Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
- Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
- A Nan thưa hỏi.
- Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.
Chánh kinh:
Phật cáo A Nan:
- Pháp Tạng tỳ-kheo tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức, vô lượng vô biên. Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tự tại, phi thị ngữ ngôn phân biệt chi sở năng tri.
Phật bảo A Nan:
- Tỳ-kheo Pháp Tạng tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức vô lượng vô biên, được tự tại trong hết thảy pháp, chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi.
Giải:
Thế Tôn tổng kết phần kinh văn đã nói ở phần trước, nồng nhiệt khen ngợi tỳ-kheo Pháp Tạng tu đại hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ, tích lũy vô lượng vô biên công đức.
“Ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại” (Được tự tại trong hết thảy pháp): Ðức Thế Tôn tự xưng “ngã vi pháp vương, ư pháp tự tại” (ta là pháp vương, tự tại nơi pháp), nay Ngài dùng ngay câu này để khen ngợi Pháp Tạng trong lúc tu nhân thì thật là một lời khen ngợi tột bực.
“Nhất thiết tự tại” là hết thảy vô ngại, cũng có nghĩa là hết thảy thành tựu trọn vẹn. Thành tựu viên mãn dung thông vô ngại mới gọi là “tự tại”. Ngoài ra, thánh hiệu Quán Tự Tại Bồ Tát cũng ngầm nêu huyền chỉ sâu kín sau: Tự là tự tánh, tự tâm. Quán Tự Tại là thấy rành rẽ cái tánh, thấy rành rẽ cái tâm, đấy chính là “thậm thâm Bát Nhã” nên có thể chiếu phá Ngũ Uẩn, thoát khỏi hết thảy khổ ách. Ðây cũng chính là “ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại” (được tự tại nơi hết thảy pháp). Ðó là vì lấy tự tại làm nhân, rồi vẫn lấy tự tại làm quả: Nhân quả đồng thời chẳng thể nghĩ bàn!
Sách Hội Sớ lại giải thích như sau: “Nay bảo ‘ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại’ thì chính là thành tựu Phật quả của đức Thế Tự Tại Vương Phật. ‘Nhất thiết pháp’ chính là pháp bốn mươi tám nguyện, tức là: Pháp trang nghiêm Tịnh Ðộ, pháp nhiếp thủ chúng sanh, pháp trang nghiêm Pháp Thân v.v…” Ý nói: Bốn mươi tám nguyện của ngài Pháp Tạng thảy đều viên mãn; hết thảy các pháp được thâu tóm trong các nguyện ấy đều đã viên dung vô ngại, thành tựu được Quả Giác của Thế Gian Tự Tại Vương Phật nên bảo là “nhất thiết tự tại” (hết thảy tự tại).
“Phi thị ngữ ngôn phân biệt chi sở năng tri” (Chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi): Một câu này quả thật là kim cang vương bảo kiếm, chặt phăng hết sạch những suy lường, kiến giải của chúng sanh. Câu này và câu “thị pháp phi tư lượng phân biệt chi sở năng giải” (pháp này chẳng thể do suy lường, phân biệt mà hiểu được nổi) trong kinh Pháp Hoa thật chỉ là một, một vị, một âm, giống hệt nhau chẳng khác. Ðây chẳng phải là điều trùng hợp ngẫu nhiên mà thật chính là do thể tánh của hai câu tương đồng.
Kinh Viên Giác nói: “Vị xuất luân hồi, nhi biện Viên Giác, bỉ Viên Giác tánh, tức đồng lưu chuyển” (Chưa thoát được luân hồi mà bàn đến Viên Giác thì cái tánh Viên Giác đó cũng chỉ là lưu chuyển). Câu kinh này chỉ rõ: Chẳng thể dùng phân biệt, so lường để hiểu nổi Viên Giác.
Quả Giác của ngài Pháp Tạng thật chẳng thể dùng lời lẽ nào để có thể diễn tả nổi, chẳng thể dùng cái tâm sanh diệt của chúng sanh để suy xét, phân biệt mà thấu hiểu được nổi. Còn đối với phàm phu thì dẫu nói năng cũng chẳng thể biết được, không nói năng cũng chẳng thể biết được, phân biệt cũng không thể biết được, không phân biệt lại càng không thể biết được! Diệu quả Pháp Thân cứu cánh của ngài Pháp Tạng chỉ có Như Như với Như Như trí mới có thể lãnh hội được nên phàm tình làm sao suy thấu cho được!
Ảnh minh họa: "Bấy giờ, Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Từ đây tới phương Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong cõi đó, có đức Phật hiệu A Di Đà, hiện đang nói pháp.” “Xá Lợi Phất, vì sao cõi đó tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Từ phẩm này trở đi Kinh văn nói đến sự thành tựu viên mãn các hạnh nguyện của Ngài Pháp Tạng, Ngài đã thành Phật hiệu là A Di Đà, cùng cõi nước nghiêm tịnh có tên là Cực Lạc. Cõi nước ấy cách Diêm Phù Đề này mười vạn ức cõi Phật.
Đầu tiên, Đức Phật thuyết giảng rằng Tỳ Kheo Pháp Tạng tu hạnh Bồ Tát, tích công lũy đức là "vô lượng vô biên, được tự tại trong hết thảy pháp, chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi". Tức là việc tu hạnh Bồ Tát là vô lượng vô biên, nên công đức tích lũy cũng vô lượng vô biên, không thể tính đếm được. Các Pháp của Ngài đều được tự tại dung thông, tức hoàn toàn không bị chướng ngại gì cả. Hay nói cách khác là đều có thể vượt qua, san bằng mọi chướng ngại trên bước đường hành đạo. Nói chung là phải được như thế thì hết thảy các pháp ấy mới thành tựu viên mãn được. Chứ còn bị chướng ngại này kia ngăn trở [tức không tự tại] thì làm sao thành tựu và viên mãn cho được.
Hơn nữa, việc tu hành Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức ấy của Ngài là "chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi", đối với phàm phu và cả bậc Thánh nhân cũng vậy. Mà điều này chỉ có Phật cùng Phật mới biết rõ tường tận. Phàm phu chúng ta thì hay thích suy lường Phật trí, tuy nhiên chúng ta phải biết rằng có những điều là "chẳng thể", tốt nhất là Phật nói sao chỉ cần biết vậy thôi.
Chúng ta đọc đoạn chú giải trích lược bên trên hay toàn nguyên văn trong sách Chú Giải của các Ngài để biết rõ hơn về nghĩa lý đoạn Kinh văn này.
Qua đoạn Kinh văn này, ngoài việc biết nghĩa lý, chúng ta liệu có thể áp dụng được điều gì trong tu học của mình chăng? Dạ vâng, có chỗ là "tự tại trong hết thảy pháp", chúng ta liệu có thể áp dụng và học theo được chăng? Hành giả Tịnh Độ chúng ta hàng ngày niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, cùng có thể kiêm tu các trợ hạnh khác làm trợ duyên, tùy phận tùy lực mỗi người, chẳng ai giống ai. Với các pháp đó, liệu chúng ta có thể "tự tại" được chăng? Tức là chẳng bị chướng ngại gì cả? Dạ vâng, điều đó hầu như là không thể với mỗi chúng ta, chúng ta chỉ cố gắng "tự tại" trong mức cho phép mà thôi, tức tùy phận tùy lực của mình. Nếu cố gắng vượt hơn ắt sẽ bị chướng ngại, phiền não ngay, rồi trở nên 'phản tác dụng', tức là được thì ít mà mất thì nhiều. Điều này trong trải nghiệm tu học chắc chúng ta đều đã rõ. Phàm phu chúng ta nơi cõi trần này tu đạo là như vậy. Điều này là chúng ta đang nói cho cả chánh hạnh niệm Phật và các trợ hạnh khác. Thật vậy chăng? Hàng ngày chúng ta niệm Phật liệu có bị chướng ngại không? Có được "tự tại" mà dụng công hành trì, hạ thủ công phu không? Điều này mỗi chúng ta đã có câu trả lời, không cần nói nữa. Chắc chắn là có, không nhiều thì ít. Sẽ có người nói, tôi đây niệm Phật hoàn toàn không bị chướng ngại gì cả, ví dụ, nếu bận rộn thì tôi niệm thầm trong tâm, lúc đi đứng nằm ngồi..., nói chung là không ai có thể ngăn cản tôi niệm Phật cả! Dạ vâng, đúng là như vậy, trong các hạnh thì hạnh niệm Phật là có thể linh động nhất, mọi lúc mọi nơi, cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp, mọi căn cơ...Cho nên, Phật mới chọn niệm Phật là Chánh hạnh vãng sanh [cùng các lý do khác nữa]. Tuy nhiên, nói phàm phu đây niệm Phật chẳng có chướng ngại cũng không đúng. Ví dụ, người bận rộn có thể tranh thủ lúc đi đứng nằm ngồi, lúc tâm trí rảnh rang... nhưng như thế làm sao so được với những lúc trong thời khóa hạ thủ công phu, hay đến Đạo tràng cộng tu cùng đại chúng, nhiếp tâm niệm Phật? Chắc chắn là không thể bằng được! Cho nên, phàm phu chúng ta chỉ có thể nói là 'tùy duyên' mà hành trì thôi, còn 'tự tại' thì hơi bị 'xa xỉ' đấy! Bậc Thánh nhân, thượng căn thượng trí thì có thể, bởi các Ngài có thể đạt đến Nhất tâm bất loạn rồi, như thế thì vừa làm việc vừa niệm Phật hoàn toàn không ảnh hưởng gì cả, như không vậy thôi. Chứ còn phàm phu chúng ta không thể cùng lúc dùng 'nhị tâm' được đâu, dẫu có niệm cũng chẳng thể bằng lúc ngồi công phu nhiếp tâm được. Đó là thực tế!
Qua phân tích một chút bên trên chúng ta có thể thấy, chúng ta tu Tịnh Độ, cầu sanh về Cực Lạc trong đời này, như đã biết, rằng việc thành tựu vãng sanh không phải ở trình độ công phu như thế nào, cao thấp sâu cạn ra sao, mà phụ thuộc vào Tín tâm Nguyện tâm của chúng ta tới đâu mà thôi. Bởi phàm phu chúng ta tu chân nơi cõi Ngũ Trược này ít nhiều đều gặp trở ngại, thử thách, gian nan, chẳng thể "tự tại" được đâu, cho nên rất khó thành tựu viên mãn các Pháp được, trong đó có Chánh hạnh niệm Phật. Vì thế Đức Phật Ngài đại từ đại bi mới ban cho lời Thệ Nguyện tiếp dẫn, dành cho mọi căn cơ, mọi đối tượng, tất cả chúng sanh đều được nương nhờ. Chúng ta chỉ cần chân thật tin tưởng, chân thật hành trì, ắt sẽ toại chí nguyện được giải thoát trong đời này thôi.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu (trích, lược)
Ngài Hoàng Niệm Tổ