Bồ Tát vào trong sanh tử hàng phục ma quân thì lấy thệ nguyện sâu rộng của chính mình làm giáp trụ. Do cái tâm hoằng thệ cứng rắn hơn sắt đá nên có thể dùng tâm ấy xông vào trận sanh tử.
Với những kẻ được giáo hóa, kinh nói “giai phát tín tâm” (đều khiến [cho các hữu tình] phát tín tâm); ấy là do tín tâm là nguồn đạo, là mẹ của công đức vậy.
Bản Tiểu Bổn kinh này nói: “Vị chư chúng sanh, thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi pháp” (Vì các chúng sanh nói pháp hết thảy thế gian khó thể tin nổi này). Ðó là vì pháp môn Tịnh Ðộ cực viên, cực đốn, siêu tình ly kiến nên Tịnh Ðộ là pháp mà hết thảy thế gian khó tin tưởng được nổi. Kinh Tiểu Bổn còn chép: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức, Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Khen Ngợi Công Ðức Chẳng Thể Nghĩ Bàn, Ðược Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này) và: “Nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết” (Các ông đều nên tin nhận lời ta và lời chư Phật nói). Do đó, bậc Ðại Sĩ cõi Cực Lạc khi hoằng hóa trong thập phương đều lấy việc phát khởi lòng tin làm đầu.
Do ba bậc vãng sanh đều phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm nên câu “tu Bồ Ðề hạnh” gồm hai ý nghĩa trọng yếu: Phát Bồ Ðề tâm và chuyên niệm. Tu Bồ Ðề đại hạnh ắt phải do phát khởi Bồ Ðề đại tâm, mà trong Bồ Ðề hạnh thì nhất hướng chuyên niệm là quan trọng bậc nhất. Hết thảy Bồ Tát tu trọn muôn điều lành, nhưng các vị Bồ Tát trong Thập Địa, dù ở địa vị nào vẫn chẳng hề rời bỏ việc niệm Phật.
Hơn nữa, Phổ Hiền Bồ Tát là bậc nhất trong các vị đại hạnh Bồ Tát, nên phải giáo hóa hết thảy hữu tình “hành Phổ Hiền đạo”. Khuê Phong đại sư giảng chữ Phổ Hiền như sau: “Một là xét trên tự thể: Thể tánh trọn khắp là Phổ, tùy duyên thành đức là Hiền. Hai là xét trong các địa vị thì trọn khắp tất cả không sót là Phổ, gần bằng với bậc đại thánh (Phật) là Hiền. Ba là xét về đương vị (địa vị đang chứng đắc): Đức không gì chẳng trọn vẹn là Phổ; điều phục, hòa nhã, thiện thuận là Hiền”. Vì vậy, trong kinh này, các vị đại Bồ Tát cùng đến tham dự pháp hội đều tuân tu đức hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ. Phổ Hiền đức chính là mười đại nguyện vương dẫn dắt về Cực Lạc, là đức tự lợi lợi tha chẳng có cùng tận. Ðại Sĩ cõi Cực Lạc chính mình đã tu hành Phổ Hiền hạnh đức lại còn dạy chúng sanh cõi khác cùng thực hành Phổ Hiền đạo.
Các vị Ðại Sĩ như vậy của cõi Cực Lạc mặc giáp hoằng thệ, vào trong biển sanh tử, “tuy sanh tha phương thế giới” (tuy sanh trong những thế giới ở phương khác) hoặc hiện thân trong uế độ, nhưng được nguyện lực của Phật Di Ðà gia trì nên “vĩnh ly ác thú” (vĩnh viễn thoát khỏi ác đạo). Mỗi vị tùy theo ý mình thích mà thuyết pháp, hoặc nghe pháp, hoặc hiện thần thông v.v... “tùy ý tu tập” đều được viên mãn. Chúng sanh được họ giáo hóa cũng đều chí tâm tin ưa, cầu sanh Tịnh Ðộ, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ