Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc thần thông tự tại, Ba La Mật Đa. Ư nhất niệm khoảnh, bất năng siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát, châu biến tuần lịch cúng dường chư Phật giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều được thần thông tự tại, Ba La Mật Đa. Trong khoảng một niệm chẳng thể vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật, đến khắp tất cả [các cõi ấy] cúng dường chư Phật thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện thứ mười: Thần Túc Thông; nguyện mười một: Cúng dường khắp chư Phật)
Giải:
Chương này nói đến nguyện thứ mười: “Thần Túc Thông” và nguyện mười một: “Cúng dường khắp chư Phật”. Lời kinh nói gộp hai nguyện. Trong câu “châu biến tuần lịch cúng dường chư Phật” (đến khắp tất cả cúng dường chư Phật), chữ “tuần lịch” (巡歷: đến khắp, đi qua trọn khắp) là nguyện thứ mười, “cúng dường” là nguyện thứ mười một.
“Ba La Mật Đa” (Paramita) hoặc Ba La Mật dịch là Sự Cứu Cánh, Ðáo Bỉ Ngạn, Ðộ Vô Cực, hoặc chỉ dịch gọn là Ðộ. Ðại hạnh của Bồ Tát có thể hoàn thành trọn vẹn hết thảy tự hạnh và sự nghiệp hóa độ người khác, nên gọi là Sự Cứu Cánh. Bồ Tát nương những đại hạnh ấy có thể từ bờ này sanh tử vượt đến được bờ kia Niết Bàn rốt ráo nên gọi là Ðáo Bỉ Ngạn (Ba La là bờ kia, Mật Đa là đến, theo văn phạm phương kia (Ấn Độ) là Bỉ Ngạn Đáo, tiếng Hán là Đáo Bỉ Ngạn). Do đại hạnh ấy sẽ thấu đạt được sự sâu rộng của các pháp nên gọi là “độ vô cực”.
Sanh về cõi kia liền đầy đủ thần thông (Thần là diệu dụng chẳng thể lường nổi, Thông là dung thông tự tại) tự tại vô ngại, có thể triệt để quán triệt hết thảy tự hạnh và sự nghiệp hóa độ người khác, nên bảo là “thần thông tự tại Ba La Mật Đa”.
Câu “ư nhất niệm khoảnh… siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát” (trong khoảng một niệm... vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật) diễn tả Thần Túc Thông, còn gọi là Thần Túc Trí Thông, Thần Cảnh Trí Thông, Thân Như Ý Thông, Thân Thông. “Na-do-tha” (Nayuta) là Ức (một vạn vạn). Thời cổ, Trung Hoa hiểu chữ Ức theo ba cách khác nhau: mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn. Vì vậy, các vị cổ đức cũng phán định con số này không đồng nhất.
Sách Hội Sớ giảng chữ “thần túc” (cũng gọi là Như Ý Túc) như sau:
“Thần Túc có ba loại:
1. Vận thân hành: Bay trên không giống như chim bay.
2. Thắng giải thông: Với chỗ xa xôi nhất, chỉ tác ý tư duy liền tới ngay đó.
3. Ý thế thông: Với chỗ xa xôi nhất, tâm vừa nghĩ đến, thân đã ở đấy”.
Câu “ư nhất niệm khoảnh” (trong khoảng một niệm) ý nói thời gian rất ngắn. Bao lâu là một Niệm? Có nhiều thuyết khác nhau, xin xem lời giải thích trong phần trước. Theo sách Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập thì một sát-na là một niệm, cũng như theo Ðại Luận: “Trong khoảng khảy ngón tay có sáu mươi sát-na”, ta thấy rằng một niệm lâu bằng một phần sáu mươi thời gian khảy ngón tay. Như vậy, một niệm cực ngắn ngủi.
Trong khoảng một sát-na cực ngắn như thế đã có thể “siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát châu biến tuần lịch” (vượt qua ức na-do tha trăm ngàn cõi Phật, đi khắp tất cả) thì hiển nhiên, thần thông diệu dụng của người cõi Cực Lạc chẳng thể nghĩ bàn.
Trong một sát-na vượt qua được những cõi Phật nhiều đến như vậy là ngụ ý: Đến được những cõi rất xa.
Câu “châu biến tuần lịch” (đi khắp tất cả) ngụ ý: Con số cõi nước họ đến cực lớn. Câu “cúng dường chư Phật” ngụ ý: Tuy phát khởi lên rất nhiều sự, nhưng chỉ trong khoảng một niệm đều viên mãn thành tựu được hết tất cả những sự việc ấy. Rõ ràng cõi nước Cực Lạc sự sự vô ngại, một tức là nhiều, nhiều tức là một, kéo dài, rút ngắn đồng thời, hạt cải dung nhập núi Tu Di, mười phương chẳng rời khỏi nơi mình đang trụ. Trong một niệm cúng trọn tất cả, ba đời nào khác một niệm, đương hạ tức thị, thâu tóm trọn vẹn không sót. Vì vậy, ta thường nói: “Hoa Tạng nào khác Cực Lạc, Tịnh Ðộ chứa trọn sự huyền diệu”.
Ảnh minh họa: "Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãi y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác, vừa đến giờ ăn, trở về nước mình, ăn cơm, kinh hành."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn Kinh văn này nói đến hai Nguyện: Đắc Thần Túc Thông và Cúng Dường Khắp Chư Phật. Đây là hai Nguyện rất quan trọng và cần thiết dành cho nhân dân cõi ấy, giúp cho họ có thể hành phương tiện sự một cách rốt ráo viên mãn mà chẳng nơi đâu có thể sánh bằng được. Vừa có được Thần thông để đến đi tự tại, nhanh chóng, vừa có đầy đủ tất cả các thứ vật dụng đồ cúng dường trân bảo thù thắng [muốn thứ gì liền có thứ ấy] để đem dâng cúng dường khắp các Chư Phật trong Pháp giới. Phương tiện rốt ráo, công đức viên mãn, liệu còn điều gì ưa thích cho bằng! Chúng ta hãy thử so sánh một chút với thế gian ở cõi Ta Ba này thì thấy thế nào?! Vậy còn chần chừ gì nữa mà không 'gác lại' những chuyện thế gian phù phiếm [và mất thời gian] mà tập trung tu tập, ngõ hầu xong một đời này sẽ được Phật rước về cõi ấy, hưởng các sự an vui tự tại, làm các công đức vi diệu thù thắng như thế.
Ý nghĩa Kinh văn đoạn này đã được các Ngài chú giải đầy đủ, chúng ta đọc để biết thêm kiến thức, học tập. Thật sự, nhiều lúc đọc các đoạn Kinh văn này cũng không biết nguyên do gì mà nhân dân cõi ấy lại có được phước phần lớn lao đến như vậy [mà các cõi khác không có được vậy]? Thật là quá...khủng, không thể nào nghĩ bàn hết được! Lý do là vì sao? Đành rằng tất cả đó đều là nhờ Nguyện lực của Phật nên mới được như vậy, nhưng họ đã gieo cái nhân duyên gì để được hưởng [cái quả] như thế? Đó là nhờ công đức niệm Phật? Công đức niệm Phật 'kinh khủng' đến vậy chăng? Từ niệm trọn đời cho đến vài năm, vài tháng, vài ngày, một ngày, mười niệm, một niệm... cũng đều được như thế cả. Đúng là không thể nghĩ bàn thật! Pháp môn chỉ Phật cùng Phật mới hiểu hết được. Phàm phu chúng ta hiểu được cái gì thì hiểu, còn không hiểu được thì chỉ nên nghe [đọc] và...tin [chứ đừng cố suy lường nhé, sẽ thành thế trí biện thông ngay].
Chúng ta lại tiếp tục dành một chút thời gian để bàn luận 'cách thức' để đời này tất cả đều được Phật rước về cõi ấy, được hưởng các sự an vui vi diệu [ví dụ như trên]. Chứ còn tán thán mãi mà chỉ dành cho người không, còn bản thân mình chẳng được gì thì cũng đâu có ý nghĩa, đúng không? Chúng ta đều được biết rằng, muốn được về cõi ấy thì Tín tâm Nguyện tâm phải chân thật đầy đủ, rồi dùng cái 'động lực' này [tâm lực] để thúc đẩy việc dụng công hành trì tinh tấn không biếng trễ. Cứ cố gắng duy trì như thế mãi, cả đời, không sao nhãng lui sụt, đợi đến lúc mãn phần được Phật rước về cõi An Lạc. Một chặng đường như thế kể ra thì không phải quá dài [có thể gọi là "ngắn ngủi" theo lời Phật nói] nhưng rõ ràng cũng không phải là quá ngắn. Cũng có thể xem như 'dài dằng dặc' đấy, với phàm phu chúng ta chẳng phải chuyện chơi. Trong suốt quãng đời hành đạo này chúng ta cần phải 'tùy duyên nhưng bất biến', tức là có cái tùy duyên nhưng có cái không thể tùy duyên được, mà phải không được đổi thay [theo hoàn cảnh, nhân duyên] mới được. Chứ đừng có cái gì cũng tùy duyên hết, rồi 'vạn sự tùy duyên' luôn là...xong. Vì sao vậy? Đó là vì chúng ta đang sống ở đâu đây, ở Ta Bà hay Cực Lạc? Đã sống giữa cõi Ngũ Trược Ác thế này mà tùy thuận hết thì thôi..., bỏ đạo luôn cho rồi [hay có đạo mà khỏi giải thoát luôn]. Điều này thì mỗi chúng ta nếu ai trải trường một chút đường đời đường đạo sẽ tự biết ngay thôi, không cần luận bàn. Cái chúng ta cần luận bàn ở đây đó là cái 'bất biến' vừa nói. Làm sao chúng ta duy trì, gìn giữ được đạo tâm một cách lâu bền suốt cả đời? Cụ thể đạo tâm ở đây chính là Tín Nguyện tâm của hành giả Tịnh Độ chúng ta. Đó chính là cái 'xương sống', kim chỉ nam xuyên suốt trên hành trình của chúng ta. Đây có thể xem như 'động cơ đốt trong' của mỗi hành giả chúng ta vậy. Động cơ này mà có vấn đề, bị trục trặc, hay chạy không được thì phải gấp rút 'bảo trì' ngay, hay nói cách khác phải 'nạp năng lượng' đầy đủ, rồi thường chăm nom nó mỗi ngày không gián đoạn [như thế còn chưa ăn thua nữa là...]. Câu hỏi đặt ra là, vậy có cách nào giúp động cơ này trở thành 'vĩnh cữu' được không? Tức là vẫn duy trì được mãi không thoái chuyển cho đến lúc cuối? Câu trả lời là có đấy! Có một loại 'nhiên liệu quý' giúp cho động cơ chạy mãi không thôi, có thể xem như 'bất biến', không bị đổi thay, không bị hao mòn. Mà nhiên liệu này thì ai ai cũng có sẵn. Đó chính là Chân tâm tự tánh của mỗi chúng ta. Nếu ai 'chọc hút' cho chạm được đến 'cái mỏ' này thì có thể yên tâm. Chẳng bao giờ sợ thiếu năng lượng nữa. Giúp cho 'động cơ' chúng ta [Tín Nguyện tâm] luôn hoạt động xuyên suốt, bất kể cảnh duyên bên ngoài thay đổi ra sao. 'Bất biến', chân thật, đầy đủ, thật sự như vậy. Bởi chúng ta biết một trong những thuộc tính của nó chính là bất biến, 'bất sanh bất diệt'. Chúng ta nếu chân thật học tập ắt sẽ có ngày có được thôi. Còn không thì phải đợi đến lúc cuối Hộ Niệm. Nếu cả đời siêng năng tinh tấn, chuyên nhất, thì cơ hội cũng vẫn tràn trề cho mỗi chúng ta vậy. Tất nhiên là không thể thù thắng tự tại bằng cách kia được.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục, lần 2)
Ngài Hoàng Niệm Tổ