Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi, tất đắc siêu tuyệt khứ, vãng sanh vô lượng thanh tịnh A Di Đà Phật quốc, hoành tiệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc. Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân. Kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên sở khiên tùy. Quyên chí nhược hư không, cần hành cầu đạo đức, khả đắc cực trường sanh, thọ lạc vô hữu cực. Hà vi trước thế sự, nao nao ưu vô thường?
Ai nấy đều nên siêng tinh tấn, nỗ lực tự cầu lấy thì ắt được siêu tuyệt, vãng sanh cõi A Di Ðà Phật thanh tịnh vô lượng, chặt ngang năm đường, ác đạo tự đóng lấp. Ðạo thù thắng vô cực dễ đi mà chẳng có người theo! Cõi ấy chẳng trái nghịch, tự nhiên lôi kéo theo. Lắng lòng dường hư không, siêng hành cầu đạo đức, ngõ hầu được trường sanh cùng cực, thọ lạc chẳng có cùng cực. Sao lại mê đắm sự đời, nhao nhác lo chuyện vô thường?
Giải:
Những đoạn kinh trước đoạn kinh này đều nói về công đức trí huệ của thánh chúng cõi Cực Lạc; còn trong đoạn này là lời đức Thế Tôn nhắc nhở đại chúng trong pháp hội phải siêng năng tu tập cầu sanh Cực Lạc.
Trước đó, Ngài đã khai thị: Chân tâm thường trụ ai ai cũng có, ai cũng có thể thành Phật. Tâm vốn tự thanh tịnh sanh ra muôn pháp. Ngộ thì khế hợp ngay với bổn Phật, mê thì chìm mất trong sanh tử.
Ngay khi ấy, đức Thế Tôn xót thương, buông lời khuyên dụ từ bi: Đại chúng đã biết “tâm này là Phật” thì phải tinh tấn để “tâm này làm Phật”. Vì thế, Phật mới nói: “Nghi các cần tinh tấn” (Ai nấy đều nên siêng tinh tấn). Chữ “các” (各: ai nấy) không những chỉ để những người trong pháp hội thuở ấy mà còn kiêm chỉ hết thảy những ai trong đời sau nghe được pháp này: Ai nấy đều phải tuân theo lời dạy từ bi của đức Phật, tin nhận, phụng hành, niệm Phật vãng sanh nhằm thể hiện phương tiện rốt ráo “tâm này làm Phật”.
“Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi” (Ai nấy đều nên siêng tinh tấn, nỗ lực tự cầu lấy) là lời đức Phật khuyên đại chúng ai nấy đều phải nên tinh tấn siêng tu, nỗ lực tự thực hành cầu sanh Tịnh Ðộ, chứng triệt để nguồn tâm, viên mãn Phật trí.
“Tâm này là Phật” là tánh đức; “tâm này làm Phật” là tu đức. Có công tu đức thì tánh đức mới được hiển hiện. Vì thế, nỗ lực tự cầu thì “tất đắc siêu tuyệt khứ” (ắt đạt đến chỗ siêu tuyệt). “Siêu” (超) là siêu thoát, “tuyệt” (絕) là diệt sạch, trừ dứt. Do đó, “siêu tuyệt” là vượt thoát luân hồi, đoạn trừ sanh tử.
Sách Hội Sớ viết: “Ngay trong một lúc nhanh chóng vượt khỏi tam giới, đoạn tuyệt các nghiệp buộc ràng trong bao kiếp nên bảo là ‘siêu tuyệt’, mà cũng là do đã đoạn tuyệt [nghiệp chướng] nên được siêu thoát vậy”. Thánh, phàm, trí, ngu, chín phẩm muôn loài ai nấy đều được “siêu tuyệt” toàn là nhờ vào Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, từ quả khởi tu, chỉ trong một đời được thành tựu nên đều được sanh về “cõi Phật A Di Ðà thanh tịnh vô lượng”.
Hễ được vãng sanh thì do nương vào sức gia hộ của Di Ðà bổn nguyện sẽ chẳng bị đọa vào ba ác đạo nữa nên kinh mới nói: “Ác đạo tự bế tắc” (Ác đạo tự đóng lấp). Ai nấy đều đạt Bất Thoái cho mãi đến khi thành Phật nên kinh mới bảo: “Hoành tiệt ư ngũ thú” (Chặt ngang năm đường). Năm đường (ngũ thú) là ba ác đạo và hai nẻo nhân, thiên. Do A Tu La được tính gộp vào thiên thú nên “ngũ thú” cũng chính là “lục đạo” (sáu nẻo). Nhân thú, thiên thú vốn được gọi là “thiện thú” (đường lành) nhưng vẫn bị coi là “ác thú” là do so sánh với Cực Lạc mà nói.
Tịnh Ảnh Sớ viết: “Ba ác đạo gọi là ‘ác thú’, hai đường nhân, thiên gọi là ‘thiện thú’. Nay đem sánh với cõi thanh tịnh của Phật Di Ðà thì cả năm đường trong cõi Sa Bà đều được gọi là ‘ác thú’. Ðịa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều là chỗ kẻ thuần ác hướng đến nên gọi là ‘ác thú’. Cõi trời, cõi người của Sa Bà là chỗ kẻ tạp ác hướng đến nên cũng gọi là ‘ác thú’.
Nếu theo như phương này thì phải tu tập đoạn trừ, trước hết đoạn Kiến Hoặc, lìa khỏi cái nhân tạo ra tam đồ, diệt cái quả tam đồ. Sau đấy, đoạn Tư Hoặc, lìa khỏi cái nhân sanh trong nhân, thiên, tuyệt quả nhân thiên. Do có đoạn trừ dần dần nên chẳng gọi là ‘hoành tiệt’ (chặt ngang). Còn nếu được vãng sanh về Tịnh Ðộ của Phật Di Ðà thì bỏ ngay một lúc cả năm đường trong Sa Bà nên gọi là hoành tiệt”. Sách Hội Sớ cũng bảo: “Ắt được siêu tuyệt, chẳng phải đoạn trừ theo thứ tự nên bảo là hoành tiệt”.
Do đó, “hoành tiệt” có nghĩa là hoành xuất, hoành siêu (vượt khỏi tam giới theo chiều ngang); các pháp môn khác phải theo thứ tự đoạn trừ dần từng lớp phiền não để thoát khỏi sanh tử nên gọi là vượt khỏi tam giới theo chiều dọc (thụ siêu, thụ xuất).
Sách Gia Tường Sớ lại bảo: “Tu nhân Bồ Ðề, dứt ngang sự chuyển vần trong năm đường nên ‘ác đạo tự bế tắc”. Chữ “tự” ở đây là “tự nhiên”. (Còn tiếp)
Ảnh: Lũy tre làng
- Thân cây tre thường được Chư Tổ dùng để ví dụ [cho dễ hình dung] hai trường hơp "hoành xuất" và "thụ xuất".
Đoạn văn: Sách Hội Sớ viết: “Ngay trong một lúc nhanh chóng vượt khỏi tam giới, đoạn tuyệt các nghiệp buộc ràng trong bao kiếp nên bảo là ‘siêu tuyệt’, mà cũng là do đã đoạn tuyệt [nghiệp chướng] nên được siêu thoát vậy”. Đây thật sự là một trong những điểm "kỳ dị" bậc nhất của Tịnh Độ Tông. Thật sự vậy, ngay khi được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc là đã đoạn tuyệt [nghiệp chướng] và [nên] vượt khỏi Tam Giới. "Hoành xuất" [tắt, xuất theo phương ngang]. Thật sự, lời Phật dạy rằng: "Giả sử nghiệp chúng sanh có hình tướng thì mười phương chẳng chứa hết", phàm phu vãng sanh đới nghiệp, chắc chắn hoặc nghiệp còn đầy dẫy, bao trùm, nhưng được Phật rước về là đã đoạn tuyệt nghiệp. Có thể rằng là nếu phẩm vị thấp thì hoa chưa nở, chưa thấy Phật ngay, nhưng sau một thời gian, sen nở, thấy Phật. Nhưng dù lâu mau, sanh về cõi ấy là nghiệp hoặc tự dứt, đây là nói chung cho tất cả, chẳng phân biệt phẩm vị. Nhờ thế mà “Ác đạo tự bế tắc” [ác đạo ở đây là Lục đạo nói chung, không phải chỉ có Tam đồ].
Chắc có chư vị hoặc vấn rằng: Phàm phu được sanh về cõi ấy thì hoặc nghiệp vẫn còn [trên ấy] chứ làm sao hêt ngay được, nhưng do không có duyên xấu ác ở đó, nên nhân xấu ác không trổ quả xấu ác ra được, nên mới không có cái khổ. Rồi tu từ từ mới hết sạch nghiệp. Dạ thưa, nghiệp [thiện, ác] đều dứt chứ chẳng phải chỉ có ác không? Rồi sự hưởng thụ cõi ấy là "khoái lạc thanh tịnh" chứ chẳng phải ngũ dục như phước báo thế gian. Đức Phật nói là “tất đắc siêu tuyệt khứ” (ắt đạt đến chỗ siêu tuyệt), dứt sạch, một cách tự nhiên [chẳng phải nổ lực, từ từ].
Thật sự Pháp môn này, như lời Phật thuyết "Thanh văn ức kiếp suy trí Phật, tận hết sức cũng không thể hiểu", chúng ta vốn là người, lại phàm phu ngũ trược, sao suy lường cho được. Chúng ta chỉ nói một số đại lược như thế để thấy rằng, chúng ta được về đó là hoàn toàn nương nhờ vào đâu [để có thành tựu như thế]? Hiểu được để chúng ta tập trung nổ lực hành trì vào điều gì để thành tựu giải thoát ngay nhân duyên [đời] này? Nếu không, chúng ta vẫn cứ đi theo đường lối thông thường [trước giờ] mà đi mãi, đến tận bây giờ đây [vẫn chưa giải thoát ra được].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ trích lục
Phẩm 32. Thọ Lạc Vô Cực
Ngài Hoàng Niệm Tổ