[Hết thảy] chúng sanh đều là diệu bảo vô giá
Nhất niệm tâm tánh của chúng sanh và chư Phật không hai. Tuy đang mê bất giác, khởi Hoặc tạo nghiệp, tạo đủ mọi tội, nhưng Phật tánh sẵn có vốn không tổn thất. Ví như Ma Ni bảo châu rớt trong nhà xí, trọn chẳng khác gì vật dơ, người ngu chẳng biết là quý báu, bèn coi như uế vật. Người trí biết là diệu bảo vô giá, chẳng hiềm ô uế, vào trong nhà xí nhặt lấy, dùng đủ mọi phương cách gột rửa cho sạch. Sau đấy, treo trên tràng cao, châu liền phóng đại quang minh, tùy theo lòng mong cầu của con người mưa khắp các thứ báu. Do vậy, người ngu mới biết là quý báu.
“Ba cõi không yên ví như nhà cháy..."
Đại Giác Thế Tôn xem các chúng sanh cũng giống như thế: dẫu là kẻ hôn mê, điên đảo, phiền hoặc, tạo đủ Ngũ Nghịch, Thập Ác, vĩnh viễn đọa trong ba ác đạo, tâm Phật vẫn chẳng hề có một niệm buông bỏ, luôn tìm cơ duyên, gia bị âm thầm hoặc hiển nhiên, vì họ thuyết pháp ngõ hầu họ hiểu rõ Hoặc nghiệp huyễn vọng, ngộ Phật tánh chân thường, cho đến khi viên chứng Vô Thượng Bồ Đề mới thôi! Đối với người tội ác cực nặng còn như thế, thì đối với người nghiệp nhẹ, người giữ giới thiện, có đầy đủ sức Thiền Định sâu, không một ai chẳng được đối xử như vậy. Phàm trong tam giới, có những người tuy đã thâu liễm được thân tâm, khuất phục được các phiền hoặc, nhưng tình chủng vẫn còn, phước báo một khi đã hết liền đọa xuống cõi dưới, gặp cảnh chạm duyên vẫn khởi Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp cảm khổ, luân hồi sáu nẻo, trọn chẳng có lúc nào ngưng; cho nên kinh Pháp Hoa nói: “Ba cõi không yên ví như nhà cháy. Các khổ đầy dẫy, thật đáng kinh sợ”. Nếu không phải là nghiệp tận tình không, đoạn Hoặc chứng Chân thì chẳng mong chi thoát khỏi tam giới. Chỉ có mỗi một mình pháp môn Tịnh Độ chỉ cần có đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật liền có thể nhờ vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh bèn nhập cảnh giới Phật, thọ dụng như Phật, hai thứ phàm tình lẫn thánh kiến đều chẳng sanh. Chính là pháp môn đặc biệt ngàn vạn phần ổn thỏa, thích đáng, chẳng sót một ai vậy; đang thời Mạt Pháp, bỏ pháp này thì không còn cách gì khác nữa.
Tùy nghi phương tiện độ sanh
Như Lai dùng tự lực - tha lực, hai thứ pháp môn thông thường và đặc biệt để lợi khắp hết thảy. Bồ Tát gánh vác gia nghiệp của Phật, chỉ chuyên chú thượng cầu hạ hóa. Do vậy, tùy loại hiện thân trong pháp giới mười phương, tùy cơ thuyết pháp, hòa quang đồng sự mới dẫn dắt được. Hoặc ẩn, hoặc hiển, trọn không có tướng nhất định! Có những vị bên trong ẩn thánh đức, bề ngoài hiện dáng vẻ lạ lùng, như: Phật Di Đà hóa làm Thiện Đạo, Phong Can(1) ; Quán Âm hóa làm Bảo Chí, Tăng Già; Văn Thù, Phổ Hiền hóa thành Hàn Sơn, Thập Đắc(2); Di Lặc hóa thành Bố Đại hòa thượng. Ngôn hạnh của họ phàm tình chẳng thể lường được, mờ mịt chẳng biết họ là hạng người như thế nào! Đến lúc lâm chung mới phát lộ, hoặc do chết đi, khám nghiệm mới biết rõ được! Cũng có vị vừa ẩn vừa hiển, chỉ bày rõ cả Bổn lẫn Tích, như Di Lặc hóa thành Phó Đại Sĩ vậy. Có lúc Ngài dựa theo Tích, ẩn Bổn, tự bảo mình là phàm phu. Có lúc dựa theo Bổn, ẩn Tích, như tự xưng là Di Lặc. Ấy là vì tâm lượng của chúng sanh quá hẹp nhỏ, nếu chẳng phải là kẻ có chút sở đắc bèn lầm tưởng mình đã dự vào hàng thánh thì cũng là kẻ đề cao thánh cảnh, nhưng cam phận phàm ngu! Do vậy, Đại Sĩ lấy thân mình làm gương, khiến cho họ biết Ngài đã chứng Đẳng Giác nhưng vẫn tự bảo là phàm phu thì những kẻ lầm lạc tự tưởng mình cao quý cũng như kẻ cam phận phàm ngu đều được tỉnh ngộ mạnh mẽ.
Đức đượm đời sau
Những chuyện Đại Sĩ đã làm, những pháp Ngài nói trong suốt một đời tuy đều trực chỉ hướng thượng, nhưng vẫn chẳng bỏ sót một điều lành nào. Lục Độ đều tu, chẳng chấp một pháp. Còn như những vị đệ tử học pháp với Ngài, không ai chẳng khế nhập chân thường sâu xa, nhanh chóng hiểu Uẩn, Giới là không, bỏ thân mạng, của cải để làm đại pháp thí. Vì thế, đạo lừng lẫy cả hai triều, đức đượm đời sau. Mãi đến ngày nay, cả một ngàn mấy trăm năm, bất cứ ai thấy nghe đều gieo thiện căn. Chùa Song Lâm ở Nghĩa Ô chính là nơi Đại Sĩ tiềm tu, hãy còn bản khắc ván truyện lục, tuy được sao chép, in khắc nhiều lần, nhưng chưa từng được người mắt sáng giảo đính đến nỗi sai ngoa không biết bao nhiêu mà kể!
Gắng dốc cạn lòng 'ngu thành'
Cư sĩ Tôn Ngọc Tiên ở Phụng Hóa đến Song Lâm lễ yết Đại Sĩ, mang về sách ấy, liền muốn in lại để truyền rộng đạo của Đại Sĩ, xin Quang giảo đính ngõ hầu trừ hết những lỗi tệ, hiển hiện trọn vẹn thiên chân. Quang gắng dốc hết lòng ngu thành, lắng lòng giảo đính, sửa chữa. Tuy chưa thể chẳng sót lỗi nào, nhưng đã có thể hoàn lại diện mục sẵn có của sách ấy rồi. Ngọc Tiên lại cho rằng bi ký của Đại Sĩ văn sâu nghĩa thẳm, nếu không chú thích thật khó dẫn người nhập vào chỗ thù thắng, khơi gợi lòng kính ngưỡng cho người khác, bèn xin cư sĩ Hoàng Vô Ngôn chú thích cặn kẽ, ngõ hầu dù văn hay nghĩa đều [rõ ràng] như các đường chỉ trong lòng bàn tay để người đọc chẳng tốn công suy nghĩ, tìm tòi, đều biết được sự - lý, bổn - tích của Đại Sĩ, để làm hướng dẫn hầu được độ thoát trong ba hội Long Hoa(3) vậy.
_________________________________________________
(1) Phong Can là một vị Tăng sống vào thời Đường, giỏi làm thơ, cùng Hàn Sơn và Thập Đắc được gọi là Quốc Thanh Tự Tam Ẩn (ba vị ẩn dật chùa Quốc Thanh). Sư để tóc dài rũ ngang mày, mặc áo vải, thân cao hơn bảy thước (Tàu). Thoạt đầu sống tại chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai, ngày lo giã gạo, đêm ngâm vịnh, nói năng không câu nệ, đa phần thường là những lời huyền ký. Nếu ai tò mò hỏi đến chỉ đáp hai chữ “tùy thời”. Sư từng ca hát nghêu ngao, có lần cưỡi hổ chạy vào chùa khiến chúng Tăng kinh sợ. Vào thời Tiên Thiên (712-713), Sư lên Kinh Triệu (Trường An) hoằng hóa, từng trị bệnh cho ông Lư Khưu Dận. Do sự chỉ điểm của Sư, ông Lư từng đến tham phỏng hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc. Theo Truyền Đăng Lục, ông Lư tìm đến chùa Quốc Thanh thấy Hàn Sơn, Thập Đắc cười hi hí, lộ vẻ ngây ngô, bất giác phục xuống lễ. Vị Tri Khách tăng kinh ngạc: “Sao đại quan lại lễ hai gã cuồng vậy?” Hàn Sơn nắm tay họ Lư cười hề hề: “Phong Can lắm miệng quá! Lễ ta làm chi!” Nắm một lúc thả ra, rồi Hàn Sơn, Thập Đắc nắm tay nhau chạy ra khỏi cửa chùa, không bao giờ trở lại nữa. Sự tích ghi chép về ngài Phong Can không nhiều, không rõ Sư thị tịch năm nào, hiện chỉ còn mấy bài thuộc tập Phong Can Thi và một số bài thơ chép trong tập Hàn Sơn Thi Tập.
(2) Hàn Sơn: Ẩn sĩ đời Đường, sống trong hang tối ở rặng Hàn Nham cách núi Thiên Thai của tỉnh Chiết Giang 14 dặm, không ai rõ họ tên Ngài nên gọi theo chỗ ở thành tên Hàn Sơn. Hàn Sơn thường đến chùa Quốc Thanh bầu bạn với sư Thập Đắc. Sư Thập Đắc trông nom trai đường chùa này. Cơm thừa thức ăn dư của đại chúng bỏ lại, sư Thập Đắc thâu thập, đựng trong một cái giỏ trúc đợi Hàn Sơn đến cùng ăn. Hàn Sơn hình dung xốc xếch, dáng vẻ điên rồ. Đến chùa Quốc Thanh có lúc đi thong dong, có khi chạy đuổi người, có lúc ngửa mặt lên không quát mắng. Tăng chúng bực bội, ùa ra xua đuổi, bèn uốn mình vỗ tay, cười ha hả bỏ chạy. Ngài mặc áo rách nát, hình dung tiều tụy, lấy vỏ cây làm mũ, chân đi guốc gỗ to. Thích ngâm thơ xướng kệ, lời lẽ ngập tràn đạo vị. Khi thứ sử Thai Châu là Lư Khưu Dận đến bái phỏng, ngài cùng sư Thập Đắc bỏ trốn. Lư đuổi theo đến Hàn Nham tặng quần áo, thuốc men. Ngài hét to: “Giặc! Giặc! Ta trốn giặc!” Rồi ẩn mình vào hang, lại nói: “Báo với các ông, hãy nên nỗ lực!” Hang đá bèn tự đóng kín lại, không còn thấy dấu tích chi nữa. Sư Đạo Kiều tìm những di vật của Ngài chỉ tìm được hơn một trăm bài thi tụng, bèn sao chép, ấn hành đặt tên là Hàn Sơn Thi. Theo truyền thuyết, các vị Linh Sơn Quy Hựu, Triệu Châu Tùng Thẩm đều đã từng đàm luận Phật pháp với ngài Hàn Sơn.
Như trên đã nói, ngài Thập Đắc là một vị ẩn tăng trông coi trai đường chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai vào đời Đường, không tường nguyên quán, họ tên. Ban đầu, hòa thượng Phong Can trên đường đi Xích Thành gặp một đứa trẻ bị bỏ rơi bèn đem về Quốc Thanh nuôi dưỡng, đặt tên là Thập Đắc (nhặt được). Đến lớn, sai trông coi hương đăng. Một ngày nọ, Sư lên tòa ngồi đối diện tượng Phật ăn uống như bè bạn, gọi Kiều Trần Như là tiểu quả Thanh Văn, coi như chỗ không người, Tăng chúng xua đuổi, bãi chức Hương Đăng, đuổi xuống trông coi trù phòng. Bình thường, Sư luôn làm ra vẻ điên cuồng, chia cơm thừa canh cặn cùng Hàn Sơn. Trong chùa có miếu thờ thần bảo vệ Già Lam, mỗi ngày cúng chim cho thần làm thức ăn. Thập Đắc bèn dùng gậy đánh tượng thần: “Ngươi chỉ biết ăn, không biết có bảo vệ, giữ yên cho chùa hay không?” Tối ấy, thần báo mộng cho toàn thể Tăng chúng trong chùa: “Thập Đắc đánh ta!” Sáng ra, cả chùa kể chuyện nằm mộng giống nhau, mới biết Thập Đắc không phải là người thường.Trong lúc Tăng chúng tụ tập bố-tát (tụng giới), Thập Đắc xua trâu chạy vào Tăng đường, nói: “Ta không thả trâu. Bầy trâu này đa số là người giữ chức tước trong chùa này”. Rồi gọi pháp danh những vị Tăng đã mất, gọi tên nào, con trâu ấy theo tiếng gọi ngoan ngoãn đi đến. Cả chùa sững sờ. Đời Thanh, năm Ung Chánh 11 (1733), vua phong tặng Hàn Sơn là Hòa Thánh, Thập Đắc là Hợp Thánh. Tục gọi là Hòa Hợp Nhị Thánh, dân chúng hay tạc tượng hai vị để cầu may.
(3) Khi Bồ Tát Di Lặc thành Phật, Ngài thành đạo dưới cội Bồ Đề. Cây ấy có những nhánh cây trông giống hình dáng con rồng phun ra những đóa hoa nên gọi là cây Long Hoa. Ngài sẽ thuyết pháp trong ba hội độ vô lượng chúng sanh nên gọi là Long Hoa Tam Hội.
Ảnh: Tranh Bố Đại Hòa Thượng - một hóa thân khác của Di Lặc Bồ Tát
Đoạn đầu: Nhất niệm tâm tánh của chúng sanh và chư Phật không hai. Tuy đang mê bất giác, khởi Hoặc tạo nghiệp, tạo đủ mọi tội, nhưng Phật tánh sẵn có vốn không tổn thất...
Hết thảy chúng sanh đều sẵn có Phật tánh, đều là "Phật sẽ thành", sẽ thành Phật [nhưng không biết bao giờ!]. Thế nên chúng ta chớ nên xem thường, dù chỉ là côn trùng, kiến, gián... phải biết quý tiếc sinh mạng chúng sanh. Hơn nữa, tất cả chúng sanh đều là cha mẹ, người thân ta trong quá khứ, nên cần được thương yêu, phóng sanh, hộ sanh. "Phật thương chúng sanh còn hơn cha mẹ thương con", chúng ta là đệ tử Phật, cần phải học tập, noi theo.
Đoạn tiếp theo: Cho nên kinh Pháp Hoa nói: “Ba cõi không yên ví như nhà cháy. Các khổ đầy dẫy, thật đáng kinh sợ”. Nếu không phải là nghiệp tận tình không, đoạn Hoặc chứng Chân thì chẳng mong chi thoát khỏi tam giới. Chỉ có mỗi một mình pháp môn Tịnh Độ...
Đức Phật ngài dùng Phật nhãn soi chiếu thấy khắp ba cõi trong Tam Giới chẳng khác gì nhà lửa. Cho dù đang ở cõi Trời đi nữa thì cũng có ngày hết phước lại 'rớt' xuống dưới, có người 'rớt' từ từ, có vị vừa hết phước [hữu lậu] là lao thẳng vào Địa Ngục luôn [do tội - phước xoay vầng, duyên nào đến trước sẽ trổ quả trước]. Thật đáng kinh sợ! Chúng ta đang thân người đây, nếu không dốc lòng cầu đạo, một khi hết thọ mạng, không biết sẽ đi đâu về đâu nữa? Đa số là 'đi xuống', rất ít được thăng lên hoặc đi ngang [trở lại làm người], rất ít. Rồi dạng 'một đi không trở lại' cũng nhiều không đếm xuể, thật chẳng biết đâu mà lường nữa. Thôi đời này được cái thân [tàn] này, coi bộ vậy mà quý lắm đấy, cố gắng 'sử dụng' nó làm phương tiện để ra sức tu tập, giải quyết cho xong trách nhiệm [cho mình và người] đối với huệ mạng của mình, liễu thoát sanh tử, vãnh sanh Cực Lạc. Vãng sanh thành Phật ấy chính là nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi chúng sanh vậy. Độ mình độ người, tự lợi lợi tha. Phương tiện, phương pháp [được thân người, gặp Tịnh Độ]... tất cả đều đã hội tụ đầy đủ, vấn đề của chúng ta là có quyết tâm thực hiện cho kỳ được hay không mà thôi? Nếu quả thật quyết tâm đến cùng, đảm bảo ắt đều được sở nguyện như ý, bởi Phật 'luôn' nói rằng, đây là Pháp môn "một đời thành tựu", Chư Tổ Sư cũng luôn nói rằng "vạn người như một, chẳng sót một ai". Thật sự mà nói, đi sâu vào Pháp môn này chúng ta mới thấy, việc thành tựu đối với Pháp môn này không phải là quá khó, vượt tầm với [cho hàng phàm phu chúng ta] gì đâu. Hoàn toàn không! Xin khẳng định lại như vậy. Mỗi chúng ta đều có phần [có vé], miễn là chúng ta thật sự tâm huyết, kiên nhẫn đến cùng, đừng bao giờ bỏ cuộc giữa chừng [dù có 'lên bờ xuống ruộng' gì chăng nữa], thì nhất định Phật sẽ cứu [rước] chúng ta mà thôi. Hãy tin tưởng vào Phật lực cứu độ, nương cậy vào Phật lực [không cần phải khách sáo gì ở đây, Phật thương chúng ta còn hơn cha mẹ thương con!]. Chứ còn ở cái cõi này thì... thật sự có gì nữa đâu, 'mấy mươi năm cuộc đời' rồi cũng chóng qua thôi, chúng ta cố gắng sống tốt [đời, đẹp đạo], để tu tốt, giúp mình giúp người cùng tiến tu để cùng giải thoát, cùng được hội ngộ nơi trời Tây, một cõi nước vô cùng xinh đẹp, an vui, vĩnh viễn...
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa sách Phó Đại Sĩ Truyện Lục
Đại Sư Ấn Quang