Tỉnh Hà Nam có vị Giải Nguyên họ Phan. Lúc trước, khi lên tỉnh dự kỳ thi Hương, Phan sinh cùng đi với hai người bạn. Đến chỗ trọ lại, có một thầy tướng rất giỏi nói riêng với hai người bạn rằng: “Tôi xem tướng Phan sinh sắp gặp đại nạn, tốt nhất hai người nên khuyên anh ấy lánh đi nơi khác.”
Hai người bạn nghe vậy liền lấy cớ chỗ trọ chật chội quá, mỗi người tặng cho Phan sinh 2 đỉnh bạc rồi bảo anh đi tìm chỗ trọ khác.
Phan sinh nghe lời, đi tìm được một chỗ trọ khác. Đến đêm lại đi dạo ven bờ sông thì bỗng nhìn thấy một người phụ nữ sắp nhảy xuống sông tự vẫn. Phan sinh liền ngăn lại, gạn hỏi nguyên nhân, người ấy kể rằng: “Chồng tôi buôn bán vải lụa, thu gom được một số khá nhiều. Gặp lúc anh ấy vừa đi vắng, có người vào mua tôi bán hết được 4 đỉnh bạc, chẳng ngờ sơ ý không xem kỹ, đều là bạc giả. Chồng tôi trở về nhất định thế nào cũng trách mắng, nên tôi chỉ còn cách tìm đến cái chết mà thôi.”
Phan sinh liền lấy trong tay áo ra 4 đỉnh bạc đưa cho cô ấy để bù vào chỗ bạc bị lừa mất. Sau đó trở về nhà trọ, thiếu tiền chi trả liền bị chủ quán trọ nhiếc mắng nhiều lời khó nghe, đành phải dọn đi, tìm đến xin trú ngụ trong một ngôi chùa.
Đêm ấy, có vị tăng trong chùa mộng thấy nhiều vị thần từ trời hiện xuống. Một vị nói: “Bảng vàng khoa này đã định, nhưng người được chọn đỗ Giải nguyên gần đây lại làm việc tổn đức nên bị Ngọc Đế xóa tên rồi, hiện vẫn chưa có người thay thế.”
Một vị thần khác nói: “Phan sinh đang ngụ trong chùa này có thể thay thế được.” Lại nghe tiếng một vị nói: “Tướng của Phan sinh là sắp chết bất đắc kỳ tử, làm sao có thể chọn thay Giải nguyên?” Một thần khác đưa hai tay xoa mặt Phan sinh rồi nói: “Bây giờ chẳng phải đã là tướng Giải nguyên rồi sao?”
Vị tăng ghi nhớ những lời đã nghe, sau đó khoản đãi Phan sinh hết sức trọng hậu.
Sau khi dự thi xong, Phan sinh tìm đến chỗ hai người bạn để cảm ơn. Người thầy tướng hôm trước vừa nhìn thấy Phan sinh đã kinh hãi kêu lên: “Ông làm được công đức gì mà tướng mạo đổi khác thế này? Giải nguyên khoa thi Hương này, ngoài ông ra không thể là ai khác.”
Khi công bố kết quả kỳ thi, quả nhiên đúng vậy.
Lời bàn
Làm một việc thiện, nên tưởng như nước vỡ bờ đê, cuồn cuộn chảy không thể ngăn lại, gấp rút quyết định, như thế mới thành tựu. Phan sinh nếu có mảy may suy đi tính lại chuyện bản thân mình, hiện đang ứng thí mà tiền bạc không đủ, chắc gì đã không bỏ dở việc thiện muốn làm, nửa chừng ngưng lại? Trong lúc ấy Phan sinh thật chỉ biết có người đang cần được cứu, mà không suy tính đến việc riêng của mình, nên việc cứu người mới thành tựu. Nhưng rồi hóa ra chỉ với 4 đỉnh bạc mà thoát được một cái chết bất đắc kỳ tử, sau lại đỗ Giải nguyên!
Nhân đây nhớ lại hồi mùa đông năm Kỷ Tỵ thuộc niên hiệu Khang Hy,tôi đến Trừng Giang dự khoa tiểu thí. Khi ấy, có một người giúp việc ở chỗ các quan khảo thí tên là Chu Quân Ngọc làm mất số tiền lớn của người khác gửi, thật khó có khả năng bồi hoàn nên đau khổ cơ hồ không còn muốn sống nữa. Tôi nghe chuyện như vậy hết sức thương xót, trong lòng muốn trợ giúp cho ông ta đôi chút, nhưng khổ nỗi thấy tiền mang theo chi dụng còn ít quá, nên rốt lại không giúp.
Không bao lâu sau, tôi quay về huyện Côn Sơn. Lúc quan khảo thí phân phát quyển bài thi phúc thí của Trường Châu, tôi vốn đã được chấm đỗ hạng nhì, nhưng chỉ được biết thứ hạng, chưa chính thức công bố tên tuổi nên mọi người chưa ai được biết. Rốt lại đến kỳ phúc thí tôi cũng chưa được chính thức nhìn thấy tên mình. Thời bấy giờ ở huyện Côn Sơn không có ai giữ quyển thi của Trường Châu ngoài Chu Quân Ngọc. Họ Chu với tôi lại không quen biết nhau, cũng không biết người đỗ hạng nhì chính là tôi. Giá như ngày trước tôi không quá quan tâm đến chuyện sở phí của riêng mình mà quyết lòng dành được chút tiền ít ỏi để giúp đỡ họ Chu, ắt hẳn ông ấy sẽ vì cảm ân nghĩa đó mà lấy quyển thi phúc thí đưa cho tôi xem. Tôi mãi vẫn không được thấy tên mình cho đến 2 năm sau đó. Đem trường hợp của mình mà so với chuyện của họ Phan, tôi thật lấy làm xấu hổ!
Trích Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả - Quyển Thượng
Chu An Sĩ