Sách An Lạc Tập dẫn kinh Quán Phật Tam Muội như sau:
“Phật khuyến phụ vương hành Niệm Phật tam-muội. Phụ vương bạch Phật:
- Phật địa quả đức, Chân Như Thật Tướng, Đệ Nhất Nghĩa Không, hà nhân bất di đệ tử hành chi?
Phật cáo phụ vương:
- Chư Phật quả đức, hữu vô lượng thâm diệu cảnh giới, thần thông, giải thoát, phi thị phàm phu sở hành cảnh giới, cố khuyến phụ vương hành Niệm Phật tam-muội.
Phụ vương bạch Phật:
- Niệm Phật chi công, kỳ trạng vân hà?
Phật cáo phụ vương:
- Như Y Lan lâm, phương tứ thập do-tuần, hữu nhất khỏa Ngưu Đầu Chiên Đàn, tuy hữu căn nha, do vị xuất thổ. Kỳ Y Lan lâm, duy xú vô hương. Nhược hữu đạm kỳ hoa quả, phát cuồng nhi tử. Hậu thời Chiên Đàn căn nha, tiệm tiệm sanh trưởng, tài dục thành thụ, hương khí mạo thịnh, toại năng cải biến thử lâm, phổ giai hương mỹ. Chúng sanh kiến giả, giai sanh hy hữu tâm.
Phật cáo phụ vương:
- Nhất thiết chúng sanh, tại sanh tử trung, niệm Phật chi tâm, diệc phục như thị. Đản năng hệ niệm bất chỉ, định sanh Phật tiền. Nhất đắc vãng sanh, tức năng cải biến nhất thiết chư ác thành đại từ bi. Như bỉ hương thụ, cải Y Lan lâm”.
(Phật khuyên phụ vương hành Niệm Phật tam-muội. Phụ vương bạch Phật:
- Quả đức của Phật địa là Chân Như Thật Tướng, Ðệ Nhất Nghĩa Không, sao Phật chẳng dạy đệ tử hành theo?
Phật bảo phụ vương:
- Quả đức của chư Phật có vô lượng cảnh giới thâm diệu, thần thông, giải thoát, chẳng phải là cảnh giới của phàm phu hành được, nên Phật khuyên phụ vương hành Niệm Phật tam-muội.
Phụ vương bạch Phật: - Công năng của niệm Phật ra sao?
Phật bảo: - Như giữa cánh rừng Y Lan rộng đến bốn mươi do tuần, có một cây Ngưu Đầu Chiên Đàn tuy đã bén rễ, nảy mầm, nhưng chưa trồi lên khỏi mặt đất, rừng Y Lan ấy chỉ có mùi thối không thơm tho gì. Nếu có kẻ nào ăn phải hoa quả của cây Y Lan sẽ phát cuồng mà chết. Lúc sau, mầm cây Chiên Đàn dần dần tăng trưởng, vừa sắp mọc thành cây thì mùi thơm đã ngào ngạt, đủ sức biến đổi cả khu rừng đó thành ra thơm ngát cả. Chúng sanh trông thấy sanh lòng hy hữu.
Phật bảo phụ vương:
- Tâm niệm Phật của hết thảy chúng sanh trong sanh tử cũng giống như thế. Chỉ cần hệ niệm chẳng ngơi thì quyết sẽ sanh ở trước Phật. Một phen đã vãng sanh liền biến cải hết thảy các ác thành đại từ bi như cây có mùi thơm kia biến cải cả rừng Y Lan).
Rừng Y Lan vừa nói ví cho Tam Độc, Tam Chướng, vô biên các tội trong thân chúng sanh. Chiên Đàn ví cho tâm niệm Phật của chúng sanh. “Tài dục thành thụ” (Vừa sắp mọc thành cây) là hết thảy chúng sanh chỉ cần niệm liên tục chẳng ngơi thì đạo nghiệp sẽ hoàn thành.
Kinh Ðại Bi cũng dạy: “Nhất xưng Phật danh, dĩ thị thiện căn, nhập Niết Bàn giới, bất khả cùng tận” (Xưng danh hiệu Phật một tiếng thì do căn lành ấy nhập vào Niết Bàn giới chẳng thể cùng tận).
Kinh Xưng Dương Chư Phật Công Ðức cũng nói: “Nhược hữu đắc văn Vô Lượng Thọ Như Lai danh giả, nhất tâm tín nhạo, trì phúng tụng niệm... kỳ nhân đương đắc vô lượng chi phước, vĩnh đương viễn ly tam đồ chi ách. Thọ chung chi hậu, giai đắc vãng sanh bỉ Phật sát độ” (Nếu có kẻ được nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật Như Lai mà nhất tâm tin ưa, trì, phúng tụng niệm… kẻ ấy sẽ được vô lượng phước, sẽ vĩnh viễn xa lìa ách nạn tam đồ. Sau khi mạng chung đều được vãng sanh trong cõi đức Phật kia).
Kinh Văn Thù Bát Nhã cũng nói: “Chúng sanh ngu độn, quán bất năng giải, đản linh niệm thanh tương tục, tự đắc vãng sanh” (Chúng sanh ngu độn, chẳng thể hiểu được Quán, chỉ nên dạy họ [giữ được] tiếng niệm liên tục thì sẽ tự được vãng sanh).
Sách Tịnh Tu Tiệp Yếu còn khen ngợi pháp môn Niệm Phật như sau: “Sáu chữ thống nhiếp vạn pháp, một môn chính là phổ môn. Toàn thể Sự là Lý, toàn thể vọng đều quy về chân, hoàn toàn từ tánh khởi tu, hoàn toàn tu nơi tánh. Học rộng vốn là thâm nhập, chuyên tu chính là tổng trì. Từng tiếng, từng tiếng đánh thức chính mình, từng niệm, từng niệm chẳng lìa Bổn Tôn”.
Sách còn viết: “Vô Lượng Thọ Quang là Bổn Giác của ta. Khởi tâm niệm Phật gọi là Thỉ Giác. Mượn y báo, chánh báo của Phật để hiển lộ tự tâm của chính mình. Thỉ Giác, Bổn Giác chẳng rời nhau, thẳng tiến trên con đường giác ngộ. Mới hơi trái nghịch đã đọa vào vô minh”.
Sách Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận cũng nói: “Cần phải biết rằng một pháp Trì Danh thật là giản yếu nhất. Hành giả lúc sơ phát tâm phải chú trọng định khóa (thời khóa nhất định): Mỗi ngày niệm một ngàn tiếng hoặc một vạn tiếng, hoặc mười ức tiếng, từ ít đến nhiều, từ tán nhập định, tùy theo niệm lực đều được vãng sanh”.
Sách An Lạc Tập cũng bảo: “Xưng danh cũng như vậy, chỉ nên chuyên chí liên tục chẳng dứt thì quyết định sanh về trước Phật. Nay khuyên hàng hậu học nếu muốn lãnh hội Nhị Ðế thì chỉ cần hiểu niệm niệm là bất khả đắc, đấy chính là Trí Huệ Môn. [Tuy hiểu như vậy] nhưng vẫn hệ niệm liên tục chẳng ngơi thì chính là Công Ðức Môn. Vì vậy, kinh nói Bồ Tát Ma Ha Tát luôn dùng công đức và trí huệ để tu tâm mình. Nếu là kẻ mới học chưa thể phá được tướng thì chỉ nên dựa theo tướng mà chuyên chí thì không ai chẳng được vãng sanh, chẳng còn ngờ gì nữa”.
Những hành nhân hiện tại nên tin chắc lời dạy ấy, chẳng cần trước hết phải ly tướng làm gì, chỉ cần trì danh chăm chỉ, ròng rặt, bền chắc: “Nương theo tướng mà chuyên chí thì không ai chẳng được vãng sanh”. Ðấy chính thật là kim chỉ nam để dẫn chúng sanh vượt khỏi biển sanh tử vậy.
Trên đây, tôi đã dẫn rộng các kinh luận để chứng minh lợi ích thù thắng của pháp Trì Danh Niệm Phật.
Trì Danh phải chuyên chí, phải “một bề chuyên niệm” như sách Quán Niệm Pháp Môn bảo: “Phật nói hết thảy chúng sanh căn tánh bất đồng, có Thượng, Trung, Hạ. Với mỗi căn tánh, Phật đều khuyên chuyên niệm danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật.
Hỏi: Năm thứ nhân duyên (chỉ ngũ niệm môn) đều là Tịnh nghiệp, sao lại chỉ với pháp Niệm Phật bảo phải nhất hướng?
Ðáp: Có ba nghĩa:
- Một là do phế các hạnh [khác, chỉ] lập Niệm Phật mà nói như thế.
- Hai là để giúp cho chánh nghiệp Niệm Phật nên nói ra các hạnh trợ nghiệp.
- Ba là do Niệm Phật là chánh, các hạnh là phụ, nên bảo là nhất hướng”.
Xin giải thích như sau: Câu “nhất hướng chuyên niệm” (một bề chuyên niệm) có đến ba nghĩa:
- Một là phế bỏ các hạnh khác, chuyên lập hạnh Niệm Phật, chỉ đề xướng một câu Phật hiệu, thâm nhập một môn, chẳng lẫn tạp các pháp khác; phế hết các hạnh, chỉ lập một pháp niệm danh hiệu Phật. Ðấy gọi là “nhất hướng chuyên niệm”.
- Hai là chỉ lấy Niệm Phật làm chánh nghiệp. Ðể hỗ trợ chánh nghiệp này nên tu các hạnh khác. Niệm Phật là chánh, các hạnh khác là phụ trợ. Chánh nghiệp thống lãnh các trợ nghiệp, trợ nghiệp phụ thuộc chánh nghiệp. Chánh và Trợ viên dung, cùng vào trong Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải nên bảo là “nhất hướng chuyên niệm”.
- Ba là Niệm Phật là chánh, các hạnh là phụ. Chánh, phụ khác nhau, thứ tự phân minh. Lấy nhất hướng chuyên niệm làm chủ yếu thì tuy chẳng bỏ tu các hạnh khác, vẫn gọi là “nhất hướng chuyên niệm”.
Lời luận trên rất ổn đáng. Vì thế, người niệm Phật không ai chẳng kiêm tu các môn lễ bái, phát nguyện, hồi hướng v.v…
Theo như những thuyết trên thì người niệm Phật có thể kiêm trì các chú Vãng Sanh, Ðại Bi, Chuẩn Ðề v.v… hoặc kiêm trì tụng các kinh như Tâm Kinh, Kim Cang v.v… nhưng phải phân định rạch ròi chánh hạnh, trợ hạnh, niệm Phật miên mật thì mới chẳng trái với “nhất hướng chuyên niệm”. Sách Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận đã giảng rõ ý chỉ ấy. Sách viết:
“Hành giả đã phát tâm Bồ Ðề thì nên tu vạn hạnh của Bồ Tát. Với tất cả điều thiện thế gian hay xuất thế gian dù là nhỏ như mảy lông cho đến vô biên công đức đều dùng thâm tâm, chí thành tâm hồi hướng Cực Lạc thì cũng gọi là ‘nhất hướng chuyên niệm’. Chẳng cần buông bỏ trăm việc mới gọi là chuyên niệm. Do Phật tánh hiện diện trọn khắp hết thảy chỗ nên còn có buông, có bỏ thì chẳng gọi là Niệm Phật”.
Lời luận này thật khế hợp thời cơ, người đời hiện tại bận bịu lắm việc khó lòng buông bỏ tất cả để suốt ngày niệm Phật. Chỉ cần tin sâu, nguyện thiết cầu sanh Tịnh Ðộ. Gặp việc cứ làm, xong việc lại niệm Phật. Thế pháp vốn chẳng trở ngại Phật pháp; huống hồ là với hết thảy hạnh lành thế gian, xuất thế gian đều dùng cái tâm chí thành hồi hướng Cực Lạc. Làm được như vậy thì cũng gọi là “nhất hướng chuyên niệm”.
Theo Khởi Tín Luận, kiêm hành pháp thiện thế gian còn được gọi là “nhất hướng chuyên niệm”, huống là kiêm tu các pháp xuất thế. Chẳng hạn như, trong cuốn Phạm Thất Ngẫu Ðàm, Ngẫu Ích đại sư đã viết: “Lại nữa, Thiền giả muốn sanh về Tây Phương thì chẳng cần phải đổi sang Niệm Phật, chỉ đầy đủ Tín, Nguyện thì tham thiền chính là hạnh Tịnh Ðộ”. Hơn nữa, đại sư từng bế quan kết đàn trì chú Vãng Sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Ngài lại còn viết những bài kệ để phát thệ. Kệ rằng:
“Con dùng chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng tâm, đốt tay ba cây hương (dùng ba cây hương đốt cánh tay), kết một thất tịnh đàn (kết đàn nghiêm tịnh để tụng chú trong bảy ngày liền), chuyên trì chú Vãng Sanh, chỉ trừ lúc ăn ngủ. Nguyện đem công đức này, cầu quyết sanh An Dưỡng”. Những việc ấy chứng tỏ chỉ cần đủ tín nguyện cầu vãng sanh thì dù tham thiền hay trì chú cũng đều là hạnh Tịnh Ðộ.
Tác giả của bộ Di Ðà Viên Trung Sao là U Khê đại sư cả đời tu các pháp sám Pháp Hoa, Ðại Bi, Kim Quang Minh, Di Ðà, Lăng Nghiêm không sót ngày nào. Lâm chung biết trước thời khắc, tay viết năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, rồi cao giọng xướng tựa đề kinh vài lượt, an nhiên viên tịch.
Như vậy, tu sám, trì kinh đều là hạnh Tịnh Ðộ. Do đó, đã phát Bồ Ðề tâm, trì danh hiệu Phật thì dẫu có kiêm tu các pháp khác cũng được coi là “nhất hướng chuyên niệm”, cũng được vãng sanh.
Nhưng kiêm tu nhiều môn chẳng bằng thâm nhập một môn, nhất tâm chuyên chí xưng niệm Di Ðà thì mới dễ khiến chỗ chín biến thành chỗ sống, chỗ sống biến thành chỗ chín. Ái nhiễm tham đắm là chỗ chín của chúng sanh. Bồ Ðề chánh niệm là chỗ sống sít của chúng sanh. Chỗ sống sít biến thành chín rục thì lúc lâm chung, khi bị các khổ bức bách mới vẫn khởi lên được câu niệm Phật hòng cảm được Phật tiếp dẫn để được vãng sanh.
Hành nhân Tịnh Độ chỉ cần gầy dựng Tín Nguyện cho đầy đủ sẽ giải quyết được mọi vấn đề, phù hợp cho mọi căn cơ, hoàn cảnh.
Ngài Hoàng Niệm Tổ