Vẫn cứ đắm chìm trong biển khổ sanh tử y như cũ không thể thoát được, do...
Một niệm tâm tánh của chúng ta quả thật chẳng hai, chẳng khác với Phật Thích Ca, Phật Di Đà; nhưng Phật Thích Ca, Phật Di Đà đã thành Phật đạo từ trần điểm kiếp trước, lại còn bao lần thị hiện giáng sanh, bao lần thị hiện nhập diệt để thực hiện sự giáo hóa. Phật muốn làm cho chúng ta noi theo dấu thơm, nhưng chúng ta không có sức đoạn trừ phiền não Hoặc nghiệp, mãi cho đến ngày nay vẫn trong sanh tử luân hồi thoạt chìm thoạt nổi, chẳng biết làm thế nào để ngưng dứt. Dẫu bao kiếp trước từng nghe Phật pháp, y giáo tu hành, nhưng do tự lực hèn yếu chẳng thể đoạn Hoặc, nên vẫn cứ đắm chìm trong biển khổ sanh tử y như cũ không thể thoát được! Im lặng suy nghĩ, há chẳng hổ thẹn ư?
Dạy nương vào Phật từ lực vượt ngang ra khỏi tam giới
Phật Thích Ca, Phật Di Đà xét thấu lẽ ấy, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật, dạy nương vào Phật từ lực vượt ngang ra khỏi tam giới khiến cho thượng trung hạ căn cùng được vãng sanh Tây Phương, có thể nói thật là đại từ bi đến cùng cực không chi hơn được nữa! Nhân duyên khởi lên giáo pháp, pháp tắc tu trì được thấy trọn vẹn trong Tịnh Độ Tam Kinh, nhưng kinh A Di Đà ngôn từ giản dị, nghĩa lý trọn vẹn, dễ dàng thọ trì. Do vậy, cổ nhân xếp vào kinh nhật tụng, muốn cho nhà nhà được khuyến hóa, thấu hiểu, đều được tắm gội pháp trạch! Bởi thế, các thiện tri thức thảy đều chú thích, khác nào mặt trời, mặt trăng giữa trời nên không nghĩa nào chẳng hiển hiện, không căn cơ nào chẳng được thâu nhiếp. Nhưng hàng sơ cơ đối với văn sâu nghĩa thẳm khó thể lãnh hội, cho nên cư sĩ Vương Hiển Giang đặc biệt tạo phương tiện, đem những điều sách Yếu Giải đã chú sớ diễn giải lại bằng ngôn ngữ thông thường, dễ hiểu, đặt tên là Trực Giải, kèm thêm những nghi vấn về Tịnh Độ. Cái tâm tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha ấy có thể nói thật là thiết tha. Hiển Ấm pháp sư viết lời tựa, muốn cho hết thảy đồng nhân ai nấy đều sanh lòng tin chân thật, chất phác niệm Phật, bèn sai Quang viết thêm lời tựa khác, nên tôi bèn trình bày chuyện này cùng người đọc.
Ảnh: Đại Sư Ngẫu Ích (1599-1655), Tổ thứ 9 của Tịnh Độ Tông.
Đoạn: Phật Thích Ca, Phật Di Đà xét thấu lẽ ấy, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật, dạy nương vào Phật từ lực vượt ngang ra khỏi tam giới khiến cho thượng trung hạ căn cùng được vãng sanh Tây Phương, có thể nói thật là đại từ bi đến cùng cực không chi hơn được nữa!
Câu này chúng ta đã được nghe nhiều lần rồi, nên chắc thấy cũng bình thường, hay những hành nhân Tịnh Độ mà tâm cầu sanh chưa mạnh thì đọc qua chắc cũng chẳng có cảm giác gì. Nếu có ai hiểu sâu về Pháp môn Tịnh Độ một chút, thấm thía cõi đời này, hiểu về lục đạo luân hồi một chút... sẽ thấy được giá trị của câu nói này như thế nào. Tâm đại từ đại bi của hai Đấng Từ Tôn thật đúng là cùng cực không gì sánh bằng được! Một đằng là sáng lập ra Pháp môn, một bên là xiển nói, chỉ dạy cho chúng sanh trong cõi Ta Bà này, trong đó có chúng ta đây. Nếu không, thật sự chúng ta chẳng biết đi đâu về đâu nữa!
Chúng ta cùng bàn luận một chút về một vấn đề trong tu học. Trong trước tác A Di Đà Kinh Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích, vị Tổ Sư thứ 9 của Tịnh Độ Tông, có một công đoạn quan trọng sau:
"A Di Đà Phật là một danh hiệu lớn lao, gồm có vạn công đức, niệm danh hiệu ấy để vời công đức đến với mình thì công đức nào cũng phải đến hết. Cho nên lấy ngay cái việc trì niệm danh hiệu Phật làm một việc tu hành thật chính đáng, bất tất phải xen lẫn vào những pháp tu Quán Tưởng và pháp tu Thiền Tham Cứu. Phép tu Trì Niệm Danh Hiệu Phật là một phép tu rất giản dị, rất thẳng mau lắm rồi."
Nghĩa lý văn tự công đoạn này thật rõ ràng, chắc ai ai cũng cảm nhận được. Danh hiệu Vạn Đức Hồng Danh A Di Đà Phật mà đem đi tán thán thì thôi... cả kiếp cũng không hết! Thật vậy, việc này thì chúng ta nghe nhiều đọc nhiều, đã quá quen thuộc rồi, chẳng cần luận bàn thêm nữa. Ở đây chỉ xét đến một khía cạnh khác của vấn đề, có tầm quan trọng cũng không kém.
Câu "A Di Đà Phật là một danh hiệu lớn lao, gồm có vạn công đức, niệm danh hiệu ấy để vời công đức đến với mình thì công đức nào cũng phải đến hết". Chúng ta hành giả Tịnh Độ phải thật ghi nhớ câu này, bởi nó rất quan trọng, ở nhiều phương diện. Chúng ta niệm Phật cầu công đức được vãng sanh Tịnh Độ thì ắt công đức ấy 'sẽ đến', đầy đủ viên mãn, chẳng thiếu sót gì cho việc sanh về Tịnh Độ [bất luận công phu sâu cạn]. Đây chính là mặt thuận, mặt tích cực của vấn đề. Mặt khác, như các Ngài nói, do năng lực bất khả tư nghì của danh hiệu này, nên 'niệm gì ra nấy' [hay nói nôm na là 'cầu gì được nấy'], đây mới chính là vấn đề cần bàn, là 'con dao hai lưỡi' cho chính hành giả chúng ta vậy. Vì sao vậy? Chúng ta niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, được sanh Tịnh Độ; cầu phước thế gian được 'sanh ra' phước thế gian. Nhiều ít bao nhiêu vậy? Tùy tâm, có thể nói 'muốn bao nhiêu được bằng ấy', thậm chí còn hơn nữa, không tưởng được luôn. Thật vậy sao? Thật sự là như thế, nên các Ngài mới liễu giải ra như vậy "vời công đức đến với mình thì công đức nào cũng phải đến hết", thành tâm mà cầu thì chẳng thứ gì chẳng đến. Đây mới thực sự là vấn đề, mà rất nhiều ngươì chúng ta mắc phải. Chúng ta tu học cầu vãng sanh, liễu thoát sanh tử khổ đau, rồi sau một thời gian tu học liệu có 'kiêm' thêm cầu cái gì khác không vậy? Mặc dù ngoài miệng chắc là không bao giờ nói ra nhưng trong thâm tâm thì ai mà biết được, đúng không [chắc chỉ có Phật Bồ tát thấy được]? Rồi thời gian trôi qua, chắc cũng đạt được ít nhiều gì đó [phước thế gian] chúng ta lại tưởng đâu mình tu giỏi, tu đạt, được cái này cái kia... Mà rằng, chúng ta đâu hay đường đạo chúng ta [cũng chính vì thế] đang ngày càng thu hẹp, chúng ta đang "đem giá trị liên thành đổi lấy viên kẹo bọc đường" thôi. Thật sự quá nguy hiểm [cho mình lẫn người]!. Chúng ta đừng bao giờ tự hào nói rằng 'Nhờ niệm Phật chúng ta được cái này cái kia', hay 'Tất cả đều là nhờ niệm Phật'... Đây chắc chắn là mặc dù chúng ta đang tu Tịnh Độ cầu vãng sanh nhưng đang 'kiêm' thêm những thứ khác [của phước thế gian] mà chúng ta chẳng hay. Việc này chắc chúng ta nghĩ cũng đâu có gì quá lắm, để tạo phương tiện tu tập hay độ sanh thôi mà... Dạ, việc độ sanh cần đúng Chánh Pháp. Dẫu độ được một người vãng sanh cũng hơn hẳn việc 'độ' cả vạn người chỉ để gieo duyên [vì hành không đúng Chánh pháp thì làm sao thành tựu giải thoát cho được]. "Giả sử cúng dường hằng sa Thánh, không bằng kiên dõng cầu Chánh Giác", lời Phật trong Kinh chúng ta đừng bao giờ quên. Cho nên, các bậc Chư Tổ Sư từng đời đều khuyên nhắc chúng ta rằng: "Người niệm Phật chẳng cầu phước báu thế gian, chỉ cầu lâm chung vãng sanh Tịnh Độ" mà thôi. Cầu phước thế gian rồi 'vời' ra được phước thế gian, thế thì...mệt mỏi đấy [chứ chẳng phải sướng ích gì đâu nhé]. Dẫu vui sướng trong chốc lát [đời này] rồi thì lục đạo luân hồi y như cũ, trong khi người ta chân thật chỉ cầu sanh Tịnh Độ, chẳng mong cầu gì khác, cuối đời được Phật rước, vĩnh viễn giải thoát luân hồi. Vậy so ra cái nào hơn đây?!
Chúng ta đừng xem những lời bàn này là tầm thường, chẳng đáng bận tâm. Thật sự ngày nay trên chốn đạo đường, mấy ai 'dám' nói lên những điều này? Thật sự đấy, phải là người 'chẳng biết sợ' mới dám nói! Chúng ta đa phần chỉ thấy bề nổi của vấn đề, của sự việc sự vật [tức là những cái 'được'] mà đâu thấy rằng cái 'mất đi' [cho mình, cho người] mà so với cái 'có được' kia thật ví như trời với vực vậy. Cho nên chúng ta cần sáng suốt trong tu học.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa sách A Di Đà Kinh Trực Giải
Đại Sư Ấn Quang