Nhược bỉ chúng sanh, quá dục thử thủy, dục chí túc giả, dục chí tất giả, dục chí yêu dịch, dục chí cảnh giả, hoặc dục quán thân, hoặc dục lãnh giả, ôn giả, cấp lưu giả, hoãn lưu giả, kỳ thủy nhất nhất tùy chúng sanh ý, khai thần duyệt thể, tịnh nhược vô hình. Bảo sa ánh triệt, vô thâm bất chiếu.
Nếu những chúng sanh cõi kia đến tắm trong nước ấy thì hễ muốn nước dâng đến chân, muốn nước ngập đến gối, muốn nước ngập ngang lưng hay nách, muốn nước dâng đến cổ, hoặc muốn nước xối lên thân, hay muốn nước lạnh, ấm, nước chảy gấp, hay nước chảy thong thả thì nước đó mỗi mỗi đều thuận theo ý chúng sanh. [Nước làm cho người tắm] khai hiển thần thức, thân thể vui sướng. [Nước] sạch dường như vô hình, cát báu chiếu rực lên, dẫu sâu cách mấy cũng chiếu thấu.
Ðoạn này diễn tả nước có các diệu dụng, khéo đáp ứng ý muốn con người.
Sách Hội Sớ giảng câu “quá dục thử thủy” (đến tắm trong nước ấy) như sau: “Nhân thiên trong cõi ấy chẳng phải là thân ăn cơm, uống nước, thân họ được thành tựu một cách thanh tịnh sao lại cần phải tắm rửa? Ấy chẳng qua chỉ là để tùy ý hưởng vui, gột rửa cấu nhiễm trong tâm mà thôi”. Ý nói: Trời, người trong cõi Cực Lạc là liên hoa hóa thân, chẳng cần phải dùng đến cơm ăn, nước uống để duy trì thân mạng. Thân họ vốn sẵn thanh tịnh sao lại cần phải tắm gội? Chẳng qua là họ thích vui nên tắm cũng như để gột rửa cấu nhiễm trong tâm mà thôi. Cấu nhiễm trong tâm đã tiêu trừ thì tự nhiên tinh thần sảng khoái, thân thể an vui nên kinh bảo “khai thần duyệt thể” (khai hiển thần thức, thân thể vui sướng).
Diệu dụng của nước công đức ấy thật chẳng thể nghĩ bàn. Nước ấy dâng cao hay hạ thấp, nước nóng hay lạnh, dòng nước chảy gấp hay từ từ “nhất nhất tùy chúng sanh ý” (mỗi mỗi đều thuận theo ý chúng sanh). Nếu ai thoạt đầu muốn nước chỉ ngập đến chân, hoặc ngập đến hông, đến cổ, hoặc muốn nước phủ toàn thân thì cũng chỉ một dòng nước đó lại có thể tùy theo ý nghĩ mỗi người mà dâng lên hay hạ xuống tự tại; thậm chí nước có thể dâng đến tận hư không để xối xuống. Tánh của nước trong cõi thế gian này là luôn chảy xuống; còn nước trong cõi kia dẫu lên hay xuống đều vô ngại.
Hiểu ở mức cao hơn, chỉ cùng là một khối nước trong ao, nhiều người vào tắm trong ao, tùy theo ý thích mỗi người mà hiển hiện các sự bất đồng: hoặc cao, hoặc thấp, hoặc ấm, hoặc mát, hoặc chảy gấp, hoặc thong thả. Dòng nước ấy biết được ý của mỗi chúng sanh và còn có thể thuận theo ý của từng người khiến họ thỏa mãn. Dẫu cùng một lúc, cùng một chỗ nhưng nước lại có thể ứng hiện khắp các sự như thế thì nước ấy là thứ nước gì, cảnh giới ấy là cảnh giới nào? Kinh Pháp Hoa bảo: “Chỉ, chỉ, bất tu thuyết, ngã pháp diệu nan tư” (Thôi, thôi, chớ nên nói, pháp của ta mầu nhiệm khó nghĩ nổi). Những công dụng của nước chính là diệu pháp khó nghĩ nổi.
Với điều chẳng thể diễn tả nổi ấy, nay tôi lại miễn cưỡng trình bày: Phật Di Ðà khi tu nhân đã trụ trong Chân Thật Huệ để trang nghiêm Tịnh Ðộ, khai hóa, hiển thị Chân Thật Tế. Nói một cách miễn cưỡng, cái Chân Thật Tế ấy chính là Thật Tế lý thể, là tự tâm của đương nhân, mà cũng chính là một pháp cú, thanh tịnh cú, chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân. Nước ấy chính là Chân Thật Tế nên có thể phổ môn thị hiện, thỏa mãn các nguyện một cách trọn vẹn, với mỗi người đều ban cho cái lợi chân thật.
Trong đoạn sau, kinh nói nước ấy còn có khả năng diễn nói diệu pháp, điều này càng hiển thị rõ hơn ý nghĩa trên.
Trong câu “khai thần” (khai hiển thần thức), chữ “thần” (神) có nghĩa là sáng suốt. Do tâm thức của chúng sanh linh diệu chẳng thể nghĩ bàn nên tâm thức còn gọi là “thần thức” (神識: thế tục thường gọi lầm là linh hồn). Trong lời tựa bản chú giải kinh Duy Ma, ngài Tăng Triệu cũng giảng: “Đạo đến cùng cực, há có thể hình dung nên dùng trí huệ quyền biến để gọi nó là Thần Vực vậy!” Như vậy là cảnh giới chân chứng chẳng thể nghĩ bàn được gọi là Thần Vực (神域). Thêm nữa, trí huệ thấy thông suốt sự lý một cách tự tại nên gọi là “thần trí” (神智). Như vậy chữ “khai thần” có thể hiểu là nước làm cho người đến tắm khai hiển thần trí sẵn có trong thức tánh vậy.
Nước lại có đủ tám công đức, điều hòa, hợp ý nên bảo là “duyệt thể” (làm cho thân thể vui sướng). “Tịnh” là trong lặng, không nhơ. Chữ “vô hình” diễn tả nước hết sức thanh tịnh. Do nước quá trong sạch nên cát báu trải đáy ao có thể phản chiếu ánh sáng lên tận mặt nước, vì vậy bảo là “bảo sa ánh triệt” (cát báu chói rực lên), trông thấy suốt tận đáy nên bảo “vô thâm bất chiếu” (sâu cách mấy cũng chiếu thấu). “Tịnh nhược vô hình” (sạch dường như vô hình) là tướng của nước; “khai thần duyệt thể” (khai hiển thần thức, thân thể vui sướng) là công dụng của nước. Tướng lẫn Dụng đều vi diệu là vì bản thể của nước cũng rất vi diệu.
Vi lan từ hồi, chuyển tương quán chú. Ba dương vô lượng vi diệu âm thanh, hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh, Ba La Mật thanh, chỉ tức tịch tĩnh thanh, vô sanh vô diệt thanh, thập lực vô úy thanh, hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh, đại từ đại bi hỷ xả thanh, cam lộ quán đảnh thọ vị thanh.
Gợn sóng từ từ lan ra, lan khắp mặt nước. Sóng vỗ vang ra vô lượng âm thanh vi diệu, hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng, tiếng Ba La Mật, tiếng chỉ tức tịch tĩnh, tiếng vô sanh vô diệt, tiếng thập lực vô úy; hoặc nghe tiếng vô tánh, vô tác, vô ngã, tiếng đại từ, đại bi, hỷ xả, tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị.
Ðoạn kinh nêu lên chủ điểm thứ hai của phẩm kinh này: Nước có khả năng diễn thuyết diệu pháp.
Ðoạn này thuật tỉ mỉ một sự thật mầu nhiệm: Trong cõi Cực Lạc, những thứ vô tình có khả năng thuyết pháp để thành thục thiện căn cho chúng sanh.
“Vi lan” (gợn sóng): Những nếp nhăn nho nhỏ sanh trên mặt nước gọi là “ba” (波), sóng lớn gọi là “lan” (瀾). Chữ “vi lan” chỉ những gợn sóng lăn tăn. “Từ hồi”: “Từ” (徐) là thong thả, “hồi” (廻) là lan tỏa thành vòng tròn. Những gợn sóng từ từ lan ra khiến mặt nước bập bềnh, tạo nên những gợn sóng dập dềnh khác nên bảo là “chuyển tương quán chú” (lan khắp mặt nước). Sóng vỗ lẫn nhau phát ra những tiếng êm tai. Những âm thanh ấy nhiều đến vô lượng loại mà cũng vi diệu vô lượng nên kinh bảo “ba dương vô lượng vi diệu âm thanh” (sóng vỗ vang ra vô lượng âm thanh vi diệu). Kinh chép “vô lượng vi diệu” nghĩa là tiếng sóng có khả năng diễn nói vô lượng diệu pháp.
“Phật, Pháp, Tăng thanh”: Phật, Pháp, Tăng là Tam Bảo. Kinh Tiểu Bổn chép: “Văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm” (Nghe những âm ấy tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng).
“Ba La Mật” dịch là Ðáo Bỉ Ngạn hay Ðộ Vô Cực, hoặc là Sự Cứu Cánh. Dùng đại hạnh Bồ Tát hoàn tất các sự nghiệp của tự hạnh và hóa độ người khác nên bảo là Sự Cứu Cánh. Nương đại hạnh ấy để từ bờ này sanh tử vượt đến bờ kia Niết Bàn nên bảo là Ðáo Bỉ Ngạn. Do đại hạnh nên có thể thấu đạt chỗ rộng sâu của các pháp, vì thế gọi là Ðộ Vô Cực.
Trong chữ “Chỉ Tức”: “Chỉ” (止) có nghĩa là đình chỉ, trụ nơi lý chân thật bất động, “tức” (息) là ngưng nghỉ. Sách Chỉ Quán, quyển ba nói: “Tức có nghĩa là các ác giác quán, vọng niệm, tư tưởng đều ngưng bặt vắng lặng”. Vì vậy, “Tức” là ngừng dứt các vọng niệm.
Về chữ “tịch tĩnh” xin xem lời giải thích nơi câu “chư căn tịch tĩnh” (các căn tịch tĩnh) ở phần trước.
“Vô sanh vô diệt” là lý thể của Niết Bàn vốn chẳng sanh, chẳng diệt. Kinh Nhân Vương dạy: “Nhất thiết pháp tánh chân thật không, bất lai bất khứ, vô sanh vô diệt” (Tánh của hết thảy các pháp là chân thật không, chẳng đến, chẳng đi, vô sanh, vô diệt). Kinh Viên Giác cũng bảo: “Nhất thiết chúng sanh ư vô sanh trung, vọng kiến sanh diệt, thị cố thuyết danh luân chuyển sanh tử” (Hết thảy chúng sanh đối với vô sanh lại thấy lầm lạc là có sanh diệt. Vì thế gọi là trôi lăn trong sanh tử). Ngài Thanh Lương lại bảo: “Nếu nghe vô sanh thì liền biết hết thảy các pháp đều là không tịch, vô sanh vô diệt”.
“Thập lực” chính là trí thật tướng, hiểu rõ hết thảy được chứng đắc bởi Như Lai. Do trí ấy chẳng thể hoại được, chẳng có gì hơn được nên gọi là Lực (xin xem phần giải thích tường tận về Thập Lực trong phẩm bốn mươi sáu).
Thập Lực là: Tri thị xứ phi xứ trí lực, tri tam thế nghiệp báo trí lực, tri chư thiền giải thoát trí lực, tri chư căn thắng liệt trí lực, tri chủng chủng giải trí lực, tri chủng chủng giới trí lực, tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực, tri thiên nhãn vô ngại trí lực, tri túc mạng vô lậu trí lực, tri vĩnh đoạn tập khí trí lực. Ðấy là “thập lực”.
“Vô úy” còn gọi là “vô sở úy”; giữa đại chúng Phật thong dong thuyết pháp chẳng sợ hãi. Có bốn loại vô úy:
1. Nhất thiết trí vô sở úy: Giữa đại chúng, đức Phật nói rõ ta là bậc Nhất Thiết Trí lòng không e ngại.
2. Lậu tận vô sở úy: Giữa đại chúng, Phật nói ta đoạn sạch hết thảy phiền não lòng không e ngại.
3. Thuyết chướng đạo vô sở úy: Giữa đại chúng, Phật nói các chướng pháp như Hoặc nghiệp v.v… mà không sợ hãi.
4. Thuyết tận khổ đạo vô sở úy: Ở giữa đại chúng, Phật nói chánh đạo diệt khổ như giới, định, huệ v.v… lòng không sợ hãi.
Ðó là bốn Vô Sở Úy.
“Vô tánh” là như kinh Pháp Hoa nói: “Tri chư pháp thường vô tánh” (Biết các pháp thường vô tánh). Tánh là Thể, hết thảy các pháp đều không có thực thể nên bảo là “vô tánh”.
“Vô tác” là không có nhân duyên tạo tác, đồng nghĩa với chữ “vô vi”. Sách Hoa Nghiêm Ðại Sớ bảo: “Do còn có tạo tác nên gọi là hữu vi; hữu vi là vô thường. Không còn tạo tác thì gọi là vô vi. Vô vi chính là thường”.
Sách Thám Huyền Ký nói: “Pháp được phát khởi bởi duyên thì gọi là hữu vi; chân lý vô tánh gọi là vô vi”. Như vậy, “vô tác” lẫn “vô vi” chỉ là những tên gọi khác nhau của “chân lý”.
Sách Pháp Sự Tán lại bảo: “Cực Lạc vô vi Niết Bàn giới”. Niết Bàn là chẳng sanh chẳng diệt, dứt sạch hết thảy tướng hữu vi nên gọi là vô vi. Xa lìa hết thảy tạo tác hữu vi nên bảo là vô tác. Toàn thể cõi nước Cực Lạc là thanh tịnh cú “chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân” nên Cực Lạc được gọi là “vô vi Niết Bàn giới”.
“Vô ngã”: Ngã (我) được hiểu là cái gì có thể tánh thường hằng, chẳng biến đổi, có tác dụng làm chủ tể. Nếu chấp trong thân người có cái Ngã như vậy thì gọi là Nhân Ngã. Chấp rằng pháp có cái Ngã như thế thì gọi là Pháp Ngã. Nhưng thân người vốn là do Ngũ Uẩn giả hợp thành, Thể của cái Ngã đó nào phải là thường hằng bất biến như sách Chỉ Quán, quyển bảy đã nói: “Do thiếu trí huệ nên chấp rằng có Ngã; dùng trí huệ quán sát thì thật sự chẳng có Ngã! Ngã ở chỗ nào: đầu, mắt, hay chân tay? Quán sát kỹ càng mỗi thứ, trọn chẳng thấy Ngã”.
Sách Nguyên Nhân Luận cũng bảo: “Từ vô thỉ đến nay, do sức nhân duyên nên sắc thái, hình hài và cái tâm suy lường cứ sanh diệt liên tục không ngừng trong mỗi niệm như sóng lớp sau đùa lớp trước, như ngọn đèn cháy liên tục. Thân tâm giả hợp tựa hồ là một, dường như là thường (nhưng thật ra trong mỗi sát-na đều sanh diệt không ngừng). Phàm phu chẳng hay biết nên chấp đấy là Ngã, quý báu cái Ngã ấy, sanh khởi ba độc tham, sân, si. Ba độc khích động ý căn nên phát động thân, miệng tạo tác hết thảy các nghiệp”.
“Pháp” thì cũng là do nhân duyên sanh ra; nó cũng chẳng có một cái Ngã thể thường hằng bất biến. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển hai bảo: “Pháp chẳng có thật tánh nên bảo là Vô Ngã”. Vì vậy, kinh Thập Ðịa dạy: “Vô Ngã Trí hữu nhị chủng, Ngã Không, Pháp Không” (Trí Vô Ngã có hai thứ: Ngã Không và Pháp Không). Kinh Kim Cang cũng dạy: “Thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ Tát” (Người hiểu rõ không có Ngã và Pháp thì Như Lai nói người ấy thật sự là Bồ Tát).
“Đại từ đại bi hỷ xả thanh” (chữ “hỷ xả” trích từ bản Tống dịch). Từ bi hỷ xả chính là Tứ Vô Lượng Tâm: Từ vô lượng tâm là tâm ban vui; Bi vô lượng tâm là tâm dẹp khổ; Hỷ vô lượng tâm là thấy người lìa khổ hưởng vui thì sanh lòng vui thích; Xả vô lượng tâm là buông bỏ cả ba thứ tâm trên, chẳng hề chấp trước. Xả vô lượng tâm còn có nghĩa là đối với kẻ oán lẫn người thân đều bình đẳng, không chấp trước là oán hay thân. Bốn vô lượng tâm này duyên khắp chúng sanh, dẫn khởi vô lượng phước, đắc vô lượng quả nên gọi là Tứ Vô Lượng Tâm.
Trong câu “cam lộ quán đảnh thọ vị thanh”, “cam lộ” (Amrta) là thứ sương ngọt mà chư thiên thường ăn; vị nó ngọt như mật. Sách Kim Quang Minh Văn Cú, quyển năm giảng: “Cam lộ là thuốc bất tử của chư thiên, ăn vào sống lâu, thân an ổn, sức thêm mạnh mẽ, thân thể sáng ngời”.
Trong Hiển giáo, “Quán Đảnh thọ vị” là khi Ðẳng Giác Bồ Tát sắp đạt địa vị Diệu Giác thì hết thảy mười phương Phật dùng nước trí huệ rưới lên đảnh Bồ Tát giống như Chuyển Luân Thánh Vương dùng nước bốn biển rưới lên đầu Thái Tử xướng rằng: “Thái Tử đã nhận lấy địa vị”. Ðấy là “Quán Đảnh thọ vị” (rưới nước lên đỉnh đầu để nhận chức).
Còn trong Mật Giáo thì như sách Bí Tạng Ký Sao nói: Dùng nước để rưới lên đảnh thì gọi là Cam Lộ Quán Đảnh.
Sách Bí Tạng Ký cũng nói: “Bồ Tát từ Sơ Ðịa dần dần đạt tới Ðẳng Giác, lúc gần rốt ráo thành Phật, chư Phật dùng nước đại bi rưới lên đảnh thì tự hạnh viên mãn chứng đắc Phật quả”.
Các pháp âm vi diệu như vậy đều từ tiếng sóng tự nhiên phát ra. Vô tình thuyết pháp khắp trọn cõi nước. Ao nước rừng cây đều tuyên dương diệu pháp.
Ảnh: “Văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm” (Nghe những âm ấy tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng)
(Kinh A Di Đà bằng tranh - Nguồn: phatgiao.org.vn)
Ở cõi nước ấy, nước thì "khai thần duyệt thể, tịnh nhược vô hình" ( [Nước làm cho người tắm] khai hiển thần thức, thân thể vui sướng); rồi sóng thì "Ba dương vô lượng vi diệu âm thanh, hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh..." (Sóng vỗ vang ra vô lượng âm thanh vi diệu, hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng...), hoặc "văn vô tánh vô tác vô ngã thanh" (hoặc nghe tiếng vô tánh, vô tác, vô ngã)...
Ở cõi này phải chi có được sóng, nước như vậy thị đỡ biết bao! Bởi cõi này "Phàm phu chẳng hay biết nên chấp đấy là Ngã, quý báu cái Ngã ấy, sanh khởi ba độc tham, sân, si. Ba độc khích động ý căn nên phát động thân, miệng tạo tác hết thảy các nghiệp”. Thiên tai, nhân họa, dịch bệnh, đao binh... suy cho cùng thảy đều do chấp cái này [ngã] mà ra. Thế nhưng đâu biết rằng hết thảy đều không có [những cái Ngã này]. Rõ ràng phàm phu chúng ta nếu không hiểu Đạo thì cả đời toàn làm những việc ..chi chi không đâu, để rồi cuồi cùng cùng nhau vào Tam Đồ chịu khổ.
Nhưng thôi, nay hiểu rồi, thì phải 'mượn giả tu thật' vậy [không mượn thì lấy gì mà tu]. Cố gắng tu cho tốt để còn về cõi "Chân Thật tế" Cực Lạc vậy.
Về vấn đề dụng công tu tập, thời khóa Chính Sáng Tối [hoặc nhiều thời hơn càng tốt], chúng ta thường Lễ Phật - Niệm Phật kết hợp, rồi Địa chung, Kinh hành, tụng Kinh... Nhưng trong thời khóa này, không thể thiếu một thời [hay nhiều thời] Địa Chung. Vì sao? Vì đây chính là lúc chúng ta nhiếp tâm dễ nhất, sâu nhất. Đại Thế Chí Bố Tát nói trong Kinh: "Nhiếp trọn sáu căn, Tịnh niệm tiếp nối - ấy chính là diệu pháp bậc nhất" [cho Tích lũy Tịnh nghiệp, Sám hối, hồi hướng...]. Thế nên, Địa Chung rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong Thời Khóa chính. Nên dành nhiều thời gian cho thời khóa Đia Chung này.
Ngoài thời khóa chính thì chúng ta Tu Mót [đôi khi còn nhiều hơn thời khóa chính] suốt ngày, bất cứ lúc nào, ở đâu, sáng, tối...
Siêng năng tinh tấn hành trì, Tin Bổn Nguyện, Nương Bổn Nguyện, mà niệm Phật, trăm người hết 99 người được Phật rước [thật sự], người còn lại là do không muốn về đấy thôi!
Trích, lục Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 17. Tuyền Trì Công Đức
Ngài Hoàng Niệm Tổ