Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi ba: Hương báu xông khắp)
Giải:
Ðây là nguyện bốn mươi ba: “Hương báu xông khắp”.
Sách Hội Sớ bảo trong thế giới Sa Bà, “vàng bạc tuy lóng lánh nhưng chẳng có mùi hương Chiên Đàn. Trầm, xạ tuy thơm ngát nhưng không có ánh sáng của châu, ngọc”. Nay trong cõi Cực Lạc, hết thảy vạn vật nghiêm tịnh, sáng đẹp, lại còn có mùi thơm kỳ diệu ngào ngạt xông khắp mười phương làm đủ các Phật sự nên bảo là “kỳ diệu”.
Trong kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Chúc Hương bảo: “A Na Bà Đạt trì biên xuất trầm thủy hương, danh Liên Hoa Tạng. Nhược thiêu nhất hoàn như ma tử đại, hương khí phổ huân Diêm Phù Đề giới. Chúng sanh văn giả, ly nhất thiết tội, giới phẩm thanh tịnh.
Tuyết Sơn hữu hương, danh Cụ Túc Minh Tướng. Nhược hữu chúng sanh, khứu thử hương giả, kỳ tâm quyết định ly chư nhiễm trước.
La Sát giới trung hữu hương, danh Hải Tạng, kỳ hương đản vi Luân Chuyển Vương dụng, nhược thiêu nhất hoàn, hương khí sở huân, vương cập tứ quân, giai đằng hư không, du chỉ tự tại.
Thiện Pháp Đường trung hữu hương, danh Hương Tánh Trang Nghiêm, nhược thiêu nhất hoàn, huân bỉ thiên chúng, phổ linh phát khởi niệm Phật chi tâm.
Tu Dạ Ma thiên trung hữu hương, danh Tịnh Tạng Tánh, nhược thiêu nhất hoàn, huân bỉ thiên chúng, mạc bất vân tập bỉ thiên vương sở, cung kính thính văn vương sở thuyết pháp.
Đâu Suất thiên trung hữu hương, danh Tín Độ Phạ La. Ư Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát tòa tiền, nhược thiêu nhất hoàn, hưng đại hương vân, biến phú pháp giới, phổ vũ nhất thiết chư cúng dường cụ, cúng dường nhất thiết Như Lai đạo tràng Bồ Tát chúng hội.
Diệu Biến Hóa thiên hữu hương, danh Đoạt Ý Tánh. Nhược thiêu nhất hoàn, ư thất nhật trung, phổ vũ nhất thiết bất khả tư nghị chư trang nghiêm cụ”.
(Nơi bờ ao A Na Bà Ðạt sanh ra một loại trầm thủy hương tên là Liên Hoa Tạng. Nếu thiêu một hoàn to bằng một hạt mè thì mùi hương xông khắp cõi Diêm Phù Ðề. Chúng sanh ngửi được lìa hết thảy tội, giới phẩm thanh tịnh.
Núi Tuyết có loại hương tên là Cụ Túc Minh Tướng. Nếu có chúng sanh ngửi được mùi hương tâm quyết định lìa các nhiễm trước.
Trong cõi La Sát có loại hương tên là Hải Tạng, hương ấy chỉ mình Chuyển Luân Vương dùng. Nếu đốt một hoàn, mùi hương bốc lên, vua và bốn đạo binh đều bay lên hư không, du hành tự tại.
Trong Thiện Pháp Ðường có loại hương tên là Hương Tánh Trang Nghiêm, nếu thiêu một hoàn, hương xông thiên chúng khiến cho tất cả bọn họ đều phát khởi tâm niệm Phật.
Trời Tu Dạ Ma có loại hương tên là Tịnh Tạng Tánh, nếu thiêu một hoàn, hương xông thiên chúng thì không ai là chẳng vân tập đến chỗ thiên vương, cung kính nghe vua thuyết pháp.
Trời Ðâu Suất có loại hương tên là Tín Ðộ Phạ La, nếu thiêu một hoàn trước tòa của bậc Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát, liền biến thành đám mây hương lớn che khắp pháp giới, mưa xuống khắp hết thảy các thứ vật cúng dường để cúng dường hết thảy Như Lai, đạo tràng, Bồ Tát chúng hội.
Trời Diệu Biến Hóa có loại hương tên Đoạt Ý Tánh, nếu thiêu một hoàn thì trong vòng bảy ngày mưa khắp hết thảy các vật trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn).
Những thứ hương thế gian vừa thuật trên đây còn có công dụng thù thắng đến như thế; huống là thứ hương vạn đức của pháp giới do bổn nguyện của Phật Di Ðà hóa hiện.
Phẩm Hương Tích Phật của kinh Duy Ma có chép như sau: “Nhĩ thời, Duy Ma Cật vấn Chúng Hương Bồ Tát: - Hương Tích Như Lai, dĩ hà thuyết pháp? Bỉ Bồ Tát viết: - Ngã độ Như Lai, vô văn tự thuyết, đản dĩ chúng hương linh chư thiên nhân đắc nhập Luật Hạnh. Bồ Tát các các tọa hương thụ hạ, văn thử diệu hương, tức hoạch nhất thiết Đức Tạng tam-muội”.
(Lúc bấy giờ, ngài Duy Ma Cật hỏi Chúng Hương Bồ Tát: - Hương Tích Như Lai thuyết pháp bằng cách nào? Bồ Tát đáp: - Như Lai trong cõi tôi chẳng dùng văn tự để nói, Ngài chỉ dùng các thứ hương khiến cho các trời, người thâm nhập Luật Hạnh. Mỗi vị Bồ Tát ngồi dưới gốc cây có mùi thơm, nghe mùi diệu hương ấy liền đạt được hết thảy Đức Tạng tam-muội).
Diệu hương cõi Cực Lạc cũng giống như vậy, có công đức vô biên, xông khắp mười phương làm đủ các việc lợi ích, khiến cho những chúng sanh ngửi được mùi hương ấy “giai tu Phật hạnh” (đều tu Phật hạnh), “trần lao cấu tập tự nhiên bất khởi” (trần lao, tập khí phiền não tập tự nhiên chẳng khởi) (xem phẩm hai mươi của kinh này). Vạn vật trong cõi Cực Lạc đều do vô lượng hương báu hợp thành, hương ấy lại xông khắp mười phương thế giới, đều hiển thị sự sự vô ngại pháp giới.
Ảnh minh họa: Thế giới Cực Lạc (Kinh A Di Đà bằng tranh)
Những Nguyện này là những Nguyện mà Đức Từ Phụ A Di Đà đang phát khởi ra để gầy dựng một Quốc độ tốt đẹp, lý tưởng nhất cho chúng sanh Thập phương vân tập về, vừa lìa khổ được vui, vừa chắc chắn sẽ viên mãn Đại đạo Bồ Đề. Cũng giống như chúng ta đang tu tập ở cõi này thường hay vân tập về một ngôi Già lam vui tươi tốt đẹp nào đó để tu tập cầu giải thoát. Chỉ có điều cõi kia một khi được về đó rồi thì không còn bị thoái chuyển, không còn khổ đau nữa, vĩnh viễn lìa khổ được vui, cắt đứt dây trói sanh tử [trừ khi thừa nguyện trở lại độ sanh]. Còn những nơi chốn này chúng ta vân tập về tu tập xong rồi trở về nhà thì không biết có còn gặp khổ đau nữa không?! Đây chỉ là chút so sánh vui mà thôi. Cho nên dù thế nào cũng phải quyết chí về cõi ấy vậy.
Trong đoạn Kinh văn này chúng ta thấy có đoạn "Tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh". Thật sự là một cõi nước thù thắng biết bao! Ngửi mùi hương báu thì an lạc vô lượng, phiền não tập khí không thể dấy khởi được, dần sẽ tiêu trừ sạch sẽ, tất cả đều tu Phật hạnh. Cho nên hàng phàm phu chưa đoạn Phiền hoặc về cõi ấy sẽ đoạn hết Phiền hoặc, do chủng tử [nhân] thì có thể còn, nhưng duyên thì không có nên không thể trổ quả [phiền não, khổ đau]. Theo thời gian tu tập sẽ đoạn sạch luôn cái nhân Phiền não vô minh, "hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh". Hàng phàm phu đới nghiệp vãng sanh về cõi ấy là như vậy, còn hạng bậc Thượng thì sanh về hoa nở thấy Phật ngay. Hạng bét Hạ hạ phẩm vãng sanh thì phải trải qua 12 kiếp hoa mới nở, một quãng thời gian bao lâu thì không biết nữa?! Chắc là tính theo kiếp số trên đó sẽ rất lâu dài. Vậy để vãng sanh Phẩm vị tốt, tương đối thì hành giả phải làm gì đây? Dĩ nhiên là phải siêng năng tinh tấn, dốc lòng dốc sức hành đạo đi. Việc thế gian thì cố gắng tròn bổn phận, những việc làm mất thì giờ [mà vô bổ] thì cần 'gọt bỏ', chấp nhận hy sinh, chuyên tâm vì đạo. Sống "đoạn ác tu thiện", tu tâm dưỡng tánh, tự lợi lợi tha. Nương theo ý trong Quán Kinh thì các bậc Hạ thấp đó dành cho những thành phần xấu ác đã chịu hồi đầu, thời gian tu tập chưa nhiều [nên dĩ nhiên nghiệp chướng còn rất sâu nặng], mà điển hình là hạng Ngũ nghịch thập ác, lâm chung được hướng dẫn khai thị, niệm mười niệm vãng sanh.
Có một vấn đề mà các Ngài còn bàn luận với nhau nhiều, đó là Biên Địa Nghi Thành được xếp ở đâu? Xen kẻ vào các Bậc vãng sanh hay là chưa được dự vào Chín bậc vãng sanh này. Về vấn đề này, các Ngài có những lý luận khác nhau. Chúng ta thấy trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật thuyết rằng nếu phải sinh trong Biên Địa thì phải trải qua 500 năm không thấy Tam Bảo, không nghe được Pháp, không gặp được Bồ Tát, Thánh chúng... Đây rõ ràng là một ách nạn [đối với nhân dân cõi ấy], dĩ nhiên là đã vĩnh viễn lìa sanh tử. Theo lý luận của một số Chư Tổ, phẩm Hạ hạ sanh phải trải qua 12 kiếp hoa mới nở, nếu xét theo thời lượng trên đó thì phải dài hơn 500 năm rất nhiều. Nên nếu xếp Biên địa chưa được dự vào các Bậc vãng sanh thì thật là vô lý! Cho nên theo ý các Ngài thì rất có thể các Bậc vãng sanh [Trung, Hạ] đều có thể 'kèm' thêm phần Biên địa trong đó. Bởi chúng ta biết, phẩm vị được quyết định bởi nhiều yếu tố như: công phu sâu cạn, thời lượng hành trì dài ngắn, tu Giới - Định - Huệ ra sao, năng lực độ sanh lợi lạc chúng sanh, đoạn ác tu thiện... Tuy nhiên, phải sanh về Biên địa lại là một phạm trù hoàn toàn khác, chúng ta đọc kỹ Phẩm này trong Kinh sẽ thấy rõ điều này. Cho nên Chư Tổ thường nói đừng nói là phàm phu, ngay cả các vị bậc Thượng căn [tu Giới định huệ tốt đẹp rốt ráo, công phu sâu...] vẫn chưa chắc có được Tín tâm chân thật đối với Pháp môn này, nên các vị ấy nếu được vãng sanh thì phẩm vị chắc chắc không thể thấp, nhưng coi chừng vẫn phải rớt vào Biên địa một thời gian [500 năm]. Cho nên, đối với hành giả Tịnh Độ, gầy dựng giữ vững Tín tâm chân thật đầy đủ với Pháp môn này rất quan trọng, vừa thành tựu đạo nghiệp giải thoát vừa không phải sanh trong Biên Địa. Nên Phật nói rằng "Tâm nghi hoặc tổn hại rất lớn, mất lợi ích lớn [ngay cả] đối với các bậc Bồ Tát".
Chúng ta cùng đọc và học tập các chú giải của các Ngài phần đoạn Kinh văn này.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ