Phục hữu chúng bảo diệu y, quan, đới, anh lạc, vô lượng quang minh, bách thiên diệu sắc, tất giai cụ túc, tự nhiên tại thân.
Lại có các thứ y báu tốt đẹp, mũ, đai, chuỗi anh lạc vô lượng quang minh, trăm ngàn sắc nhiệm mầu thảy đều đầy đủ, tự nhiên khoác trên thân.
Ðoạn kinh này thuật rõ người cõi Cực Lạc tự tại thụ dụng y phục, vật trang sức.
“Ðới” (帶) là dây thắt lưng (đai). “Anh lạc” (瓔珞): Đàn ông, đàn bà thuộc giới quý tộc Ấn Ðộ thường kết ngọc thành chuỗi để đeo trên mình, gọi là “anh lạc”. Các thứ y phục, trang sức như thế đều bằng các thứ báu hợp thành nên kinh nói: “Chúng bảo diệu y” (Các thứ áo báu tốt đẹp). Vì chúng do các báu hợp thành nên có quang sắc vi diệu như Quán Kinh tả: “Nhất nhất bảo trung, hữu ngũ bách sắc quang” (Mỗi một thứ báu tỏa ra năm trăm sắc quang). Do đó, y phục, vật trang sức có “vô lượng quang minh”. Quán Kinh lại bảo: “Nhất nhất quang minh, bát vạn tứ thiên sắc” (Mỗi một quang minh có tám vạn bốn ngàn màu) nên y phục, vật trang sức có “bách thiên diệu sắc” (trăm ngàn sắc nhiệm mầu). Nói “trăm ngàn” cũng chỉ là cách nói ước lệ để diễn tả một con số rất lớn.
Trong mỗi sắc lại phóng quang minh như Quán Kinh nói: “Lưu ly sắc trung xuất kim sắc quang, pha ly sắc trung xuất hồng sắc quang” (Trong sắc lưu ly tỏa ánh sáng vàng ròng; trong sắc pha lê tỏa ánh sáng màu hồng…) Bởi thế, quang sắc trùng trùng vô tận. Các thứ y phục, vật trang sức trang nghiêm trọn vẹn như vậy tự nhiên hiện trên thân chẳng cần phải nhọc công tạo tác.
Sở cư xá trạch, xứng kỳ hình sắc. Bảo võng di phú, huyền chư bảo linh, kỳ diệu, trân dị, châu biến hiệu sức, quang sắc hoảng diệu, tận cực nghiêm lệ. Lâu, quán, lan thuẫn, đường, vũ, phòng, các, quảng hiệp phương viên, hoặc đại, hoặc tiểu, hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa, thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc, ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc.
Nhà cửa họ ở đều tương xứng với hình sắc. Lưới báu trùm khắp, treo các linh báu kỳ diệu, quý lạ, trang hoàng trọn khắp, quang sắc chói lòa, trang nghiêm đẹp đẽ đến cùng cực. Lầu, quán, lan can, đường vũ, phòng, gác: rộng, hẹp, vuông, tròn, dù lớn hay nhỏ, hoặc ở trên không hay trên mặt đất đều thanh tịnh an ổn, vi diệu, khoái lạc, ứng theo tâm niệm mà hiện ra trước không thứ gì chẳng đầy đủ.
Ðoạn kinh nói về việc thụ dụng chỗ ở một cách đầy đủ.
“Xá trạch” (舍宅: nhà cửa) là nơi để ở, tục thường gọi là “túc xá, trú trạch”. Sách Hội Sớ giảng chữ “hình sắc” trong câu “xứng kỳ hình sắc” (tương xứng với hình sắc) như sau: “Hình (形) là thân lớn hay nhỏ; sắc (色) là xanh, vàng, đỏ, trắng”. Câu này có thể hiểu theo hai cách:
1. Một là hình thể và màu sắc của phòng ốc tương xứng, hòa hợp với nhau.
2. Hai là hình dáng, kết cấu, màu sắc, kích thước v.v… của nhà cửa đều tương xứng với sắc tướng của người sống trong ấy.
Như vậy, hình dạng nhà cửa tương xứng với thân một cách như ý; màu sắc nhìn vui mắt, đẹp lòng người.
“Bảo võng” (寶網) là lưới do các viên bảo châu kết thành. “Di phú” (彌 覆) là phủ kín. “Bảo linh” (寶 鈴) là các loại phong linh (windchime) do các thứ trân bảo tạo thành, gió thổi qua liền phát ra những âm thanh vi diệu. “Kỳ diệu trân dị” là lạ lùng, đặc sắc, đẹp đẽ, tinh xảo, quý báu, hiếm lạ. Câu kinh này khen ngợi sự thù thắng của các thứ báu hợp thành lưới và linh. “Châu biến” (周徧) nghĩa là khắp tất cả không sót chỗ nào. Sách Hội Sớ giảng chữ “hiệu sức” (校飾) như sau:
“Bày xen lẫn nhau để tô điểm”. “Hoảng diệu”: Hoảng (晃) là sáng, tỏa rạng; Diệu (曜) là chiếu soi. Như trên đã nói, trong mỗi quang minh có nhiều màu, mỗi màu lại tỏa nhiều quang minh, chiếu rọi lẫn nhau nên bảo là “quang sắc hoảng diệu” (quang sắc chói ngời). “Nghiêm lệ”: “Nghiêm” (嚴) là trang nghiêm; “lệ” (麗) là đẹp đẽ.
“Ðường vũ”: Ðường (堂) là tòa nhà lớn, thời xưa gọi là “đường”, từ thời Hán trở đi gọi là Điện (殿). Vũ (宇) là dãy phòng ở hai bên điện, hoặc dãy nhà phụ của điện. Phòng (房) là chỗ ở. Chỗ ở chánh giữa điện lại gọi là “chánh thất”, những chỗ ở thuộc các dãy nhà phụ gọi là “phòng”. Các (閣) là lầu. “Phương viên” (方圓) là hình dáng vuông vức hay tròn trịa. Hơn nữa, những gì xây dựng thành một dãy thẳng cũng gọi là “phương”, xây theo đường cong thì coi là “viên”. Ví dụ như xây theo hình cánh quạt thì được coi là có cả hình dáng vuông lẫn tròn. Mỗi kiến trúc lớn, nhỏ, cao, thấp “hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa” (hoặc ở trên không hay trên mặt đất) đều vừa ý người ở, hễ nghĩ đến liền hiện ra như bản Ngô dịch chép: “Sở cư thất bảo xá trạch, trung hữu tại hư không trung giả, hữu tại địa giả. Trung hữu dục linh xá trạch tối cao giả, xá trạch tức cao. Trung hữu dục linh xá trạch tối đại giả, xá trạch tức đại. Trung hữu dục linh xá trạch tại hư không giả, xá trạch tức tại hư không trung. Giai tự nhiên tùy ý, tại sở tác vi” (Sống trong nhà cửa bằng bảy báu; trong những nhà cửa ấy, có cái ở trên hư không, có cái trên mặt đất. Nếu người sống trong ấy muốn nhà cửa thật cao thì nhà cửa liền cao lên. Kẻ sống trong đó muốn nhà cửa thật to thì nhà cửa liền to ra. Kẻ sống trong ấy muốn nhà ở trên hư không thì nhà cửa liền ở trên hư không. Hết thảy đều tự nhiên biến hiện theo ý muốn).
Như vậy, hình dáng, màu sắc, kích thước của nhà cửa nơi cõi ấy, dù ở trên hư không hay trên mặt đất, mỗi mỗi đều thuận ý người, ứng hiện theo ý nghĩ.
Bản Ðường dịch cũng ghi: “Ư chúng sanh tiền, tự nhiên xuất hiện. Nhân giai tự vị các xử kỳ cung” (Tự nhiên xuất hiện trước chúng sanh, ai nấy tự cho là mình ở trong cung điện ấy). Do chúng sanh vô lượng nên có vô lượng cung điện, dung nhập lẫn nhau, dù đây hay kia cũng chẳng hề trở ngại, thật là đã hiển thị rõ pháp giới sự sự vô ngại.
Sách Hội Sớ giảng câu “thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc” như sau: “Không có Ngũ Trược nên thanh tịnh; không biến đổi nên an ổn, ngay đến từng hạt bụi cũng đã là chẳng thể nghĩ bàn nên vi diệu. Vĩnh viễn xa lìa nỗi khổ não nơi thân tâm nên khoái lạc”.
Lại theo Vãng Sanh Luận, tất cả điều trên đều từ một thanh tịnh cú biến hiện nên bảo là “thanh tịnh”. Các vật thụ dụng chẳng thể nghĩ bàn trên đây đều ứng theo tâm niệm lập tức hiển hiện nên bảo là “ứng niệm hiện tiền” (ứng theo tâm niệm mà hiện ra trước mặt). Các vật thụ dụng viên minh cụ đức không thiếu, không dư nên bảo “vô bất cụ túc” (không thứ gì chẳng đầy đủ).
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia." (Kinh A Di Đà bằng tranh)
Cõi ấy mỗi thứ đều viên mãn. Về y phục thì: “Lưu ly sắc trung xuất kim sắc quang, pha ly sắc trung xuất hồng sắc quang” (Trong sắc lưu ly tỏa ánh sáng vàng ròng; trong sắc pha lê tỏa ánh sáng màu hồng…), "Các thứ y phục, vật trang sức trang nghiêm trọn vẹn như vậy tự nhiên hiện trên thân chẳng cần phải nhọc công tạo tác."... Về chổ ở thì: “Sở cư thất bảo xá trạch, trung hữu tại hư không trung giả, hữu tại địa giả. Trung hữu dục linh xá trạch tối cao giả, xá trạch tức cao. Trung hữu dục linh xá trạch tối đại giả, xá trạch tức đại. Trung hữu dục linh xá trạch tại hư không giả, xá trạch tức tại hư không trung. Giai tự nhiên tùy ý, tại sở tác vi” (Sống trong nhà cửa bằng bảy báu; trong những nhà cửa ấy, có cái ở trên hư không, có cái trên mặt đất. Nếu người sống trong ấy muốn nhà cửa thật cao thì nhà cửa liền cao lên. Kẻ sống trong đó muốn nhà cửa thật to thì nhà cửa liền to ra. Kẻ sống trong ấy muốn nhà ở trên hư không thì nhà cửa liền ở trên hư không. Hết thảy đều tự nhiên biến hiện theo ý muốn) v.v... Nói chung là chúng ta ở đây chẳng thể nào nghĩ tưởng, suy lường được. Với thế giới Cực Lạc, chỉ có thể ...tin.
Phật thuyết rằng "Chẳng thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà sanh về cõi ấy", vậy thì chúng ta tin cho nhiều vào, niệm cho nhiều vào, nguyện cho thiết vào, ắt sẽ được nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên, như thế ắt đủ điều kiện sanh về. Thật sự, Chư Tổ sư đã nói "Con người ta cứ già đi trong bận rộn, mấy ai buông xuống [tu hành] trước khi lìa đời". Còn như việc khuyên tu, các Ngài luôn tâm niệm mong muốn [đối tượng] phát tâm tu đạo, hành trì, được giải thoát ngay trong một đời này, bất luận thân sơ, hành trì đã lâu mau, ngay cả với các cảnh giới hương linh, oan gia, tổ tiên ông bà đã khuất..., cũng chẳng mong [có ý] giúp họ được siêu thoát cảnh lành, hay sang đời thứ hai, thứ ba...Lý do vì sao thì chắc chúng ta đều cảm nhận được. Còn việc có thành tựu như thế nào thì còn tùy vào hành trì, thọ dụng của mỗi người.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 19. Thụ Dụng Cụ Túc
Ngài Hoàng Niệm Tổ