Kỳ nhất giả, thế gian chư chúng sanh loại, dục vi chúng ác, cường giả phục nhược, chuyển tương khắc tặc, tàn hại sát thương, điệt tương thôn đạm, bất tri vi thiện, hậu thọ ương phạt. Cố hữu cùng khất, cô độc, lung manh, ám á, si ác, uông cuồng, giai nhân tiền thế bất tín đạo đức, bất khẳng vi thiện. Kỳ hữu tôn quý, hào phú, hiền minh, trưởng giả, trí dũng, tài đạt, giai do túc thế từ hiếu, tu thiện tích đức sở trí. Thế gian hữu thử mục tiền hiện sự, thọ chung chi hậu, nhập kỳ u minh, chuyển sanh thọ thân, cải hình dịch đạo. Cố hữu Nê Lê, cầm thú, quyên phi nhuyễn động chi thuộc. Thí như thế pháp lao ngục, kịch khổ cực hình, hồn thần mạng tinh, tùy tội thú hướng, sở thọ thọ mạng, hoặc trường, hoặc đoản, tương tùng cộng sanh, cánh tương báo thường. Ương ác vị tận, chung bất đắc ly, triển chuyển kỳ trung, lũy kiếp nan xuất, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn. Thiên địa chi gian, tự nhiên hữu thị. Tuy bất tức thời bạo ứng, thiện ác hội đương quy chi.
Thứ nhất là các loài chúng sanh trong thế gian muốn làm các điều ác: Kẻ mạnh hiếp yếu, chế ngự, giết chóc lẫn nhau, tàn hại, sát thương, ăn nuốt lẫn nhau, chẳng biết làm lành, sau chịu ương phạt. Bởi thế có kẻ nghèo cùng, ăn mày, cô độc, điếc, mù, câm, ngọng, si ác, dặt dẹo, cuồng dại; đều là do đời trước chẳng tin đạo đức, chẳng chịu làm lành. Những kẻ tôn quý, giàu sang, hiền minh, trưởng giả, trí huệ mạnh mẽ, tài năng thông đạt đều là do đời trước từ hiếu, tu thiện, tích đức cảm thành. Thế gian có những chuyện sờ sờ trước mắt như thế. Sau khi hết tuổi thọ, vào chốn u minh, chuyển sanh thọ thân, thay hình đổi nẻo nên mới có Nê Lê, cầm thú, các loài ngọ nguậy, bay bổng, bò, trườn. Ví như chốn tù ngục theo pháp luật thế gian, cực hình thật khổ. Hồn thần, mạng tinh theo tội mà hướng về, chịu lấy thọ mạng hoặc dài hay ngắn, theo nhau cùng sanh để báo đền lẫn nhau. Ương họa, sự ác chưa hết, trọn chẳng thể thoát nổi. Xoay vần trong ấy bao kiếp khó ra, khó được giải thoát, đau đớn không thể nói nổi! Trong vòng trời đất, tự nhiên có như thế, tuy chẳng báo ứng rầm rộ ngay lập tức, mà thiện ác rồi sẽ quy kết cả.
Giải:
Trong những điều ác, trước hết, Phật dạy về cái ác sát sanh. Thái Hiền nói: “Ðiều thế gian sợ hãi nhất là chết, điều tổn hại người khác nhất là đoạt mạng”. Cái người ta sợ nhất là chết, cái người ta quý nhất là mạng. Bởi đó, sát hại mạng kẻ khác là điều ác lớn nhất. Chẳng phải chỉ mình Phật giáo mà các tôn giáo khác cũng cấm giết người.
Ðầu tiên, kinh văn nói đến sự ác giết chóc. Kinh chép: “Cường giả phục nhược, chuyển tương khắc tặc, tàn hại sát thương, điệt tương thôn đạm” (Kẻ mạnh hiếp yếu, chế ngự, giết chóc lẫn nhau, tàn hại, sát thương, ăn nuốt lẫn nhau). “Phục” (伏) là hàng phục. Chữ “khắc” (尅) giống với chữ Khắc (剋) nghĩa là khắc chế, giết chóc (theo Trung Hoa Đại Từ Điển). Sách Hội Sớ giảng: “Cường giả phục nhược: Kẻ giết chóc là ‘cường giả’, kẻ bị giết là ‘nhược’. Người hay thú cũng thế. ‘Chuyển tương khắc tặc’: Khắc là chế ngự, đánh thắng, sát hại, Tặc là tàn hại, như chim sẻ nuốt bọ ngựa, người lại giết chim nên bảo là Chuyển Tương”. Ngài Cảnh Hưng lại bảo: “Khắc là giết, Tặc là hại”.
“Tàn hại” là hung tàn, làm thương tổn. “Sát thương” là giết cho chết hay làm cho thân kẻ khác bị thương tích. Rắn nuốt cóc, cóc lại ăn giun đất, nên bảo là “điệt tương thôn đạm” (ăn nuốt lẫn nhau). Những câu trên đây đều nói đến điều ác sát sanh.
Cả đoạn kinh từ “bất tri vi thiện” (chẳng biết làm lành) cho đến “bất khẳng vi thiện” (chẳng chịu làm lành) đều nói lên lỗi hại của việc tạo ác. Ðã làm đủ mọi điều ác lại còn sát hại sanh mạng nên phải chịu quả báo “cùng, khất... uông cuồng” (nghèo nàn, ăn xin… dặt dẹo, cuồng dại). “Cùng” (窮) là nghèo túng, “khất” (乞) là kẻ ăn mày xin cơm sống qua ngày. Sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa giảng chữ “cô độc” như sau: “Không cha là Cô (孤), không con là Ðộc (獨)”. Ngài Cảnh Hưng nói: “Cô là không cha mẹ, Ðộc là không con cái”.
“Lung” (聾) là tai không nghe được tiếng; “manh” (盲) là mắt chẳng thấy được. “Ám” (瘖) là miệng chẳng phát ra tiếng được (câm), “á” (瘂) là tuy phát ra tiếng, nhưng lưỡi chẳng động nên chẳng thể nói ra tiếng được. “Si” (癡) là ngu si, si ngốc. “Ác” (惡) là hung ác chẳng lành. “Uông” (尫) là yếu đuối, tật nguyền, quắt queo. “Cuồng” (狂) là điên khùng. Ðấy đều là những “ương phạt” do “bất tín đạo đức, bất khẳng vi thiện” (chẳng tin đạo đức, chẳng chịu làm lành).
Tiếp đó, kinh nói những điều như giàu sang, trí huệ nhạy bén... để biểu thị những điều đạt được do làm lành nhằm càng làm rõ thêm những tổn thất do ác nghiệp gây ra. “Tôn quý, hào phú” là người phú quý trong thế gian. “Hiền minh, trí dũng, tài đạt” là bậc hiền trí trong loài người. Chữ “trưởng giả” là tiếng gọi chung để chỉ bậc đủ cả hai thứ tài sản và đức hạnh. “Trưởng giả” cũng là tiếng để gọi bậc cao tuổi giàu có. Người hiền trí, phú quý trong đời đều do trong đời quá khứ từng từ ái, tận hiếu “tu thiện, tích đức” nên đạt được như thế.
Trên đây, kinh đã nói đến nhân quả chẳng hư dối, là những điều thế gian có thể thấy được.
Những thứ ương phạt như “cùng, khất” (nghèo cùng, ăn mày) cho đến “uông, cuồng” (quặt quẹo, cuồng dại) là những loại dễ thấy trong đời, nhưng mấy ai biết rằng “thọ chung chi hậu” (sau khi hết tuổi thọ), nỗi khổ sở còn nặng nề hơn nữa. Từ câu “nhập kỳ u minh” (vào chốn u minh) trở đi, kinh nói thẳng vào những tội khổ.
“U minh” còn thường gọi là “minh đồ” (冥途: con đường tăm tối), “minh giới” (冥界: cõi tối tăm) là danh từ chỉ chung cả ba đường ác, cũng là chữ để chỉ riêng quỷ giới và địa ngục; chẳng hạn như sách Hội Sớ ghi: “U minh tức là minh đồ, suối vàng”.
Câu “chuyển sanh thọ thân, cải hình dịch đạo” (thọ thân trong cuộc sống khác, đổi hình, thay nẻo) được sách Hội Sớ giảng: “Thoát thân người, chịu thân quỷ, súc sanh v.v… nên bảo là ‘chuyển sanh thọ thân’. Chuyển biến trong tứ sanh nên bảo là ‘cải hình’. Sống chết trong sáu đường nên bảo là dịch đạo”.
“Tứ sanh” là noãn, thai, thấp, hóa, chẳng hạn như: Bỏ thân chim sẻ để mang thân chó nên gọi là “cải hình”. Lại như bỏ thân người khoác thân chó, tức là từ nhân đạo chuyển sanh vào súc sanh đạo nên gọi là “dịch đạo” (thay đường). Chúng sanh xoay vần trong sáu đường. “Nê Lê” chính là địa ngục. “Quyên phi” những loài trùng biết bay, “nhuyễn động” loại trùng biết bò.
Chữ “hồn thần, mạng tinh” trích theo bản Hán dịch, bản Ngụy dịch ghi là “hồn thần tinh thức” (魂神精識). Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao giảng: “Có thuyết nói thức thứ sáu gọi là hồn thần, thức thứ tám gọi là tinh thức”. Như vậy, ở đây chữ “mạng tinh” (命精) chỉ thức thứ tám, tức là A Lại Da thức. Do nó làm vị chủ nhân đi sau đến trước (khứ hậu, lai tiên, tác chủ nhân) nên gọi là “mạng tinh”. Thức thứ tám này dường như luôn tiếp nối. Lúc xả mạng, hễ chỗ nào nghiệp nặng hơn thì nó bị lôi vào đó nên bảo là “tùy tội thú hướng” (theo tội hướng về) tức là theo tội báo vào trong ác thú.
Nếu hãm vào ngục Vô Gián thì muôn kiếp khó ra nên bảo là “[chịu lấy thọ mạng] hoặc dài”; hoặc sanh làm loài vi khuẩn chết sống trong mỗi sát-na nên gọi là “hoặc ngắn”. Sách Hội Sớ nói: “Như [sanh trong] tám đại địa ngục và loài quỷ trường thọ thì gọi là ‘hoặc trường’. Như các loài thiêu thân, phù du v.v… thì là ‘hoặc đoản”. Trong đó, vô lượng thọ mạng sai khác đều do túc nghiệp cảm vời. Trong đường lành, coi sống lâu là phước, nơi nẻo ác coi sống lâu là họa lớn. “Tương tùng cộng sanh, cánh tương báo thường” (Theo nhau cùng sanh để báo đền lẫn nhau) nghĩa là: Oan oan tương báo chẳng có cùng tận. Sách Hội Sớ nói: “Những kẻ sát sanh đời đời cùng sanh ra cùng lúc với nhau, người này giết hại người kia để báo đền nỗi oán hận”. Chẳng hạn như: Kẻ bị giết vì muốn đòi nợ mạng nên ắt theo đuổi kẻ oán đối, phải đồng thời xuất hiện trong thế gian thì mới mong báo oán nổi. Bởi thế, oan gia trái chủ “tương tùng cộng sanh”. Ðời này người giết dê, tương lai người chết thành dê, dê chết thành người. Lại như mèo chết thành chuột, chuột chết thành mèo, đời đời cùng sanh với nhau, đoạt mạng để đền nợ nên kinh nói: “Cánh tương báo thường” (Báo đền lẫn nhau).
Lại do kẻ đòi nợ đã qua thật nhiều đời báo oán, lại kết thành kẻ oán, người thân nên chẳng biết lúc nào xong. “Ương ác vị tận, chung bất đắc ly” (Ương họa, điều ác chưa hết sẽ trọn chẳng thể thoát được): “Ương” (殃) là họa, là tội, là hình phạt. Những ương ác đã tạo chưa đền trả hết ắt sẽ xoay vần mãi nơi trong đường ác chẳng có lúc ra, đau đớn không thể nói nổi.
Ngài Nghĩa Tịch giảng câu “tự nhiên hữu thị” (tự nhiên có những điều ấy) như sau: “Làm ác, dẫu chẳng muốn chịu quả khổ, quả khổ vẫn tự đến. Tu thiện, dẫu chẳng mong cầu quả vui, quả vui vẫn tự đến, khác nào như bóng theo hình, như tiếng vọng theo âm thanh. Nhưng kinh đây bảo là ‘tự nhiên’ nhằm ý nói nhân quả là pháp quyết định như thế đó”.
Sách Hội Sớ cũng nói: “Nhân quả ắt ứng nghiệm nên bảo là tự nhiên”.
“Bạo” (暴) là mạnh gấp, đột nhiên, chữ “ứng” (應) là báo ứng. Người lành làm lành, kẻ ác làm ác, ắt chịu quả báo, nhưng quả báo hoặc là chẳng ứng hiện ngay lập tức trong hiện tại nhưng nhân quả chẳng dối, ắt trong đời sau sẽ phải chịu khổ báo nên kinh dạy: “Thiện ác hội đương quy chi” (Thiện ác rồi sẽ quy kết cả).
Ảnh: Mùa xuân
"Kinh chép: “Cường giả phục nhược, chuyển tương khắc tặc, tàn hại sát thương, điệt tương thôn đạm” (Kẻ mạnh hiếp yếu, chế ngự, giết chóc lẫn nhau, tàn hại, sát thương, ăn nuốt lẫn nhau)". Trong các loài sinh vật đang sinh sống trong tự nhiên đây, nếu xét ra, thì loài nào phạm vào câu Kinh Phật nói này nhất đây? Dạ vâng. Chắc chắc đó chính là ...loài người chúng ta đây. Thử xem xem, nếu chúng ta không ăn chay thì mỗi ngày trôi qua, ba bữa chính (còn ăn vặt, hàng quán không kể...), chúng ta cho vào bao tử của mình, có thể là trực tiếp [xác con vật] hay gián tiếp [từ những thực phẩm được chế biến từ động vật], chẳng ít đâu. Rồi mỗi ngày trôi qua như thế, rồi nhà nhà như thế, từng đời từng đời như thế, khắp nơi như thế... Thế gian này biến thành cái lò sát sanh [trực tiếp hay gián tiếp] khổng lồ vậy. Bởi vậy, nghiệp lực chúng sanh chiêu cảm thật không thể nghĩ bàn! Chúng ta, những người "ăn chay, niệm Phật" cùng sống chung trong 'cái lò' ấy, ắt cũng phải chịu chung [môi trường] ấy không ít. Bởi vậy, tu tập giữa cõi ô trược này , xuyên suốt cả một cuộc đời này, chẳng phải chuyện giản đơn.
Câu Kinh "Hồn thần, mạng tinh theo tội mà hướng về, chịu lấy thọ mạng hoặc dài hay ngắn, theo nhau cùng sanh để báo đền lẫn nhau". Đức Phât nói lên một sự thật [đau lòng] của kiếp nhân sinh. Những con người bên cạnh mình đây, vợ chồng, con cái, anh em, quyến thuộc... những người [mà chúng ta hằng thương yêu nhất] này, chính là ai đây?! Thiện giả hay ác giả đến [để đòi nợ hay trả nợ] thì chưa biết, nhưng chắc chắc là những nhân duyên rất sâu dày "theo nhau cùng sanh để báo đền lẫn nhau". Cho nên, [chẳng may] họ có làm những điều gì bất thiện, bất như ý cũng chẳng có gì lạ. Nhiệm vụ của [người tu hành] chúng ta là phá mê khai ngộ cho họ, giúp họ thức tỉnh, giác ngộ, cắt đứt sợi dây ân ân oán oán từ nhiều đời nhiều kiếp, [từ đây] sống trong ánh quang minh Chánh pháp, trở thành đồng tu đạo hữu, cùng tu học hướng đến mục tiêu giải thoát.
Dĩ nhiên, đó là chúng ta chỉ nói những điều 'mắt thấy tai nghe' trong một cuộc đời này thôi. Hằng hà sa số bố mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, thân thuộc chúng ta , từ vô lượng kiếp, vẫn đang trôi lăn xoay vần trong lục đạo, [phần lớn] đang chịu cảnh trầm luân khổ ải, không thể nói hết được. Bởi vậy, để có thể có năng lực cứu giúp tất cả, "tận hiếu" với tất cả, chỉ còn cách bản thân chúng ta phải tự cứu thành công mình, liễu thoát sanh tử cho bằng được ngay đời này. Được về cõi ấy rồi, một khi đã đủ thần thông đạo lực lại mặc áo giáp xuống thế gian để độ sanh, đến đi triển chuyển chẳng ngơi nghỉ. Rồi khi trọn thành Phật quả, tùy nguyện độ sanh khắp Pháp giới.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ trích lục
Phẩm 35. Trược Thế Ác Khổ
Ngài Hoàng Niệm Tổ