Chánh kinh:
Kỳ nhị giả, thế gian nhân dân bất thuận pháp độ, xa dâm kiêu túng, nhậm tâm tự tứ. Cư thượng bất minh, tại vị bất chánh, hãm nhân oan uổng, tổn hại trung lương. Tâm khẩu các dị, cơ ngụy đa đoan, tôn ty trung ngoại, cánh tương khi cuống. Sân khuể ngu si, dục tự hậu kỷ, dục tham đa hữu. Lợi hại thắng phụ, kết phẫn thành thù. Phá gia vong thân, bất cố tiền hậu. Phú hữu xan tích, bất khẳng thí dữ. Ái bảo tham trọng, tâm lao thân khổ. Như thị chí cánh, vô nhất tùy giả. Thiện ác họa phước, truy mạng sở sanh. Hoặc tại lạc xứ, hoặc nhập khổ độc. Hựu hoặc kiến thiện tăng báng, bất tư mộ cập. Thường hoài đạo tâm, hy vọng tha lợi. Dụng tự cung cấp, tiêu tán phục thủ. Thần minh khắc thức, chung nhập ác đạo. Tự hữu tam đồ vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, lũy kiếp nan xuất, thống bất khả ngôn.
Thứ hai là nhân dân trong thế gian chẳng thuận pháp độ, xa xỉ, dâm dật, kiêu căng, phóng túng, mặc tình thỏa ý. Kẻ trên bất minh, kẻ có địa vị bất chánh, hãm người oan uổng, tổn hại trung lương. Lòng và miệng khác nhau, mưu mẹo, trá ngụy đa đoan; lừa dối hết cả tôn, ty, trong ngoài. Nóng giận, ngu si, ham hậu đãi mình, tham muốn có nhiều. Lợi - hại, thắng - bại, kết phẫn thành thù, tan nhà mất mạng, chẳng quản trước sau. Giàu có thì keo tiếc, chẳng chịu cho ra, càng thích giữ rịt, càng tham nặng hơn. Tâm nhọc thân khổ cho đến khi chết đi, không đem theo được gì! Thiện, ác, họa, phước theo mạng mà sanh: hoặc ở chỗ vui, hoặc vào nơi khổ độc. Lại hoặc là thấy người lành thì ghét gièm, chẳng khởi lòng hâm mộ, mong mỏi được bằng. Thường ôm lòng trộm cắp, mong mỏi hưởng cái lợi của người khác để cung cấp cho mình. [Của cải ấy rồi lại] tiêu tán, lại bị [kẻ khác] lấy mất. Thần minh ghi biết. Rốt cuộc vào trong ác đạo, tự có tam đồ vô lượng khổ não, xoay vần trong đó bao kiếp khó ra, đau đớn chẳng thể nói nổi.
Giải:
Ðiều thứ hai là tội ác trộm cắp. Ðối với vật có chủ, dù ít hay nhiều, nếu chẳng cho mà lấy thì đều là trộm cắp. Hạnh trộm cắp vốn bắt nguồn từ tam độc. Tham dục, keo kiết thì dễ sanh tâm trộm cắp. Các ác hỗ trợ nhau thành ra tội trộm cắp.
Từ chữ “bất thuận pháp độ” đến “bất cố tiền hậu” (chẳng quản trước sau), kinh nói đến tội lỗi trộm cắp.
Trong câu “bất thuận pháp độ” (chẳng tuân theo pháp độ), “pháp” (法) là khuôn phép, pháp tắc, “độ” (度) là quy củ, những quy định thông thường. “Xa” (奢) là xa xỉ, “dâm” (淫) là như sách Ðẳng Bất Ðẳng Quán Tạp Lục giảng: “Trong kinh, đa phần là chữ Dâm có liên quan đến người nữ. Chữ Dâm chuyên chỉ việc trai gái”. Hành dâm không chừng mực nên bảo là “xa dâm”. “Kiêu” (驕) là kiêu căng, hợm hĩnh, khinh người; “túng” (縱) là phóng túng. “Tự tứ”: “Tứ” (恣) là buông lung. Nam nữ ở chung chẳng tuân theo lễ nghĩa, tình dục phóng túng, chỉ cốt khoái ý, chẳng sợ tội lệ, nên bảo là “nhậm tâm tự tứ” (mặc tình thỏa ý).
Câu “cư thượng bất minh, tại vị bất chánh” (kẻ trên bất minh, người có địa vị bất chánh), ý nói: Kẻ có địa vị lợi dụng quyền thế lươn lẹo, chiếm đoạt, vơ vét, tổn người lợi mình, hại nước, hại dân… tạo đủ các thứ ác nghiệp. Gia Tường Sớ nói: “Quan Tể Tướng dung túng thuộc hạ bắt muôn dân đút lót, đoạt ngang của người”. Ðấy là “cư thượng bất minh”.
Ăn hối lộ đã thuộc về hạnh trộm cắp, huống hồ là còn “hãm nhân oan uổng, tổn hại trung lương” (hãm hại người khác một cách oan uổng, tổn hại trung lương). “Hãm” (陷) là vu hãm, hãm hại. “Oan” (冤) là oan khuất. “Uổng” (枉) là tà vạy. “Trung” (忠) là làm việc thận trọng, hạnh ngay thẳng, vì việc công quên việc tư. “Lương” (良) là hiền lành. Kẻ ác như thế ganh ghét người hiền, hãm hại người trung lương. Kẻ đó ắt lời nói xảo ngụy chẳng trung, a dua cầu lợi, phỉ báng người lương thiện, vu tội cho người, tâm khẩu bất nhất, nên kinh bảo: “Tâm khẩu các dị, cơ ngụy đa đoan” (Lòng, miệng khác nhau, mưu mẹo, xảo ngụy đa đoan).
Kẻ ác như thế đâu cần biết đến tôn, ty, thượng, hạ, nội, ngoại, thân, sơ; đối với ai nó cũng đều dối trá, lừa lọc cả nên mới bảo: “Tôn ty trung ngoại, cánh tương khi cuống” (Lừa dối hết cả tôn, ty, trong, ngoài).
“Sân khuể ngu si, dục tự hậu kỷ” (Nóng giận, ngu si, ham hậu đãi chính mình): Hai độc Sân và Si khiến cho tâm tham càng thêm tăng trưởng. Sách Hội Sớ viết: “Ba ác hỗ trợ nhau khiến tà dục lừng lẫy, ham hố tài vật của người khác chỉ muốn tom góp về cho mình nên bảo là ‘dục tự hậu kỷ”.
“Dục” (欲) là tham dục, tham ác. Kinh Duy Ma dạy: “Thân thục vi bổn, dục tham vi bổn” (Gì là gốc của cái thân? Dục tham là gốc). Sách Hội Sớ lại nói: “Biển dục sâu rộng chẳng biết chán đủ. Dẫu tôn quý hay thấp hèn, dầu nghèo hay giàu, không ai lại chẳng mong tom góp, chộn rộn, bôn ba, nên gọi là tham dục”.
Muốn chiếm hữu nhiều nên bảo là “dục tham đa hữu” (tham muốn có cho nhiều). Do tranh nhau lợi hại, tổn người ích mình nên bảo là “lợi hại, thắng phụ” (lợi hại, thắng bại).
Bởi thế “kết phẫn thành thù”. “Thù” (讐) là căm hận, thậm chí nhà tan, mạng mất, chẳng nề hà gì hết nên kinh bảo: “Phá gia vong thân, bất cố tiền hậu” (Tan nhà, mất mạng, chẳng quản trước sau).
“Tiền hậu” chính là nhân trước, quả sau. Sách Hội Sớ lại giảng: “Trước chẳng nề hà là đúng hay sai; sau chẳng quan tâm lời chê trách. Cũng nghĩa là trước đã chẳng hề xem xét tường tận, suy nghĩ cẩn thận; sau cũng chẳng ngại quỷ thần ngầm ghi chép. Hoặc cũng có thể hiểu là trước chẳng quan tâm đến tội nghiệp, sau chẳng tính đến quả báo trong tương lai”. Chỉ mong tranh thắng, chẳng sợ “lưỡng bại câu thương” (cả hai cùng thua thiệt, tổn thương). Chỉ cốt khoái ý, chẳng sợ tội báo đời tương lai. Chẳng quản ngại hết thảy, cứ tạo đủ các chuyện ác.
Từ câu “phú hữu xan tích” (tuy giàu có nhưng keo tiếc) trở đi, kinh nói đến cái tội keo kiệt. Dẫu là kẻ giàu có nhưng keo kiệt đã thành tánh nên “bất khẳng thí dữ” (chẳng chịu cho ra). “Thí dữ” (施與) là bố thí. Chẳng chịu đem tài vật thí cho người khác chính là do ái dục kiên cố nên bảo là “ái bảo tham trọng” (yêu quý, giữ rịt). Tâm tham sâu nặng nên bảo là “tham trọng” (tham lam nặng nề).
“Tâm lao, thân khổ, như thị chí cánh” (Tâm nhọc thân khổ cho đến khi chết) là trọn đời khổ sở, nhọc nhằn; cho đến khi chết đi rồi cũng chỉ là một mình mình đến, một mình mình đi “vô nhất tùy giả” (chẳng mang theo được gì). Gia Tường Sớ giảng: “Vô nhất tùy giả là chỉ mình thần thức ra đi, của cải bỏ lại cõi trần”, nghĩa là: Mọi thứ đều chẳng theo đi, chỉ có mỗi cái nghiệp tùy thân.
Những nghiệp thiện ác đã tạo lúc sống và cái quả phước hay họa do nghiệp cảm thành chẳng hề lìa bỏ mình nên bảo là “truy mạng sở sanh” (theo mạng mà sanh). Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Nghĩa là cái nhân thiện ác và cái quả họa phước đều đi theo mạng căn đến chỗ mình sẽ được sanh về”. “Truy” (追) là đi theo, theo đuổi. Bởi thế nên đời sau “hoặc tại lạc xứ, hoặc nhập khổ độc” (hoặc ở chỗ vui, hoặc vào nơi khổ độc). “Lạc xứ” là ba đường lành; “khổ độc” là ba ác đạo. “Khổ” (苦) là đau khổ, “độc” (毒) là độc họa. Ðau khổ cùng cực nên bảo là “khổ độc”.
Tiếp đó, Phật nói đến cái tội trộm cắp. “Kiến thiện tăng báng, bất tư mộ cập” (Thấy người lành thì ghét gièm, chẳng khởi lòng hâm mộ, mong được bằng). “Tăng” (憎) là ghét bỏ, “báng” (謗) là phỉ báng. Thấy điều lành của người chẳng những tâm không kính mộ; trái lại còn sanh tâm ghét bỏ, đơm đặt, phỉ báng. Hạng người như vậy chẳng có thiện niệm lẫn thiện hạnh, trong bụng toàn ôm ấp ý nghĩ xâm đoạt.
Chữ “悕望” chính là hy vọng; chỉ nghĩ cách tổn người lợi mình nên kinh nói: “Hy vọng tha lợi dụng tự cung cấp” (Mong mỏi hưởng cái lợi của người khác để cung cấp cho mình).
Của bất nghĩa dễ dàng đạt được nên cứ mặc tình tiêu xài hoang đàng cho nên nhanh chóng “tiêu tán”, lại bị kẻ khác cướp đoạt mất nên bảo là “tiêu tán, phục thủ” (tiêu tán, lại bị lấy mất). Bởi vậy, “thần minh khắc thức, chung nhập ác đạo” (thần minh ghi biết, rốt cuộc vào trong ác đạo).
“Thần minh” là như bản kinh Hoa Nghiêm dịch vào đời Tấn đã nói: “Như nhân tùng sanh, hữu nhị chủng thiên, thường tùy thị vệ, nhất viết Đồng Sanh, nhị viết Đồng Danh. Thiên thường kiến nhân, nhân bất kiến thiên” (Người ta sanh ra, có hai vị trời thường theo sát hai bên. Một vị tên là Ðồng Sanh, vị kia tên là Ðồng Danh. Hai vị trời ấy thường thấy người đó nhưng người đó chẳng thấy được trời). Hai vị thần như thế sanh chung với người nên gọi là “Câu Sanh Thần”. Kinh Dược Sư dạy: “Hữu Câu Sanh Thần, cụ thư tội phước, dữ Diêm La Vương” (Có thần Câu Sanh chép đủ tội phước trao cho vua Diêm La).
Sách Gia Tường Sớ cũng viết: “Hết thảy chúng sanh đều có thần: Một, tên là Ðồng Sanh; hai, tên là Ðồng Danh. Ðồng Sanh Nữ ở bên vai phải chép điều ác đã tạo. Ðồng Danh Nam ở bên vai trái chép điều thiện đã làm”.
Kinh Ngũ Giới cũng dạy: “Tam phú, bát giáo, nhất nguyệt lục tấu” (Ba lần bẩm, tám lần trình, một tháng sáu lần tâu lên).
Ngài Nghĩa Tịch nói: “Ðiều thiện ác đã làm chẳng những huân tập trong cái thức của mình mà còn được thiên thần ở ngoài ghi chép. Ghi ở cả hai nơi thì sai chạy nổi hay sao?”. “Hai nơi” là nội thức và thần minh bên ngoài.
Trong các thuyết trên, thuyết của ngài Nghĩa Tịch ổn thỏa nhất bởi Duy Thức nào trở ngại việc thần minh ghi chép; thần minh ghi chép cũng nào trở ngại “duy thức sở hiện”. Bởi đó, thuyết “trong ngoài cùng ghi” là thích hợp nhất.
Do tội báo theo mãi nên xoay vần trong tam đồ “lũy kiếp nan xuất, thống bất khả ngôn” (bao kiếp khó ra, đau đớn chẳng nói nổi). “Lũy kiếp” là nhiều kiếp.
Đoạn: “Tâm lao, thân khổ, như thị chí cánh” (Tâm nhọc thân khổ cho đến khi chết) là trọn đời khổ sở, nhọc nhằn; cho đến khi chết đi rồi cũng chỉ là một mình mình đến, một mình mình đi “vô nhất tùy giả” (chẳng mang theo được gì). Gia Tường Sớ giảng: “Vô nhất tùy giả là chỉ mình thần thức ra đi, của cải bỏ lại cõi trần”, nghĩa là: Mọi thứ đều chẳng theo đi, chỉ có mỗi cái nghiệp tùy thân.
Con người chúng ta có 8 thức, thì thức thứ tám là A lại da thức chứa đựng tất cả nghiệp thiện ác từ vô thỷ kiếp đến nay của chúng ta. Cho nên đời này con người tạo tác như thế nào thì đều lưu vô cái thức này, còn lại tất cả những gì thuộc về vật chất đều phải bỏ lại hết, chẳng mang theo được [vì là giả, không có chỗ chứa đựng]. Thế nhưng con người lại cả một đời chỉ ham tìm cầu những thứ không mang theo được này, còn những cái [bắt buộc] phải mang theo [nghiệp] thì lại không để ý tới, nguyên nhân là do không biết [hay cố tình không biết]. Dĩ nhiên còn sống là còn phải 'ăn, mặc, tiêu dùng...' , nên những nhu cầu vật chất này kia không thể không có, cái này chính là cái khó tu nơi cõi Ta Bà này. Vừa phải làm lụm để sống vừa phải ra sức hành trì, đường đời đường đạo phải song hành, dung thông lẫn nhau.
Chúng ta tu Tịnh nghiệp cầu sanh Cực Lạc, vậy có cần phải tích phước không? Dĩ nhiên là phải có rồi [nhưng không sa đà vào đấy]. Tích phước, tức là tu thiện, làm việc tốt, có lợi cho người, từ cả ba 'phương tiện' là thân, khẩu, ý. Mục đích là để làm gì vậy? Thứ nhất, chúng ta tích phước nhưng hoàn toàn không cầu ở phước báo thế gian, mà đều đem tất cả việc thiện lành này hồi hướng về Cực Lạc mà cầu sanh về, cả chánh nghiệp và trợ nghiệp, để tích công lũy đức, tạo tư lương Tịnh nghiệp, hoàn toàn không cầu phước báo nhân thiên hữu lậu. Thứ hai, việc tích phước làm lành cũng giúp 'sống tốt, tu tốt', vì dù gì hãy nhìn vào thực tế, nếu có điều kiện thì việc hành trì tu tập sẽ thuận tiện dễ dàng hơn, mặc dù đó không phải là yếu tố quyết định cho việc thành tựu [mà chính yếu là từ tâm lực hành trì của hành nhân cùng Pháp lực của Pháp môn, mà cảm Phật lực gia trì, tiếp dẫn]. Dĩ nhiên nếu có điều kiện thì việc độ sanh, làm các Phật sự này kia cũng dễ dàng thuận lợi hơn. Nói gì nói chứ, cũng phải 'có bột mới gột nên hồ', có điều kiện thì mới làm được những việc lớn lao, rộng khắp được, nhưng phước phần [chính xác đến đâu] là phải luận từ nơi tâm [dụng như thế nào]. Tuy nhiên, việc này là tùy phận tùy lực mà làm, tùy duyên, đừng phan duyên, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, không có thì khỏi làm, chuyên tâm dụng công niệm Phật, tùy hỉ công đức của người, đôi khi thành tựu lại còn nhanh chóng hơn.
Một vấn đề nữa, đó là hành giả Tịnh Độ thì tâm ít nhiều phải tương ưng với tâm Phật [không được trái nghịch] thì mới 'đi đúng đường, về đúng hướng'. Chứ còn mang cái tâm thích tổn hại chúng sanh [xấu, ác], hay không thích có lợi ích cho chúng sanh [hẹp hòi, đố kị, bất kính ...] cũng khó mà tiến tu trên đường đạo được. Vì vậy, Phật pháp nói chung, và Tịnh Độ nói riêng đều dạy chúng sanh phải "đoạn ác, tu thiện".
Phiền não tập khí của chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay vốn rất sâu nặng, không phải dễ dàng tiêu trừ, 'quét sạch' đi được, nhất là đối với hàng phàm phu chúng ta. Nó vốn nằm trong A lại da thức của chúng ta, mà Chư Phật nói "Nếu có hình tướng thì khắp hư không cũng không chứa đựng nổi". Nếu ai đoạn được nghiệp này [phiền hoặc] thì đã chứng Thánh quả rồi. Vì thế Pháp môn này 'cho phép' phàm phu chúng ta mang nghiệp đi [đới nghiệp vãng sanh]. Dĩ nhiên, hành giả Tịnh Độ, nói một lòng cầu vãng sanh để làm Phật độ chúng sanh, thì hành vi cử chỉ phải hướng về Phật Bồ tát mà học tập, noi theo, ngõ hầu ngày càng xích lại gần, tương ưng với các Ngài thì mới là chân thật hành trì vậy.
Những trích đoạn khác chúng ta cùng học tập theo chú giải của các Ngài.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 35. Trược Thế Ác Khổ
Ngài Hoàng Niệm Tổ