Thư thứ nhất
Huệ Toàn
Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Toàn, y theo trí huệ của Phật mà tu Tịnh nghiệp chính là Huệ Toàn. Đã tự có thể cân nhắc được pháp môn nào phải nên tu, lại còn có thể cân nhắc cho hết thảy mọi người mà nói ra pháp khế lý khế cơ nhất này. Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai. Há có nên nói “cha bảo ăn thịt mà chẳng tuân lời là bất hiếu” ư? Lỡ mai kia cha ông phát cuồng, bảo ông rằng: “Cha thương con lắm. Con hãy nên cắt thịt nơi thân cha để ăn thì lòng cha mới hết sức vui vẻ. Nếu con chẳng cắt thịt cha để ăn tức là bất hiếu! Kẻ bất hiếu thiên địa quỷ thần đều tru lục! Nếu con ăn thịt cha tức là đại hiếu, tôn kính cha mẹ, thiên địa quỷ thần sẽ vĩnh viễn che chở, khiến cho con vĩnh viễn hưởng tốt lành”. Ông có chịu vâng lệnh ấy hay chăng? Ông nghĩ “cha bảo ăn thịt mà chẳng tuân lời thì là bất hiếu”, còn bảo là “mắc tội lớn”, tức là ăn nói mù quáng thiếu hiểu biết!
Uyển chuyển khuyên dụ
Chỉ nên đem ý ấy để uyển chuyển khuyên dụ, chớ nên chống đối quyết liệt. Lại còn phải khuyên cha mẹ ông ăn chay trường để đời đời kiếp kiếp khỏi phải thường chịu sát báo! Làm được như thế mới là chân hiếu. Người đời dùng thịt để tỏ lòng hiếu, chính là hành vi của kẻ vô tri! Đã quy y Phật, sao còn coi những tình ý mê muội của thế tục là đúng? Ông Hoàng Sơn Cốc đời Tống có thơ khuyên kiêng sát sanh ăn thịt như sau:
Ngã nhục, chúng sanh nhục,
Danh thù, thể bất thù,
Bổn thị nhất chủng tánh,
Chỉ vị biệt hình khu,
Khổ não tùng tha thụ,
Phì cam vi ngã nhu,
Mạc giao Diêm quân đoán,
Tự sủy ứng hà như?
(Thịt ta, thịt chúng sanh,
Danh khác, thể nào khác,
Vốn cùng một chủng tánh,
Chỉ sai biệt hình hài,
Khổ não chúng cam chịu,
Ngọt béo ta hưởng riêng,
Đừng đợi Diêm Vương xử,
Tự suy ắt biết mà!)
[Dù thế nào] đừng sát sanh trong nhà
Xin hãy đưa thư tôi cho cha ông đọc. Nếu cha ông chịu nghe theo lời tôi thì thật là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Nếu cụ vẫn muốn ăn thịt thì chỉ nên nấu nướng đôi chút để cụ khỏi quá thèm, đừng tận sức cung cấp kẻo tạo thêm sát báo cho cha ông. Lại chỉ nên mua những loại sẵn có ngoài chợ, đừng giết trong nhà. Sát sanh trong nhà, nhà sẽ biến thành nơi giết chóc, không gì kém tốt lành bằng!
Thư thứ hai
Như bậc đại thông gia? [e nhường phần cho ngu phu ngu phụ]
Nhận được thư đầy đủ. Ở nhà rảnh rỗi thì hãy nên sốt sắng đem pháp môn Tịnh Độ giảng nói cho song thân để họ sanh lòng chánh tín hòng được vãng sanh thì công đức lớn lắm. Tuy đọc kinh điển Đại Thừa, vẫn phải lấy Niệm Phật làm chánh hạnh. Nếu một dạ nghiên cứu ý nghĩa của kinh, vứt niệm Phật ra sau ót thì có thể trở thành gần giống như một bậc đại thông gia, chứ siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này e rằng sẽ nhường cho ngu phu ngu phụ, còn chính mình trọn chẳng có phần đâu! Cần biết rằng: Pháp môn Niệm Phật là pháp môn đặc biệt trong Giáo; trừ pháp này ra, đừng nói phàm phu chẳng thể liễu ngay trong đời này, ngay cả bậc thánh nhân đã chứng Sơ Quả, Nhị Quả cũng chẳng thể liễu trong đời này được! Tâm đừng chuộng cao, cho rằng “hiểu rõ ý nghĩa kinh Phật sẽ được đại lợi ích”. Nếu nghĩ như vậy, sẽ chẳng khác gì kẻ giữ sổ sách nơi tiệm buôn! Tuy nói có mấy ngàn, mấy vạn, mấy chục vạn qua tay ta lo liệu, nhưng rốt cuộc đâu phải của chính mình, tới khi xong chuyện, chính mình chỉ được chút phần tiền lương mà thôi! Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ! Từ nay đừng gởi thư đến nữa! Có ai muốn quy y, hãy bảo họ quy y với vị Tăng nơi ấy, hoặc [quy y với] vị nào dựng cao tràng pháp. Còn như Quang, quả thật chẳng có mục lực lẫn tinh thần để thù tiếp! Pháp danh của ba người ghi trong tờ giấy khác. [Gởi kèm cho họ] Một Lá Thư Trả Lời Khắp để làm khai thị (Ngày mồng Hai tháng Hai năm Dân Quốc 28 - 1939).
Thư thứ ba
Niệm Phật, dạy người niệm Phật
Những loài thú dữ, rắn độc, châu chấu đều do tâm con người hung ác mà chúng gây tổn thương cho con người. Nếu hướng về chúng nó niệm Phật và dạy hết thảy mọi người ai nấy đều niệm Phật thì chúng nó sẽ tự bỏ đi, há nào phải là giết chúng mà có thể trừ hại cho dân hay sao? Đấy chính là dẫn dắt người khác tạo nghiệp, đời đời kiếp kiếp phải chịu sát báo. Ông học Phật kiêng giết mà thốt ra lời lẽ đáng ghét nhất ấy! Nếu chẳng sám hối, ắt sẽ bị trời quở. Một đứa bé gái mua một cái đập ruồi, hễ thấy ruồi bèn đập, chưa được bao lâu cả nhà đều bị ruồi bò đầy. Bà nội bèn mở toang cửa ra vào, cửa sổ, niệm Phật cầu ruồi bỏ đi, ruồi bèn bỏ đi hết. Do đứa bé gái ấy còn có thiện căn, bởi chuyện ấy bèn dứt sát nghiệp. Nếu không, ngày ngày sát sanh, chính mình cũng bị yểu thọ theo.
Cùng phát tâm từ, cùng niệm Phật hiệu, ắt chúng sẽ lánh xa
Cũng đừng học theo Tôn Thúc Ngao, thử hỏi ai có được lòng tốt ấy? Không có tấm lòng tốt ấy sẽ tự tạo sát nghiệp, dạy hết thảy mọi người tạo sát nghiệp! Hơn nữa, rắn hai đầu là con vật lạ hiếm thấy, cho nên Thúc Ngao giết đi rồi chôn. Mãnh thú, rắn độc, châu chấu, không phải là những con vật cứ giết đi là có thể ngăn ngừa được! Mọi người chỉ nên cùng phát tâm từ thiện, cùng niệm Phật hiệu, ắt chúng sẽ lánh xa. Sao ông không thấy trong phẩm Phổ Môn [đã dạy]: “Nhược ác thú vi nhiễu, lợi nha trảo khả bố, niệm bỉ Quán Âm lực, tật tẩu vô biên phương. Ngoan xà cập phúc yết, khí độc yên hỏa nhiên, niệm bỉ Quán Âm lực, tầm thanh tự hồi khứ” (Nếu ác thú vây quanh, nanh vuốt nhọn đáng sợ, do sức niệm Quán Âm, bỏ chạy không tăm tích. Rắn độc cùng bò cạp, phun độc như khói lửa, do sức niệm Quán Âm, nghe tiếng tự rút lui) vậy? Do ông chẳng biết thời thế, thốt ra lời ác cực nặng tự hãm, hãm người. Nếu chẳng nói toạc ra với ông, thì nẻo trước toàn là oán gia! Há có nên nói xằng ư? Pháp danh của tám người quy y tùy theo mỗi người mà tự nhận lãnh.
Không có ai đề xướng thì không cách gì phát khởi được!
Trong xưởng chịu đề xướng ăn chay niệm Phật, chắc chắn công việc sẽ phát đạt, mà cũng có thể hướng dẫn những người cùng nghề. Con người ưa điều lành ai mà chẳng giống như ta. Không có ai đề xướng thì không cách gì phát khởi được! Khai Thị Lục ước chừng cuối tháng sẽ gởi tới. Vô ý mà niệm Quán Âm tức là duyên thường niệm trong đời trước đã chín. Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp. Sanh lòng tin tu trì bèn có thể siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này, người không biết đến hoặc biết đến mà chẳng tu chẳng đáng buồn lắm hay sao?
Ảnh: Linh dương sừng kiếm - một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt (Đông Phi).
Đoạn đầu: Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Toàn, y theo trí huệ của Phật mà tu Tịnh nghiệp chính là Huệ Toàn. Đã tự có thể cân nhắc được pháp môn nào phải nên tu, lại còn có thể cân nhắc cho hết thảy mọi người mà nói ra pháp khế lý khế cơ nhất này. Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai. Há có nên nói “cha bảo ăn thịt mà chẳng tuân lời là bất hiếu” ư?
"Y theo trí huệ của Phật mà tu Tịnh nghiệp", tức là y giáo pháp Phật truyền trao mà tu trì [y giáo phụng hành], không được nghi ngờ, giải đãi. Rõ ràng, đây là giáo pháp khế lý khế cơ nhất hiện thời, phù hợp với mọi căn cơn, đối tượng, có thể trong một đời thành tựu, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Chẳng có giáo pháp nào khác được như vậy nữa cả, cho nên phải dốc lòng tu trì, dạy người, đều phải nương giáo pháp này mà cầu "lìa khổ, được vui", như thế chúng ta mới là 'Huệ Toàn' [trạch pháp, có trí huệ chân thật].
Câu “cha bảo ăn thịt mà chẳng tuân lời là bất hiếu”, phàm mới phát tâm tu đạo thì ai ai cũng gặp phải những thử thách, chướng duyên trùng trùng, 'vạn sự khởi đầu nan', cứ kiên trì, đừng thoái tâm ắc mọi thứ dần dần vượt qua được, chứ đừng kiểu 'gian nan bắt đầu nản' thì thôi, xong. Chúng ta cũng đừng nên quá cứng nhắc, chấp chặt, việc này những người đi trước có kinh nghiệm thường nên hướng dẫn người đi sau phải khéo léo, uyển chuyển, hoặc dạy người, hướng dẫn người nhập đạo cũng thế. Từng thứ lớp, thế hệ đi trước dìu dắt thế hệ đi sau. Tự hành, dạy người, công đức vô lượng.
Đoạn thơ
Thịt ta, thịt chúng sanh
Danh khác, thể nào khác...
Chúng ta thấy rõ ràng là như vậy. Ví dụ, con Tinh Tinh với con người có đến 98% gien di truyền (ADN) là giống nhau, chỉ khác biệt 2%. Đó là nói về di truyền học, còn thành phần hóa học chắc là y hệt luôn quá. Cho nên con người ăn thịt chúng sanh, liệu có khác gì đang ăn thịt... [đồng loại]!
Trong thư thứ hai, đoạn: Tuy đọc kinh điển Đại Thừa, vẫn phải lấy Niệm Phật làm chánh hạnh. Nếu một dạ nghiên cứu ý nghĩa của kinh, vứt niệm Phật ra sau ót thì có thể trở thành gần giống như một bậc đại thông gia, chứ siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này e rằng sẽ nhường cho ngu phu ngu phụ, còn chính mình trọn chẳng có phần đâu!
Đã nói là 'tu hành', tức là phải 'sửa đổi, hành trì', nếu không thì chỉ là được cái danh [bậc thông gia, người tu...] còn cái lợi ích chân thật thì chẳng có. Vì sao 'làm bậc thông gia' lại khó thành tựu? Vì như cái Ngài ví, như họ là những người 'đếm tiền', 'cộng sổ' [cho người]. Phật dạy chúng ta hãy chuyên tâm niệm Phật cầu giải thoát, còn các vị ấy lại thích nghiên cứu, lý luận này kia. Một mặt nữa, là lý thuyết biết nhiều đâm ra tâm tưởng loạn động, thật khó để phát khởi tín tâm chân thật, nguyện tâm tha thiết. Phàm phu chúng ta mà ưa thích văn tự, lý luận, 'ham cao chuộng xa' thì kiểu gì cũng dễ dính mắc vào những căn bệnh ấy. Thế nên các Ngài nói: với các bậc cao thì duyên càng rộng thì tâm càng quy nhất [do họ có 'pháp nhãn', biết chọn lựa, lấy - bỏ], còn phàm phu chúng ta thì ngược lại, duyên càng rộng tâm càng tán loạn. Mà một khi đã biết nhiều rồi thì buông xuống cũng chẳng phải chuyện dễ dàng, đừng tưởng nói muốn buông là buông được ngay [để quy nhất cái tâm]. Cho nên, biết 'đủ sài' là được rồi, quan trọng ở dụng công, hành trì. Nghe những điều cần nghe, đọc những điều cần đọc. Ngày ngày cứ 'hâm nóng, giữ nhiệt' như vậy mãi, kết hợp với chuyên cần hành trì. Cho nên "tâm đừng có ham cao chuộng xa", như các Ngài khuyên nhắc.
Chúng ta cùng học tập các đoạn khác để có lợi ích.
Văn Sao Tam Biên
Thư trả lời cư sĩ Chương Dĩ Thuyên (trích lục)
Đại Sư Ấn Quang