giờ lúc cuối lại bảo tẩy sạch sẽ [cái tâm] đi, làm lại từ đầu 'ngay và luôn' được ư? Không được đâu, những dạng như thế phải nói thẳng luôn là chẳng thể gầy dựng phát khởi lên được lúc đó, nên chỉ còn cách cậy vào Pháp Hộ Niệm để cứu vớt, mà với dạng này thì lúc đó đúng là Pháp Biên Địa luôn, không còn gầy dựng Tín Nguyện niệm Phật nữa đâu, bởi dẫu có khai thị cở nào đi nữa cũng không cách gì phát khởi lên Tín tâm chân thật được đâu, đảm bảo luôn!
Cho nên, điều quan trọng đó là phải xác định được 'tư tưởng' cái đã, thấy được tầm quan trọng của việc gầy dựng thì mới quyết tâm kiên trì theo đuổi, còn không thì thôi, chắc được ba bảy hai mốt ngày rồi bỏ, hoặc là có tư tưởng không có pháp này thì cậy vào pháp khác, kiểu vẫn còn nhiều sự lựa chọn cơ mà, thế thì thôi gầy dựng cả đời chắc cũng chẳng ra được cái gì, hoặc giả tâm sanh tử còn chưa thiết tha, nghĩ rằng còn trẻ khỏe, đời còn dài, giờ đây còn phải lo toang nhiều thứ, chưa chuyên tâm tu tập được, đợi đến lục thập hay thất thập gì đó mới buông xuống mà tu hành được, nói chung tâm tu đạo còn khá thong dong, chưa quyết liệt hay chưa tập trung đủ hết tâm lực để tu tập, như thế cũng khó có được Tín tâm chân thật. Nói chung là cái Pháp này nó đòi hỏi hơi cao về cái tâm tu đạo cầu giải thoát mới được, dĩ nhiên cái gì cũng phải từng bước một, cái gì cũng có sự khởi đầu, rồi mới đến trung cuộc, tàn cuộc..., cái gì cũng cần sự tích lũy, tích tiểu thành đại, không thể khác được.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 17. Tuyền Trì Công Đức (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ