Chánh kinh:
Nhất tử nhất sanh, điệt tương cố luyến, ưu ái kết phược, vô hữu giải thời, tư tưởng ân hảo, bất ly tình dục. Bất năng thâm tư thục kế, chuyên tinh hành đạo. Niên thọ toàn tận, vô khả nại hà.
Một chết, một sống, bịn rịn, luyến tiếc nhau. Ưu khổ thắt buộc, không lúc nào tháo nổi. Nghĩ tưởng [những niềm] ân ái, yêu mến, chẳng lìa tình dục, chẳng thể suy sâu nghĩ chín, chuyên ròng hành đạo. Tuổi thọ chớp mắt là hết, biết làm sao đây!
Giải:
Người đời ngu si, tham ái, chẳng biết muôn sự trong đời đều như huyễn mộng, như hoa đốm trên không, lầm tưởng thật có; nào hay vô thường vùn vụt, chẳng thể giữ mãi nổi. Lúc sanh càng yêu mến, lúc chết càng bội phần xót xa. Lúc mất: Kẻ còn sống thương xót thân nhân từ nay vĩnh biệt; kẻ chết thương mình ra đi vĩnh viễn, lưu luyến nhau khó thể bỏ nổi, như mũi dao xoáy vào tim. Bởi thế, kinh nói: “Nhất tử nhất sanh, điệt tương cố luyến” (Một sống, một chết, bịn rịn, luyến tiếc nhau).
Những ân ái xưa kia nay thành ưu khổ, hai điều này trói buộc thân tâm như dây thắt chặt mối, chẳng thể thoát ra nổi nên kinh bảo: “Ưu ái kết phược, vô hữu giải thời” (Lo khổ, yêu thương thắt buộc, chẳng lúc nào tháo ra nổi). Mà “kết phược” chính là phiền não. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương chép: “Phiền não, ám Hoặc (phiền não si ám) trói buộc hành nhân nên gọi là Kết. Nó lại ràng buộc cái tâm nên gọi là Kết vì nó kết tập hết thảy sanh tử”. Như vậy, vướng vít vào tình ái thì liền bị sanh tử buộc ràng, chẳng có lúc nào thoát khỏi.
“Tư tưởng ân hảo” (Nghĩ tưởng [những điều] ân ái, yêu thích): Xét tận cội nguồn, những điều người đời yêu quý thật sự là do tình dục mà chẳng biết rằng: “Dục là cội khổ”, “thuần tình ắt đọa”. Nếu đối với những điều ấy, ta chẳng thể “thâm tư thục kế” (suy sâu, nghĩ chín) để nhất tâm tu đạo hòng cầu giải thoát thì nháy mắt vô thường xộc đến, thọ mạng chấm dứt, đến lúc ấy, làm sao bươn bả, kêu van gì nổi! Mạng người trong hơi thở nên kinh mới bảo: “Niên thọ toàn tận” (Tuổi thọ chớp mắt là hết). “Toàn tận” (旋盡) là nháy mắt đã hết.
Chánh kinh:
Hoặc đạo giả chúng, ngộ đạo giả thiểu, các hoài sát độc, ác khí minh minh. Vi vọng hưng sự, vi nghịch thiên địa. Tứ ý tội cực, đốn đoạt kỳ thọ. Hạ nhập ác đạo, vô hữu xuất kỳ.
Kẻ lầm lẫn nơi đạo rất nhiều, kẻ ngộ đạo lại ít. Ai nấy ôm lòng sát hại, độc ác, ác khí mịt mù, làm chuyện sái quấy trái nghịch thiên địa, mặc tình phóng túng tạo tội cùng cực; tuổi thọ chợt bị đoạt mất, lọt xuống ác đạo chẳng có thuở ra.
Giải:
Ðoạn kinh này giảng về cái họa do từ si mê mà khởi lên sân hận. Trong ba ác nghiệp, sân nghiệp là nhân của địa ngục. Có câu: “Nhất điểm sân tâm hỏa, năng thiêu công đức lâm” (Một đốm lửa sân tâm thiêu trụi rừng công đức). Người đời ít kẻ tỉnh ngộ chánh đạo, lắm kẻ mê hoặc nên lòng luôn ôm ấp ý giết hại, độc địa, tàn hại mạng người khác. Ác khí hừng hực, từ chỗ tối vào trong chỗ tối nên kinh mới nói “ác khí minh minh” (ác khí mịt mù).
“Minh minh” (冥冥) lại có nghĩa là tối tăm, vô tri, đêm tối. Làm cái gì cũng sai lầm nên kinh bảo “vi vọng hưng sự” (làm chuyện sái quấy), bởi thế mới “vi nghịch thiên địa” (trái nghịch thiên địa). Ngài Gia Tường bảo: “Trên chẳng thuận lòng trời, dưới nghịch ý Diêm La vương”.
Mặc lòng tạo ác như thế nên kinh bảo là “tứ ý” (恣意: mặc tình phóng túng). Suốt ngày tạo tội ngập trời nên bảo là “tội cực” (tội cùng cực). Bởi đó, bị tội nghiệp lôi kéo nên chẳng đợi đến khi tuổi thọ hết đã bị mất mạng “hạ nhập ác đạo” (rớt xuống ác đạo).
“Ðoạt” (奪) là cưỡng lấy, làm cho mất hẳn đi. Mạng sống đột ngột bị mất đi nên mới nói là: “Đốn đoạt kỳ thọ” (Tuổi thọ chợt bị đoạt mất). Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Do si khởi sân, tàn hại lẫn nhau, ai nấy ôm lòng giết chóc. Ác độc, ác khí mù mịt, làm các điều quấy”.
Ngài lại bảo: “Kẻ tạo tội ác do sức túc nghiệp sẽ tự nhiên chiêu cảm ác duyên phi pháp, thuận theo [những ác duyên ấy] mặc sức tạo tội. Cho đến khi tội tới mức cùng cực sẽ đọa ác đạo, chịu khổ vô cực”.
Ý nói: Người đời do ngu si nên sanh tâm sân hận mà giết chóc, tàn hại lẫn nhau, mặc tình làm ác; ôm lòng độc ác, chỉ làm các điều xằng bậy. Kẻ tạo tội như thế do nghiệp lực tội ác của đời trước sẽ mặc sức làm ác. Tới khi sự ác ngập đầu, quả báo ắt sẽ hiển hiện nên đột nhiên bị chết mất đi, đọa lạc trong ba ác đạo, chịu lấy quả báo chẳng có cùng cực, không biết khi nào mới thoát nổi nên kinh nói: “Vô hữu xuất kỳ” (Chẳng có thuở ra).
Đoạn đầu: Người đời ngu si, tham ái, chẳng biết muôn sự trong đời đều như huyễn mộng, như hoa đốm trên không, lầm tưởng thật có; nào hay vô thường vùn vụt, chẳng thể giữ mãi nổi. Lúc sanh càng yêu mến, lúc chết càng bội phần xót xa. Lúc mất: Kẻ còn sống thương xót thân nhân từ nay vĩnh biệt; kẻ chết thương mình ra đi vĩnh viễn, lưu luyến nhau khó thể bỏ nổi, như mũi dao xoáy vào tim. Bởi thế, kinh nói: “Nhất tử nhất sanh, điệt tương cố luyến” (Một sống, một chết, bịn rịn, luyến tiếc nhau).
Đức Phật dùng Phật nhãn soi chiếu thì khắp phàm tình thế gian này chẳng có gì Ngài chẳng thấu tỏ. Ở đây Ngài nói về chuyện sinh ly tử biệt trong thế gian, “Nhất tử nhất sanh, điệt tương cố luyến” (Một sống, một chết, bịn rịn, luyến tiếc nhau), cả kẻ sống người chết gì [nếu chẳng liễu đạo] thì cũng đều bịn rịn, luyến tiếc nhau cả. Thế gian phàm tình thì chỉ thấy được một nửa [người sống], còn người mất thì không thấy, nên thường chúc nhau như: R.I.P [hãy yên nghĩ], yên nghỉ nơi suối vàng, hẹn gặp trên Thiên đàng,... Trong khi người mất một khi lúc bình thời chẳng liễu đạo thì cũng bịn rịn, luyến tiếc nhau và chẳng nỡ lìa xa nhau được [khó siêu thoát]. Cho nên, nếu họ bị [kẹt] trong tình cảnh như vậy, thì nhiệm vụ của thân quyến là phải khai thị, giúp đỡ về đường tâm linh, giúp họ hiểu đạo [quy luật vô thường] mà buông bỏ mọi tình chấp, một lòng cùng con cháu, thân quyến hành đạo cầu giải thoát. Nếu người mất đã lâu [chưa siêu thoát] thì con cháu một mặt khuyên lơn, khuyến tấn [họ tu đạo] một mặt dùng công đức tu trì của chính mình tận lực hồi hướng cho họ, giúp họ được vãng sanh, liễu thoát sanh tử, hoặc ít ra thì cũng thoát khỏi ba đường khổ, tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp hơn.
Ấy là nói về người đã mất [mới mất hay đã lâu], ở đây Đức Phật muốn khuyên nhắc chúng ta, những người còn đây, rằng phải "suy sâu nghĩ chín, chuyên ròng hành đạo", đây mời là điều quan trọng nhất. Khi còn sinh mạng đây hãy nên tu rốt ráo, chớ để chần chừ, bởi một khi vô thường ập đến, sẽ trở tay không kịp, mọi sự đã quá muộn màng, thật sự đã quá khó khăn, không thể chủ động được nữa.
"Ái bất nhiễm bất sanh Ta Bà", cõi này có nam và nữ, bao nhiêu rắc rối, phiền phức, nhiều nỗi khổ, nhiều niềm đau, vui thì ít mà khổ thì nhiều, lành thì ít mà dữ [ác] thì dẫy đầy. Thế nên Phật khuyên chúng sanh hãy nên suy nghĩ chín chắn [mà buông bỏ, đừng tham đắm], dốc lòng cầu đạo hòng liễu thoát khỏi con đường sanh tử hung hiểm này. Luyến ái là cái gốc của sanh tử, cho nên [sớm muộn gì] chúng ta cũng phải 'giải quyết' cho triệt để vấn đề này, ngõ hầu một đời này được thành tựu đạo nghiệp giải thoát. Dĩ nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chúng ta nên tùy duyên mà tu đạo, trong cái thuận nó có cái nghịch và ngược lại, chúng ta không nên cứng nhắc hay phan duyên kẻo làm chướng ngại con đường tu đạo của chúng ta. Vấn đề của mỗi người [chính yếu là] phải tự giải quyết lấy, tu hành là việc cả đời, chúng ta không nôn nóng gấp gáp, cũng không trì hoãn, giải đãi. Điều quan trọng là hãy biến tình cảm [luyến ái] xưa kia thành tình yêu thương trí tuệ từ bi trong đạo, ngõ hầu tất cả 'gia quyến' đều trở thành 'gia đạo', đồng tham đạo hữu của nhau, cùng nắm tay dìu dắt nhau trên bước đường tu đạo cầu giải thoát. Ngõ hầu cùng hội ngộ gặp gỡ [mãi mãi] nơi cõi An Lạc.
Đoạn Kinh văn tiếp theo, Đức Phật nói về sát nghiệp nói riêng và ác nghiệp nói chung của thế gian "Ai nấy ôm lòng sát hại, độc ác, ác khí mịt mù, làm chuyện sái quấy trái nghịch thiên địa". Sát nghiệp, ác nghiệp cố kết tạo thành ác khí mịt mù, "trái nghịch thiên địa", như Ngài Gia Tường bảo: “Trên chẳng thuận lòng trời, dưới nghịch ý Diêm La vương”.
Sát nghiệp ở đây Đức Phật ngài nêu có thể hiểu là cả tàn sát lẫn nhau [chiến tranh, binh đao, giết chóc] và việc sát sanh, hại vật, ăn thịt... Một khi đã tạo nghiệp [cùng cực, chẳng ngớt] ắt sẽ bị 'Diêm Vương tính sổ' ngay [đoạt lấy thọ mạng]. Rồi "Hạ nhập ác đạo, vô hữu xuất kỳ [lọt xuống ác đạo chẳng có thuở ra]". Vấn đề này chúng ta đã đề cập khá nhiều rồi, nhân nào thì quả nấy, 'bụng làm thì dạ chịu thôi'. Lợi ích giữa người biết đạo [và biết tu] và người không, thế gian nhìn bên ngoài chắc cũng không tỏ mấy, thấy cũng cùng sống chung nhà, cùng ăn [chung mâm, nhưng rau thịt khác nhau], thấy cùng 'sánh đôi', có vẻ chẳng khác gì mấy. Nhưng một khi thọ mạng đến chúng ta mới thấy rõ sự khác biệt là như thế nào! Kẻ thăng lên, người đọa xuống, kẻ xuất ly Tam giới người thọ vào Tam đồ, kẻ vãng sanh đi làm Phật người ngụp lặn triền miên trong biển khổ. Một trời một vực vậy! Thế nên, quan trọng là [đã hữu duyên] hãy cố gắng giúp nhau cùng hiểu đạo, cùng tu cùng giải thoát [khi hãy còn có thể].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 33. Khuyến Dụ Sách Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ