Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng, giai đắc kim cang Na La Diên thân, kiên cố chi lực. Thân đảnh giai hữu quang minh chiếu diệu, thành tựu nhất thiết trí huệ, hoạch đắc vô biên biện tài, thiện đàm chư pháp bí yếu, thuyết kinh hành đạo, ngữ như chung thanh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, [người] sanh trong nước tôi thiện căn vô lượng, đều được thân kim cang Na La Diên, sức kiên cố, thân và đảnh đều có quang minh chiếu rực, thành tựu hết thảy trí huệ, đạt được vô biên biện tài, khéo bàn các pháp bí yếu, nói kinh, hành đạo tiếng vang như chuông. Nếu chẳng được như vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi hai: Thân Na La Diên; nguyện ba mươi ba: Quang minh, trí huệ, biện tài; nguyện ba mươi bốn: Khéo bàn pháp yếu)
Giải:
Chương này gồm ba nguyện. Câu “sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng” (sanh trong nước tôi thiện căn vô lượng) là câu nói chung.
Thiện căn là điều thiện nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý kiên cố chẳng thể nhổ trốc được, nên gọi là Căn (根).
Ðại sư La Thập bảo: “Thiện tâm kiên cố, sâu chẳng thể nhổ trốc đi được, nên gọi là Căn”. Lại vì “thiện” có thể sanh ra diệu quả và sanh ra các điều thiện khác, nên gọi là Căn.
Câu “giai đắc kim cang Na La Diên thân, kiên cố chi lực” (đều có thân kim cang Na La Diên, sức kiên cố) là nguyện ba mươi hai: “Thân Na La Diên”, ngài Cảnh Hưng gọi là “nguyện được thân kiên cố”. Kim Cang, tiếng Phạn là Bạt Triết Ra (Vajra) hoặc phiên âm là Phạt Triết Ra, dịch là Kim Cang.
Sách Tam Tạng Pháp Số, quyển năm giảng: “Là chất cứng rắn nhất trong các loại vàng nên gọi là Kim Cang”. Sách Ðại Tạng Pháp Số, quyển bốn mươi mốt lại giảng: “Tiếng Phạn là Bạt Triết Ra, Hán dịch là Kim Cang. Thứ vật báu này từ vàng sanh ra, màu như tử anh, đem nung trăm lần cũng chẳng tiêu hủy, cứng nhất, bén nhất, cắt được cả ngọc, rất hiếm trong đời, nên được coi là quý”.
“Na La Diên” (Narayana) dịch là Thắng Lực, hoặc Kiên Lao, có bốn nghĩa:
1. Là tên khác của Phạm Thiên Vương.
2. Là như La Thập đại sư bảo: “Lực sĩ cõi trời gọi là Na La Diên, đoan chánh, hùng mạnh”.
3. Ðại Nhật Kinh Sớ, quyển mười giảng: “Na La Diên là một trong nhiều biệt danh của Tỳ Nữu Thiên (Vishnu), tức là biệt danh của Na La Diên thiên. Vị trời này do Phật hóa ra”.
Sách Bí Tạng Ký lại bảo: “Na La Diên thiên có ba mặt, thân sắc xanh pha vàng, tay phải cầm bánh xe, cỡi chim Ca Lâu La” (cỡi chim bay trên không trung).
4. Niết Bàn Kinh Sớ, quyển bảy giảng: “Na La Diên: Hán dịch là Kim Cang” là một trong mười chín vị Chấp Kim Cang, kinh Duy Ma Cật ghi là Na La Diên Bồ Tát.
Ða phần các nhà chú giải kinh thời trước cho rằng thân và tâm chúng sanh ảnh hưởng lẫn nhau: Hễ thân có sự sướng, khổ, tâm ắt cũng vui, buồn theo; hễ tâm mừng, lo, thân cũng sẽ khỏe khoắn hay hao tổn theo. Ngài Pháp Cứu nói: “Như Lai thân lực vô biên như tâm lực vậy”.
Kinh Mật Tích Lực Sĩ cũng chép: “Như Lai chi thân thành câu tỏa thể, do như Kim Cang, khanh nhiên, kiên tuyệt, bất khả phá hoại” (Thân của Như Lai chắc chắn, mạnh mẽ như kim cang, cứng chắc vô cùng chẳng thể phá hoại được). Vì vậy, Phật nguyện chúng sanh trong nước ba nghiệp trang nghiêm, thân cứng chắc như kim cang, sức mạnh mẽ như Na La Diên, đều cùng được thân nghiệp thù thắng vậy.
Với lời nguyện “thân kim cang Na La Diên” trong kinh đây, nếu hiểu theo quan điểm Hiển Giáo, ta có thể hiểu theo các cách giải thích ở phần trước: Thân kiên cố đại lực như thân của Na La Diên lực sĩ hay thân của thần Na La Diên; nếu hiểu theo Mật nghĩa thì Kim Cang và Na La Diên đều là Chấp Kim Cang.
Xét về ý nghĩa gốc trong Mật Giáo, Kim Cang Na La Diên là Kim Cang Tát Ðỏa, tức là Phổ Hiền, là bậc Pháp Thân đại sĩ. Hơn nữa, Mật Giáo gọi Kim Cang là tướng oai mãnh do Phật thị hiện. Vì vậy, câu “thân kim cang Na La Diên” có thể hiểu là được thân kim cang hoặc kim cang thể giống hệt như đức Phật.
Câu “thân đảnh giai hữu quang minh chiếu diệu, thành tựu nhất thiết trí huệ, hoạch đắc vô biên biện tài” (thân đảnh đều có quang minh chói rực, thành tựu hết thảy trí huệ, đạt được vô biên biện tài) là nguyện ba mươi ba: “Quang minh trí huệ biện tài”. Ðức Phật ấy thọ mạng vô lượng, trời người trong nước cũng thọ mạng vô lượng. Ðức Phật ấy quang minh cũng vô lượng nên nhân dân cõi ấy thân và đảnh đều có quang minh chiếu rực. Chủ (Phật) và bạn (hết thảy hiền thánh, nhân dân trong nước) đều như một.
Thêm nữa, tự chiếu sáng gọi là Quang, chiếu sáng vật khác là Minh. Quang minh có hai công dụng: Một là trừ tối, hai là hiện pháp. Quang minh của Phật là tướng trí huệ (xem Vãng Sanh Luận, quyển Hạ). Kinh Siêu Nhật Minh Tam Muội, quyển Hạ cũng dạy: “Thị tri đại trí phát ngoại, năng chiếu pháp giới, danh vi quang minh” (Cho nên biết rằng: Ðại trí phát ra ngoài chiếu soi pháp giới thì gọi là quang minh).
Kinh Niết Bàn cũng nói: “Quang minh danh vi trí huệ” (Quang minh là trí huệ). Ðại Huệ thiền sư còn bảo: “Chỉ dùng ánh sáng này để tuyên thuyết diệu pháp, pháp này chính là quang minh ấy, chẳng lìa khỏi quang minh này mà thuyết pháp ấy”.
Thân và đảnh của trời và người cõi kia đều có thường quang chính là do trí huệ thành tựu. Do được Phật lực gia hộ, bảo hựu, nên trí huệ thù thắng. Đối với những trí: Phật trí, bất khả tư nghị trí, bất khả xưng trí, Ðại Thừa quảng trí, trí thù thắng tối thượng không ai bằng, không ai sánh nổi đều hiểu rõ cả, nên bảo “thành tựu nhất thiết trí huệ” (thành tựu hết thảy trí huệ) và “hoạch đắc vô biên biện tài” (đạt được vô biên biện tài). “Biện tài” là khả năng diễn thuyết pháp nghĩa một cách hay khéo. Tịnh Ảnh Sớ giảng chữ “biện tài” như sau: “Nói năng biện luận rành rẽ, chữ dùng tài tình nên gọi là biện tài”.
Nhân dân trong cõi ấy do thành tựu hết thảy trí huệ nên đắc Vô Ngại Biện Tài, dùng Tứ Vô Ngại Biện Tài để hoằng diễn pháp yếu.
Câu “thiện đàm chư pháp bí yếu” (khéo bàn các pháp bí yếu) là nguyện ba mươi bốn: “Khéo bàn pháp yếu”. “Bí” (秘) nghĩa là bí áo, tức là điểm sâu xa, huyền diệu của pháp môn. Bí cũng có nghĩa là bí mật, tức là những điểm ẩn mật của pháp môn, chẳng dễ chỉ bày cho người khác. Sách Pháp Hoa Văn Cú, quyển năm giảng chữ “bí yếu” như sau: “Ðiều Phật canh cánh trong tâm hơn bốn mươi năm, người khác chẳng hề biết là Bí. Ðạo dẫn thẳng đến Nhất Thừa nhiếp trọn muôn đường khác gọi là Yếu (要)”. Trong Pháp Hoa Sớ, quyển chín, ngài Gia Tường lại giảng rằng: “Do ngôn ngữ giản dị, tinh yếu nhưng chứa đựng trọn vẹn nghĩa lý nên bảo là Yếu. Trước đây vốn đã giấu kín chẳng truyền ra nên gọi là Bí”. Phẩm Pháp Sư kinh Pháp Hoa có câu: “Thử kinh thị chư Phật bí yếu chi tạng, bất khả phân bố, vọng thọ dữ nhân” (Kinh này là tạng bí yếu của chư Phật, chẳng thể lưu truyền, dạy dỗ bừa bãi cho người khác).
Ngoài ra, Mật Tông còn được gọi là Bí Mật Tông vì Mật pháp chính là tạng bí yếu của chư Phật, chẳng thể đem dạy cho người khác một cách khinh suất được. Nay các vị Bồ Tát cõi Cực Lạc “thiện đàm chư pháp bí yếu” (khéo bàn các pháp bí yếu) nghĩa là các vị khéo khai diễn hết thảy pháp bí yếu rất sâu dù Hiển hay Mật.
Câu “ngữ như chung thanh” (tiếng vang như chuông) ý nói thanh âm của người thuyết pháp như tiếng hồng chung trong trẻo, thánh thót, hùng hồn, liên tục vang xa, khua tan đêm dài, đánh thức những kẻ đang mê mệt khiến họ phát sanh thiện tâm, ngưng ngớt các khổ.
Tranh minh họa: Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp.
Câu “sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng” (sanh trong nước tôi thiện căn vô lượng).
Các Ngài không chú giải rõ, rằng "thiện căn vô lượng" ở đây là từ đâu đến, do nhờ Nguyện lực của Phật mà đạt được vậy hay là đã có từ trước khi được sanh về khi còn tu nhân địa ở các cõi nước? Theo ngu ý, thì là cả hai. Bởi Kinh Phật có dạy rằng "Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy". Cho nên cần phải "nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên". Thiện căn ở đây chính là Tín Nguyện tâm, phải đầy đủ, chân thật mới được, chẳng thể dùng "chút ít" Tín nguyện tâm [mà được sanh về]. Còn Phước đức thì không thể thiếu Niệm Phật, vì chỉ có Chánh hạnh này mới đáp ứng được yêu cầu "không thể dùng chút ít" [phước đức]. Rồi Nhân duyên được bắt gặp Phật Pháp, bắt gặp pháp môn Tịnh Độ trong đời này, được thân cận Kinh Giáo, lời dạy của các bậc Chư Tổ Sư Đại Đức, các bậc Minh Sư, thiện hữu, đồng tu... rõ ràng rằng đây chẳng phải là "chút ít" duyên lành mà có được.
Rồi một khi được sanh về cõi ấy thì do nhờ Nguyện lực của Phật làm tăng thượng duyên mà được "thiện căn vô lượng". Chính nhờ có "thiện căn vô lượng" này nên mới có được các yếu tố kia: Thân kim cang Na La Diên, Quang minh trí huệ biện tài, khéo bàn pháp yếu...
Chúng ta cùng tham khảo, học tập phần chú giải của các Ngài về đoạn Kinh văn này để được lợi ích. Ở đây có thể nói thêm rằng, do các vị trên cõi ấy có được các điều vi diệu này nhờ Nguyện lực của Đức Phật cũng là để nhằm chung tay trợ duyên cùng Đức Phật mà cứu vớt quần manh, phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Cho nên một khi các Ngài phát tâm xuống đây độ sanh thì kiểu gì cũng thể hiện ra được ít nhiều những 'đạo lực' này nhằm lợi lạc chúng sanh. Các vị ấy có thể thuyết pháp, biện tài, hành trì, làm biểu pháp v.v... để độ những chúng sanh đang chìm đắm trong đêm dài tăm tối khổ đau sanh tử như chúng ta vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ